DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 10/06/2016 gồm cập nhật vĩ mô, ACB, HPG, VCG, HHS, TLH, AAA

Lượt xem: 13,789 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

VN-Index chiều nay đóng cửa trong sắc xanh, ghi được 3,39 điểm (tương đương tăng 0,54%) lên 631,26 điểm.

Đồ thị VN-Index ngày 09/06/2016

Đồ thị VN-Index ngày 09/06/2016. Nguồn: Amibroker

VN-Index vượt lên trên vùng cản 528 điểm bằng cây nến xanh dài có giá đóng cửa trùng với giá cao nhất phiên. Thanh khoản tiếp tục được duy trì ở trên mức trung bình 10 phiên trong khi độ rộng tăng điểm vẫn có được sự lan tỏa khá tốt. Diễn biến trên đang thể hiện sức mạnh tăng điểm của thị trường với sự dịch chuyển luân phiên của dòng tiền vào các nhóm cổ phiếu. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục cho thấy sự lạc quan, tin tưởng vào xu hướng tăng điểm của chỉ số trong ngắn hạn khi giá mua tại các vùng hỗ trợ được đẩy lên cao dần.

Về mặt xu hướng, dải BB đang có xu hướng thắt hẹp trong bối cảnh đường Momentum đang dao động quanh ngưỡng 100, còn đường ADX vẫn nằm dưới ngưỡng 25. Điều này có thể khiến chỉ số cần thêm nhịp dao động tích lũy quanh đường SMA20 trước khi kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá để hướng đến vùng kháng cự mạnh hơn 635-640 điểm trong thời gian tới. Sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm chỉ báo dao động và đường MFI sẽ là nhân tố hỗ trợ cho diễn biến của đường giá. Bên cạnh đó, chỉ báo MACD đã chớm cắt lên đường tín hiệu. Nếu chỉ báo này tiếp tục nới rộng khoảng cách với đường tín hiệu và vượt lên ngưỡng 0 thì sẽ làm tăng độ tin cậy về khả năng chỉ số sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự mạnh quanh 640 điểm.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai (10/06/2016), chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục duy trì đà tăng và hướng về mức kháng cự 640 điểm. Đồng thời, Nhật Cường đánh giá thị trường chưa có dấu hiệu đảo chiều và chỉ số VN-Index tiếp tục bước vào giai đoạn “strong trend”. Ngoài ra, điểm tích cực là dòng tiền tiếp tục gia tăng vào thị trường và có sự dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 616.54 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục nắm giữ và tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Đặc biệt là các cổ phiếu có trong danh mục khuyến nghị của Nhật Cường ở cuối bản tin này.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 09/06/2016:

Giá dầu WTI vượt 51 USD/thùng, VN-Index tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất kể từ năm 2016 với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu dầu khí cùng sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, chứng khoán. Thanh khoản giảm, độ rộng thị trường tích cực. Khối nhà đầu tư nước ngoài tham gia ở mức trung bình và mua ròng gần 139 tỉ đồng trên cả hai sàn. VNM ETF premium 0,49%, FTSE ETF discount -0,53%.

• Cổ phiếu ngân hàng nói chung tăng hôm nay, dẫn đầu là BID. Ngoài ra VCB; ACB; MBB và CTG cũng tăng. EIB; SHB và STB đóng cửa tại tham chiếu.

• BVH và PVI đóng cửa tại tham chiếu trong khi các mã chứng khoán tăng, dẫn đầu là VND. HCM và SSI cũng tăng.

• Các mã ngành hàng tiêu dùng đã có một phiên kém khởi sắc với MSN; FPT và KDC giảm. VNM và BMP đóng cửa tại tham chiếu.

• Cổ phiếu dầu khí có một phiên khởi sắc với giá dầu tăng; theo đó GAS; PVD; PVS và PXS tăng mạnh.

• Cổ phiếu BĐS biến động trái chiều với HBC là mã duy nhất tăng mạnh. CTD; REE; BCI; và KBC giảm trong khi VIC; NLG và CII đóng cửa tại tham chiếu.

• Ngoại trừ mã HPG giảm, thì cổ phiếu ngành sản xuất hôm nay có một phiên tăng tốt, dẫn đầu là DRC và PAC. HSG và TMT tăng nhẹ.

• Các mã ngành nông nghiệp có một phiên biến động trái chiều với VFG tăng hơn 3% trong khi PAN và GTN giảm. HAG và HNG đóng cửa tại tham chiếu.

Trên HSX, khối ngoại mua ròng hơn 132,2 tỷ đồng. MBB vẫn tiếp tục dẫn đầu về khối lượng mua ròng với hơn 1,29 triệu đơn vị. SSI cũng được mua ròng tích cực với hơn 819 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, VNS bị bán ròng hơn 426 nghìn đơn vị. Trên HNX, khối ngoại mua ròng 6,4 tỷ đồng. PVS dẫn đầu về khối lượng mua ròng với 153 nghìn đơn vị, tiếp theo đó là SCR với 110 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, VND bị bán ròng hơn 169 nghìn đơn vị.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

ACB: Sẽ phát hành 2.000 nghìn tỷ đồng trái phiếu để nâng vốn cấp 2 nhằm duy trì hệ số CAR ở mức cao

Điều này sẽ giúp giữ hệ số CAR của ACB ở khoảng 12% cho dù tăng trưởng có đạt 18% hoặc cao hơn. Trái phiếu sẽ được phát hành làm 3 đợt với đợt 1 diễn ra vào cuối tháng này. Ngân hàng hiện đang quay trở lại tốc độ tăng trưởng bình thường sau 3 năm tái cơ cấu. Chuyên viên dự báo LNTT sẽ tăng trưởng 22% trong năm nay và cao hơn kế hoạch của ngân hàng. Động lực tăng trưởng chính sẽ là cho vay khách hàng cá nhân và DN nhỏ & vừa.

Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan. Định giá khá hợp lý với P/B dự phóng là 1,3 lần. Tuy nhiên hiện room đã đầy tuy nhiên vẫn có các block thỏa thuận diễn ra giữa các NĐTNN.

ACB (Khả quan) đã công bố kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn dài trong năm nay. Kế hoạch này nhằm (1) cải thiện vốn cấp 2 và hệ số CAR (2) đa dạng hóa nguồn huy động (3) giảm rủi ro thanh khoản & lãi suất.

Trái phiếu sẽ được phát hành làm 3 đợt – Ngân hàng sẽ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu theo 3 đợt trong năm nay. Trong đó, đợt 1 diễn ra vào tháng 6/2016 với giá trị trái phiếu phát hành là 800 tỷ đồng; đợt 2 vào tháng 9/2016 với 600 tỷ đồng và đợt 3 vào tháng 11/2016 với 600 tỷ đồng. Ngày phát hành đợt 1 là 30/6/2016. ACB sẽ phát hành cho các ngân hàng trong và ngoài nước và các công ty bảo hiểm.

Thông tin cụ thể của trái phiếu sẽ phát hành là như sau;

– Mệnh giá trái phiếu: 100 triệu đồng 1 trái phiếu

– Kỳ hạn: 5 năm 1 ngày (nhằm đảm bảo trái phiếu phát hành được tính vào vốn cấp 2)

– Kỳ trả lãi: hàng năm hoặc hàng quý. Nếu trả hàng năm, ACB sẽ trả lãi 8,5%/năm cho 2 năm đầu. Từ năm thứ 3, lãi suất sẽ bằng lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1 năm bằng VNĐ của BID, CTG, VCB, AGR + 2%. Nếu trả lãi hàng quý, ACB sẽ trả lãi 8,2%/năm cho 2 năm đầu. Từ năm thứ 3, lãi suất sẽ được thả nổi.

Kế hoạch phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 đã được lên kế hoạch từ năm ngoái – Kế hoạch này đã được có từ 2015. Sau khi phát hành xong, theo mô hình của mình Chuyên viên vẫn giữ nguyên dự báo hệ số CAR ở mức khoảng 12% tại thời điểm cuối 2016 (năm 2015 là 12,8%).

ACB chưa có kế hoạch nâng vốn cấp 1 trong năm nay – Trên bảng cân đối kế toán, ACB vẫn còn 41,4 cổ phiếu quỹ (trị giá 665,72 tỷ đồng; bằng 4,41% vốn điều lệ). Trước khi phát hành vốn cấp 1, Chuyên viên cho rằng ACB phải tìm được người mua số cổ phiếu quỹ này. Và nếu có thể bán số cổ phiếu quỹ này với giá cao thì Ngân hàng có thể cải thiện được hệ số CAR và đảm bảo đủ vốn để tăng trưởng cho vay đến hết năm 2017. Chuyên viên thấy có khả năng ACB sẽ phát hành tăng vốn cấp 1 vào cuối năm 2017 hoặc đầu 2018; là thời điểm Basel 2 được áp dụng.

Các hệ số an toàn tài chính được kiểm soát tốt nên vốn mới sẽ phục vụ cho tăng trưởng trong tương lai – Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn của ACB là khoảng 28% tại thời điểm cuối 2015; nghĩa là thấp hơn nhiều mức trần 50% theo quy định trong thông tư 06. Các chỉ số chủ chốt khác cũng ở mức tốt. Trong giai đoạn 2012-2015, ACB đã tái cơ cấu tài sản và tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thấp hơn nhiều so với bình quân ngành dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Tuy nhiên nhờ quá trình tái cơ cấu đã hoàn tất, thì tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc trở lại (tín dụng tại thời điểm cuối Q1 tăng 7,61% so với đầu năm trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 2,47%). Chuyên viên dự kiến sẽ tiếp tục chính sách đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 2016 và trong vài năm tới. Do đó, chúng tôi nhìn nhận việc phát này chủ yếu nhằm tăng vốn trong khi chi phí huy động vẫn duy trì được ở mức thấp.

Năm 2016, Chuyên viên dự báo LNTT sẽ tăng trưởng 22,00% cao hơn kế hoạch của ngân hàng – Đạt 1.603 tỷ đồng nhờ tăng trưởng cho vay khách hàng là 20% và chi phí dự phòng giảm 18,05% xuống 1,872 tỷ đồng. Các giả định của Chuyên viên bao gồm;

1. Cho vay khách hàng tăng trưởng 20% đạt 160,83 nghìn tỷ đồng và huy động khách hàng tăng trưởng chậm hơn là 17% đạt 204,65 nghìn tỷ đồng. Theo đó, hệ số LDR thuần sẽ tăng nhẹ từ 77% lên 78,5%.

2. Giả định tỷ lệ NIM sẽ tăng 0,20% lên 3,64% nhờ lợi suất gộp tăng đồng thời tỷ trọng cho vay khách hàng cũng tăng. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng cho vay lớn hơn tốc độ tăng trưởng huy động cũng là một yếu tố tác động ở đây.

3. Do đó, Chuyên viên dự báo thu nhập lãi thuần sẽ tăng trưởng 23,42% đạt 7.261 tỷ đồng. Trong khi đó, Chuyên viên dự báo thu nhập ngoài lãi sẽ phục hồi, tăng trưởng mạnh 217,74% đạt 733,27 tỷ đồng do Chuyên viên dự báo ACB sẽ không ghi nhận thêm các khoản chi phí dự phòng lớn đối với đầu tư chứng khoán nữa.

4. Dự báo chi phí hoạt động sẽ tăng 12,38% so với năm 2015 lên 4.519 tỷ đồng và hệ số CIR sẽ giảm còn 56,53%. Tuy nhiên, hệ số CIR vẫn ở mức khá cao.

5. Chuyên viên cũng giả định chi phí dự phòng sẽ giảm 18,05% so với năm 2015 còn 1,872 tỷ đồng. Trong đó, giả định (a) 500 tỷ đồng là trái phiếu trái phiếu VAMC (tăng 121,09% so với năm 2015). Do Chuyên viên ước lượng trái phiếu mà Ngân hàng nắm giữ tính đến hết năm 2015 là 2.500 tỷ đồng. Khi đó, (b) 672 tỷ đồng là dự phòng nợ xấu (tăng 63,18% so với năm 2015) và (c) Hơn 700 tỷ đồng dự phòng đối với các khoản vay của 6 công ty liên quan đến “bầu” Kiên – G6.

6. Giả định ACB sẽ phát hành khoảng 2.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn để tăng vốn Cấp 2 nhằm củng cố hệ số CAR ở mức khoảng 12,3% trong năm 2016.

7. Theo đó, Chuyên viên dự báo EPS là 1,380đ và BVPS là 15.660 tỷ đồng, theo đó P/E dự phóng là 14,3 lần và PB là 1,3 lần.

Quan điểm đầu tư – Lặp lại đánh giá Khả quan. ACB đang dần phục hồi mức tăng trưởng thông thường sau ba năm tiến hành tái cấu trúc. KQKD Q1 tốt đã phản ánh điều này. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tài sản cần được giải quyết mặc dù dự báo mức dự phòng không lớn nhờ phần lớn tài sản có vấn đề đã được đã được xử lý phù hợp. Thế mạnh truyền thống của Ngân hàng là cho vay các DN nhỏ và vừa và cho vay cá nhân đóng góp nổi bật. Room cho NĐTNN đã đầy, tuy nhiên Chuyên viên nhận thấy NĐTNN hiện tại có thể bán ra cổ phiếu, theo đó có những lô cổ phiếu cho mua trên thị trường trong năm nay. Ngân hàng, là một trong những ngân hàng ngoài quốc doanh đầu ngành hiện đã phục hồi vị thế và có vẻ sẽ đạt tăng trưởng tốt trong những năm tới.

——————————–

HPG: Ống thép Hòa Phát được áp mức thuế chống bán phá giá vào Mỹ với sản phẩm ống thép cuộn cacbon ở mức tối thiểu, 0-0,38%.

Cụ thể, Theo Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương (VCA), 3 doanh nghiệp Việt Nam gồm Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát, Công ty SeaH Steel Vina và Công ty Chế tạo máy Hongyuan Hải Phòng Việt Nam vừa nhận được một quyết định quan trọng từ DOC (Bộ Thương mại Hoa Kỳ) về mức thuế chống bán phá giá tối thiểu với sản phẩm trên. Trong khi đó, các doanh nghiệp còn lại sẽ chịu mức thuế lên đến 113,18%. Lý do được DOC đưa ra là do 3 doanh nghiệp này đã trả lời bản điều tra của DOC trong các vấn đề liên quan trong khi các doanh nghiệp khác đã không hợp tác đầy đủ với DOC. Cuộc điều tra này vẫn sẽ được tiếp tục cho đến ngày công bố kết luận cuối cùng vào 16/10/2016, trừ khi thời hạn này được gia hạn thêm.

Trước đó, ngày 28/10/2015, DOC nhận được đơn kiện chống bán phá giá từ 4 công ty của Mỹ đối với sản phẩm ống thép hàn cacbon nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là thông tin tích cực đối với mã cổ phiếu HPG. Tuy nhiên, với tỷ trọng doanh thu từ việc xuất khẩu ống thép cuộn cacbon sang thị trường Mỹ không lớn, thông tin được dự báo sẽ không gây đột biến tới KQKD của Hòa Phát. Sau khi tăng mạnh trong gần 10 phiên gần đây, cổ phiếu HPG có diễn biến đi ngược thị trường và giảm nhẹ trong phiên hôm nay.

——————————–

VCG: chốt danh sách cổ đông trả cổ tức 7%

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG – sàn HNX) vừa thông báo lịch trả cổ tức năm 2015. Theo đó, ngày 17/6, VCG sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 7%. Ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức là ngày 16/6, thời gian thanh toán dự kiến từ ngày 5/7. Năm nay, Tổng công ty phấn đấu thực hiện tổng doanh thu 3.022,2 tỷ đồng, tăng 6,4%; lợi nhuận trước thuế 355,2 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2015; tỷ lệ cổ tức 14,2% (cổ tức năm 2015 là 8%). Kết thúc quý I, doanh thu thuần hợp nhất VCG đạt 1.238,9 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 107,7 tỷ đồng, tăng hơn 7,3% cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ là 76,7 tỷ đồng, giảm 10% cùng kỳ. Cổ phiếu VCG tiếp tục duy trì đà tăng tích cực cùng trạng thái giao dịch sôi động. Chốt phiên giao dịch sáng 9/6, VCG tăng 1,6% lên 13.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,19 triệu đơn vị.

——————————–

HHS: Theo tin từ VSD, ngày 20/6 tới đây Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam sẽ chốt danh sách cổ đông CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (mã HHS) để họp bất thường nhằm thông qua tờ trình xin ý kiến Đại hội cổ đông chấp thuận cho cổ đông lớn – CTCP Đầu tư Dịch vụ tài chính Hoàng Huy nâng tỷ lệ sở hữu tại HHS lên tối đa 50% tổng số cổ phiếu đang lưu hành mà không cần phải chào mua công khai. Đại hội cổ đông bất thường dự kiến họp vào sáng 22/7/2016. Trước đó, Tài chính Hoàng Huy đã hoàn tất thu gom 67,4 triệu cổ phiếu HHS từ ban lãnh đạo công ty, chính thức sở hữu 24,99% vốn điều lệ của Hoàng Huy nhằm tái cấu trúc đầu tư theo mô hình tập đoàn. Sau giao dịch đó, tài chính Hoàng Huy đã trở thành cổ đông lớn duy nhất của Hoàng Huy.

——————————–

TLH: Đạt 215 tỷ đồng lợi nhuận Lũy kế từ đầu năm, TLH đạt 1.468 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 215 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt mức 213 tỷ đồng.

——————————–

AAA: Ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch HĐQT của CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (mã AAA) đã đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu để đầu tư tài chính cá nhân dài hạn. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Lê Trung – Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc và ông Phạm Hoàng Việt – Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc của AAA đều đã đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu cùng với mục đích đầu tư tài chính cá nhân dài hạn. Cả ba giao dịch trên đều dự kiến được thực hiện từ 13/6/2016 đến 12/7/2016 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

VAMC sẽ lần đầu tiên thực hiện việc mua nợ xấu bằng tiền mặt trong năm 2016.

Cụ thể, trong bài phát biểu của chủ tịch VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng, cho biết VAMC trong năm 2016 sẽ mua nợ xấu bằng tiền mặt để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, hỗ trợ các ngân hàng có nguồn tài chính để thúc đẩy cho vay, thay vì việc phát hành trái phiếu đặc biệt như trước đây. Mặc dù vậy, quy mô của biện pháp này chưa được công bố và còn gây nhiều hoài nghi do quy mô nợ xấu của nền kinh tế là rất lớn trong khi VAMC thiếu nguồn lực cần thiết để giải quyết.

——————————–

Hàn Quốc liên tục là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam

Tại hội thảo “Tiếp cận thị trường Hàn Quốc và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc” tổ chức sáng 9/6, Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết sau hơn 27 năm có mặt tại Việt Nam, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 4/2016, tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam đạt hơn 48 tỷ USD với 5213 dự án. Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- Hàn Quốc tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây đạt 23,4%/năm. Năm 2015, Hàn Quốc tiếp tục là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt 34,3 tỷ USD tăng 29,2% so với năm 2014. Tính đến tháng 4 năm 2016, tổng kim ngạc thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 12,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015.

——————————–

Việt Nam giành vị trí xuất khẩu tôm số 1 thế giới

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), thông tin trên nằm trong báo cáo về hoạt động nuôi tôm ở Đông Nam Á do Tổ chức Nghề cá Bền vững (SFP) thực hiện đầu năm 2015. Trong 10 nước được nghiên cứu, có 4 nước (Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia) xuất khẩu hơn một nửa sản lượng tôm nuôi nội địa với kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD mỗi nước. Các nước này đều đầu tư quy mô lớn vào tôm nuôi tôm chân trắng thâm canh. Theo Vasep, Trung Quốc là một ngoại lệ vì nước này vừa đầu tư nhiều cho nuôi tôm chân trắng vừa giữ lại 88% sản lượng để tiêu thụ nội địa do nhu cầu tôm cao tại thị trường Trung Quốc. Báo cáo cũng chỉ ra, Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn là những thị trường NK hàng đầu tôm châu Á.

——————————–

Cập nhật Vĩ mô: Cơ chế tiền tệ trong nước giúp giảm tác động từ diễn biễn của NDT

Xu hướng cán cân thanh toán thuận lợi giúp gia tăng cơ chế ngoại hối trong nước, giảm ảnh hưởng từ dễn biến của đồng NDT.

– Xuất siêu và số liệu FDI từ đầu năm thuận lợi giúp thị trường hối đoái trong nước giao dịch dựa theo cơ chế thị trường

– Thông tư 07/2016/TT-NHNN được thông qua trong tháng 5 đã cho phép các ngân hàng thương mại cho các công ty xuất khẩu vay ngoại tế ngắn hạn sau 3 tháng tạm dừng. Những NĐT đã phản ứng với thông tin này bằng cách găm giữ USD nhằm chờ đợi TT07 có hiệu lực từ ngày 01/06/2016, làm giảm giá tiền Đồng (VND).

– Để giải quyết lo ngại chính sách về thanh khoản tăng cao trong hệ thống ngân hàng và đầu cơ xung quanh TT07, Ngân hàng Nhà nước đã tái phát hành trái phiếu kho bạc vào ngày 30/5 sau 6 tháng gián đoạn. Động thái này tạo ra áp lực đối với các ngân hàng nắm giữ lượng USD cao và các thành phần tham gia thị trường bắt đầu bán bớt lượng găm giữ, do vậy làm giảm áp lực trượt giá của tiền đồng. Sự can thiệp này của NHNN cũng làm tăng lãi suất liên ngân hàng từ mức thấp 0.5% vào ngày 30 tháng 5 lên 1.7% vào ngày 7 tháng 6.

Với việc giá điện bán lẻ sẽ giữ nguyên cho đến cuối năm, Chuyên viên vẫn tiếp tục giữ dự báo lạm phát cả năm ở mức 3,5%

– CPI tháng 5 tăng 0,54% so với tháng 4/2016 và tăng 2,28% so với tháng 5/2015. Số liệu CPI tháng 6 sẽ rất quan trọng khi những áp lực làm tăng giá như giá dầu thô & khí đốt tiếp tục phục hồi, cũng như giá thép xây dựng bán lẻ cũng tăng đang thay thế ảnh hưởng của tình trạng hạn hán đang dần cải thiện tại Việt Nam. Nếu số liệu CPI tháng 6 tăng 2,6% so với cùng kỳ 2015, Chuyên viên sẽ giữ dự báo nguyên dự báo cả năm 3,5%.

– Chuyên viên dự báo lạm phát tháng 6 sẽ đạt 0,29% so với tháng 5/2016, do những yếu tố đầ cập ở trên và lưu ý rằng giá khí sụt giảm vào đầu tháng 6 sẽ có tác động đến CPI tháng 6.

FDI đăng ký trong 5 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2015

– FDI giải ngân trong 5 tháng đầu năm 2015 đạt 5,8 tỷ USD (+17,2% so với cùng kỳ 2015), hoàn thành 36% dự báo cả năm của Chuyên viên (16 tỷ USD).

– FDI đăng ký trong tháng 5 tăng mạnh đạt 5,07 tỷ USD. Tổng vốn FDI trong 5 tháng đầu năm 2016 đã đạt kết quả ấn tượng, đạt 10,6 tỷ USD, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2015. 65% lượng vốn đăng ký được đầu tư vào ngành sản xuất. Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam khi có lượng vốn đầu tư chiếm 1/3 trong số vốn FDI đăng ký trong 5 tháng đầu năm.

– Chuyên viên cho rằng với những lợi ích đạt được từ hiệp định TPP, và FTA Việt Nam-EU và điều kiện kinh doanh cải thiện trong 6 tháng qua. Việt Nam có thể đạt mục tiêu vốn FDI đăng ký 25 tỷ USD và giải ngân 16 tỷ USD trong năm 2016.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (10/06/2016):

10/06/2016 10:00 BCG Ngày GDKHQ Thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, tỷ lệ 1:1.5, giá 10,000 đồng/CP

10/06/2016 10:00 BCG Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 8%

10/06/2016 10:00 TRA Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP

10/06/2016 10:00 TRA Ngày GDKHQ Thưởng cổ phiếu, tỷ lệ 10:4

10/06/2016 10:00 NFC Ngày GDKHQ Thưởng cổ phiếu, tỷ lệ 2:1

10/06/2016 10:00 DQC Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP

10/06/2016 10:00 DQC Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 2/2015 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10:1

10/06/2016 10:00 ABT Giao dịch bổ sung – 500,000 CP

6. Danh mục cổ phiếu khuyến nghị đầu tư:

Ghi chú:

– “Giá mục tiêu” và “Giá cắt lỗ” sẽ được cập nhật dựa trên diễn biến giao dịch hàng ngày của từng mã.

– Vào ngày giao dịch không hưởng quyền, các mức giá cũng được điều chỉnh tương ứng.

——————————–

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý