DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 05/05/2016 gồm cập nhật KSB, DHG, KDH, PXS, HBC, SCR, HQC, KHP, HAG, CII, HAH, PVD

Lượt xem: 13,786 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

VN-Index tiếp tục tăng điểm phiên thứ hai liên tiếp, với mức tăng 0,7 điểm (0,12%), đóng cửa tại 599,07. Thanh khoản cũng vượt lên trên mức trung bình với 132 triệu cổ phiếu khớp lệnh (+20%).

Đồ thị VN-Index ngày 04/05/2016

Đồ thị VN-Index ngày 04/05/2016. Nguồn: Amibroker

VN-Index tiếp tục tăng, theo sau tín hiệu tích cực xuất hiện trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, chỉ số vẫn chưa thể vượt qua được ngưỡng cản mạnh 600 điểm, khi thoái lui trở lại vào cuối phiên giao dịch. Đây là phiên thứ sáu liên tiếp VN-Index tích lũy bên dưới ngưỡng cản này.

Về hệ thống chỉ báo kỹ thuật, cường độ xu hướng của chỉ số vẫn đang tăng lên khi đường ADX đang dần tiếp cận ngưỡng 40 trong sự phân kỳ của 2 đường DI. Chỉ báo MACD và RSI vẫn duy trì được xu hướng đi lên, trong khi dấu hiệu phân kỳ âm của đường STO với đường giá, cùng sự điều chỉnh của các chỉ báo khác (MFI, William%R và Momentum) lại là những yếu tố không mấy tích cực đối với diễn biến đường giá trong những phiên kế tiếp.

Có thể thấy, thị trường vẫn giao dịch theo khẩu vị khá quen thuộc kể từ tuần cuối tháng 4/2016: Dòng tiền đổ dồn vào các cổ phiếu tăng tốt trong hơn tháng nay và xuất hiện một số dòng tiền lớn đổ vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt chỉ số trong một số thời điểm nhất định trong phiên. Do đó, rủi ro thị trường vẫn đang ở mức khá cao vì dòng tiền đang tập trung và có dấu hiệu của hiện tượng phân phối tại vùng đỉnh.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 05/05/2016, chỉ số VN-Index khả năng cao sẽ tiếp tục giằng co mạnh tại các mức kháng cự ngắn hạn và chưa thể vượt được mức kháng cự 600. Đồng thời, nếu đồ thị giá điều chỉnh trong phiên kế tiếp thì mô hình phân kỳ giảm giá có thể được hình thành và đánh dấu khả năng kết thúc sóng tăng 05 trong mô hình Elliott Wave. Ngoài ra, mức độ rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng cho nên việc mua đuổi sẽ có độ rủi ro cao.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 580 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và ưu tiên chiến lược hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức 20 – 30% danh mục trong các nhịp tăng mạnh.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 04/05/2016:

Các Thị trường Chứng khoán toàn cầu hầu hết giảm điểm đêm qua khi một số dữ liệu kinh tế không tích cực của Trung Quốc và châu Âu được công bố, giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp về dưới mức 44 USD cùng tâm lí “Sell in May” ở một bộ phận nhà đầu tư đã tác động lên diễn biến thị trường ngày hôm nay. VN-Index sau khoảng thời gian giảm khá sâu phiên sáng đã dần hồi phục với sự hỗ trợ của các cổ phiếu vốn hóa lớn, đóng cửa tăng 0,12%. Thanh khoản sụt giảm nhẹ tuy nhiên vẫn ở mức cao so với bình quân 3 tháng, độ rộng thị trường ở mức cân bằng. Mức độ tham gia của khối nhà đầu tư nước ngoài ở mức cao và khối này mua ròng hơn 92 tỉ đồng trên cả hai sàn. VNM ETF premium 0,71%, FTSE ETF discount -0,69%.

· Các mã ngân hàng giảm hôm nay với EIB dẫn đầu xu hướng giảm. Ngoài ra CTG; BID và STB cũng giảm mạnh. SHB và ACB đóng cửa tại tham chiếu. VCB tăng nhẹ.

· BVH tiếp tục tăng mặc dù không tăng mạnh như phiên trước. PVI giảm mạnh. Các mã chứng khoán diễn biến trái chiều với SSI và VND đóng cửa tại tham chiếu, HCM tăng nhẹ trong khi MBS giảm mạnh sau khi tăng gần đây.

· Các mã bluechip nói chung tăng. VNM tăng mạnh sau khi công bố KQKD Q1. MSN và KDC cũng tăng tốt. BMP đóng cửa tại tham chiếu trong khi FPT giảm.

· Các mã dầu khí giảm mạnh do giá dầu giảm, trong đó PVS đóng cửa giảm 3%. Tiếp theo GAS và PVD cũng giảm mạnh.

· Các mã BĐS giảm đáng kể với VIC và DXG giảm mạnh. BCI giảm trong khi NLG đóng cửa tại tham chiếu. CII tăng trong khi mã cơ sở hạ tầng KBC giảm. Các mã ngành xây dựng biến động trái chiều với REE giảm nhẹ, CTD đóng cửa tại tham chiếu còn HBC tăng vững.

· Các mã ngành sản xuất tăng mạnh. DRC cũng tăng mạnh. PAC và TMT lại giảm mạnh.

· HAG và HNG giảm và chạm đáy. Cả hai công ty đã công bố sẽ gia hạn công bố BCTC và tổ chức ĐHCĐTN. HNG trước đó đã dự kiến sẽ tổ chức ĐHCĐTN trước cuối tháng 4. Cả 2 công ty cho biết cần phải chờ ý kiến của NHNN về kế hoạch tái cơ cấu nợ tại HAG.

. Nhóm cổ phiếu ngành thép có giao dịch rất tích cực sau khi đón nhận thông tin Bộ Công Thương quyết định nâng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia. Cụ thể, HSG, TLH và VIS tăng trần không còn dư bán vào cuối phiên. HPG tăng +4,5% với KLGD đạt 6,4 triệu cổ phiếu tăng gần gấp đôi so với phiên trước. NKG cũng ghi nhận mức tăng giá tích cực +5,1%.

Trên HSX, khối ngoại mua ròng gần 91 tỷ đồng. KSA dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 3,6 triệu đơn vị. MBB và FLC cũng được mua ròng lần lượt hơn 1,5 triệu và 1,4 triệu đơn vị. Chiều ngược lại, DXG dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 573 nghìn đơn vị. VIC, OGC và HHS cũng bị bán ròng nhẹ.

Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ 1,4 tỷ đồng. SHB và VND là hai mã được mua ròng chủ yếu với khối lượng lần lượt 660 nghìn và 484 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, PVS dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 460 nghìn đơn vị. KLS cũng bị bán ròng trên 209 nghìn đơn vị.

Thị trường đang bước vào tháng 5, hiệu ứng “Sell in May” có thể là trở ngại lớn đối với tâm lý NĐT nên dòng tiền lớn vào các cổ phiếu lớn sẽ là tâm điểm quan sát trong tháng này. Tính đến hiện tại, Chuyên viên nhận thấy hơn một nửa các doanh nghiệp trong nhóm VN30 đã công bố KQKD Q1. Kết quả tổng thể không ấn tượng, với doanh thu giảm 10% và LNST giảm 2%. Tuy nhiên, một số cổ phiếu trong nhóm này chứng kiến mức tăng trưởng LNST rất cao, tiêu biểu như: MSN, HSG, VNM. Đa phần các cổ phiếu này đều được hưởng lợi rất lớn từ giá nguyên liệu đầu vào.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

KSB: Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB: HOSE): Cập nhật Đại hội Cổ đông Thường niên năm 2016

KSB có một năm 2015 khá tích cực khi công ty đã hoàn thành và vượt phần lớn các chỉ tiêu kế hoạch. Doanh thu thuần của KSB trong năm 2015 đạt 737,8 tỷ đồng và LNTT đạt 162,7 tỷ đồng, vượt lần lượt 18% và 30% so với mức thực hiện của năm 2014. Mảng đá xây dựng vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của KSB khi mang lại 609,4 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ và đóng góp 83% tổng doanh thu của KSB. Mảng sản xuất VLXD đóng góp 9% doanh thu của KSB, trong năm vừa rồi hoạt động này có bước tăng trưởng mạnh khi đạt 63,4 tỷ đồng doanh thu (+47% YoY), trong đó, tăng trưởng doanh thu của sản phẩm gạch ngói tuynel là 30% và của cống bê tông là 79%.

Thành công trong việc gia hạn mỏ Tân Đông Hiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với KSB. Theo chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương các mỏ trong khu mỏ Tân Đông Hiệp phải tiến hành việc đóng cửa mỏ khi hết thời hạn khai thác (31/12/15), tuy nhiên thì các doanh nghiệp tại đây đã thành công trong việc xin gia hạn khai thác thêm 2 năm, tức là đến hết ngày 31/12/17. Thêm 2 năm gia hạn khai thác đồng nghĩa với việc KSB sẽ không có sự sụt giảm doanh thu nào đáng kể trong vòng ít nhất là 2 năm nữa, đồng thời tạo ra khoảng thời gian để các mỏ còn lại tăng sản lượng và bù đắp lại phần sản lượng bị mất đi khi mỏ Tân Đông Hiệp đóng cửa. Trữ lượng cấp phép còn lại của mỏ Tân Đông Hiệp theo công bố hiện là 4,22 triệu m3 (đá khối), như vậy với mức công suất như hiện tại thì KSB không cần tăng công suất khai thác để tận thu mỏ này. Một thông tin tích cực khác đó là mỏ đã Phước Vĩnh đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương gia hạn và mỏ sét gạch ngói Bố Lá cũng đã được cấp phép thêm 6 năm. Đồng thời công ty cũng đang hoàn thành các thủ tục xin cấp phép mỏ đá Tam Lập – huyện Phú Giáo.

KSB đặt kế hoạch sản lượng khai thác đá trong năm 2016 sẽ ở mức 3.7 triệu m3 và sản lượng chế biến là 3,35 triệu m3, theo đó thì sản lượng khai thác sẽ tăng 11% so với cùng kỳ trong khi sản lượng chế biến vẫn được giữ nguyên, sản lượng khai thác tăng thêm chủ yếu từ hai mỏ Tân Đông Hiệp và mỏ Tân Mỹ. KSB đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ tương đương năm ngoái là xấp xỉ 3,7 triệu m3.

Công ty đang lên kế hoạch mở rộng KCN Đất Cuốc và chuyển nhượng dự án BĐS Khu dân cư Bình Đức Tiến. KSB có chủ trương mở rộng KCN Đất Cuốc thêm 136,48 ha (giai đoạn I) với tổng chi phí mở rộng (khái toán) là 787,9 tỷ đồng (bao gồm chi phí đền bù, chi phí xây dựng CSHT và các chi phí khác). Nguồn vốn dùng để đền bù giải phóng mặt bàng dự chi trong năm 2016 là 227 tỷ đồng và việc thi công CSHT phần mở rộng sẽ được thực hiện trong năm 2017. Đối với dự án KDC Bình Đức Tiến, HĐQT đưa ra 3 phương án kinh doanh và trình đại hội chọn 1 trong 3, và phương án được đại hôi thống nhất lựa chọn là chuyển nhượng dự án này. Theo Chuyên viên đây là quyết định hoàn toàn hợp lý vì KSB không có kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án BĐS kiều như thế này, hơn nữa thị trường BĐS dù đã ấm trở lại nhưng hiện cũng đang phải đối mặt với khá nhiều vấn đề và không phù hợp với một đơn vị thiếu kinh nghiệm như KSB. Việc chuyển nhượng dự án dự tính sẽ đem lại 37 tỷ đồng lợi nhuận cho KSB.

Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của 2016 tăng nhẹ so với mức thực hiện của năm 2015. KSB đặt kế hoạch doanh thu và LNTT đạt lần lượt là 838 tỷ đồng và 180 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng là 14% và 11%. Trong đó, doanh thu từ việc khai thác khoáng sản vẫn có đóng góp chính yếu với doanh thu ước đạt 731 tỷ đồng, mảng sản xuất VLXD sẽ mang lại 71 tỷ đồng doanh thu và mảng kinh doanh BĐS (KCN Đất Cuốc) sẽ đóng góp 20 tỷ đồng doanh thu. Lưu ý là doanh thu trên chưa bao gồm khoản thu từ việc chuyển nhượng dự án KDC Bình Đức Tiến, do việc thanh lý dự án chỉ mới dừng ở mức chủ trương và nếu được hoàn tất sớm trong năm 2016 thì dĩ nhiên KSB sẽ có thêm một khoản thu nhập bất thường khá lớn. LNST của năm 2016 ước đạt 144 tỷ đồng, tương ứng với EPS là 6.153 đồng/cổ phiếu. KSB sẽ chi trả tiếp 15% cổ tức tiền mặt của năm 2015 (đợt 2) và mức cổ tức được đề nghị của năm 2016 là 25%.

Những thay đổi ở ban lãnh đạo là một ẩn số. Sau khi SCIC thoái vốn, những cổ đông mới của KSB đã dần lộ diện đó là ông Võ Trường Thành hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) đã trở thành tân chủ tịch HĐQT của KSB, và ông Phan Tấn Đạt hiện là Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư căn Nhà Mơ Ước (HOSE: DRH) giữ chức thành viên HĐQT của KSB. Chuyên viên ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy một lý giải nào hợp lý cho sự xuất hiện của DRH và TTF tại KSB thời kỳ hậu SCIC. Bản thân các doanh nghiệp này có hoạt động kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với KSB.

Quan điểm đầu tư: Chuyên viên cho rằng kế hoạch mà Ban lãnh đạo của KSB đưa ra là phù hợp với tình hình hiện tại của doanh nghiệp. Việc xin gia hạn thành công mỏ Tân Đông Hiệp có ý nghĩa rất lớn đối với KSB khi công ty đã giữ lại được tài sản lớn nhất của mình. Chuyên viên tỏ ra lạc quan đối với việc KSB sẽ tiếp tục được gia hạn khai thác đối với mỏ Phước Vĩnh và được Tỉnh Bình Dương cấp phép khai thác tại mỏ Tam Lập. Việc chuyển nhượng thành công dự án KDC Bình Đức Tiến có thể tạo ra động lực cho cổ phiếu trong ngắn hạn, tuy vậy, Chuyên viên cảm thấy KSB đang thiếu đi động lực tăng trưởng trong dài hạn bởi một số lý do sau:

(i) Chuyên viên cho rằng mỏ Tân Đông Hiệp sẽ giữ sản lượng ở mức xấp xỉ năm 2015 cho tới khi hết hạn khai thác và thậm chí ngay cả khi doanh nghiệp xin được gia hạn tiếp tục khai thác sau năm 2017 (Chuyên viên đánh giá khả năng được gia hạn thêm ở mức thấp). Ngoài ra, việc khai thác đá sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi xuống sâu do diện tích mỏ hiện không thể mở rộng, điều này sẽ dẫn tới việc giảm hiệu suất sản xuất trong khi tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn phải đóng cho phần sản lượng được cấp phép. Do vậy việc tăng trưởng sản lượng khai thác phụ thuộc vào 2 mỏ Phước Vĩnh và Tân Mỹ. Hai mỏ này mặc dù sản lượng khai thác và tiêu thụ đã tăng mạnh trong năm vừa qua do có sự đột biến về xây dựng dân dụng tại miền Nam, nhưng do vị trí địa lý không được thuận lợi nên Chuyên viên không đánh giá cao tiềm năng của hai mỏ trên trong dài hạn.

(ii) Tiềm năng tăng trưởng của các sản phẩm VLXD của KSB như gạch Tuynel, gạch Block, Cống Bê tông chỉ ở mức thấp khi các mặt hàng này của KSB không có nhiều lợi thế cạnh tranh và đóng góp vào doanh thu cũng mới chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ.

(iii) Khu công nghiệp Đất Cuốc sẽ mang lại nguồn doanh thu ổn định cho KSB trong dài hạn nhưng đóng góp cũng sẽ chỉ ở mức khiêm tốn do vị trị không thuận lợi và giá thuê ít biến động.

KSB đang được giao dịch tại mức giá 48.900 đồng/cp, tương ứng với P/E là 9,1 lần, cao hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành như DHA, NNC và đặc biệt là C32, một cổ phiếu có nhiều điểm tương đồng với KSB. Giá cổ phiếu KSB đã tăng mạnh ngay trước và sau khi SCIC thoái vốn, và với triển vọng trong dài hạn như đã đề cập ở trên Chuyên viên cho rằng mức giá hiện tại của KSB không thực sự hấp dẫn. Tuy nhiên, việc tham gia của TTF và DRH như đã nói ở trên vẫn đang là một ẩn số và có lẽ thị trường đang kỳ vọng vào câu chuyện này nhiều hơn là các yếu tố nội tại của doanh nghiệp.

——————————–

DHG: Cần thêm dẫn chứng cho kế hoạch lạc quan của ban lãnh đạo trong 5 năm tới Giá mục tiêu hiên tại của Chuyên viên thấp hơn so với giá cổ phiếu hiệu tại và định giá các công ty cùng ngành trong khu vực do giả định tăng trưởng dài hạn khiêm tốn trong mô hình định giá DCF của Chuyên viên. KQKD tích cực trong quý 1 là đến từ mức cơ sở thấp và không làm thay đổi quan điểm dài hạn của Chuyên viên. Chuyên viên điều chỉnh giảm khuyến nghị từ KHẢ QUAN thành PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG vì Chuyên viên cho rằng mức tăng giá 36% kể từ báo cáo cập nhật gần nhất không phản ánh giá trị cơ bản mà phần lớn là do các tin đồn.

Tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1/2016 nhờ mức cơ sở thấp thấp trong quý 1/2015. Doanh thu thuần quý 1/2016 và LNST tăng lần lượt 22% và 35% so với quý 1/2015. Điều này được chủ yếu dẫn dắt từ mức cơ sở thấp trong quý 1/2015, trong đó LNST giảm 5% so với quý 1/2014, tính từ quý 1/2015, DHG cũng tập trung giải quyết lượng hàng tồn kho tại các điểm bán lẻ sau chiến lược thúc đẩy doanh số mạnh mẽ trong quý 4/2014. Tăng trưởng so với cùng kỳ trong các quý tiếp theo sẽ thấp hơn với hiệu ứng cơ sở thấp trong quý 1/2016.

Chuyên viên thay đổi các công ty so sánh sang các công ty trong khu vực cho định giá PER. Thời gian qua, các cổ phiếu ngành dược ở Việt Nam đã tăng mạnh khiến P/E trượt trung bình đạt 16,7 lần, cao hơn trung vị các công ty trong khu vực với mức 14,3 lần, mức Chuyên viên cho rằng là không phù hợp. Chuyên viên cho rằng mức tăng mạnh này liên quan đến các tin đồn về M&A và nâng trần FOL, chứ không phải là do thay đổi các yếu tố cơ bản của các công ty này. Giá mục tiêu tăng xuất phát từ định giá PER, khi Chuyên viên áp dụng mức PER trượt mục tiêu 14,3 lần cho DHG, nhằm phù hợp với các công ty cùng ngành trong khu vực, thay vì 12,6 lần trước đây. Tỷ trọng phương pháp PER vẫn duy trì 20% khi Chuyên viên cho rằng phương pháp DCF vẫn phản ánh tốt hơn quan điểm trung và dài hạn của Chuyên viên đối với DHG ở thời điểm hiện tại.

——————————–

KDH: KQLN Quý 1 cho thấy doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng BCI vẫn ảnh hưởng đến định giá

CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) vừa công bố KQLN Quý 1 đầy ấn tượng, trong đó doanh thu đạt 569 tỷ đồng và LNST và sau lợi ích CĐTS đạt 94 tỷ đồng, tăng lần lượt 218% và 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng chủ yếu nhờ việc ghi nhận doanh thu từ các dự án của KDH trong khi BCI chỉ đóng góp 8% vào tổng doanh thu. LNST và sau lợi ích CĐTS tăng trưởng thấp hơn so với doanh thu do thuế TNDN hoãn lại và chi phí chiết khấu cho khách hàng mua nhà tăng.

Chuyên viên dự báo doanh thu năm 2016 sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ triển vọng bán hàng đầy tích cực của các dự án nhà phố/biệt thự. Năm nay, công ty dự kiến sẽ bán 550-650 căn tại 5 dự án so với 500 căn năm 2015. Chuyên viên cho rằng mục tiêu này khá cao và hiện đưa ra dự báo 500 căn do phân khúc biệt thự có thanh khoản thấp và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, việc công ty đã bán được 125 căn trong Quý 1 cho thấy triển vọng đạt được mục tiêu trên.

Tuy tăng trưởng về số lượng giao dịch đi ngang nhưng Chuyên viên cho rằng công ty sẽ thu về 2.600 tỷ đồng doanh thu trong năm nay, tăng 50% so với năm 2015 vì KDH sẽ mở bán hai dự án biệt thự với giá sản phẩm cao. Doanh thu Quý 1 tăng trưởng mạnh và tiến độ bán hàng tại hai dự án hiện tại ở mức cao khẳng định quan điểm của Chuyên viên là KDH có thể duy trì tăng trưởng mạnh giai đoạn 2016-2020 nhờ thương hiệu mạnh và cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng tại Quận 9. Tuy nhiên, tiến độ tái cơ cấu BCI chậm khiến Chuyên viên thận trọng trong việc định giá và giữ khuyến nghị Phù Hợp Thị Trường dành cho KDH với giá mục tiêu 24.500VND.

——————————–

PXS: Hoạt động xây lắp ổn định duy trì đà tăng trưởng

Trong năm 2015, PXS tiếp tục duy trì các hoạt động xây lắp ổn định và đúng tiến độ. Đây là một điểm sáng tích cực so với các doanh nghiệp trong ngành trước bối cảnh thị trường dầu thô đang trong giai đoạn khó khăn. Nhìn chung, doanh thu và lợi nhuận đều theo sát kế hoạch đặt ra hàm ý các dự án chưa gặp khó khăn về nguồn vốn cũng như tiến độ thi công.

Trong năm 2016, kế hoạch tăng trưởng về doanh thu của PXS tương đối ấn tượng với một doanh nghiệp xây lắp khi dự kiến xấp xỉ +27% yoy. Theo đánh giá của chuyên viên ngành, nguyên nhân chủ yếu đến từ công việc gấp đôi từ Bộ Quốc phòng (giàn P7, P8, P9, P10), đóng góp trên 30% doanh thu. Ngoài ra, một số dự án khác như Giàn nhà ở Sư Tử Trắng, Kình Ngư Trắng và gói thầu B1 của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đóng góp ~40% doanh thu của PXS. Mặc dù vậy, lợi nhuận chỉ cải thiện nhẹ ~5% yoy. Khi xem xét về biên lợi nhuận gộp, dự án từ bộ Quốc phòng và LHD Nghi Sơn sẽ có mức biên tương đối thấp (7 – 10%) do hoạt động trên bờ. Do đó, đây có thể là nguyên nhân chính cho mức tăng trưởng lợi nhuận không bắt kịp với doanh thu.

Theo chia sẻ của doanh nghiệp, PXS gần như chắc chắn ghi nhận 1.600 tỷ đồng doanh thu cho năm 2016 tính đến thời điểm hiện tại và dự kiến sẽ kí kết hợp đồng xây lắp trị giá 5 triệu USD cho Ấn Độ trong thời gian tới. Mặc dù vậy, Chuyên viên không đánh giá cao các dự án nước ngoài do hoạt động đấu thầu tương đối khắc nghiệp dẫn đến biên lợi nhuận thấp. Ngoài ra, từ Q3/2016 đến 2017, PXS sẽ cần phải tập trung tìm kiếm dự án do dự án hiện tại phần lớn sẽ hoàn thành trong Q3 cùng với triển vọng từ các dự án lớn như Long Phú 1, Sông Hậu 1 hay Lô B – Ô Môn còn tương đối xa (2017 hoặc 2018 mới bắt đầu). Tương tự như 2015, nửa đầu năm 2016 sẽ là thời điểm phần lớn lợi nhuận năm của PXS sẽ được ghi nhận.

Về đầu tư, giai đoạn 3 của dự án mở rộng bãi cảng sẽ được tiếp tục với số vốn giải ngân dự kiến VND ~260 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sẽ có VND ~230 tỷ đồng mua sắm máy móc thiết bị từ PXS trong năm nay. Đáng lưu ý, PXS sẽ cải thiện năng lực thi công đáng kể với cẩu bánh xích tải trọng 550 tấn (chi phí VND 210 tỷ đồng). Mặc dù giá trị đầu tư lớn, lợi thế của PXS chính là chi phí lãi vay tương đối thấp khi lãi suất khá ưu đãi ở mức 4,2% – 4,5%.

Kết quả kinh doanh Q12016 từ PXS cho thấy sự cải thiện tích cực với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 625 tỷ đồng (+34,8% yoy) và 34 tỷ đồng (+18,4% yoy), ~30% kế hoạch năm. Trong Q1, dự án từ bộ Quốc phòng đã được ghi nhận đem đến cải thiện tích cực cho doanh thu. Mặc dù vậy, biên LN gộp giảm còn 11,1% từ mức 14,2% cùng kì.

Nhìn chung, với mức chi trả cổ tức tương đối cao so với thị giá hiện tại là 12.800 VND/cp vào ngày 04/05/2016 (cổ tức: 1.300 VND/cp), mức tỷ suất lợi nhuận đang khá hấp dẫn với ~10,2%. Mặc dù vậy, rủi ro chính vẫn đến từ tiến độ dự án và khối lượng công việc trong khoảng thời gian cuối 2016 – đầu 2017. Với tiến độ hiện tại, chuyên viên ngành khá tự tin vào việc đạt kế hoạch 2016 của PXS. Chuyên viên giữ nguyên mức dự phóng EPS 2016 tại 2.150 VND/cp, tương ứng với P/E forward vào khoảng 6x.

——————————–

HBC: Đã thu hồi thêm được khoản phải thu quá hạn. Dự kiến năm nay sẽ khả quan mặc dù tỷ lệ nợ cao vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Nâng đánh giá lên Khả quan

HBC (Khả quan) đã tổ chức ĐHCĐTN tuần trước và dưới đây là ghi nhận của Chuyên viên:

Ước tính KQKD Q1 tiếp tục tăng trưởng – HBC ước tính doanh thu thuần Q1 đạt 1.600 tỷ đồng (tăng 52% so với cùng kỳ và hoàn thành 22% kế hoạch) và LNST đạt 50 tỷ đồng (tăng 52% so với cùng kỳ và hoàn thành 16% kế hoạch). Hiện chưa có thông tin cụ thể được công bố và Chuyên viên đang chờ BCTC đầy đủ của công ty.

Giá trị hợp đồng đã ký từ trước chuyển sang 2016 rất cao nhờ thị trường BĐS phục hồi – Theo công ty, tổng giá trị hợp đồng đang thực hiện đến hiện tại là 15.200 tỷ đồng; trong đó 4.100 tỷ đồng được ký mới trong 2016. Gần đây, HBC đã ký được một số hợp đồng lớn chẳng hạn như Vinhomes Central Park L4, 5, 6 (992 tỷ đồng), Imperial Garden (550 tỷ đồng), E.Town Central (470 tỷ đồng), Gamuda Land (730 tỷ đồng) và bệnh viện Hoa Lâm (310 tỷ đồng).

Thu hồi thêm được tiền từ các khoản phải thu quá hạn – Trong 2015, công ty đã hoàn nhập ròng 52,5 tỷ đồng từ dự phòng phải thu khó đòi nhờ thu được tiền từ các khoản phải thu từ dự án Formosa (Phú Khang) và Times City. Tuy nhiên công ty cũng tiếp tục trích lập dự phòng cho các dự án khác chẳng hạn như Era Town (Đức Khải), Trung tâm thương mại Văn phòng Hải Quân, Nhà ga T2 Nội Bài. Thậm chí là trích lập cả cho dự án Formosa.

Về dự án Formosa, Phú Khang, nhà thầu chính cho đến nay đã trả khoảng 150 tỷ đồng trong tổng số nợ 175 tỷ đồng kể từ đầu năm ngoái (tương đương 10 tỷ đồng/tháng). Theo HBC, công ty sẽ thu phần còn lại khoảng 26 tỷ đồng trong 3 tháng tới. Về 80 tỷ đồng phải thu của dự án Era Town (Đức Khải), Chuyên viên được biết công ty đang đàm phán với Đức Khải để xử lý khoản nợ bằng việc chuyển nhượng một lô đất. Công ty hy vọng sẽ hoàn nhập được một phần dự phòng cho khoản phải thu này trong Q2/2016.

Công ty đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 202% – HBC đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng cho năm nay với doanh thu đạt 7.200 tỷ đồng, tăng trưởng 42% và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 252 tỷ đồng, tăng trưởng 202%.

Chuyên viên dự báo LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 124% lên 187 tỷ đồng; EPS dự phóng pha loãng là 1.828đ. Tại thị giá hiện tại, cổ phiếu HBC có P/E dự phóng là 8,7 lần và P/B dự phóng là 1 lần.

Công ty sẽ trả cổ tức 15% bằng cổ phiếu cho 2015 và 15% bằng tiền cho 2016 – Công ty sẽ trả cổ tức cổ bằng cố phiếu tỷ lệ 15% mệnh giá cho 2015. Công ty cũng dự kiến trả cổ tức tiền mặt 1.500đ/cp cho 2016. Công ty sẽ phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10% (cổ đống sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu thưởng) trong 2016.

Phát hành tối đa 20 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông chiến lược – cổ đông đã thông qua kế hoạch phát hành tối đa 20 triệu cổ phiếu (26,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho đối tác chiến lược. Giá phát hành không thấp hơn 1,2 lần giá trị sổ sách. Chuyên viên lưu ý là BVPS năm 2015 là 14.219đ. Chuyên viên cho rằng công ty sẽ sử dụng tiền từ phát hành để giảm nợ. Tại thời điểm cuối 2015, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đang ở mức rất cao là 1,9 lần.

Công ty sẽ phát hành 1 triệu cổ phiếu ESOP cho CBCNV với giá phát hành bằng mệnh giá. Theo đó, sau tất cả các đợt phát hành dự kiến, vốn điều lệ của HBC sẽ tăng thêm 52,8% lên 1.154,5 tỷ đồng.

Quan điểm đầu tư – Nâng đánh giá từ Nắm giữ lên Khả quan. KQKD năm ngoái không đạt kế hoạch do một số dự án bị đội chi phí khiến tỷ suất lợi nhuận gộp giảm. Với giá trị hợp đồng đã ký lớn, tỷ suất lợi nhuận gộp dự báo tăng và cải thiện trong việc thu hồi phải thu quá hạn, Chuyên viên cho rằng triển vọng năm nay sẽ khả quan hơn nhiều. Các khoản phải thu lớn và tỷ lệ nợ cao vẫn là một vấn đề cần quan tâm. Và do tỷ lệ nợ cao nên công ty đã có kế hoạch phát hành thêm. Cho dù vậy hiện HBC đang trong giai đoạn tăng của nhu cầu xây dựng nhờ thị trường nhà ở sôi động hơn; từ đó tạo cơ sở để công ty cải thiện tình hình tài chính. Và việc tự làm chủ đầu tư phát triển BĐS cũng sẽ góp phần cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp chung trong năm nay và năm sau trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận gộp hoạt động xây lắp cũng đang tăng lên. Hiện định giá là hợp lý. Tuy nhiên tỷ lệ nợ ngắn hạn cao vẫn là một vấn đề cần lưu tâm.

——————————–

SCR: CTCP Sacomreal (HSX: SCR – Vốn hóa: 2 ngàn tỷ đồng) đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh năm 2016

ĐHĐCĐ của Sacomreal trong tuần trước đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu 2016 là 1,447 tỷ đồng (bao gồm cả doanh thu từ hoạt động tài chính, chuyển nhượng dự án, doanh thu khác), tăng 57% so với mức 780 tỷ đồng năm 2015. LNST hợp nhất ước tính ở mức 164 tỷ đồng, tương đương 755 đồng/cp.

Trong Q1-2016, Sacomreal ghi nhận 26 tỷ đồng doanh thu thuần và 6.5 tỷ đồng LNST. Do phần lớn các dự án đang triển khai của Sacomreal sẽ chỉ được bàn giao từ cuối 2017, công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn doanh thu cho mục tiêu năm 2016. Tuy nhiên, công ty cho biết phần thấp tầng của dự án Jamona Golden Silk, sẽ được khởi công trong quý này và bao gồm sản phẩm nhà phố, đất nền thay vì chỉ là đất nền (giúp dự án đủ điều kiện để công ty có thể ghi nhận doanh thu khi bàn giao), sẽ đóng góp phần lớn doanh thu cho năm nay.

Trong năm 2015, hầu hết dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh và đầu tư đã được dùng để trả nợ vay dài hạn, giúp cải thiện mạnh chỉ số thanh khoản của công ty. Nợ ròng/ VCSH chỉ ở mức 12% tại thời điểm cuối 2015, rất thấp so với các công ty cùng ngành, giúp ban lãnh đạo công ty có nhiều thời gian hơn để hoạch định chiến lược phát triển. Thực tế, các đề xuất đã được ĐHĐCĐ 2016 thông qua bao gồm niêm yết cổ phiếu SCR trên sàn giao dịch Hồ Chí Minh, phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và trao quyền cho HĐQT được mua hoặc bán các dự án bất động sản có giá trị hơn 70% tổng tài sản của công ty trong vòng 1 năm. Trong 5 năm tới, Sacomreal sẽ tập trung phát triển 3 thương hiệu bất động sản bao gồm Jamona (khu đô thị), Carillon (căn hộ phân khúc trung bình) và Charmington (cao ốc phức hợp phân khúc trung bình cao). Đến 2020, doanh thu và LNTT hàng năm được kỳ vọng đạt tương ứng 5,000 tỷ đồng và 420 tỷ đồng.

——————————–

HQC: Phát hành thêm 31,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức 8% CTCP Địa ốc Hoàng Quân (HQC – sàn HOSE) vừa thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Theo đó, ngày 18/5, HQC sẽ chốt danh sách cổ đông dự kiến phát hành 31,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 8%. Nguồn vốn thực hiện là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2015 trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 đã kiểm toán của Công ty. Số lượng cổ phiếu lẻ (nếu có) sẽ được Công ty mua lại làm cổ phiếu quỹ với giá 10.000 đồng/CP và sẽ trả tiền mặt cho cổ đông giá trị cổ phần lẻ phát sinh này. Được biết, cuối tháng 4 vừa qua, HQC đã thông qua kế hoạch phát hành 5 triệu trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược với giá bán bằng mệnh giá 100.000 đồng/TP. Trái phiếu có kỳ hạn 1 năm kể từ ngày phát hành, lãi suất 6%/năm, tỷ lệ chuyển đổi 1:10. Công ty sẽ sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán dự kiến là 500 tỷ đồng để tài trợ cho dự án: góp vốn hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án Cảng Bình Minh (giai đoạn 1). Hiện HQC có vốn điều lệ thực góp 3.950 tỷ đồng, tổng mức vốn kinh doanh căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2015 là hơn 4.001 tỷ đồng. Chốt phiên giao dịch 4/5, HQC giảm 1,8% xuống mức giá 5.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 3,1 triệu đơn vị..

——————————–

KHP: đưa ra 2 phương án lợi nhuận 2016 ĐHCĐ CTCP Điện lực Khánh Hòa (KHP) vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ để bổ sung vốn cho các dự án đầu tư xây dựng, hiện đại hóa lưới điện Khánh Hòa và đầu tư mua sắm trang thiết bị, tài sản cố định của Công ty giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, Công ty sẽ phát hành 2 đợt, đợt 1 trong năm 2016, số lượng hơn 20 triệu cổ phiếu, theo tỷ lệ 2:1, với giá 10.000 đồng/CP, qua đó tăng vốn điều lệ từ hơn 415,5 tỷ đồng lên gần 615,8 tỷ đồng. Đợt 2 phát hành trong năm 2017, số lượng phát hành hơn 15 triệu cổ phiếu, theo tỷ lệ 4:1, với giá 10.000 đồng/CP, qua đó tăng vốn điều lệ lên gần 766 tỷ đồng. Năm 2015, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 113,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 89,2 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2016 của KHP là đạt 55,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong trường hợp không kịp tăng vốn điều lệ; trường hợp tăng vốn điều lệ thành công, kế hoạch lợi nhuận là 57,2 tỷ đồng. Đại hội cũng thông qua tỷ lệ chia cổ tức năm 2015 là 10% bằng tiền mặt trên vốn điều lệ hiện hành, trong đó đã tạm ứng 5%. Kế hoạch cổ tức năm 2016 là 5%% nếu tăng vốn thành công, 7% nếu tăng vốn thành công.

——————————–

HAG: Lãi hợp nhất quý I giảm 76,6%, nợ phải trả xấp xỉ 34.100 tỷ đồng HAGL chỉ thu về gần 91 tỷ đồng lãi ròng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 69,35 tỷ đồng, giảm 76,6% so với cùng kỳ năm trước. Nợ phải trả của Tập đoàn này đến cuối quý I/2016 tăng thêm 1.137 tỷ đồng, lên gần 34.100 tỷ đồng.

——————————–

CII: Lãi quý I giảm 77% LNST hợp nhất đạt 46,53 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lãi cổ đông công ty mẹ là 26,69 tỷ đồng, giảm 84%. EPS tương ứng 107 đồng.

——————————–

HAH: Quý I lãi hơn 36 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ HAH lãi sau thuế quý I/2016 hơn 36 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Như vậy, công ty đã hoàn thành 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2016 mà ĐHĐCĐ thường niên đã thông qua.

——————————–

PVD: Quý 1 lãi 56 tỷ đồng – thấp nhất trong 6 năm qua PVD ghi nhận mức lãi ròng thuộc về công ty mẹ vỏn vẹn hơn 56 tỷ đồng, giảm hơn 88% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức thấp nhất kể từ quý 4/2009.

——————————–

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý