Triển vọng xuất khẩu tích cực hơn
Các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga sau khi nước này tấn công Ucraina sẽ tạo ra cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Triển vọng năm 2022 tích cực hơn vì nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính đang gia tăng. Trong khi chúng tôi vẫn quan ngại về việc gia tăng chi phí vận chuyển và nguyên liệu đầu vào, HSC kỳ vọng giá bán bình quân tăng sẽ bù đắp được mức tăng chi phí, do đó sẽ lợi nhuận sẽ khả quan hơn. Chúng tôi lần lượt nâng 24,2% và 3,7% giá mục tiêu cho VHC và MPC. Duy trì khuyến nghị Mua vào đối với VHC và Tăng tỷ trọng đối với MPC.
Xuất khẩu tôm và cá tra tăng trưởng mạnh
Xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong 2 tháng đầu năm 2022 với sự tăng trưởng mạnh ở các phẩm chủ lực.
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 1/2022 tăng 49% so với cùng kỳ đạt 872 triệu USD và tiếp tục tăng 55% so với cùng kỳ trong tháng 2/2022 đạt 635 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh 51% so với cùng kỳ đạt 1,507 tỷ USD.
Ở các sản phẩm chủ lực, giá trị xuất khẩu tôm tăng mạnh 46% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 550 triệu USD (tháng 1 tăng 43% và tháng 2 tăng 51% so với cùng kỳ). Giá trị xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh hơn mức tăng chung của ngành thủy sản, tăng 93% so với cùng kỳ đạt 384 triệu USD (tháng 1 tăng 72% và tháng 2 tăng 128% so với cùng kỳ).
VASEP sự báo giá trị xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt tăng 10% và 7% trong năm 2022
Vào đầu năm, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt ít nhất 9 tỷ USD trong năm 2022, tăng trưởng 3%. Trong đó, xuất khẩu tôm cả năm 2022 có thể đạt 4,3 tỷ USD, tăng trưởng 10% và xuất khẩu cá tra tăng trưởng 7% đạt 1,7 tỷ USD.
Cũng theo VASEP, mặc dù giá cả tăng, nhu cầu tôm tại Mỹ dự báo vẫn tăng mạnh trong năm nay. Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ tăng 51,7% so với cùng kỳ đạt 112 triệu USD còn xuất khẩu cá tra tăng 103% so với cùng kỳ đạt 93 triệu USD.
Về thị trường EU, HSC kỳ vọng Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ giúp thủy sản của Việt Nam giành thêm thị phần trong năm 2022.
Theo EVFTA, ở sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU, thuế nhập khẩu tôm sú là 0% và thuế nhập khẩu đối tôm thẻ chân trắng sẽ giảm dần từ 7% về 0% vào năm 2025. Thuế nhập khẩu cá tra fillet đông lạnh cũng sẽ giảm từ 5,5% về 0% vào năm 2023.
Biểu đồ 1: Giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (triệu USD)
Biểu đồ 2: Giá trị xuất khẩu cá tra (triệu USD)
Biểu đồ 3: Giá trị xuất khẩu tôm (triệu USD)
Các lệnh trừng phạt lên thủy sản Nga tạo ra cơ hội cho thủy sản Việt Nam
Nhiều quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với sản phẩm thủy sản của Nga, trong đó có Mỹ và Anh. Điều này tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó HSC cho rằng sản phẩm cá tra sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Mỹ trực tiếp nhập khẩu hơn 1,2 tỷ USD sản phẩm thủy sản từ Nga trong năm 2021, bao gồm cua, cá tuyết, cá minh thái và các loại cá khác.
Ngoài ra, một số chính trị gia và chuyên gia trong ngành đang đề xuất việc siết chặt truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Nga không lẩn tránh được lệnh trừng phạt. Ở đây có khả năng một lượng lớn thủy sản đánh bắt của Nga có thể được xuất sang các nước khác như Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu sang Mỹ. Trong trường hợp cá minh thái, Mỹ chỉ trực tiếp nhập 2 triệu USD sản phẩm này từ Nga trong năm 2021 nhưng nhập 75 triệu USD từ Trung Quốc, là nơi chế biến sản phẩm cá minh thái của Nga.
Anh cũng đã đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga, trong đó bao gồm thuế nhập khẩu mới cho cá. Theo đó, cá thịt trắng của Nga sẽ đối mặt với mức thuế mới cao hơn tới 35% so với mức thuế hiện tại.
HSC cho rằng các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga sẽ có lợi cho ngành thủy sản của Việt Nam vì các nước áp đặt lệnh trừng phạt sẽ phải tìm kiếm nguồn sản phẩm thay thế cho sản phẩm thủy sản của Nga từ các quốc gia khác. Đặc biệt, cá tra sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Cá tra có kết cấu và hương vị tượng tự các loại cá thịt trắng khác như cá tuyết, cá thờn bơn, cá tuyết chấm đen và cá minh thái; vì vậy có thể thay thế những loại cá này
Giá xuất khẩu đang tăng
Giá xuất khẩu cá tra và tôm đã tăng tiếp trong tháng 1/2022 và tháng 2/2022. Trong tháng 2/2022, giá xuất khẩu cá tra bình quân tăng 43% so với cùng kỳ lên 2,8 USD/kg; cao hơn 7,7% giá bình quân trong tháng 12/2021.
HSC kỳ vọng xu hướng tăng giá xuất khẩu sẽ tiếp diễn trong những quý tới vì nguồn tồn kho cá tra nguyên liệu vào cuối tháng 3/2022 ước tính là 95.000 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2020 trong khi nhu cầu dự kiến vẫn cao, đặc biệt trước tác động của cuộc chiến Nga-Ucraina.
Giá tôm xuất khẩu biến động theo kích cỡ và thị trường nhưng cũng đã tăng từ đầu năm 2022 mặc dù đây là thời gian thấp điểm của nhu cầu. Trong tháng 2/2022, giá tôm xuất khẩu đã tăng 5-15% so với cùng kỳ lên 13-14 USD/kg, cao hơn 5-10% so với giá bình quân trong tháng 12/2021.
Chúng tôi kỳ vọng giá xuất khẩu cá tra bình quân đạt 3 USD/kg, tăng 35% trong khi giá xuất khẩu tôm bình quân đạt 12,5 USD/kg, tăng 7,1%.
Biểu đồ 4: Tồn kho cá tra nguyên liệu và giá bán
Biểu đồ 5: Giá tôm xuất khẩu (tôm bóc vỏ, cắt đuôi kích thước 16/20)
Nhưng chi phí cũng tăng
Giá nguyên liệu đang tăng
Mặc dù ngành đang có những thuận lợi, vẫn còn 2 rủi ro chính ở đây là giá nguyên liệu và chi phí vận tải đang tăng.
Tại thời điểm cuối tháng 2/2022, tồn kho cá tra nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL giảm còn 107.000 tấn (giảm 57% so với cùng kỳ và giảm 23% so với tháng trước). Nhà nghiên cứu thị trường thủy sản Agromonitor dự báo tồn kho cá tra sẽ giảm tiếp xuống còn 95.000 tấn (giảm 59% so với cùng kỳ và giảm 11% so với tháng trước) vào cuối tháng 3/2022.
Do tồn kho thấp và nhu cầu xuất khẩu cao, giá cá nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL đã tăng 40% so với cùng kỳ và tăng 30% so với đầu năm. Nhờ giá cá nguyên liệu tăng cao, người nuôi bắt đầu mở rộng vùng nuôi trong tháng 2/2022. Sẽ mất 8-10 tháng để cá đạt được trọng lượng tiêu chuẩn là 1kg/con, nghĩa là cá nguyên liệu sẽ tiếp tục thiếu trong Q2 và Q3/2022.
Biểu đồ 6: Tồn kho cá tra nguyên liệu và giá bán
Biểu đồ 7: Tồn kho tôm nguyên liệu và giá bán
Giá tôm nguyên liệu cũng đang trong xu hướng tăng, với mức tăng 5% so với cùng kỳ trong tháng 2/2022. HSC dự đoán giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới vì tồn kho thấp và chi phí thức ăn tăng.
Lưu ý là vì giãn cách xã hội nên giá tôm nguyên liệu đã giảm mạnh trong tháng 8- tháng 10/2021. Vì vậy, người nuôi không có nhiều động lực để nuôi trồng trong thời gian này. Tôm thẻ chân trằng cần 6-8 tháng để đạt được kích thước thu hoạch nên diện tích nuôi trồng giảm từ tháng 8/2021 sẽ khiến tồn kho trong Q2/2022 và Q3/2022 thấp.
Tại thời điểm cuối tháng 2/2022, tồn kho tôm thẻ chân trắng đã giảm 49% so với cùng kỳ và giảm 7% so với tháng trước xuống còn 22.000 tấn, thấp nhất trong 2 năm qua.
Ngoài ra, chi phí thức ăn cũng đang trong xu hướng tăng theo xu hướng chung của thế giới. Điều này sẽ đẩy giá tôm và cá nguyên liệu trong những tháng tới tăng.
Cho năm 2022, chúng tôi dự báo giá tôm nguyên liệu bình quân sẽ là 101.000đ/kg, tăng 5,5% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 7,1% của giá xuất khẩu. HSC cũng dự báo giá cá tra nguyên liệu bình quân là 31.000đ/kg, tăng 33% nhưng thấp hơn một chút mức tăng 35% của giá xuất khẩu bình quân.
Chi phí vận chuyển cao vẫn là một rủi ro
Trong 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số Drewry’s World Container Index là 9.360 USD cho container 40 feet, cao hơn 200% so với mức bình quân 5 năm là 3.129 USD cho container 40 feet.
Mặc dù đã giảm nhẹ từ đỉnh vào tháng 10/2021, dự kiến Drewry’s World Container Index vẫn sẽ ở mức cao trong năm 2022 vì giá năng lượng tăng cao.
Chi phí vận chuyển cao sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu theo giá CIF (tiền hàng, bảo hiểm, cước) và CRF (tiền hàng và cước), trong khi các doanh nghiệp xuất theo giá FOB (giao hàng trên tàu) sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Theo điều kiện giao hàng CIF và CRF, người bán sẽ chịu chi phí vận chuyển còn trong điều kiện FOB, người mua sẽ chịu chi phí vận chuyển. Trong số các doanh nghiệp HSC khuyến nghị, VHC chủ yếu xuất khẩu theo điều kiện FOB trong khi MPC xuất khẩu theo cả điều kiện FOB và CRF.
Biểu đồ 8: Chỉ số Drewry World Container Index
Nhưng tỷ suất lợi nhuận sẽ không bị ảnh hưởng
HSC kỳ vọng chi phí tăng sẽ được bù đắp nhờ giá bán bình quân tăng. Đối với VHC, chúng tôi dự báo giá bán bình quân sẽ tăng mạnh hơn chi phí đầu vào và biên lợi nhuận thuần sẽ tăng lên 19,9% trong năm 2022 từ 19,4% trong năm 2021. Chi phí đầu vào giả định tăng khoảng 33% trong khi giả định giá bán bình quân tăng mạnh hơn một chút, tăng 35%.
Đối với MPC, HSC dự báo tỷ suất lợi nhuận thuần duy trì ở 14,3% trong năm 2022 và tăng lên 15% trong năm 2023 và 2024. Cho năm 2022, chúng tôi dự báo giá tôm nguyên liệu ở vào 101.000đ/kg, tăng 5,5%; nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 7,1% của giá xuất khẩu.
Khuyến nghị Mua vào đối với VHC và Tăng tỷ trọng đối với MPC
VHC: HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với VHC và nâng 24,2% giá mục tiêu lên 109.700đ nhờ triển vọng năm 2022 tích cực hơn. Tiềm năng tăng giá hiện là 25,7%.
Chúng tôi lần lượt nâng 13,5%; 11,2% và 10,2% dự báo lợi nhuận thuần năm 2022 (tăng trưởng 49%), 2023 (tăng trưởng 9,8%) và 2024 (tăng trưởng 8,4%). Theo dự báo mới, lợi nhuận thuần giai đoạn 2021-2024 tăng trưởng với tốc độ CAGR 21%.
VHC hiện có P/E trượt dự phóng 1 năm là 10.2 lần; cao hơn 33% so với bình quân P/E trượt dự phóng 1 năm trong quá khứ là 7,7 lần. Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp cùng ngành, định giá của VHC vẫn đang thấp hơn 8%.
MPC: HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với MPC và nâng 3,7% giá mục tiêu lên 47.400đ nhờ triển vọng năm 2022 tích cực hơn. Tiềm năng tăng giá hiện là 14,5%.
Chúng tôi lần lượt tăng nhẹ 2,4% và 3,6% dự báo lợi nhuận thuần năm 2022 (tăng trưởng 26,7%) và 2023 (tăng trưởng 16,3%). HSC cũng đưa ra dự báo lần đầu cho năm 2024 với lợi nhuận tăng trưởng 2,9%. Theo dự báo mới, lợi nhuận thuần giai đoạn 2021-2024 tăng trưởng với tốc độ CAGR 13,7%.
MPC hiện có P/E trượt dự phóng 1 năm là 10,1 lần; thấp hơn 7% so với bình quân P/E trượt dự phóng 1 năm trong quá khứ là 10,9 lần. So với các doanh nghiệp cùng ngành, định giá của MPC cũng đang thấp hơn 9%.
Bảng 9: Thay đổi dự báo lợi nhuận thuần cho năm 2022-2024, VHC và MPC
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.