Ngành TMĐT giảm tốc sẽ tác động tới ngành chuyển phát
Ngành TMĐT giảm tốc sau dịch COVID-19 vì các cửa hàng truyền thống mở cửa trở lại cùng với những khó khăn kinh tế vĩ mô toàn cầu khiến mức chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm. Do đó, doanh thu chuyển phát sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xu hướng trên vì có mối liên hệ mất thiết với sự phát triển của ngành TMĐT. Tuy nhiên, trong dài hạn, ngành TMĐT và chuyển phát Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng khá.
Ngành TMĐT tăng trưởng chậm lại sau dịch COVID-19
Ngành TMĐT đã tăng trưởng kỷ lục trong giai đoạn đại dịch, khi mọi người bắt buộc phải ở nhà. Tổng giá trị hàng hoá giao dịch qua kênh thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á – bao gồm 6 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam – đã công bố mức tăng trưởng lần lượt 72% và 50% trong năm 2020 và 2021 lên lần lượt 74 tỷ USD và 112 tỷ USD.
Tuy nhiên, do dịch COVID-19 hiện dần trở thành bệnh thông thường tại hầu hết các quốc gia, các cửa hàng truyền thống mở cửa trở lại và mọi người bắt đầu đi ra ngoài, trong khi những khó khăn của nền kinh tế bắt đầu tác động tới chi tiêu cho tiêu dùng, ngành TMĐT đã trở lại mặt bằng trước đại dịch.
Theo nghiên cứu được Google, Temasek Holdings (quỹ đầu tư) và Bain & Co. (hãng tư vấn) đồng thực hiện, tổng giá trị hàng hoá thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 16% đạt 131 tỷ USD trong năm 2022, chậm lại đáng kể so với 2 năm trước. Ngoài ra, tổng giá trị hàng hoá thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR 17% trong giai đoạn 2022-2025 và đạt 210 tỷ USD vào năm 2025, thấp hơn 10% so với dự báo trước đó là 231 tỷ USD.
Đây là lần đầu tiên Google hạ dự báo về tổng giá trị hàng hoá thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á vẫn ít bị ảnh hưởng hơn so với các khu vực khác, với tốc độ tăng trưởng GDP thực vẫn duy trì ở mức ổn định, trong khi lạm phát vẫn ở mức tương đối vừa phải.
Biểu đồ 1: Tổng giá trị hàng hoá giao dịch qua kênh thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á (tỷ USD)
Các nền tảng TMĐT tập trung cải thiện tỷ suất lợi nhuận thay vì tăng trưởng
Trong 2 năm COVID-19, nguồn vốn rẻ dồi dào cho phép các công ty phát triển mạnh mẽ với nhiều chương trình khuyến mãi được thực hiện. Tuy nhiên, sau nhiều đợt tăng lãi suất của Fed trong năm nay, tình hình hiện đã đảo ngược.
SEA, doanh nghiệp niêm yết trên sàn NYSE, chủ sở hữu của Shopee, gần đây đã tuyên bố sẽ chuyển hướng tăng trưởng doanh thu sang cải thiện tỷ suất lợi nhuận càng sớm càng tốt và không phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài. HSC hiểu rằng nguồn vốn từ bên ngoài đang cạn kiệt. Theo ông Forest Li, chủ tịch của SEA, NĐT đang tìm kiếm các khoản đầu tư ‘an toàn’ và hiện khó huy động vốn trong bối cảnh thị trường hiện nay. Đợt huy động vốn gần đây nhất của SEA là vào tháng 9/2021 với giá trị 6 tỷ USD từ việc bán cổ phần và trái phiếu chuyển đổi.
Các khoản lỗ hàng quý của SEA đã tăng lên trong năm nay do tăng trưởng doanh thu không giúp cải thiện lợi nhuận. Trong Q2/2022, SEA đã công bố khoản lỗ kỷ lục gần 1 tỷ USD.
Trong nỗ lực giảm lỗ, trong 6 tháng qua, SEA đã sa thải hơn 7.000 nhân viên, tương đương khoảng 10% lực lượng lao động. BLĐ cấp cao của công ty cũng tuyên bố không nhận lương cho đến khi công ty có thể tự chủ chi phí.
SEA đã cho dừng hoạt động của nền tảng Shopee tại Ấn Độ, Pháp vào tháng 3/2022 và Mỹ Latinh, bao gồm Argentina, Chile, Columbia và Mexico. Các thị trường chính của SEA hiện bao gồm khu vực Đông Nam Á, Đài Loan và Brazil.
Khoản lỗ của SEA trong Q3/2022 đã giảm so với quý trước xuống 569 tỷ USD. Trong khi đó, mảng TMĐT của công ty (Shopee) cũng có sự cải thiện so với quý trước kể từ Q4/2021. Lỗ EBITDA của Shopee trong Q3/2022 đã giảm so với quý trước xuống còn 496 triệu USD nhờ doanh thu tăng trưởng và hiệu quả hoạt động được cải thiện.
Theo công ty, những động thái cắt giảm trên đây cùng với sự thay đổi chiến lược dự báo sẽ làm doanh thu tăng trưởng chậm lại trong các quý tới cho đến khi khả năng có lãi trở nên rõ ràng hơn.
Theo tìm hiểu của HSC, Shopee là nền tảng TMĐT lớn nhất tại Việt Nam, với tổng giá trị hàng hoá thương mại điện tử khoảng 4 tỷ USD. Shopee đã phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua, vượt Tiki và Lazada, nhờ chiến lược dễ dàng cho phép người bán đăng bán các mặt hàng và đẩy mạnh chi tiêu tiền mặt.
Biểu đồ 2: KQKD theo quý của SEA (triệu USD)
Biểu đồ 3: Kết quả hoạt động của Shopee
Biểu đồ 4: Lỗ thuần của các nền tảng thương mại điện tại Việt Nam
Ngược lại, Lazada, một công ty TMĐT lớn khác tại khu vực Đông Nam Á, vẫn đang tuyển dụng và chưa có kế hoạch sa thải nhân viên. Điều này là nhờ nguồn lực từ công ty mẹ Alibaba với tiềm lực tài chính hùng hậu (Alibaba đạt lợi nhuận thuần khoảng 20 tỷ USD/năm trong 2 năm qua). Trong năm 2022, Alibaba đã đầu tư 1,3 tỷ USD vào Lazada để giúp công ty này bắt kịp các đối thủ. Khoản đầu tư này là một phần nhỏ trong lợi nhuận hàng năm của Alibaba. Cũng theo tìm hiểu của HSC, trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, tổng giá trị hàng hoá của Lazada chỉ bằng khoảng một phần ba so với Shopee.
Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, top 4 nền tảng TMĐT lớn nhất đã ghi nhận những khoản lỗ lũy kế lớn. Tuy nhiên, khoản lỗ hàng năm đã giảm dàn nhờ phí hoa hồng tăng và chi phí khuyến mãi giảm. Giá trị hàng hoá giao dịch qua các nền tảng TMĐT chiếm khoảng 50% tổng giá trị hàng hoá TMĐT tại Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng nỗ lực kiểm soát các khoản lỗ của những doanh nghiệp TMĐT sẽ làm các chương trình khuyến mãi bị cắt giảm mạnh và làm tăng giá cả khi mua sắm trực tuyến. Theo đó, giá cả khi mua sắm trực tuyến sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn so với mua sắm tại cửa hàng truyền thống và có thể khiến phổ cập của mua sắm trực tuyến giảm vì một trong những lý do chính người tiêu dùng chọn mua hàng trực tuyến thay vì mua sắm tại cửa hàng truyền thống là săn hàng giá rẻ.
Triển vọng ngành chuyển phát chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn
Do doanh thu của ngành chuyển phát có mối liên hệ mật thiết với ngành TMĐT, nên HSC cho rằng ngành TMĐT tăng trưởng chậm lại sẽ tác động tiêu cực đến ngành chuyển phát trong ngắn hạn.
Trong số 5 công ty chuyển phát lớn nhất – VnPost, VTP, GHTK, J&T Express và Giao Hàng Nhanh (GHN) – J&T Express có tỷ trọng doanh thu từ các nền tảng TMĐT lớn nhất. Bên cạnh mô hình nhượng quyền giúp J&T Express nhanh chóng mở rộng mạng lưới bưu cục trên toàn quốc, sự hợp tác chặt chẽ với Shopee cũng giúp J&T Express gia tăng thị phần mạnh mẽ.
Theo HSC được biết, top 3 công ty chuyển phát lớn nhất (VnPost, VTP và GHTK) không có tỷ trọng doanh thu lớn từ các nền tảng TMĐT vì biên lợi nhuận từ đây rất mỏng, hoặc thậm chí không có lợi nhuận. Vì vậy, chúng tôi cho rằng J&T Express sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với các công ty cùng ngành khác.
Đối với VTP, sản lượng hàng hóa từ Shopee đã giảm 60% so với cùng kỳ trong năm 2022. Tuy nhiên, tác động tới tổng sản lượng hàng hóa là không đáng kể do VTP có tỷ trọng doanh thu từ các nền tảng TMĐT thấp. Doanh thu từ các nền tảng này đóng góp chưa đến 10% tổng doanh thu chuyển phát của VTP.
Các nền tảng TMĐT có xu hướng chuyển sang sử dụng đơn vị chuyển phát nội bộ
Shopee, Lazada và Tiki đã xây dựng các đơn vị giao hàng nội bộ (Shopee Express, Lazada Express và TikiNow Smart Logistics). Mặc dù các nền tảng này vẫn hợp tác với bên thứ ba trong lĩnh vực chuyển phát, nhưng các đơn vị chuyển phát nội bộ luôn được ưu tiên, đặc biệt là đối với các tuyến đường phổ biến như nội thành Hà Nội và TP.HCM hay tuyến liên tỉnh Hà Nội-TP.HCM.
Kể từ tháng 5/2021, Shopee đã tắt lựa chọn đối tác giao hàng của người bán. Theo đó, đối tác giao hàng sẽ được chọn tự động dựa trên thuật toán nội bộ của Shopee. Và Shopee Express được ưu tiên về sản lượng hàng hóa và tuyến đường thuận tiện. Các bên chuyển phát thứ ba thường sẽ nhận được các đơn hàng có lộ trình kém thuận tiện hơn và thường có biên lợi nhuận rất mỏng.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại Lazada Express và TikiNow. Theo tìm hiểu của HSC, Lazada Express hiện đang chuyển phát 50-70% đơn hàng của Lazada tại Hà Nội và TP.HCM.
Các quy định của Chính phủ chưa cho thấy hiệu quả trong việc kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh
Các quy định mới của Chính phủ dường như chưa cho thấy hiệu quả trong việc kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh. Chính phủ đã ban hành nghị định 14/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 27/1/2022, yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính phải công khai giá dịch vụ của mình và không được phép áp dụng giá dịch vụ khác với giá đã công bố.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tiếp tục tìm cách lách luật để tiếp tục cạnh tranh về giá. Mặc dù tuân thủ quy định công khai giá dịch vụ, các doanh nghiệp có thể ghi trọng lượng của các gói hàng chuyển phát thấp hơn thực tế, về cơ bản là động thái giảm giá dịch vụ.
Tại thời điểm HSC viết báo cáo này, chính phủ vẫn chưa cho thấy ý định sẽ kiểm soát chặt chẽ việc chưa ghi đúng trọng lượng các gói hàng của các doanh nghiệp. Theo đó, mức độ cạnh tranh tiếp tục gay gắt và đã không giảm xuống như chúng tôi đã kỳ vọng trước đây.
Như vậy, Chính phủ Việt Nam có lẽ cần siết chặt hơn quy định để môi trường cạnh tranh trở nên lành mạnh.
Mặt bằng lãi suất tăng có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch đầu tư mở rộng
Như đã đề cập trong các báo cáo trước đó, ngành chuyển phát ngày càng trở thành một ngành có mức độ thâm dụng vốn cao do nhu cầu đầu tư vào hạ tầng (nhà kho, trung tâm phân loại, trung tâm điều phối). Do đó, các công ty trong lĩnh vực này được dự báo sẽ phải đẩy mạnh đầu tư trong những năm tới.
Đối với VTP, công ty đã đặt kế hoạch đầu tư mạnh trong vài năm tới, mặc dù số tiền dự kiến đầu tư đã điều chỉnh theo thời gian. Theo chia sẻ mới đây nhất, BLĐ có kế hoạch đầu tư 1.700-2.000 tỷ đồng vào hệ thống kho bãi và trung tâm phân loại. Tiến độ đầu tư trong năm 2022 hơi chậm do thủ tục giấy tờ phức tạp và sản lượng tăng trưởng chậm lại. Một trung tâm phân loại đi vào hoạt động với hiệu suất hoạt động thấp sẽ là một khoản đầu tư không hiệu quả và là gánh nặng đối với lợi nhuận.
Trong khi đó, các công ty chuyển phát khác như VnPost và J&T Express, mặc dù không tiết lộ rõ ràng về giá trị đầu tư, nhưng cũng chia sẻ kế hoạch tập trung đầu tư vào hạ tầng trong thời gian tới để tích hợp sâu hơn vào hệ thống logistics cho hoạt động e-commerce.
Những kế hoạch đầu tư mạnh mẽ này là cần thiết để ngành chuyển phát bắt kịp sự phát triển của lĩnh vực e-commerce. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các công ty phải có năng lực tài chính, và đây sẽ là thách thức trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng cao.
Hoãn IPO và thay đổi sàn niêm yết
- Lưu ý, đầu năm 2022, GHTK đã lên kế hoạch IPO vào Q3/2022 với mức định giá gần 1 tỷ USD. Đây là mức định giá tham vọng, cao hơn 6 lần so với vốn hóa thị trường hiện tại của VTP và tương đương P/E năm 2021 của GHTK vào khoảng 70 lần.
- Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị trì hoãn mà chưa có thông tin cập nhật. Đây không phải là thời điểm tốt để huy động vốn do lãi suất gia tăng sẽ khiến định giá giảm, trong khi NĐT ngày càng thận trọng hơn với các khoản đầu tư.
- Trong khi đó, VTP đã có kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ UPCoM sang HSX (cũng trong Q3/2022). VTP không có kế hoạch huy động vốn cổ phần từ các đối tác bên ngoài nhưng việc niêm yết trên sàn giao dịch chính sẽ khiến công ty trở nên hấp dẫn hơn đối với NĐT, do một số NĐT nước ngoài không được phép đầu tư vào cổ phiếu niêm yết trên sàn UPCoM theo quy định. Tuy nhiên, kế hoạch chuyển sàn niêm yết hiện đang bị hoãn lại sớm nhất là đến năm 2023 do đề xuất đã được thông qua tại ĐHCĐTN năm 2022 sẽ hết hiệu lực. VTP cần trình lại kế hoạch niêm yết tại ĐHCĐ năm 2023 sắp tới nếu muốn thực hiện. Do đó, những thay đổi về sàn niêm yết sẽ chỉ có thể xảy ra sớm nhất là trong nửa cuối năm 2023.
Biểu đồ 5: Lợi nhuận thuần của VTP và GHTK (tỷ đồng) và tỷ suất lợi nhuận thuần
Tuy nhiên, động lực tăng trưởng dài hạn của ngành TMĐT vẫn được duy trì
Trong khi triển vọng ngắn hạn gặp nhiều thách thức, triển vọng dài hạn của ngành TMĐT vẫn được duy trì.
Mặc dù đã điều chỉnh giảm, theo dự báo của Google, ngành TMĐT tại Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á cho đến năm 2025. Tổng giá trị hàng hoá thương mại điện tử dự báo sẽ đạt 14 tỷ USD trong năm 2022 (tăng trưởng 26%) và 32 tỷ USD trong năm 2025 (tương đương tốc độ tăng trưởng CAGR trong giai đoạn 2022-2025 là 37%), so với 39 tỷ USD trong năm 2025 trước đó.
Theo Allied Market Research, thị trường chuyển phát Việt Nam có giá trị 0,71 tỷ USD trong năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 4,88 tỷ USD trong năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng CAGR trong giai đoạn 2022-2030 là 24,1%.
Trong khi đó, theo ‘Quyết định số 654/QĐ-TTg’ ban hành ngày 30/5/2022 (Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030), Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm tối thiểu 30% cho ngành dịch vụ bưu chính liên quan đến TMĐT. HSC hiểu rằng định hướng tích cực này dựa trên kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành TMĐT.
Hình thức bán hàng qua mạng xã hội đang nổi lên
Trong khi ngành TMĐT nói chung đang giảm tốc, hình thức bán hàng qua mạng xã hội đang nổi lên, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á. Bán hàng qua mạng xã hội là một nhánh của ngành TMĐT sử dụng các mạng xã hội. Người bán có thể chỉ là một người bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram hoặc Facebook. Nhiều người không có website trực tuyến và thay vào đó dựa vào các tin nhắn trực tiếp để nhận đơn đặt hàng và thanh toán.
Hình thức TMĐT qua mạng xã hội đang trên đà phát triển nhờ sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram và mới đây là Tiktok, trong đó Facebook và Zalo là những nền tảng được sử dụng nhiều nhất.
Theo Statista, số lượng người đang dùng mạng xã hội ở Việt Nam là 77 triệu người, trong khi thời gian trung bình một người dùng Việt Nam dành cho mạng xã hội là khoảng 2 giờ 22 phút/ngày. Thời gian một người dành cho mạng xã hội càng nhiều thì khả năng người đó tham gia mua sắm vô thức càng cao, đặc biệt là thông qua các quảng cáo mục tiêu.
Công ty có hạ tầng tốt sẽ chiếm lĩnh thị phần
Mặc dù ngành chuyển phát được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định, nhưng chúng tôi cho rằng chỉ những công ty có hạ tầng được chuẩn bị tốt mới có thể giành được thị phần. Chúng tôi kỳ vọng VnPost, VTP và GHTK đều sẽ giành thêm được thị phần, trong khi khả năng chiếm lĩnh thị phần của J&T Express vẫn còn nhiều nghi vấn. J&T Express đang thua lỗ và dựa vào các nguồn tài trợ từ công ty mẹ vốn cũng phụ thuộc vào nguồn vốn từ các NĐT bên ngoài do công ty vẫn chưa đem lại lợi nhuận khả quan.
VTP là lựa chọn của chúng tôi trong ngành chuyển phát
VTP là công ty lớn thứ 3 về doanh thu trong ngành chuyển phát, sau VnPost và GHTK. VTP hiện là doanh nghiệp duy nhất niêm yết trong ngành này. Chúng tôi khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với VTP với giá mục tiêu là 35.700đ.
Trong năm 2022 và 2023, chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận thuần đạt lần lượt 340 tỷ đồng (tăng trưởng 15%) và 384 tỷ đồng (tăng trưởng 13%). Theo đó, tốc độ CAGR doanh thu dịch vụ của VTP trong giai đoạn 2021-2024 được dự báo sẽ đạt 20% so với 37% trong giai đoạn 2015-2021 do chúng tôi dự báo triển vọng lợi nhuận ngành chuyển phát sẽ tăng trưởng chậm lại.
Trong Q4/2022, chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần sẽ đạt 84 tỷ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ và 50% so với quý trước), trong khi VTP đang đặt kế hoạch đạt 57 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ và đi ngang so với quý trước). Chúng tôi kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận trong Q4/2022 sẽ cải thiện sau khi bất ngờ sụt giảm trong Q3/2022 do chi phí lao động tăng cao và hoạt động kém hiệu quả. Một phần là nhờ nỗ lực tái cấu trúc hoạt động của VTP, sau khi BLĐ mới nhận chức từ tháng 5/2022.
Trong năm 2023, BLĐ kỳ vọng lợi nhuận thuần sẽ tăng trưởng 13% đạt 354 tỷ đồng (tương đương 92% dự báo của chúng tôi). Theo chúng tôi, BLĐ mới thận trọng hơn và thực tế hơn so với BLĐ cũ. Trong 3 năm qua, VTP thường đặt ra các kế hoạch tham vọng nhưng sau đó lại không hoàn thành kế hoạch.
Giá cổ phiếu VTP đã giảm 47% trong 3 tháng qua và 56% so với đầu năm. Đà giảm mạnh sau khi VTP công bố KQKD Q3/2022 thấp hơn so với kỳ vọng. VTP đang giao dịch với P/E dự phóng 2023 là 10,4 lần, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân trong quá khứ là 25,5 lần (kể từ khi niêm yết vào tháng 11/2018). Tuy nhiên, do lợi nhuận trong tương lai được dự báo sẽ giảm tốc đáng kể so với quá khứ, chúng tôi cho rằng việc hạ khuyến nghị đối với VTP là hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất gia tăng. Giá mục tiêu của chúng tôi đối với VTP là 35.700đ (tiềm năng tăng giá là 18%), tương đương P/E dự phóng 2023 là 12,3 lần.
VTP đang hoạt động tương đối tốt trong ngành này và hiện là một trong ba công ty lớn với mức lợi nhuận khả quan, trong khi nhiều công ty khác đang thua lỗ. Chúng tôi tin rằng VTP sẽ tiếp tục giành thêm thị phần và chúng tôi duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng.
Biểu đồ 6: KQKD theo quý, VTP
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.