Trong tháng Chín tới Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị về phát triển vận tải thủy và vận tải ven biển. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có những chỉ đạo rõ ràng hơn để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành này. Trong các nhóm giải pháp, chúng tôi cho rằng giải pháp về ưu đãi thuế TNDN xuống 10% trong 15 năm sẽ tác động trực tiếp và nhanh nhất đến KQKD của các hãng tàu đang hoạt động có lợi nhuận. Từ đó, các doanh nghiệp này có thể nâng cao lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, hiện đại hóa đội tàu và nâng cao năng lực cạnh tranh với các hãng tàu ngoại. Ngược lại, một số doanh nghiệp còn lỗ lũy kế cao sẽ chưa được hưởng lợi ngay từ ưu đãi thuế TNDN này. Mặc dù vậy, các nhóm giải pháp còn lại cũng sẽ góp phần tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi hơn trong dài hạn cho những doanh nghiệp này.
Ngành vận tải biển hồi phục chậm và chưa đồng đều sau suy thoái
Kể từ sau suy thoái kinh tế năm 2008, bức tranh ngành vận tải biển không mấy tươi sáng. Giá dầu thế giới biến động mạnh. Nguồn cung tàu vượt quá nhu cầu hàng hóa làm cho cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt. Hơn nữa, các tàu của Việt Nam được đóng và mua mới nhiều trong thời gian ngành vận tải biển đang thịnh nên chi phí rất cao. Nhiều doanh nghiệp đã vay vốn để mua tàu trong giai đoạn này. Kết quả là khi giá cước giảm trong khi chi phí nhiên liệu, lãi suất cho vay tăng lên, nhiều doanh nghiệp khai thác vận tải biển liên tục thua lỗ. Bên cạnh đó, nguồn hàng khan hiếm và mất cân đối giữa hai chiều vận tải Bắc – Nam cũng là những khó khăn của ngành. Quy mô đội tàu biển, theo đó, cũng đã giảm mạnh do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và phải cơ cấu lại đội tàu.
Đội tàu của Việt Nam không đủ năng lực để cạnh tranh với các hãng tàu quốc tế trong thị trường vận tải hàng hóa XNK
Cơ cấu đội tàu Việt Nam dư thừa tàu bách hóa, tổng hợp nhưng lại thiếu tàu container, tàu chuyên dụng; tính hiện đại hóa của đội tàu thấp (tàu nhỏ, cũ) nên không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của chủ hàng XNK. Chúng tôi ước tính tàu chở hàng tổng hợp chiếm khoảng 60%, sau đó là tàu chở hàng khô (15%) và hàng rời (10%). Trong khi đó, số lượng tàu container chỉ chiếm khoảng 4%, và tàu chuyên dụng (chở dầu, hóa chất) chiếm khoảng 11%.
Cùng với đó là mua CIF, bán FOB nên quyền thuê phương tiện vận chuyển thuộc về các đối tác nước ngoài. Chính vì vậy, vận tải hàng hóa XNK phần lớn do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, vận tải xuất nhập khẩu, đội tàu Việt Nam chỉ đảm nhận được khoảng 10% thị phần, còn lại là do tàu nước ngoài đảm nhận.
Tuy có nhiều khó khăn nhưng chưa nhận được ưu đãi từ Chính phủ
Để chuẩn bị nội dung cho hội nghị sắp tới, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất nhóm giải pháp cũng như tập hợp các ý kiến đề xuất giải pháp từ các doanh nghiệp trong ngành, thông qua các cảng vụ hàng hải.
Đáng chú ý, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài chính xem xét bổ sung doanh nghiệp vận tải biển vào trong danh mục doanh nghiệp vừa và nhỏ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất là 10% trong 15 năm. Hiện tại, mức thuế suất thuế TNDN hiện tại đối với các doanh nghiệp vận tải biển đang là 20%.
Theo nguyên tắc kế toán, các doanh nghiệp sẽ được kết chuyển tổng số lỗ phát sinh trong vòng 5 năm gần nhất vào kỳ có lãi để khấu trừ cho thu nhập chịu thuế (tối đa bằng số lãi trong kỳ). Do đó, việc giảm thuế TNDN sẽ không có tác động lên những doanh nghiệp có LNTT trong kỳ thấp hơn lỗ lũy kế trong vòng 5 năm gần nhất.
Nguồn: VDSC