DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0989 490 980
Vay Margin tại HSC tỉ lệ 1:4

Cập nhật cổ phiếu TPB – Tăng trưởng cao trong quý 1/2019

Lượt xem: 1,363 - Ngày:

Kế thừa đà tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ trong năm 2018 (+ 85% yoy), TPB (Cổ phiếu TPB) tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao 66,3% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1/2019 vừa qua. Kết quả này là nhờ có sự tăng trưởng mạnh mẽ của dư nợ tín dụng và thu nhập dịch vụ.

Đồ thị cổ phiếu TPB phiên giao dịch ngày 24/04/2019. Nguồn: AmiBrokerĐồ thị cổ phiếu TPB phiên giao dịch ngày 24/04/2019. Nguồn: AmiBroker

Tăng trưởng tín dụng đã được đẩy mạnh đáng kể ngay từ quý 1

Tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trong quý 1/2019, đạt 11,3% so với đầu năm (trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp ở mức 13%). Cho vay khách hàng tăng 9,8% so với đầu năm lên 84.723 tỷ trong khi trái phiếu doanh nghiệp tăng 35,7% lên 6.879 tỷ đồng. Cơ cấu cho vay có xu hướng dịch chuyển theo hướng đẩy mạnh phân khúc bán lẻ khi cho vay cá nhân được mở rộng đáng kể và chiếm 50% danh mục cho vay vào cuối năm 2018 (so với 40% của năm 2017). Trong khi cho vay mở rộng mạnh mẽ, tổng huy động chỉ tăng 4,7% so với đầu năm (với mức tăng trưởng tiền gửi của khách hàng đạt 2,3%).

Tiếp tục xu hướng mở rộng NIM năm 2018, NIM (trượt 12 tháng) đã tăng từ 2,8% lên 3,9%, nhờ tập trung vào các khoản vay mua nhà và cho vay mua ô tô. Theo TPB, ngân hàng đã mở rộng cho vay bán lẻ rất mạnh kể từ năm 2017 bằng cách cấp lãi suất ưu đãi (7-8%) cho các khoản vay cá nhân trong 6-12 tháng đầu tiên. Như vậy, khi lãi suất của các khoản vay này chuyển sang mức thông thường (tương đương với lãi suất tiền gửi cộng với một mức biên lợi nhuận nhất định) thì NIM của ngân hàng cũng tăng lên đáng kể.

Trong năm 2019, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ở mức 20%, mặc dù hiện nay TPB mới được NHNN cấp hạn mức 13%.
Tuy nhiên, do TPB là ngân hàng thứ 6 được chấp thuận áp dụng Thông tư 41 nên ngân hàng đang xin NHNN nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong trường hợp tốt nhất, TPB thậm chí kỳ vọng được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng lên tới 20-25%.  Ngân hàng cũng đang đặt mục tiêu cải thiện NIM bằng cách tiếp tục tập trung vào cho vay bán lẻ (sẽ duy trì tỷ trọng ở mức hơn 50% danh mục cho vay). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tốc độ tăng NIM sẽ chậm lại cho đến cuối năm, do (1) tỷ trọng của các khoản vay lãi suất thấp đã giảm đi so với năm ngoái và (2) tỷ lệ LDR điều chỉnh hiện tại đã ở mức rất cao (102%) do đó TPB sẽ phải đẩy mạnh huy động để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao của ngân hàng.

Thu nhập dịch vụ và thu nhập khác cũng thúc đẩy tăng trưởng thu nhập hoạt động mạnh mẽ

Thu nhập dịch vụ tăng 190% so với cùng kỳ lên 216,7 tỷ đồng nhờ thu nhập thanh toán tăng 160% và thu nhập bảo hiểm tăng gấp 5 lần so với quý 1/2018. Tỷ trọng của phí bảo hiểm mở rộng và chiếm gần 40% thu nhập dịch vụ, trong đó 80% là đóng góp từ các hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ (GIC là đối tác chính) và 20% từ bảo hiểm nhân thọ (AIA, Manulife…). Hiện TPB chưa ký hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm nhân thọ với công ty nào. Ngoài ra, việc thu nhập từ giao dịch chứng khoán đầu tư tăng trưởng 128% so với cùng kỳ cũng góp phần đẩy mạnh thu nhập hoạt động. Nhìn chung, tăng trưởng thu nhập hoạt động đạt 60,4% so với cùng kỳ, cao hơn so với nhiều ngân hàng khác.

Năm 2019, TPB đặt mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập bảo hiểm (từ 370 tỷ đồng lên 740 tỷ đồng) và đẩy tỷ trọng đóng góp của bảo hiểm nhân thọ từ 20% lên 30%. TPB cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi so với thu nhập dịch vụ từ 22,2% hiện nay lên mức 25-28%.

Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng

Chi phí hoạt động tăng 47,7% so với cùng kỳ lên 898,2 tỷ, chủ yếu là do chi phí nhân viên tăng 43% và chi phí quản lý công vụ tăng 58%. Theo đó, tỷ lệ CIR được cải thiện từ 51,2% lên 47,1%. Trong năm 2019, ngân hàng có kế hoạch tăng số lượng nhân viên thêm 5% (chủ yếu do mở rộng đội ngũ nhân viên bán hàng). TPB sẽ đẩy mạnh áp dụng tự động hóa quy trình để nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo nhân viên khối hỗ trợ có thể xử lý được khi khối lượng công việc tăng lên. Ngân hàng cũng có định hướng tiếp tục đầu tư cho chiến lược kỹ thuật số nhưng sẽ duy trì tăng trưởng chi phí ở mức thấp hơn so với tăng trưởng thu nhập hoạt động để cải thiện CIR. Theo đó, TPB kỳ vọng sẽ đưa CIR giảm dần từ 50% (2019) xuống dưới 45% (2022).

Mặt khác, chúng tôi nhận thấy chất lượng tài sản đang có diễn biến kém khả quan hơn khi tổng nợ xấu tăng 36,4% so với đầu năm, chủ yếu tập trung vào nợ nhóm 3 và 4. Tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 1,1% vào cuối năm 2018 lên 1,4% vào cuối Quý 1/2019 còn tỷ lệ LLR đã giảm từ từ 103,3% xuống 88,8%. Do đó, tổng chi phí dự phòng trong quý 1/2019 tăng 73,8% so với cùng kỳ. Chúng tôi cho rằng xu hướng này có thể đặt ra một số thách thức cho kế hoạch kiểm soát chi phí dự phòng của TPB, nhất là khi ngân hàng dự kiến tất toán ít nhất một nửa giá trị trái phiếu VAMC còn lại (400 tỷ đồng) trong năm 2019.

Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch vốn 2019

Trong năm 2019, mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động được đặt ở mức 20%. Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 41,7%, ở mức khá cao so với những ngân hàng khác. TPB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8.566 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng thông qua (1) phát hành riêng lẻ lên đến 100 triệu cổ phiếu (tương đương với 11,67% số cổ phần hiện tại) và (2) chia cổ tức cổ phiếu từ thu nhập chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần. Giá phát hành sẽ không thấp hơn giá đóng cửa ngày 02/04/2019 (tức 22.250 đồng).

TPB cũng có kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế không chuyển đổi để cải thiện hệ số CAR và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Ngoài ra, TPB đã xin thành công phê duyệt của cổ đông về chủ trương tìm kiếm và mua lại 100% cổ phần của một công ty tài chính tiêu dùng.

Về mạng lưới LiveBank, với 100 máy vào cuối năm 2018, TPB có kế hoạch lắp đặt thêm 100 máy trong năm 2019. Trong giai đoạn này, LiveBank đang đóng góp vào việc thu hút khách hàng và nâng cao sự hài lòng thay vì đóng góp cho lợi nhuận hoặc CASA. Cho đến nay, khoảng 600.000 khách hàng (trong tổng số 2,2 triệu khách hàng của TPB) đang sử dụng một trong những kênh số, với chi phí thấp hơn nhiều so với các kênh vật lý.

Nhìn chung, TPB vẫn đang trên đà tăng trưởng tích cực trong cả thu nhập lãi thuần và thu nhập dịch vụ. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi việc tập trung vào các khoản vay mua nhà và các khoản vay ô tô cũng như hoạt động bancassurance. Trong năm 2019, trong khi tăng trưởng thu nhập hoạt động dự kiến ​​sẽ chậm lại do NIM tăng chậm hơn, chúng tôi cho rằng gánh nặng chi phí hoạt động vẫn sẽ đáng kể khi ngân hàng có kế hoạch duy trì đầu tư vào chiến lược ngân hàng số và mở rộng mạng lưới LiveBank. Sự ra mắt của một công ty tài chính tiêu dùng, một mặt có thể hỗ trợ tăng trưởng NIM, nhưng mặt khác có thể gây áp lực nhiều hơn lên cả chi phí hoạt động và chi phí dự phòng.

Theo đuổi chiến lược ngân hàng bán lẻ, TPB đã khẳng định vị trí của mình là một ngân hàng số khi sử dụng công nghệ tiên tiến và tự động hóa trong phục vụ khách hàng, nhưng sẽ chưa thể đem lại tác động tích cực rõ ràng trong ngắn hạn. Chúng tôi nhận thấy sản phẩm LiveBank đặc trưng của TPB đã có được tiếng vang nhất định, tuy nhiên các sản phẩm số khác như ứng dụng ngân hàng trực tuyến, thanh toán mã QR và ví điện tử vẫn đang gặp phải sự cạnh tranh trực tiếp từ các sản phẩm của nhiều ngân hàng khác khi họ cũng hướng tới ngân hàng bán lẻ, cũng như nhiều công ty công nghệ tài chính (fin-tech) khác. Do đó, chúng tôi cho rằng TPB sẽ cần dành nhiều nguồn lực hơn để giữ vị trí hàng đầu hiện tại trong lĩnh vực ngân hàng số và đảm bảo duy trì lợi thế này trong dài hạn.

Nguồn: VDSC

 

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý