Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2021
STB đã công bố KQKD Q3/2021 với lợi nhuận thuần giảm 8% so với cùng kỳ xuống còn 825 tỷ đồng, chủ yếu vì thu nhập lãi thuần khiêm tốn, lãi thuần HĐ dịch vụ giảm và thu nhập khác giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng cũng giảm.
Đồ thị cổ phiếu STB phiên giao dịch ngày 05/11/2021. Nguồn: AmiBroker
Lợi nhuận thuần 9 tháng đầu năm 2021 đạt 3.249 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ), đạt 80% dự báo của HSC cho cả năm 2021. KQKD 9 tháng sát với dự báo của chúng tôi.
Trong Q3/2021, Cổ phiếu STB đã bán 81,5 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 4,3% số lượng cổ phiếu lưu hành) và thu về hơn 2.400 tỷ đồng bổ sung vào vốn CSH.
Tín dụng tăng trưởng âm
Tín dụng trong Q3/2021 của STB giảm 1,4% so với quý trước (tăng 4,8% so với đầu năm) lên 356,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay trung hạn giảm 6,4% so với quý trước xuống còn 49 nghìn tỷ đồng trong khi cho vay ngắn và dài hạn lần lượt giữ nguyên ở 209 nghìn tỷ đồng và 98,4 nghìn tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng tính đến Q3/2021 vẫn còn cách xa hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao là khoảng 11-12%. HSC tin rằng tăng trưởng tín dụng của STB trong Q4/2021 có thể tăng tốc nhờ nền kinh tế mở cửa trở lại và hệ số CAR được củng cố. Hệ số CAR đã tăng lên 10,5% từ 9,78% tại thời điểm cuối Q2/2021 sau khi bán xong cổ phiếu quỹ trong Q3/2021.
Bảng 1: KQKD Q3/2021, STB
Về mặt huy động, tiền gửi khách hàng giảm 2,1% so với đầu năm (giảm 3,5% so với quý trước) xuống còn 418,8 nghìn tỷ đồng trong khi giấy tờ có giá tăng 10,2% so với đầu năm lên 18 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q3/2021 đạt 22,2%; tăng từ 19,9% tại thời điểm cuối Q2/2021 và 19% tại thời điểm cuối năm 2020.
Hệ số LDR điều chỉnh tăng lên 82% từ 81% tại thời điểm cuối Q2/2021.
Tỷ lệ NIM tăng nhờ chi phí huy động giảm
Tỷ lệ NIM Q3/2021 tăng 19 điểm cơ bản so với quý trước lên 2,96% với lợi suất gộp tăng 20 điểm cơ bản so với quý trước lên 7,16% trong khi chi phí huy động giảm 5 điểm cơ bản so với quý trước xuống 3,95%.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ NIM trung bình tăng 15 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 2,9% với cả lợi suất gộp (giảm 128 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và chi phí huy động (giảm 123 điểm cơ bản so với cùng kỳ) giảm đáng kể.
Kể từ tháng 7/2021, STB đã triển khai hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 với quy mô tương đương 121 tỷ đồng; quy mô các khoản cho vay ưu đãi là 80 nghìn tỷ đồng (22,5% tổng dư nợ cho vay).
Nói chung, thu nhập lãi thuần tăng 9% so với cùng kỳ lên 3.313 tỷ đồng trong Q3/2021 và tăng 11% so với cùng kỳ lên 9.470 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021.
Thu nhập ngoài lãi giảm mạnh trong Q3
Thu nhập ngoài lãi Q3/2021 giảm mạnh 50% so với cùng kỳ xuống còn 885 tỷ đồng. Trong đó, lãi thuần HĐ dịch vụ giảm 53% so với cùng kỳ xuống còn 590 tỷ đồng, chủ yếu vì thu nhập dịch vụ thanh toán và thu nhập hoa hồng bancassuarance kém trong bối cảnh giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt tại phía Nam.
Thu nhập khác mà chủ yếu là lãi trả chậm trong hợp đồng chuyển nhượng tài sản đảm bảo tại KCN Đức Hòa III giảm còn 39 tỷ đồng trong Q3/2021 từ 358 tỷ đồng trong Q3/2020. STB đã nhận một khoản phí thanh toán lớn trong 6 tháng đầu năm 2021, do đó sụt giảm trong quý 3 là có thể lường trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, thu nhập ngoài lãi giảm 3% so với cùng kỳ xuống còn 3.620 tỷ đồng, đạt 58% dự báo của HSC cho cả năm 2021 và thấp hơn một chút so với kỳ vọng.
Hiệu quả hoạt động tiếp tục được nâng cao
Chi phí hoạt động trong Q3/2021 giảm 7,7% so với cùng kỳ. Chi phí nhân viên giảm 3% so với cùng kỳ và hoàn nhập chi phí dự phòng cho các khoản phải thu là 7 tỷ đồng (Q3/2020 là 98 tỷ đồng).
Nói chung, hệ số CIR 9 tháng đầu năm 2021 giảm còn 56,8% từ 63,8% trong năm 2020, nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất trong số các ngân hàng HSC khuyến nghị.
Chất lượng tài sản chưa cải thiện nhưng hệ số LLR đã tăng
Ở phần “ngân hàng tốt”, tỷ lệ nợ xấu của STB vẫn gần như giữ nguyên ở 1,56% và tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng lên 0,51% từ 0,25% tại thời điểm cuối Q2/2021. Hệ số LLR tăng lên 112% từ 103% tại thời điểm cuối Q2/2021 và 94% tại thời điểm cuối Q4/2020.
Chi phí dự phòng Q3/2021 giảm 26% so với cùng kỳ xuống còn 950 tỷ đồng, theo đó chi phí tín dụng theo năm là 1,07% (so với 0,92% trong năm 2020). Chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm 2021 là 2.411 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ), bằng 71% dự báo của HSC cho cả năm 2021 và thấp hơn một chút so với dự tính.
Các tài sản có vấn đề từ trước để lại giảm xuống 41,3 nghìn tỷ đồng (bằng 9,72% tổng tài sản sinh lãi) tại thời điểm cuối Q3/2021 từ 43,5 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối Q2/2021 và 51,5 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối Q4/2020. Với hơn 10 nghìn tỷ đồng tài sản có vấn đề được xóa trong 9 tháng đầu năm 2021, hiện kế hoạch tái cơ cấu của STB đang diễn ra đúng như mong muốn.
Duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo
Hiện STB có P/B dự phóng năm 2022 là 1,33 lần. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với STB, giá mục tiêu là 33.500đ và dự báo.
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.