DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0989 490 980
Vay Margin tại HSC tỉ lệ 1:4

Cập nhật cổ phiếu PTB – Tái cơ cấu mảng đá kỳ vọng giữ nhịp tăng trưởng

Lượt xem: 2,162 - Ngày:

Khai thác và kinh doanh đá là mảng kinh doanh chủ lực của Phú Tài (Cổ phiếu PTB), đóng góp trung bình 28% doanh thu và 57% lợi nhuận (2012 – 2018). Biên lợi nhuận gộp duy trì 32 – 37%. Sản phẩm chính là đá ốp lát bao gồm đá granite và đá marble. Các dòng sản phẩm bao gồm đá bỏ vỉa, đá sân vườn và đá bia mộ.

Đồ thị cổ phiếu PTB phiên giao dịch ngày 20/09/2019. Nguồn: AmiBrokerĐồ thị cổ phiếu PTB phiên giao dịch ngày 20/09/2019. Nguồn: AmiBroker

Trữ lượng dồi dào, đảm bảo nguồn cung cho phát triển dài hạn

Liên tục thu mua, tích lũy mỏ đá là một đặc điểm nổi bật của Phú Tài. Với lịch sử thu mua trung bình 2 mỏ đá mỗi năm, PTB hiện đang sở hữu 13 mỏ đá với tổng trữ lượng ~53 triệu m3 và sản lượng ước đạt 6,5 – 7 triệu m3 năm 2019. Sản phẩm chính của công ty chủ yếu là đá granite, tập trung trữ lượng tại khu vực Khánh Hòa, Bình Định. Trong khi các loại đá marble, chiếm phần ít hơn trong cơ cấu sản phẩm, tập trung tại khu vực phía Bắc (Yên Bái, Hưng Yên) và chưa được khai thác nhiều.

Năm 2019, Phú Tài tiếp tục tích lũy thêm một mỏ đá đen và một mỏ đá trắng thông qua việc mua lại cổ phần Công ty TNHH Thành Châu (Đồng Xuân, Phú Yên) và Công ty TNHH TM&SX Sơn Phát (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Công ty dự kiến đưa nhà máy phục vụ mỏ đá đen tại Thành Châu đi vào hoạt động từ Q3 2019.

Tái cơ cấu sản phẩm đẩy mạnh tiêu thụ và cắt giảm chi phí nhằm cải thiện biên lợi nhuận

Phần lớn sản phẩm đá của Phú Tài được tiêu thụ tại thị trường TPHCM và Hà Nội thông qua một số khách hàng lớn. Sự chững lại nguồn cung bất động sản nhà ở tại hai thị trường này và cạnh tranh từ đá Trung Quốc nhập khẩu gây ảnh hưởng đến tiêu thụ đá của Phú Tài. Tăng trưởng doanh thu mảng đá giảm đáng kể, từ mức trung bình 34% giai đoạn 2014-16 xuống còn 16% (năm 2017) và 6% (năm 2018). Đối với thị trường BĐS dân dụng, nguồn cung và số lượng căn hộ bán ra lần lượt giảm 10% và 12% năm 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, theo CBRE. Song, đá nhập khẩu từ Trung Quốc với giá cạnh tranh thông qua kênh tiểu ngạch với được cho là đang chiếm phần lớn nguồn cung trên thị trường.

Tuy nhiên, hoạt động tái cơ cấu sản phẩm và hệ thống nhà máy kỳ vọng hỗ trợ triển vọng tiêu thụ đá và duy trì tăng trưởng trung bình 8% giai đoạn 2019-23. Chiến lược này bao gồm:

  • Tái cơ cấu sản phẩm nhằm thúc đẩy tiêu thụ. Nguồn cung bất động sản dân dụng chững lại làm sụt giảm đáng kể nhu cầu đá cao cấp. Tập trung vào sản phẩm phổ thông và đa dạng hơn về kích cỡ có thể giúp PTB duy trì hoặc đẩy mạnh tiêu thụ. Một số thay đổi đang được thực hiện bao gồm:
  • Tăng sản lượng đá sân vườn, đá vỉa hè, đá thủ công và đá bia mộ xuất khẩu. Phần lớn các sản phẩm này được tiêu thụ ở các công trình công cộng, khu du lịch – nghỉ dưỡng, tòa nhà thương mại, … nên độ hấp thụ tương đối ổn định so với các sản phẩm ốp lát phục vụ các dự án bất động sản nhà ở.
  • Mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Thổ Nhĩ Kỳ. Xuất khẩu là động lực quan trọng cho tăng trưởng mảng đá khi hấp thụ trong nước đang chững lại. Thổ Nhĩ Kỳ ước tính chiếm khoảng 50% giá trị xuất khẩu của PTB. Chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ hạn chế rủi tập trung và biến động của thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Thị trường tiềm năng bao gồm Đức, Ba Lan và Hungary với phần lớn là đá slabs và thị trường châu Á bao gồm Nhật, Thái Lan với đá bia mộ.

Bên cạnh đó, PTB đang triển khai xây dựng nhà máy đá thạch anh với công suất 500.000 m2/năm và dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường từ Q2 2020. Theo Phú Tài, 95% sản phẩm từ nhà máy này sẽ phục vụ xuất khẩu. Một số thị trường tiềm năng như Canada, Mỹ và Úc. Tổng mức đầu tư dự kiến là 300 tỷ đồng.

  • Cơ cấu lại các nhà máy nhằm cắt giảm chi phí, cải thiện biên lợi nhuận. Mỗi mỏ đá của PTB thường đi kèm với một nhà máy sản xuất và được đặt gần mỏ. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu với các dòng sản phẩm đa dạng đòi hỏi quản lý hiệu quả khâu sản xuất nhằm cắt giảm chi phí. Công ty đang thực hiện tái cơ cấu các nhà máy nhằm tăng tính chuyên môn hóa tại từng nhà máy và cho từng loại sản phẩm.

Nhìn chung, thị trường đá tại Việt Nam khá phân mảnh và có sự cạnh tranh lớn từ đá Trung Quốc nhập khẩu. Vấn đề xin giấy phép khai thác các mỏ đá cũng đòi hỏi cao về kinh nghiệm khai thác và năng lực tài chính. Chúng tôi cho rằng Phú Tài là một trong những doanh nghiệp đá có quy mô và năng lực tài chính tương đối tốt trong khi phần lớn các doanh nghiệp đá trên thị trường là những công ty nhỏ lẻ, năng lực tài chính hạn chế. Điều này cho phép Phú Tài có lợi thế trong các hoạt động M&A, tích lũy các mỏ đá khi có cơ hội. Chúng tôi kỳ vọng mảng đá tăng trưởng trung bình 8% trong 2019-23 nhờ vào tiêu thụ nội địa ổn định sau khi tái cơ cấu.

Nguồn:VDSC

 

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý