Trong Q2/2020, kết quả kinh doanh của PLX cho thấy sự phục hồi đáng kể so với khoản lỗ vào Q1/2019 nhờ sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng và việc hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho được trích trong quý trước. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế Q2/2020 lần lượt đạt 26,7 nghìn tỷ đồng (-46% so với cùng kỳ) và 791 tỷ đồng (-51% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, chúng tôi ước tính kết quả kinh doanh của PLX sẽ phục hồi mạnh hơn trong nửa cuối năm 2020, và đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trên 100% trong năm 2021 do giá dầu tiếp tục ổn định và hoạt động vận tải phục hồi. Hiện tại chúng tôi đang xem xét lại định giá và khuyến nghị đối với cổ phiếu.
Đồ thị cổ phiếu PLX phiên giao dịch ngày 24/08/2020. Nguồn: AmiBroker
- Sản lượng tiêu thụ xăng dầu phục hồi trở lại trong tháng 5 và tháng 6 sau thời gian giãn cách xã hội trước đó cùng với nguồn cung hạn chế từ các đại lý phân phối khác: Sau khi giảm hơn 10% trong quý 1, sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng 4% so với cùng kỳ trong Q2/2020. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ trong tháng 4 giảm 20% so với cùng kỳ do chính sách giãn cách xã hội trên cả nước. Tuy nhiên, sự sụt giảm này đã được bù đắp bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong các tháng tiếp theo, với sản lượng tăng 23% so với cùng kỳ trong tháng 5 trước khi ổn định trở lại vào tháng 6 (đi ngang so với cùng kỳ).
- Sự phục hồi mạnh mẽ của sản lượng PLX trong tháng 5 một phần là do nhu cầu dồn nén từ tháng 4 và sản lượng bán ra hạn chế từ các nhà bán lẻ khác, khi họ tiến hành găm giữ hàng tồn kho với dự đoán giá xăng dầu tăng. Ngoài ra, việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng để bảo dưỡng vào tháng 4 và tháng 5 cũng khiến nguồn cung cho các đại lý phân phối trong nước bị gián đoạn. Là nhà phân phối lớn nhất cả nước với hệ thống cung ứng đa dạng và ổn định, Cổ phiếu PLX có thể đảm bảo nhu cầu đầu vào bằng cách tăng lượng nhập khẩu và có khả năng tăng sản lượng tiêu thụ và mở rộng thị phần trong tháng 5.
- Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước của PLX đạt 4,6 triệu m3/tấn, giảm 3% so với cùng kỳ (thấp hơn mức giảm 7-8% so với cùng kỳ đối với sản lượng tiêu thụ của OIL), hoàn thành 52% kế hoạch năm.
- Lợi nhuận được hỗ trợ từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng hàng tồn kho trước đó: Tỷ suất lợi nhuận gộp Q2/2020 đạt 10,3% cải thiện đáng kể từ mức 1,2% trong Q1/2020 và 7,4% trong Q2/2019. Kết quả này đến từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng hàng tồn kho trị giá 1.511 tỷ đồng trong Q2/2020, sau khi giá dầu tăng gần 100% trong quý. Nếu loại trừ tác động từ chi phí dự phòng hàng tồn kho, tỷ suất lợi nhuận gộp trong Q2/2020 sẽ là 5% hay đi ngang so với quý trước nhưng thấp hơn mức 7,6% trong Q2/2019. Kết quả này có thể là do tỷ suất lợi nhuận thấp trong tháng 4 và tháng 5 do giá dầu giảm mạnh trong tháng 4, cũng như giá xăng dầu nhập khẩu đầu vào tăng trong tháng 5 khi công ty phải gia tăng nhập khẩu để bù đắp cho sự gián đoạn của nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trong tháng 6 đã ổn định về mức năm 2019.
- Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của PLX giảm 28,9% so với cùng kỳ đạt 65,187 tỷ đồng. Công ty ghi nhận mức lỗ trước thuế 911 tỷ đồng so với mức lợi nhuận trước thuế dương 3.191 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019.
Nguồn: SSI
Từ khóa: PLX