Áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu
Đồ thị cổ phiếu MSN phiên giao dịch ngày 01/03/2023. Nguồn: AmiBroker
- Lũy kế cả năm 2022, Cổ phiếu MSN đạt doanh thu thuần và LNST của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) lần lượt là 76,2 nghìn tỷ đồng (-14% so với cùng kỳ) và 3,6 nghìn tỷ đồng (-58,3% so với cùng kỳ). Nếu loại trừ lợi nhuận bất thường từ việc bán mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của MML cho DeHeus trong năm 2021, thì NPATMI đi ngang so với năm 2021. Theo quan sát của chúng tôi, tất cả các mảng kinh doanh đã và vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi các thách thức vĩ mô. Trong Q4, doanh thu của MCH giảm -16,5% so với cùng kỳ do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và mức nền cơ sở cao được thiết lập trong Q4.2021 (do công ty tích cực đẩy mạnh doanh thu tới các nhà phân phối trong Q4.2021). Doanh thu của WCM trong Q4 cũng thấp hơn so với quý trước, mặc dù kỳ nghỉ Tết đến sớm hơn (một phần doanh thu dịp Tết được ghi nhận trong Q4.2022). Về mặt chi phí, chi phí tài chính tăng 11% trong năm 2022 (riêng chi phí tài chính quý 4 tăng 16,7% so với cùng kỳ) do dư nợ và lãi suất đều tăng. Với tỷ lệ đòn bẩy cao (D/E là 1,9 lần tại thời điểm cuối năm 2022), chúng tôi cho rằng chi phí lãi vay cao sẽ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận trong suốt năm 2023 nếu công ty không thể giảm đòn bẩy.
- Trong cuộc họp công bố KQKD Q4 của MSN, có một số điểm chính như sau: 1) MSN đã công bố kế hoạch sơ bộ về tăng trưởng doanh thu hai con số ở tất cả các mảng hoạt động trong năm 2023; 2) với môi trường lãi suất cao, MSN sẽ thận trọng hơn trong hoạt động M&A và thay vào đó duy trì tỷ lệ nợ ròng/EBITDA trong khoảng 3,5x-4x; và 3) tập đoàn công bố kế hoạch đầu tư 105 triệu USD vào TrustingIQ (Singapore) để nắm giữ 25% cổ phần (theo MSN, khoản này bao gồm 65 triệu USD mà tập đoàn đã đầu tư vào Trusting Social (công ty con của Trusting IQ), theo quan điểm của chúng tôi kế hoạch này khá trong ngắn hạn).
- Trong năm 2023, chúng tôi ước tính tập đoàn sẽ đạt 86,8 nghìn tỷ đồng doanh thu (+13,9% so với cùng kỳ) và 3,2 nghìn tỷ đồng NPATMI (-9,5% so với cùng kỳ). Các động lực thúc đẩy doanh thu bao gồm WCM (+5% so với cùng kỳ), MCH (+6,1% so với cùng kỳ) và Phúc Long (+19,5% so với cùng kỳ). Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng và lợi nhuận dự báo đi ngang của TCB sẽ là yếu tố làm chậm lại tăng trưởng lợi nhuận của MSN trong năm 2023. Do đó, chúng tôi hạ giá mục tiêu 1 năm dựa theo phương pháp SoTP đối với cổ phiếu MSN xuống mức 99.100 đồng/cổ phiếu (từ 125.000 đồng) và duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP.
- Yếu tố hỗ trợ tăng đối với khuyến nghị: Nhu cầu các mặt hàng tiêu dùng và doanh số bán lẻ cao hơn dự kiến; phát sinh lợi nhuận bất thường; bán thành công cổ phần tại các công ty con (TCX và MHT); và có thể phát hành riêng lẻ.
- Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: Nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng thấp hơn dự kiến; giá/sản lượng đối với các sản phẩm khoáng sản thấp hơn dự kiến; phát sinh chi phí bất thường; và lãi suất tăng cao.
- Quan điểm ngắn hạn: Chúng tôi cho rằng mức tiêu thụ nhìn chung sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát tăng cao (có thể đạt đỉnh vào Q1.2023). Do đó, mảng tiêu dùng và bán lẻ của công ty có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức và tập đoàn có thể ghi nhận mức trưởng lợi nhuận âm trong nửa đầu năm 2023 trước khi phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Nguồn: SSI
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.
Từ khóa: MSN