Nhận định KQKD – KQKD 6 tháng đầu năm của LPB (Cổ phiếu LPB) gây thất vọng do chi phí huy động tăng mạnh. Triển vọng tăng trưởng vừa phải trong trung hạn mặc dù triển vọng dài hạn vẫn rất tốt. Giảm đánh giá xuống Khả quan. LPB (giảm đánh giá xuống Khả quan) đã công bố KQKD 6 tháng đầu năm soát xét với LNTT đạt 618 tỷ đồng (giảm 32,07% so với cùng kỳ). Theo đó Ngân hàng mới chỉ hoàn thành được 34,36% kế hoạch LNTT cả năm. Ngân hàng đã điều chỉnh kế hoạch LNTT cả năm từ 1.800 tỷ đồng (tăng trưởng 1,81%) xuống còn 1.200 tỷ đồng (giảm 32,13%).
Đồ thị cổ phiếu LPB phiên giao dịch ngày 27/08/2018. Nguồn: AmiBroker
Kết luận nhanh – Giảm đánh giá từ Mua vào xuống Khả quan. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu LPB là 20.000đ; tương đương P/B năm 2018 là 1,5 lần. HSC đã điều chỉnh giảm dự báo ban đầu cho năm 2018 với LNTT đạt 2.247 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.216 tỷ đồng (giảm 31,19%). Lý do chính chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo là KQKD 6 tháng kém khả quan do tỷ lệ NIM bất ngờ giảm mạnh làm giảm thu nhập lãi thuần. LPB đã chuyển từ nguồn huy động chính là khách hàng doanh nghiệp sang khách hàng cá nhân có chi phí huy động cao hơn nhiều. Trong khi đó chi phí hoạt động cũng tăng mạnh. Trong khi đó tổng thu nhập ngoài lãi cũng không cải thiện được như chúng tôi mong đợi. Bên cạnh đó, định hướng chặt chẽ hơn đối với tăng trưởng tín dụng của NHNN trong năm 2018 sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tổng thu nhập lãi thuần trong năm nay.
Quá trình chuyển đổi LPB từ ngân hàng nhỏ có hệ thống bưu cục rộng khắp thành một NHTMCP hoàn chỉnh sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng. Và sẽ cần vài năm. Một số chi phí liên quan như chi phí huy động tăng sẽ phát sinh sớm trong khi lợi ích đem lại (lợi suất cho vay tăng và phí dịch vụ cao hơn) vẫn chưa thu được ngay. Điểm chính là LPB phải cải thiện nguồn vốn huy động dài hạn và Ngân hàng đang làm điều này, từ đó khiến cho chi phí huy động tăng mạnh. Tuy nhiên sau khi hoàn thành công việc này, Ngân hàng có thể sẽ được hưởng lợi từ việc cho vay ra với lợi suất cao hơn. Nguồn vốn dồi dào và ổn định cũng sẽ tạo dư địa lớn để nâng hệ số LDR trong tương lai. Và cải thiện phí dịch vụ từ mức đang rất thấp như hiện nay. Do vậy trong khi quá trình thực thi sẽ không được bằng phẳng nhưng chiến lược này cũng có nhiều điểm đặc biệt thú vị.
LNTT 6 tháng đầu năm 2018 giảm 32,07% so với cùng kỳ xuống còn 618 tỷ đồng – chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm 8,65% so với cùng kỳ còn 2.321 tỷ đồng. LPB đã chuyển mạnh nguồn huy động sang khách hàng cá nhân trong quá trình mở rộng mạng lưới chi nhánh trong 6 tháng đầu năm. Từ đó chi phí huy động tăng mạnh trong khi lợi suất cho vay chỉ tăng nhẹ. Tỷ lệ NIM theo đó giảm 1,03% so với cùng kỳ xuống còn 3,03%. Thu nhập ngoài lãi vẫn âm 163,04 tỷ đồng. Không những vậy chi phí hoạt động cũng tăng 11,25% so với cùng kỳ lên 1.344 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí dự phòng không lớn, chỉ là 195,79 tỷ đồng, giảm 46,46% so với cùng kỳ.
Cho vay khách hàng tăng 13,82% so với đầu năm – lên 114,52 tỷ đồng. Cơ cấu cho vay theo kỳ hạn như sau:
- Cho vay kỳ hạn ngắn tăng 32,42% so với đầu năm đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, đóng góp 30,74% vào tổng dư nợ (tại thời điểm cuối năm 2017 là 26,42%).
- Cho vay trung hạn tăng 6,01% so với đầu năm đạt 54,47 nghìn tỷ đồng, đóng góp 47,56% vào tổng dư nợ (tại thời điểm cuối năm 2017 là 51,07%).
- Cho vay kỳ hạn dài tăng 9,7% so với đầu năm đạt 24,84 nghìn tỷ đồng, đóng góp 21,7% vào tổng dư nợ (tại thời điểm cuối năm 2017 là 22,51%).
Cơ cấu cho vay theo loại tiền:
- Cho vay tiền đồng tăng 13,31% so với đầu năm đạt 108,2 nghìn tỷ đồng, đóng góp 94,49% vào tổng dư nợ.
- Cho vay bằng USD tăng 23,26% so với đầu năm đạt 6,31 nghìn tỷ đồng, đóng góp 5,51% vào tổng dư nợ.
Hiện vẫn chưa có thông tin về cơ cấu cho vay theo đối tượng khách hàng và ngành nghề cho vay trên BCTC 6 tháng đầu năm 2018 soát xét. Tuy nhiên, do cho vay kỳ hạn ngắn tăng trưởng mạnh nên chúng tôi cho rằng tăng trưởng cho vay khách hàng chủ yếu xuất phát từ cho vay DNNVV làm vốn lưu động với lãi suất thấp. Điều này chủ yếu được xác định từ việc LPB công bố tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn là 45% tại thời điểm cuối năm 2017 (tỷ lệ tối đa theo quy định của NHNN cho năm 2018 là 45% và năm 2019 giảm xuống còn 40%). Theo đó, Ngân hàng không còn nhiều dư địa để mở rộng cho vay trung dài hạn.
Tiền gửi khách hàng cũng tăng mạnh 14,06% so với đầu năm – đạt 146,31 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn như sau:
- Tiền gửi có kỳ hạn tăng ấn tượng 24,89% so với đầu năm đạt 114,34 nghìn tỷ đồng, đóng góp 78,37% vào tổng vốn huy động (tại thời điểm cuối năm 2017 là 71,37%).
- Tiền gửi không kỳ hạn giảm 14,06% so với đầu năm đạt 31,55 nghìn tỷ đồng, đóng góp 21,63% vào tổng vốn huy động (tại thời điểm cuối năm 2017 là 28,63%).
Tiền gửi không kỳ hạn giảm chủ yếu là do tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp giảm. Cụ thể:
- Tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp giảm 9,05% so với đầu năm còn 62,52 nghìn tỷ đồng, đóng góp 42,73% vào tổng vốn huy động, giảm từ mức 53,59% tại thời điểm cuối năm 2017, tương đương giảm 6,22 nghìn tỷ đồng so với đầu năm.
- Tiền gửi của khách hàng cá nhân tăng 40,76% so với đầu năm đạt 83,79 nghìn tỷ đồng, đóng góp 57,27% vào tổng vốn huy động (tại thời điểm cuối năm 2017 là 46,41%).
Đây là lần đầu tiên LPB có tỷ trọng tiền gửi khách hàng cá nhân cao hơn khách hàng doanh nghiệp. Đây là bước đầu trong việc LPB chuyển mình thành một ngân hàng hướng nhiều hơn vào khách hàng cá nhân. Phần lớn tăng trưởng tiền gửi khách hàng là ở tiền đồng, chiếm 98,2% tổng tiền gửi khách hàng.
Hệ số LDR thuần thấp nhất ngành, là 78,49% – Hệ số LDR thuần thấp đã ảnh hưởng đến cả tỷ lệ NIM và thu nhập lãi thuần. Hệ số LDR của LPB chỉ là 78,49% trong khi bình quân ngành là 91,3%. Trên thực tế, điều này tạo ra tiềm năng tăng trưởng tín dụng mạnh trong tương lai sau khi (1) Ngân hàng cải thiện được tiền gửi có kì hạn và (2) NHNN có quan điểm rộng rãi hơn đối với tăng trưởng tín dụng.
Tỷ lệ NIM giảm mạnh 1,03% so với cùng kỳ từ 4,06% xuống còn 3,03% – với lợi suất gộp bình quân giảm 0,19% so với cùng kỳ còn chi phí huy động tăng mạnh 0,9%.
Trong tài sản sinh lãi – Lợi suất gộp cho vay khách hàng giảm nhẹ 0,13% xuống còn 9,96%. Lợi suất gộp cho vay liên ngân hàng giảm mạnh 2,14% xuống còn 1,75% và lợi suất trái phiếu giảm 0,52% xuống còn 6,25%. LPB có 33,01 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong danh mục, với gần 54% là trái phiếu chính phủ.
Về nguồn huy động – Chi phí huy động tiền gửi khách hàng tăng 1,11% lên 5,55%; chủ yếu do lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài dành cho khách hàng cá nhân cao hơn. Chi phí vay liên ngân hàng giảm 3,17% xuống còn 1,98%. Cuối cùng, chi phí phát hành giấy tờ có giá giảm 1,05% xuống còn 6,94%.
Tỷ lệ NIM giảm do Ngân hàng cần tái cơ cấu cơ cấu cho vay và huy động – Như đã đề cập trên đây, do tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn rất cao nên LPB cần đẩy mạnh huy động tiền gửi trung dài hạn. Và tập trung nhiều hơn vào cho vay ngắn hạn để cải thiện tỷ lệ trên. Điều này khiến chi phí huy động tăng và lợi suất gộp giảm. Ngoài ra, LPB còn tập trung hơn vào huy động khách hàng cá nhân với sự mở rộng mạnh mẽ mạng lưới. Ngân hàng đã nâng cấp nhiều bưu cục lên thành phòng giao dịch. Ngân hàng đã mở 193 phòng giao dịch (tăng 137,86% so với cùng kỳ) và nâng cấp 146 bưu cục (tăng 11,82% so với cùng kỳ) trong vòng 1 năm.
Tổng tài sản sinh lãi tăng 27,06% so với cùng kỳ – lên 160,27 nghìn tỷ đồng. Trong đó tỷ trọng cho vay khách hàng là 71,45%; tỷ trọng trái phiếu là 21,61%; tỷ trọng cho vay liên ngân hàng là 6,94%.
Thu nhập lãi thuần giảm 8,65% so với cùng kỳ – xuống còn 2.321 tỷ đồng.
Tuy nhiên lãi dự thu tăng 29,08% so với đầu năm lên 3.788 tỷ đồng – Trong khi đó tổng tài sản sinh lãi tăng 10,72% so với đầu năm và lợi suất gộp bình quân giảm từ 8,82% xuống còn 8,64%. Nghĩa là LPB có thể đã áp dụng kỳ hạn trả lãi bình quân dài hơn cho các khoản vay trong 6 tháng đầu năm. Và điều này khiến chúng tôi khó hiểu vì cho vay ngắn hạn đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.
Số dư trái phiếu tăng thêm 3.000 tỷ đồng, nghĩa là không quá nhiều. Và trên BCTC của Ngân hàng cũng không có lời giải thích rõ ràng cho việc này. Chúng tôi thấy trong 6 tháng đầu năm 2017 số dư lãi và phí phải thu cũng tăng mạnh và trở lại mức bình thường trong 6 tháng cuối năm, tuy nhiên ứng với mức tăng của lãi gộp và tài sản sinh lãi. Do vậy có vẻ như số dư lãi và phí phải thu tăng cũng có thể do yếu tố mùa vụ. Cho dù vậy, điều này cũng cần được theo dõi sát.
Ngân hàng ghi nhận khoản lỗ 163 tỷ đồng thu nhập ngoài lãi (tăng 186% so với cùng kỳ) – LPB tiếp tục báo lỗ đối với tổng thu nhập ngoài lãi chủ yếu do ghi lỗ ở khoản mục thu nhập khác và lỗ mua bán chứng khoán. Cụ thể:
- Lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng mạnh 143% so với cùng kỳ đạt 41,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ lãi thuần hoạt động dịch vụ/ cho vay khách hàng vẫn rất thấp, chỉ là 0,04%. Tỷ lệ này ở các ngân hàng khác thường dao động từ 0,3%-0,6% tổng dư nợ.
- Lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối không đáng kể, là 14,33 tỷ đồng.
- Ngân hàng ghi lỗ 50 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh so với mức lãi lớn 303 tỷ đồng trong năm ngoái. Trong đó, Q1 lãi 57 tỷ đồng, tuy nhiên Q2 lỗ 107 tỷ đồng. Phần lỗ lớn nhất là từ dự phòng giảm giá chứng khoán sẵn sàng để bán. Ngân hàng không tiết lộ chi tiết về khoản dự phòng này, tuy nhiên, theo tin tức truyền thông, LPB nắm giữ gần 70 triệu cổ phiếu STB với giá vốn là khoảng 12.000đ/cp. Do giá cổ phiếu đã giảm 10,11% so với đầu năm trong 6 tháng qua, STB đã phải trích lập dự phòng giảm giá.
- Ngân hàng ghi lỗ 168 tỷ đồng lợi nhuận khác (giảm 57,21% so với cùng kỳ).
Chi phí hoạt động tăng vừa phải 11,25% so với cùng kỳ lên 1.344 tỷ đồng. Cụ thể;
- Chi phí liên quan đến nhân viên chỉ tăng mạnh 6,5% so với cùng kỳ lên 681 tỷ đồng mặc dù số lượng nhân viên tăng 41,73% so với cùng kỳ. Do đó, lương bình quân/ nhân viên/ tháng giảm mạnh 26,24% so với cùng kỳ xuống 14,13 triệu đồng/ nhân viên/ tháng (từ 19,16 triệu đồng). Có vẻ như LPB cũng mở rộng mạng lưới tại các thành phố cấp 2 và các vùng ven đô với chi phí nhân sự thấp hơn (tương tự như ở HDBank).
- Chi phí liên quan đến tài sản tăng 27,72% so với cùng kỳ lên 306,93 tỷ đồng.
- Chi phí quản lý gần như không đổi, chỉ tăng 0,01% so với cùng kỳ lên 255 tỷ đồng.
- Phí bảo hiểm tiền gửi khách hàng tăng 55,35% so với cùng kỳ do tiền gửi khách hàng cá nhân tăng mạnh.
Do đó, hệ số CIR tăng mạnh lên 62,28% từ 48,63% trong 6 tháng đầu năm 2017.
Chi phí dự phòng giảm 46,46% so với cùng kỳ – xuống 195,79 tỷ đồng. Trong đó, 184,53 tỷ đồng là dự phòng chung và dự phòng cụ thể cho vay khách hàng (giảm 26,80% so với cùng kỳ). 11,26 tỷ đồng là dự phòng trái phiếu VAMC (tương đương 1/10 chi phí dự phòng trích lập trong cùng kỳ năm ngoái).
Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 0,98% so với mức 1,07% vào cuối năm 2017 – Nợ xấu hình thành mới trong 6 tháng đầu năm nay chỉ là 53 tỷ đồng. Cụ thể:
- Nợ nhóm 3 chiếm 0,18% tổng dư nợ (205 tỷ đồng);
- Nợ nhóm 4 chiếm 0,23% tổng dư nợ (259 tỷ đồng);
- Nợ nhóm 5 chiếm 0,58% tổng dư nợ (661 tỷ đồng).
Hệ số LLR vẫn ở mức cao, là 117% so với 114% vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, hệ số LLR cho các khoản vay nhóm 2-5 giảm từ 51,04% xuống 38,74% do tỷ trọng nợ nhóm 2 tăng từ 1,87% lên 1,99% tổng dư nợ với dư nợ nhóm 2 mới tăng thêm 392 tỷ đồng.
LPB vẫn còn nắm giữ 1.609 tỷ đồng giá trị gộp trái phiếu VAMC – với dự phòng tích lũy là 756 tỷ đồng. Do đó, giá trị thuần trái phiếu VAMC là 853 tỷ đồng (tương đương 0,75% tổng dư nợ).
Do đó, LNTT 6 tháng đầu năm đạt 618 tỷ đồng (giảm 32,07% so với cùng kỳ).
Cho năm 2018, HSC điều chỉnh giảm dự báo LNTT ban đầu là 2.247 tỷ đồng (tăng trưởng 27,14%) xuống 1.216 tỷ đồng (giảm 31,19% so với năm 2017). Có hai nguyên nhân chính dẫn đến điều chỉnh dự báo của chúng tôi: (1) giả định tăng trưởng tín dụng thấp hơn, là 14% so với 25% trong mô hình trước đó và (2) giả định tỷ lệ NIM thấp hơn do những thay đổi lớn trong cơ cấu huy động. Cụ thể;
- Chúng tôi điều chỉnh giảm tăng trưởng cho vay khách hàng từ 25% xuống chỉ 14% (đạt 114,70 nghìn tỷ đồng).
- Do đó, chúng tôi cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng tiền gửi khách hàng từ 22% xuống 17% (đạt 150,08 nghìn tỷ đồng) với dự báo tăng trưởng tín dụng thấp hơn.
- Hệ số LDR dự báo là 76% (năm 2017 là 78%).
- Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM giảm 0,98% xuống 2,91% thay vì dự báo tăng như trong báo cáo trước đó (tăng 0,14% lên 4,13%). Tốc độ chuyển đổi nguồn huy động từ khách hàng doanh nghiệp sang tiền gửi của khách hàng cá nhân với chi phí cao hơn của Ngân hàng nhanh hơn dự kiến. Trong khi đó, Ngân hàng không thể đẩy mạnh các khoản vay có tỷ suất lợi nhuận cao hơn do tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã ở mức rất cao.
- Do đó, chúng tôi dự báo thu nhập lãi thuần sẽ giảm nhẹ 10,62% so với năm 2017 xuống 4.671 tỷ đồng.
- Chúng tôi dự báo LPB sẽ ghi nhận tổng thu nhập ngoài lãi 138 tỷ đồng nhờ tăng trưởng mạnh của dòng lãi thuần hoạt động dịch vụ và lãi thuần mua bán chứng khoán đầu tư/ kinh doanh. Ngân hàng có thể sẽ phải bán một số trái phiếu chính phủ trong 6 tháng cuối năm để ghi nhận lợi nhuận.
- Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo tổng chi phí hoạt động từ 3.887 tỷ đồng (tăng 38,20%) xuống chỉ 3.071 tỷ đồng. Mặc dù LPB mở thêm nhiều văn phòng giao dịch và nâng cấp hàng trăm bưu cục, chi phí hoạt động vẫn được kiểm soát rất tốt trong 6 tháng đầu năm nay. Chúng tôi dự báo Ngân hàng sẽ tiếp tục làm tốt công tác này trong 6 tháng cuối năm.
- Do đó dự báo hệ số CIR của chúng tôi cũng tăng lên 64% (năm 2017 là 55,2%).
- Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo chi phí dự phòng từ 657 tỷ đồng (tăng 27,94%) xuống 521 tỷ đồng (tăng 1,51%) chủ yếu do mức dư nợ ít hơn. Trong khi đó, chúng tôi giả định LPB sẽ giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1% (năm ngoái là 1,07%).
- Chúng tôi cũng dự báo LPB sẽ hoàn thành tất cả các đợt tăng vốn theo kế hoạch công bố tại ĐHCĐTN. Do đó, hệ số CAR sẽ tăng lên 12,33% vào cuối năm 2018.
- Theo đó, chúng tôi dự báo LNTT sẽ là 1.216 tỷ đồng (giảm 31,19% so với năm 2017).
- Hệ số ROAA sẽ là 0,5% và ROAE là 8,5%.
Và với những dự báo trên, BVPS sẽ là 13.443đ. Trong khi đó chúng tôi dự báo EPS cả năm là 1.318đ. Ở mức giá 9.400đ, cổ phiếu đang giao dịch với P/B dự phóng 2018 là 0,70 lần và P/E là 7,51 lần.
Cho năm 2019, chúng tôi dự báo LNTT tăng trưởng 29,38% đạt 1.573 tỷ đồng. Dự báo của chúng tôi dựa trên những giả định sau:
- Chúng tôi dự báo cho vay khách hàng tăng trưởng 17% đạt 134,20 nghìn tỷ đồng.
- Và chúng tôi dự báo tăng tưởng tiền gửi khách hàng đạt 15% lên 172,59 nghìn tỷ đồng.
- Do đó, chúng tôi dự báo hệ số LDR là 78% (năm 2017 là 76%).
- Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM tăng nhẹ từ 2,91% trong năm 2018 lên 2,93% trong năm 2019.
- Do đó, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 18,94% đạt 5.556 tỷ đồng.
- Tổng thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng mạnh từ mức thấp lên 191 tỷ đồng (tăng trưởng 38,42%) chủ yếu nhờ lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng.
- Chúng tôi dự báo tổng chi phí hoạt động tăng 13,77% so với năm 2018 lên 3.495 tỷ đồng.
- Do đó, hệ số CIR là 60,8% (năm 2018 là 63,9%).
- Chúng tôi dự báo chi phí dự phòng sẽ tăng nhẹ lên 6,79 tỷ đồng. Trong đó, 336 tỷ đồng là dự phòng cho vay (tăng 88,29%) và 343 tỷ đồng là dự phòng trái phiếu VAMC.
- Tỷ lệ nợ xấu là 1,05%.
- ROAA là 0,6% và ROAE là 8,6%.
Theo đó, BPVS sẽ là 14.554đ và EPS cơ bản là 1.220đ. Ở thị giá hiện tại, P/B dự phóng 2019 là 0,65 lần và P/E là 8,11 lần.
Quan điểm đầu tư – Chúng tôi giảm đánh giá từ MUA VÀO xuống KHẢ QUAN đối với Cổ phiếu LPB và ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 20.000đ/cp, tương đương P/B dự phóng là 1,5 lần. Nguyên nhân chính dẫn đến quyết định giảm đánh giá đối với cổ phiếu của chúng tôi là tiềm năng tăng trưởng khiêm tốn hơn của Ngân hàng trong năm nay. Do NHNN kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với tăng trưởng tín dụng. LPB đang trải qua quá trình tái cơ cấu từ một ngân hàng bưu điện trở thành NHTMCP thông thường. Quá trình này bao gồm rất nhiều thay đổi. Có vẻ như chi phí liên quan đến những thay đổi này như chi phí huy động cao hơn đang được phân bổ trong khi đó lợi ích từ tái cơ cấu như các khoản vay có tỷ suất lợi nhuận cao hơn lại chưa được phát huy một phần do tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Ngân hàng đã ở mức cao.
Quá trình tái cơ cấu sẽ kéo dài một vài năm và đến thời điểm những lợi ích khổng lồ sẽ bùng nổ. Với tốc độ mở rộng nhanh chóng, mức phí thấp và hệ số LDR thấp. Nhờ vậy cuối cùng tỷ lệ NIM và thu nhập từ hoạt động dịch vụ sẽ tăng mạnh. LPB có lợi thế độc nhất khi hưởng lợi từ hệ thống các bưu điện trên cả nước. Sau khi hoàn thành tái cơ cấu, Ngân hàng với trọng tâm mới là cho vay bán lẻ sẽ có thể cung cấp các dịch vụ ngân hàng toàn diện cho hàng triệu người dân chủ yếu ở khu vực nông thôn Việt Nam vốn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
Nguồn: Research HSC