Đánh giá ban đầu – LPB (MUA VÀO) sẽ niêm yết cổ phiếu trên UpCoM vào này 5/10/2017 với giá tham chiếu là 14.800đ/cp, tương đương P/B dự phóng là 1,11 lần (sau tăng vốn). HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 19.700đ/cp, tương đương P/B dự phóng 2017 là 1,48 lần, ngang với định giá trung bình của các ngân hàng tương đương.
Lễ khai trương Ngân hàng bưu điện Liên Việt. Nguồn: Internet
Ở mức giá tham chiếu, LPB sẽ có tổng vốn hóa thị trường là 9,56 nghìn tỷ đồng sau niêm yết. Tuy nhiên, room cho khối ngoại hiện khóa tại 5%, dành 25% cho cổ đông chiến lược nước ngoài và LPB đang tích cực tiềm kiếm NĐT phù hợp. Niêm yết trên UpCom sẽ là bước đầu tiên, và LPB dự kiến sẽ niêm yết trên HSX sau khi Ngân hàng tìm được cổ đông chiến lược, hi vọng là trong 6 tháng đầu năm 2018.
LPB hiện là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam hoạt động theo mô hình ngân hàng bưu điện sau khi Bưu điện Việt Nam trở thành cổ đông lớn nhất vào năm 2011. Là đối tác chiến lược với Bưu điện Việt Nam, LPB độc quyền cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho hơn 10.000 bưu cục ở Việt Nam trong 50 năm. Hiện tại, LPB đã khai thác được 1.235 phòng Giao dịch Bưu điện. Với lợi thế có mặt tại hầu khắp các khu vực, LPB có thể tiếp cận nhiều đối tượng khác hàng, bao gồm cả người dân chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng tại các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng sa, là thị trường ít cạnh tranh hơn. Về mặt huy động, LPB có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao, nhờ hợp tác với Bảo hiểm xã hội, EVN, Vietlott, … và nhờ vậy Ngân hàng có chi phí huy động cạnh tranh hơn so với các ngân hàng khác và hệ số NIM khá tốt.
Nhìn chung, chúng tôi cho rằng tiềm năng tăng trưởng của LPB trong 5 năm tới là rất lớn. Trong năm 2016, LPB đã phục hồi mạnh mẽ với LNTT đạt 1.348 tỷ đồng (tăng trưởng 219%) nhờ tăng trưởng tín dụng tốt 41,9%, tỷ lệ NIM tăng lên 3,74% (tăng 0,43%) và chi phí dự phòng giảm. Ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng dư nợ bình quân 30% trong 5 năm tới với động lực chính từ phân khúc bán lẻ. Hướng đến nhiều nhóm khách hàng cá nhân khác nhau đồng thời sở hữu mạng lưới rộng khắp vẫn chưa được khai thác hết, chúng tôi cho rằng LPB có khả năng đạt được mục tiêu đặt ra, nếu có được sự chấp thuận của NHNN. Và khi cho vay bán lẻ tăng, tỷ lệ NIM của Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục được cải thiện. Các yếu tố khác chúng tôi ưa thích từ Ngân hàng là các hệ số an toàn tốt như hệ số LDR thuần còn thấp, là 75%, hệ số CAR hơn 11% và tỷ lệ nợ xấu là khoảng 1,16% vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, một số quan ngại của chúng tôi là (1) LPB có tỷ lệ cho vay BĐS và xây dựng khá cao, chiếm khoảng 50% dư nợ, và (2) hiệu quả hoạt động có thể giảm sút do LPB đã và sẽ tiếp tục mạnh mẽ mở rộng mạng lưới hoạt động của mình trong 3 năm tới.
Chúng tôi dự báo LNTT năm 2017 của LPB là 1.889 tỷ đồng (tăng trưởng 40,2%), cao hơn nhiều so với kế hoạch cả năm của Ngân hàng, là 1.500 tỷ đồng (tăng trưởng 11,3%). Trong 9 tháng đầu năm, LPB đã ghi nhận LNTT đạt khoảng 1.450 tỷ đồng (tăng 67,6%), hoàn thành 97% kế hoạch cả năm. Cho năm 2018, chúng tôi dự báo LNTT tăng trưởng 33% đạt 2.511 tỷ đồng.
Để duy trì tăng trưởng trong tương lai, LPB có kế hoạch phát hành 1.040 tỷ đồng cổ phiếu và 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong năm 2017 và 2018, cụ thể như sau:
• Phát hành 38,76 triệu cổ phiếu, tương đương 387,6 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ là 6%.
• Phát hành 65,24 triệu cổ phiếu với giá phát hành bằng mệnh giá, tương đương 652,4 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên trong Q4/2017.
• Phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, trong đó 1.000 tỷ đồng là phát hành cho cổ đông hiện hữu, 350 tỷ đồng là cho cán bộ nhân viên, và 650 tỷ đồng là cho NĐT mới.
Nguồn: HSC