Lienviet Post Bank (Cổ phiếu LPB) công bố KQKD 9 tháng đầu năm kém khả quan với LNTT chỉ đạt 1.014 tỷ đồng (giảm 29,3% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, kết quả này vẫn cao hơn dự báo và hoàn thành 84,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm của Ngân hàng. Kế hoạch lợi nhuận chỉ là 1.200 tỷ đồng (đã điều chỉnh giảm sau khi 6 tháng đầu năm đạt kết quả kém khả quan). Lợi nhuận giảm chủ yếu là do chi phí huy động từ khách hàng cá nhân tăng trong khi đó chi phí hoạt động cũng tăng do LPB quyết liệt mở rộng hệ thống chi nhánh.
Đồ thị cổ phiếu LPB phiên giao dịch ngày 07/11/2018. Nguồn: AmiBroker
Kết luận nhanh – Tiếp tục đánh giá Khả quan với ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu LPB là 20.000đ; tương đương P/B năm 2018 là 1,5 lần. Mặc dù về dài hạn, LPB là ngân hàng thú vị với chiến lược mở rộng mạng lưới nhanh chóng, thì triển vọng tăng trưởng trong ngắn và dài hạn của Ngân hàng lại không đồng nhất. Tăng trưởng thu nhập lãi thuần của LPB sẽ ở mức khiêm tốn thậm chí giảm do chi phí huy động cao hơn, tăng trưởng tín dụng chậm lại trong khi đó chi phí hoạt động tăng. Dĩ nhiên theo đó lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng. Ngân hàng dự kiến sẽ hoàn thiện kế hoạch mở rộng mạng lưới trong năm 2020 và sau đó sẽ mở cửa hơn với NĐT.
LNTT hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018 giảm 29,3% so với cùng kỳ xuống còn 1.014 tỷ đồng với cho vay khách hàng tăng 14,5% so với đầu năm và huy động khách hàng giảm 0,6% so với đầu năm. Tỷ lệ NIM giảm mạnh 0,99% so với cùng kỳ xuống 3,12%. Do đó, thu nhập lãi thuần giảm 8,1% so với cùng kỳ xuống 3.587 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng thu nhập ngoài lãi vẫn ghi nhận khoản lỗ nhẹ 113 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng 14,6% so với cùng kỳ lên 2.107 tỷ đồng. Chi phí dự phòng giảm 25,8% so với cùng kỳ xuống 351 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng tăng 14,5% so với đầu năm lên 115,19 nghìn tỷ đồng (6 tháng đầu năm tăng 13,8%). Tương tự như ở nhiều ngân hàng khác, cho vay khách hàng trong Q3 ở LPB tăng chậm lại.
Cơ cấu cho vay theo kỳ hạn –
– Cho vay kỳ hạn ngắn tăng 33,3% so với đầu năm đạt 35.440 tỷ đồng, đóng góp 30,8% vào tổng dư nợ (tại thời điểm cuối năm 2017 là 26,4%).
– Cho vay trung và dài hạn tăng khiêm tốn 7,7% so với đầu năm đạt 79.754 tỷ đồng, đóng góp 69,2% vào tổng dư nợ.
LPB có tỷ trọng cho vay trung và dài hạn khá cao so với bình quân các ngân hàng khác (dao động từ 40%-60%).
Cơ cấu cho vay theo loại tiền –
– Cho vay tiền đồng tăng 14,4% so với đầu năm đạt 108,99 nghìn tỷ đồng, đóng góp 94,6% vào tổng dư nợ (cuối năm 2017 là 94,9%).
– Cho vay bằng USD tăng 20,9% so với đầu năm đạt 6,19 nghìn tỷ đồng, đóng góp 5,4% vào tổng dư nợ.
Chúng tôi không có thông tin về cơ cấu cho vay theo đối tượng khách hàng và ngành nghề cho vay trên BCTC 9 tháng đầu năm 2018. LPB cũng chia sẻ tại buổi gặp gỡ các chuyên viên phân tích gần đây rằng Ngân hàng dự kiến sẽ đề nghị NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong Q4. Ngân hàng có thể đề xuất xin cấp hạn mức tín dụng cao hơn bằng một số phương pháp, ví dụ như hỗ trợ tái cơ cấu đối với một quỹ tín dụng Nhân dân cỡ nhỏ có tổng tài sản thấp hơn 100 tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng giảm 0,6% so với đầu năm xuống còn 127,54 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm tiền gửi khách hàng của Ngân hàng vẫn tăng 14,1% so với đầu năm. Do đó, nỗ lực tăng trưởng tiền gửi đã bị xóa bỏ trong Q3 với hơn 18 nghìn tỷ đồng tiền gửi bị rút ra. Đây có lẽ là giải pháp tạm thời tốt nhất cho LPB trong việc tối đa nguồn thu nhập lãi thuần trong khi Ngân hàng phải hạn chế tăng trưởng tín dụng trong hiện tại.
Theo đó, hệ số LDR thuần tăng lên mức cao kỷ lục là 90,53% so với mức 78,44% trong năm 2017 và 71,79% trong năm 2016 – Đây là mức LDR cao nhất trong 5 năm qua đối với LPB. Điểm tích cực ở đây là nhờ vậy LPB có thể đẩy mạnh nguồn thu nhập lãi thuần trong ngắn hạn. Tuy nhiên, hệ số LDR cao không phải điểm tích cực về dài hạn bởi vì Ngân hàng có thể phải đối mặt với rủi ro thanh khoản cao hơn vào cuối năm, đặc biệt là khi lãi suất đang tăng dần.
Cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn –
– Tiền gửi có kỳ hạn tăng 16,8% so với đầu năm đạt 106,96 nghìn tỷ đồng, đóng góp 84% vào tổng vốn huy động (tại thời điểm cuối năm 2017 là 71,4%).
– Tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh 44,8% so với đầu năm là 20,28 nghìn tỷ đồng, đóng góp 16% vào tổng vốn huy động.
LPB đã chuyển hướng chiến lược từ tập trung vào khách hàng doanh nghiệp sang khách hàng cá nhân trong hai năm qua bằng cách tăng tỷ trọng tiền gửi khách hàng cá nhân, cụ thể như sau:
– Tiền gửi của khách hàng cá nhân tăng 35,2% so với đầu năm đạt 80,48 nghìn tỷ đồng, đóng góp 63,1% vào tổng vốn huy động (tại thời điểm cuối năm 2017 là 46,4% và cuối năm 2016 là 38,7%).
– Tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp giảm 31,6% so với đầu năm còn 47,05 nghìn tỷ đồng, đóng góp 36,9% vào tổng vốn huy động.
98% tiền gửi khách hàng của LPB là tiền gửi tiền đồng với chỉ 2% là tiền gửi USD. Và cơ cấu tiền gửi theo loại tiền của Ngân hàng khá ổn định.
Thu nhập lãi thuần giảm tương đối 8,1% so với đầu năm xuống 3.587 tỷ đồng – chủ yếu là do tỷ lệ NIM giảm 0,99% so với cùng kỳ xuống 3,12%. Trong khi đó, tổng tài sản sinh lãi tăng 17,8% so với đầu năm lên 152,95 nghìn tỷ đồng.
Trong tài sản sinh lãi, lợi suất gộp bình quân giảm nhẹ 0,06% xuống còn 8,86%. Trong đó, lợi suất gộp cho vay khách hàng tiếp tục tăng 0,15% lên 10,07%. Tuy nhiên lợi suất gộp cho vay liên ngân hàng giảm 1,79% xuống 1,89% trong khi đó lợi suất trái phiếu giảm 0,34% xuống còn 6,38%. Trong cơ cấu tài sản sinh lãi, LPB ngày càng tập trung hơn vào cho vay khách hàng, với tỷ trọng của khoản mục này tăng dần từ 60% trong năm 2016 lên 73% trong năm 2017 và là 75% vào cuối tháng 9 năm nay.
Tuy nhiên, về cơ cấu nguồn huy động, chi phí huy động bình quân tăng mạnh 1,04% lên 5,65%. Trong đó, chi phí huy động tiền gửi khách hàng tăng mạnh 1,20% lên 5,67%. Chi phí vay liên ngân hàng giảm 2,12% xuống còn 2,27% và chi phí phát hành giấy tờ có giá giảm 0,65% xuống còn 7,52%. Tuy nhiên, với tỷ trọng 83,63% tổng nguồn vốn huy động, chi phí huy động khách hàng tăng mạnh cũng kéo theo chi phí huy động bình quân tăng mạnh thêm 1,04%.
Tổng thu nhập ngoài lãi âm nhẹ 113,90 tỷ đồng (giảm 27,3% so với cùng kỳ) – LPB thường báo cáo tổng thu nhập ngoài lãi từ mức lỗ nhẹ tới mức lỗ khá lớn, chủ yếu do ghi nhận lỗ ở khoản mục thu nhập khác. Điều này được lãnh đạo Ngân hàng giải thích một phần là do chi phí hoa hồng cho nhân viên bưu cục trong quá trình huy động tiền gửi (trước khi chi phí này được ghi nhận lại một cách hợp lý hơn như là khoản chi phí huy động), với phần còn lại là chi phí hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, chúng tôi không có thông tin cụ thể cho loại chi phí này.
Các dòng thu nhập ngoài lãi khác –
– Lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng gấp đôi đạt 83,36 tỷ đồng (tăng 104,1%). Tuy nhiên, quy mô dòng thu nhập này là không đáng kể, chỉ là 0,05% tổng tài sản, trong khi đó mức bình quân ở các ngân hàng khác thường là từ 0,2-0,4% tổng tài sản. Chênh lệch này có thể là do Ngân hàng mới thành lập (10 năm) với quy mô khách hàng chưa đáng kể.
– Hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 6,9 tỷ đồng so với mức lãi 7,9 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái.
– Lãi thuần mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh giảm mạnh 88,5% so với cùng kỳ xuống 35,94 tỷ đồng.
– LPB vẫn lỗ 226 tỷ đồng lợi nhuận khác (năm ngoái lỗ 519 tỷ đồng).
Do đó, tổng thu nhập hoạt động đạt 3.473 tỷ đồng (giảm 7,3% so với cùng kỳ).
Chi phí hoạt động tăng 14,6% so với cùng kỳ đạt 2.107 tỷ đồng do Ngân hàng quyết liệt mở rộng hệ thống chi nhánh trong năm 2017.
– Chi phí liên quan đến nhân viên chỉ tăng mạnh 19,9% so với cùng kỳ lên 1.116,68 tỷ đồng. Đồng thời số lượng nhân viên tăng 31,1% so với cùng kỳ lên 8.127 nhân viên do Ngân hàng mở thêm các chi nhanh mới. Tuy nhiên, lương bình quân/nhân viên/tháng giảm 14,1% so với cùng kỳ xuống 15,4 triệu đồng. Có vẻ như LPB và HDB có chiến lược khá tương đồng là tập trung mở rộng mạng lưới tại các tỉnh lẻ và khu vực ngoại thành.
– Chi phí liên quan đến tài sản cũng tăng 18,2% so với cùng kỳ lên 470,21 tỷ đồng. LPB đã mở thêm 163 chi nhánh mới (tăng 79,1% so với cùng kỳ) và nâng cấp 106 bưu cục thành phòng giao dịch ngân hàng (tăng 8,2% so với cùng kỳ) trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, chi phí cố định bình quân cho mỗi chi nhánh/phòng giao dịch là khá thấp nhờ địa điểm cách khá xa khu vực trung tâm như đề cập trên đây.
– Chi phí quản lý giảm nhẹ 8,3% so với cùng kỳ còn 365 tỷ đồng.
– Phí bảo hiểm tiền gửi khách hàng tăng mạnh 64,9% so với cùng kỳ lên 78,64 tỷ đồng do tiền gửi khách hàng cá nhân tăng mạnh 50,1% so với cùng kỳ (Theo luật Ngân hàng, các ngân hàng không phải trả bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng doanh nghiệp).
LPB sẽ tiếp tục mở thêm các chi nhánh mới lên tổng cộng 800 chi nhánh vào cuối năm 2020. Hiện tại, LPB có 369 chi nhánh trên cả nước. Theo chiến lược này, Ngân hàng sẽ phải mở thêm bình quân 200 chi nhanh mới mỗi năm. Mỗi chi nhanh mới cần một đến hai năm để hòa vốn. Hơn nữa, LPB cũng sẽ nâng cấp nhiều bưu cục thành phòng giao dịch ngân hàng với đầy đủ các dịch vụ. Do đó, trong ngắn đến trung hạn, chi phí hoạt động của LPB sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó tăng trưởng tín dụng sẽ chịu sự kiểm soát của NHNN. Do đó, LPB sẽ cần có giải pháp để xử lý tình trạng này sớm để tránh thu nhập lãi bị sụt giảm.
Hệ số CIR của LPB là 60,7% so với mức 49,1% trong 9 tháng đầu năm 2017.
Chi phí dự phòng giảm 25,8% so với cùng kỳ xuống 351 tỷ đồng.
– 236,54 tỷ đồng là chi phí dự phòng nợ xấu thông thường (tăng 5,8% so với cùng kỳ).
– 112 tỷ đồng là dự phòng trái phiếu VAMC (giảm 4,0% so với cùng kỳ). LPB vẫn còn nắm giữ 1.609 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu VAMC, với dự phòng tích lũy là 860 tỷ đồng. Do đó, giá trị thuần trái phiếu VAMC là 749 tỷ đồng, tương đương 0,65% tổng dư nợ vào cuối tháng 9/2018.
Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý tăng lên 1,32% (cuối năm 2017 là 1,07%), tương đương 449,93 tỷ đồng nợ xấu hình thành mới trong 9 tháng đầu năm.
– Nợ nhóm 3 chiếm 0,55% tổng dư nợ, tăng 235,1% so với đầu năm lên 634 tỷ đồng.
– Nợ nhóm 4 chiếm 0,26% tổng dư nợ, tăng 92,9% so với đầu năm lên 297 tỷ đồng.
– Nợ nhóm 5 chiếm 0,51% tổng dư nợ (giảm 18,9% so với đầu năm còn 592 tỷ đồng.
Hệ số LLR giảm xuống 85% (cuối năm 2017 là 114,5%) – do tỷ lệ nợ xấu gia tăng và chi phí dự phòng chỉ tăng khiêm tốn.
Do đó, LNTT hợp nhất 9 tháng đầu năm đạt 1.014 tỷ đồng, hoàn thành 84,5% kế hoạch sau điều chỉnh của ngân hàng, là 1.200 tỷ đồng cho năm 2018. Tuy nhiên, so với kế hoạch ban đầu được phê duyệt tại ĐHCĐTN, là 1.800 tỷ đồng, LNTT 9 tháng chỉ hoàn thành 56,3% kế hoạch cả năm.
Cho năm 2018, HSC giữ nguyên dự báo LNTT cập nhật gần nhất là 1.216 tỷ đồng (giảm 31,2% so với năm 2017). Tuy nhiên chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng huy động khách hàng từ 17% xuống chỉ còn 5%; từ đó giúp nâng cao thu nhập lãi thuần. Chúng tôi cũng điều chỉnh giảm thu nhập từ mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư tương ứng. Giả định của chúng tôi là như sau:
- Chúng tôi dự báo cho vay khách hàng tăng trưởng 14% và đạt 114,7 nghìn tỷ đồng.
- Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng tiền gửi khách hàng từ 17% xuống 5% (đạt 134,68 nghìn tỷ đồng). Tiền gửi khách hàng của LPB có thể tăng nhẹ trở lại trong Q4 để đảm bảo thanh khoản.
- Hệ số LDR dự báo là 85% (năm 2017 là 78%).
- Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM giảm 0,8% xuống 3,08% thay vì dự báo tăng như trong báo cáo trước đó. Tốc độ chuyển đổi nguồn huy động từ khách hàng doanh nghiệp sang tiền gửi của khách hàng cá nhân với chi phí cao hơn của Ngân hàng nhanh hơn dự kiến. Trong khi đó, Ngân hàng không thể đẩy mạnh các khoản vay có tỷ suất lợi nhuận cao hơn do tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn đã ở mức rất cao.
- Do đó, chúng tôi dự báo thu nhập lãi thuần sẽ giảm nhẹ 8,72% so với năm 2017 xuống 4.769 tỷ đồng.
- Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo thu nhập ngoài lãi từ 138 tỷ đồng xuống chỉ còn 40,6 tỷ đồng do lãi thuần mua bán chứng khoán đầu tư/kinh doanh thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
- Chúng tôi dự báo tổng chi phí hoạt động là 3.071 tỷ đồng (tăng 9,2%). Mặc dù LPB mở thêm nhiều văn phòng giao dịch và nâng cấp hàng trăm bưu cục, chi phí hoạt động vẫn được kiểm soát tương đối tốt trong 9 tháng đầu năm nay.
- Do đó dự báo hệ số CIR của chúng tôi cũng tăng lên 64% (năm 2017 là 55,2%).
- Chúng tôi giữ nguyên dự báo chi phí dự phòng là 521 tỷ đồng (tăng 1,51%) chủ yếu do mức dư nợ ít hơn. Trong khi đó, chúng tôi giả định LPB sẽ giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1% (năm ngoái là 1,07%).
- Chúng tôi cũng dự báo LPB sẽ hoàn thành tất cả các đợt tăng vốn theo kế hoạch công bố tại ĐHCĐTN. Do đó, hệ số CAR sẽ tăng lên 12,33% vào cuối năm 2018.
- Theo đó, chúng tôi dự báo LNTT sẽ là 1.216 tỷ đồng (giảm 31,19% so với năm 2017).
- Hệ số ROAA sẽ là 0,6% và ROAE là 8,6%.
Và với những dự báo trên, BVPS sẽ là 13.443đ. Trong khi đó chúng tôi dự báo EPS cả năm là 1.318đ. Ở thị giá hiện tại (9.400đ), cổ phiếu đang giao dịch với P/B dự phóng 2018 là 0,68 lần và P/E là 7,4 lần.
Cho năm 2019, chúng tôi dự báo LNTT tăng trưởng 35,2% đạt 1.645 tỷ đồng. Dự báo của chúng tôi dựa trên những giả định sau:
- Chúng tôi dự báo cho vay khách hàng tăng trưởng 15% đạt 131 nghìn tỷ đồng.
- Và chúng tôi dự báo tăng tưởng tiền gửi khách hàng đạt 15% lên 154 nghìn tỷ đồng.
- Do đó, chúng tôi dự báo hệ số LDR là 85%.
- Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM tăng nhẹ từ 3,08% trong năm 2018 lên 3,21% trong năm 2019.
- Do đó, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 19,1% đạt 5.681 tỷ đồng.
- Tổng thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng mạnh từ mức thấp lên là 40 tỷ đồng lên 109 tỷ đồng (tăng trưởng 169%) chủ yếu nhờ lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng.
- Chúng tôi dự báo tổng chi phí hoạt động tăng 13,8% so với năm 2018 lên 3.495 tỷ đồng.
- Do đó, hệ số CIR là 60,4% (năm 2018 là 63,9%).
- Chúng tôi dự báo chi phí dự phòng sẽ tăng nhẹ lên 650 tỷ đồng.
- ROAA là 0,7% và ROAE là 9,3%.
Theo đó, BPVS sẽ là 14.485đ và EPS cơ bản là 1.275đ. Ở thị giá hiện tại, P/B dự phóng 2019 là 0,64 lần và P/E là 7,6 lần.
Quan điểm đầu tư – Duy trì đánh giá khả quan với ước tính giá trị hợp lý của Cổ phiếu LPB là 20.000đ/cp, tương đương P/B dự phóng là 1,5 lần. Do NHNN kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với tăng trưởng tín dụng. LPB đang trải qua quá trình tái cơ cấu từ một ngân hàng có tuổi đời non trẻ với tỷ trọng khách hàng doanh nghiệp cao trở thành NHTMCP thông thường. Quá trình này bao gồm rất nhiều thay đổi. Có vẻ như chi phí liên quan đến những thay đổi này như chi phí huy động cao hơn đã được phản ánh vào giá vốn trong khi đó lợi ích từ chuyển hướng sang các khoản cho vay có tỷ suất lợi nhuận cao hơn lại chưa được phát huy. Một phần do tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Ngân hàng đã ở mức cao.
Quá trình tái cơ cấu sẽ kéo dài một vài năm và đến thời điểm những lợi ích khổng lồ sẽ bùng nổ. Với tốc độ mở rộng nhanh chóng, nền tảng thu phí đang thấp và hệ số LDR vẫn còn dư địa. Nhờ vậy cuối cùng tỷ lệ NIM và thu nhập từ hoạt động dịch vụ sẽ tăng mạnh. LPB có lợi thế độc nhất khi hưởng lợi từ hệ thống các bưu điện trên cả nước. Sau khi hoàn thành tái cơ cấu, Ngân hàng với trọng tâm mới là cho vay bán lẻ sẽ có thể cung cấp các dịch vụ ngân hàng toàn diện cho hàng triệu người dân chủ yếu ở khu vực nông thôn Việt Nam vốn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
Nguồn: HSC