Sự kiện: KQKD Q3/2020 công bố vào ngày 28/10
CTG đã công bố KQKD Q3/2020 khiêm tốn. Lợi nhuận thuần đạt 2.337 tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ và giảm 35,1% so với quý trước). Mặc dù tổng thu nhập hoạt động tăng khá (tăng 10,9% so với cùng kỳ) và chi phí hoạt động được kiểm soát tốt (giảm 0,1% so với cùng kỳ) nhưng chi phí dự phòng lại tăng mạnh (tăng 38,7% so với cùng kỳ).
Đồ thị cổ phiếu CTG phiên giao dịch ngày 30/10/2020. Nguồn: AmiBroker
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận thuần đạt 8.323 tỷ đồng (tăng 22,3% so với cùng kỳ), khả quan hơn nhiều so với dự báo thận trọng của chúng tôi cho năm 2020 là 8.663 tỷ đồng (giảm 8,4%).
Tăng trưởng cho vay thấp
Tăng trưởng cho vay khách hàng trong Q3/2020 cải thiện (tăng 2,4% so với đầu năm và tăng 1,76% so với quý trước). Tổng tín dụng tăng trưởng kém hơn (tăng 1,13% so với đầu năm) do đầu tư trái phiếu doanh nghiệp giảm 38,7% so với đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng trong kỳ của CTG kém khi so với mức tăng trưởng toàn ngành là khoảng 6,1% trong 9 tháng đầu năm 2020. Hệ số CAR thấp cộng với nhu cầu tín dụng nói chung yếu là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng của CTG tương đối kém. Ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2020 chỉ là 4-8,5% và có thể tăng trưởng thực tế sẽ không đạt được kế hoạch đề ra.
Tiền gửi tăng vững với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cải thiện
Tiền gửi khách hàng tăng ổn định, tăng 5,2% so với đầu năm. Tiền gửi không kỳ hạn đặc biệt tăng mạnh, tăng 11,6% so với đầu năm; theo đó tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tăng lên 18%; là mức cao nhất của CTG trong 4 năm qua.
Hệ số LDR thuần là 102% (so với 104,8% tại thời điểm cuối năm 2019) và hệ số LDR điều chỉnh là 97,5% (so với 101,7% tại thời điểm cuối năm 2019). Cả hệ số LDR thuần và LDR điều chỉnh đã giảm về mức hợp lý hơn.
Bảng 1: KQKD hợp nhất Q3/2020, CTG
Tỷ lệ NIM hồi phục trong Q3
Tỷ lệ NIM hồi phục 38 điểm phần trăm so với quý trước lên 3,04% nhờ lợi suất gộp ổn định (chỉ giảm 2 điểm phần trăm so với quý trước) và chi phí huy động giảm (giảm 36 điểm phần trăm so với quý trước). Tỷ lệ NIM 9 tháng đầu năm là 2,85%; vẫn thấp hơn 10 điểm phần trăm so với 9 tháng đầu năm 2019. Chúng tôi cho rằng tỷ lệ NIM năm 2020 sẽ ổn định ở mặt bằng này. Do tăng trưởng tín dụng kém và tỷ lệ NIM giảm, nên thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ đạt 25.295 tỷ đồng mặc dù thu nhập lãi thuần Q3/2020 tăng khá hơn ở mức 9% so với cùng kỳ.
Thu nhập ngoài lãi tăng mạnh nhờ lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối & thu nhập khác
Thu nhập ngoài lãi tăng 18,9% so với cùng kỳ trong Q3/2020 và tăng 24,1% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2020. Nói chung thu nhập ngoài lãi 9 tháng đầu năm khả quan. Thu nhập ngoài lãi tăng tốt trong Q3 nhờ lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối và thu nhập khác (chủ yếu là thu nhập từ thu hồi nợ xấu đã xóa). Lãi mua bán trái phiếu giảm trong Q3 nhưng vẫn tăng mạnh nhất trong số các nguồn thu nhập ngoài lãi trong 9 tháng đầu năm 2020. Lãi từ thoái 50% cổ phần Công ty Cho thuê Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Finance Leasing) chưa được hạch toán vào KQKD Q3/2020.
Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt
Chi phí hoạt động đi ngang (giảm 0,1% so với cùng kỳ), chi phí nhân viên giảm 4,2% so với cùng kỳ trong khi số lượng nhân viên tăng 0,9% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2020, chi phí hoạt động là 10.348 tỷ đồng và hệ số CIR là 32,2% (so với 35,3% trong 9 tháng đầu năm 2019). Chúng tôi kỳ vọng hệ số CIR sẽ được duy trì ở mức hiện tại cho cả năm 2020.
Chi phí tín dụng tăng mạnh
Tỷ lệ nợ xấu của CTG tăng lên 1,87% (từ 1,7% tại thời điểm cuối Q2/2020 và 1,16% tại thời điểm cuối năm 2019). Trong Q3/2020 tỷ lệ nợ xấu mới hình thành là 0,46% và tỷ lệ nợ xấu được xóa là 0,28%. Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu mới hình thành là 1,42% và tỷ lệ nợ xấu được xóa là 0,71%. Tỷ lệ nợ xấu mới hình thành của CTG ở mức khá cao nếu so với các ngân hàng khác (tỷ lệ này ở các ngân hàng đã công bố BCTC Q3/2020 trong danh sách khuyến nghị của chúng tôi dao động từ 0,35% đến 1,68%).
Tổng nợ xấu là 17.949 tỷ đồng (tăng 12,4% so với quý trước và tăng 66% so với đầu năm). Nếu tính cả trái phiếu VAMC chưa được trích lập dự phòng là 3.720 tỷ đồng (tương đương 0,39% dư nợ cho vay) thì tổng tỷ lệ nợ xấu là 2,26%. CTG không trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC trong Q3.
Tổng chi phí dự phòng là 4.858 tỷ đồng (tăng 38,7% so với cùng kỳ) trong Q3/2020 và 11.458 tỷ đồng (tăng 4,4% so với cùng kỳ) trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2020, chi phí dự phòng cho vay khách hàng là 8.825 tỷ đồng (tăng 15,4% so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng cho trái phiếu VAMC là 2.856 tỷ đồng (tăng 0,2% so với cùng kỳ). Chi phí tín dụng tính theo năm tại thời điểm cuối tháng 9/2020 là 1,63%; về cơ bản sát với ước tính hiện nay của chúng tôi cho năm 2020 là 1,69%.
Chúng tôi sẽ xem xét lại dự báo
Giá Cổ phiếu CTG đã tăng mạnh trong vài tháng qua nhờ kỳ vọng vào kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức sẽ được chấp thuận, kỳ vọng thỏa thuận bancassurance độc quyền sẽ được ký kết và nhờ KQKD 9 tháng khả quan hơn kỳ vọng. Chúng tôi sẽ xem xét lại dự báo của mình trước những thay đổi trên. Hiện chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 đạt 8.662 tỷ đồng (giảm 8,4%).
Nguồn: HSC