1. Nhận định thị trường:
Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2015, VN-Index giảm nhẹ 0,42 điểm (tương đương 0,07%), đóng cửa tại 579,03. Thanh khoản tăng 24% so với phiên trước đó, đạt 103 triệu cổ phiếu.
Đồ thị tuần VN-Index ngày 31/12/2015. Nguồn: Amibroker
Đồ thị ngày VN-Index ngày 31/12/2015. Nguồn: Amibroker
VN-Index đã cắt lên trên đường EMA(26) tuy vậy ngay lập tức bị chặn lại bởi hai đường MA(100) và MA(200) tại khu vực kháng cự 580 điểm. Nếu VN-Index có thể bứt phá qua hai đường MA kèm khối lượng lớn thì sẽ có cơ hội tăng trở lại vùng 600 điểm. Trường hợp tiếp tục điều chỉnh thì VN-Index sẽ kiểm nghiệm lại đường EMA(26) xung quanh ngưỡng 575 điểm. Lực cản tạo bởi khu vực kháng cự 580 điểm tiếp tục được chứng minh là rất mạnh trong phiên 31/12. Đây cũng là phiên thứ 02 liên tiếp chỉ số thất bại trước khoảng điểm này, kéo theo đó là các đợt rung lắc đối với hầu hết các cổ phiếu.
Mặc dù đóng cửa phiên chỉ số giảm và thanh khoản có chiều hướng gia tăng vượt mức bình quân 20 phiên gần nhất tuy nhiên đây lại là tín hiệu tích cực. Như đã chú ý, dòng vốn hạn hẹp trong thời gian gần đây gây ra sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu đồng thời làm suy yếu nhanh chóng các nhịp hồi phục khi chỉ số đối diễn các khu vực kháng cự mạnh. Tuy nhiên, hiện tại đường giá vẫn đang được nhận được sự hỗ trợ khá tốt từ nhóm MA ngắn hạn đang hướng lên. Đồng thời các chỉ báo kỹ thuật khác (MACD, Momentum, MFI và RSI) vẫn đang duy trì được xu hướng tăng điểm tích cực. Đặc biệt, mô hình nến dạng “Doji” ngày hôm nay không có phần thân trong khi điểm thấp nhất chưa rơi xuống dưới biên độ phiên liền trước, đồng thời chốt phiên tại mức giá gần cao nhất cho thấy rõ bên mua đang nắm thế chủ động kiểm soát xu hướng. Điều này chứng tỏ nhịp rung lắc hiện tại đang lôi kéo được dòng tiền mới.
Thêm vào đó, trên đồ thị tuần, cây nến xanh dài xuất hiện sau nhiều tuần biến động tăng giảm đan xen trong biên độ hẹp dù không thể giúp đường giá vượt lên trên vùng kháng cự tâm lý 580 điểm, nhưng đã phần nào giúp cho các chỉ báo kỹ thuật trên khung thời gian này tiếp tục có sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Đặc biệt, đường STO đã vượt lên trên vùng quá bán sau khi cắt lên trên đường tín hiệu, qua đó tạm thời xác nhận sự hình thành phân kỳ ẩn với đường giá.
Với những tín hiệu trên, Nguyễn Văn Nguyên cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ duy trì xu hướng tăng ngắn hạn trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2016 và chỉ số có thể sẽ sớm bứt phá lên trên vùng kháng cự mạnh quanh mốc 585 điểm để mở ra xu hướng tăng điểm mới trong thời gian tới. Đồng thời, chỉ số VN-Index có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên khi áp lực chốt lời ngắn hạn có thể sẽ gia tăng, tuy nhiên Nguyễn Văn Nguyên đánh giá áp lực bán sẽ không quá lớn. Ngoài ra, dòng tiền ngắn hạn và tâm lý nhà đầu tư vẫn tiếp tục được cải thiện, đây là các yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng ngắn hạn cho nên các nhà đầu tư nên chú ý đến sự dịch chuyển của dòng tiền.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index. Do đó, các nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc trong phiên để mở vị thế mua mới và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Nhịp điều chỉnh hiện tại được cho là điểm giải ngân khá phù hợp vào nhóm cổ phiếu chưa tăng giá hoặc đang tích lũy trong suốt đợt tạo đáy vừa qua. Trong đó, dòng tiền sẽ hướng đến những nhóm cổ phiếu thuộc các ngành có sự tăng trưởng bền vững và tiếp tục có tiềm năng trong thời gian tới như logistics, cảng biển, bất động sản… hay các cổ phiếu nhận được đánh giá tốt về kỳ báo cáo KQKD Quý IV và năm 2015. Đối với nhóm nhà đầu tư có mức chịu rủi ro thấp, hành động mua mới và gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu được khuyến nghị triển khai nếu chỉ số tạo mô hình 02 đáy thành công đi kèm với sự cải thiện rõ hơn của dòng vốn trên thị trường.
Cuối cùng, nhân dịp đầu năm mới, Nguyễn Văn Nguyên xin được chân thành kính chúc quý nhà đầu tư một năm 2016 dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 25/12/2015:
Thị trường phiên cuối năm giảm nhẹ 0.07% với thanh khoản cải thiện, độ rộng thị trường tích cực. Khối ngoại mua ròng 71 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF discount -0.3%, FTSE premium 0.54%. Kết năm 2015, VN Index tăng 6.4% so với thời điểm đầu năm.
Đóng cửa phiên cuối cùng của năm 2015, VN-Index giảm nhẹ 0,42 điểm (-0,07%) đứng ở mức 579,03 điểm trong khi HNX-Index tăng 0,68 điểm (+0,86%) lên mức 79,95 điểm, so với số tương ứng đầu năm VN-Index tăng 33,43 điểm và HNX-Index giảm 3,05 điểm. Thanh khoản phiên này tăng mạnh trên HOSE và giảm trên HNX, trong đó giá trị giao dịch trên HOSE đạt 2227,53 tỷ đồng (+49,9%) tương ứng 134,36 triệu cổ phiếu còn giá trị giao dịch trên HNX đạt 393,45 tỷ đồng (-21,7%) tương ứng 38,19 triệu cổ phiếu.
Thị trường có diễn biến giao dịch khá thận trọng trong phần lớn thời gian, nhiều mã cổ phiếu lớn như BID, BVH, VCB, VIC, PVD…giảm giá kéo VN-Index giảm khá mạnh. Tuy nhiên, ở đợt khớp lệnh ATC, lực cầu mạnh xuất hiện giúp nhiều cổ phiếu lớn khác tăng giá như MBB, STB, MSN, VNM, DPM… giúp thị trường cân bằng trở lại. Tính chung, số mã cổ phiếu tăng giá vẫn chiếm đa số trên cả hai sàn với tỷ lệ số mã tăng giá / số mã giảm giá trên HOSE là 110/95 và trên HNX là 119/87 .
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khá mạnh trong phiên này. Trên HOSE, họ mua ròng 312,25 tỷ đồng trong đó riêng mã MWG được mua ròng 295,9 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận, ngoài ra họ mua nhiều các mã như KBC (+17,13 tỷ), VCB (+13,41 tỷ)…Trên HNX, khối ngoại duy trì mua ròng 8,48 tỷ với các mã được mua nhiều như SHB (+3,27 tỷ), PVC (+2,30 tỷ), PVS (+1,72 tỷ), IVS (+1,4 tỷ).
Theo CNBC, với mức tăng 6.1%, VN-Index đã trở thành chỉ số chứng khoán có đà tăng mạnh thứ 5 tại châu Á. Trong đó, 4 thị trường chứng khoán có mức tăng điểm tích cực hơn bao gồm các chỉ số Shenzhen Composite với mức tăng 66%, chỉ số NZX 50 của New Zealand đứng thứ 2 với mức tăng 14%. Hai chỉ số tiếp theo là Shanghai Composite và Nikkei với mức tăng lần lượt 10% và 9%. Ở chiều ngược lại, các chỉ số Strait Times Index của Singapore, SET của Thái Lan và Jakarta Composite là 3 chỉ số có mức giảm mạnh nhất, lần lượt là -15%; -14% và -12%. Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tương đối tốt trong năm nay nhưng diễn biến thị trường khá phân hóa và đà tăng mạnh chủ yếu tập trung ở các mã bluechips vốn hóa lớn có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số như VNM, VCB, VIC, BVH… Trong khi nhóm cổ phiếu midcap và penny nhìn chung có diễn biến không mấy tích cực.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
NLG: Kế hoạch 2016 nhiều tham vọng.
Kết quả lợi nhuận sau thuế năm 2015 dự kiến hoàn thành hoặc có thể vượt đôi chút so với kế hoạch 180 tỷ mà ĐHCĐ đề ra. Theo đó, kết quả kinh doanh quý 4.2015 có khả năng vượt nhẹ con số ước tính 100 tỷ LNST mà NLG đã công bố trên truyền thông. Về hoạt động bán hàng, doanh số sản phầm đã ký HDMB theo ước tính của Công ty là 1.800 căn, tăng 46% số sản phẩm bán trong 2014.
Các sản phẩm tập trung chủ yếu ở 4 dự án là Ehome 3, 4, 5 và Flora – Đỗ Xuân Hợp. Tính đến hiện tại, dự án Ehome 3 bán 2.000/2.200 căn, tương đương 13/14 block dự án. Ehome 4 còn 157/540 căn nhà phố. Ehome 5 hoàn tất kinh doanh và ghi nhận trong 2015. Đối với dự án Flora, tiến độ kinh doanh vẫn tương đối chậm khi bán 270/500 căn kể từ lúc mở bán vào quý 2.2015. Đối với ghi nhận doanh thu, theo ước tính của doanh nghiệp, doanh thu chưa ghi nhận từ dự án đã kinh doanh để lại sang năm 2016 khoảng 1.000 tỷ đồng. Các sản phẩm Nam Long Home và căn hộ Flora sẽ bán ra thị trường nhiều hơn trong năm 2016. Cụ thể, các dự án sẽ đưa vào kinh doanh trong 2016 là East Gate – Phú Hữu (18ha), Casa – Phước Long B (6ha), Camelia – Bình Chánh (6ha), một dự án mới ở Võ Văn Kiệt. Tổng số sản phẩm mà NLG dự kiến bán được trong 2016 là 3.200 sản phẩm, trong đó, căn hộ là 2.500 và 700 sản phẩm cho nhà phố, đất nền. So sánh với Ehome, dòng sản phẩm Flora sẽ thuộc phân khúc trung cấp nên chịu áp lực cạnh tranh quyết liệt hơn. Tuy nhiên, với biên lợi nhuận ròng 15-18%, chúng tôi kỳ vọng việc tập trung thương hiệu Flora sẽ góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh của Nam Long từ năm 2016 (Ehome biên ròng 10 – 12%).
Kế hoạch lợi nhuận 2016 dự kiến tăng trưởng 100% so với 2015. Đây là số liệu trong kế hoạch kinh doanh 5 năm mà Nam Long xây dựng. Lợi nhuận 2016 kỳ vọng là 435 tỷ, tăng 128% với thực hiện 2015. Theo chia sẽ, Công ty vẫn đang bám sát với kế hoạch đề ra và mục tiêu cụ thể sẽ chờ thông qua tại đại hội cổ đông. Với kế hoạch trên, công ty phải ghi nhận khoảng 2.100 – 2.200 sản phẩm tương ứng với doanh thu là 3.000 – 3.2000 tỷ đồng, tăng 100% với 2015. Như vậy, công ty sẽ phải ghi nhận 2.000 tỷ doanh thu từ dự án mởi mở bán trong 2016. Đây là thách thức không nhỏ cho NLG vì sản phẩm căn hộ cần thời gian để hoàn thành và ghi nhận. Do đó, Công ty sẽ đẩy mạnh kinh doanh nhà phố, biệt thự trong năm 2016, cụ thể, là từ 3 dự án Camelia, East Gate và Nguyên Sơn. Ngoài ra, công ty đang xem xét hợp tác với đối tác Nhật Bản để phát triển vài dự án. Việc hợp tác này giúp NLG ghi nhận khoảng lợi nhuận từ định giá lại đất khi góp vốn. Theo kế hoạch, lợi nhuận từ hoạt động này chiếm ¼ kế hoạch lợi nhuận 2016.
Đánh giá kết quả kinh doanh trong 2016 của NLG sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Công ty là một trong ít doanh nghiệp sớm phản ánh hoạt động bán hàng vượt trội trong 2015 vào kết quả kinh doanh 2016. Dự án Ehome 3,4 hoàn thành xây nên có thể bàn giao ngay cho khách hàng. Trong khi đó, Nam Long Flora hoàn tất phần thô và dự kiến sẽ bàn giao vào quý 4.2016. Đây là cơ sở để Nam Long đặt kế hoạch tăng trưởng ấn tượng trong năm sau. Tuy nhiên, vẫn có chút quan ngại về khả năng thực hiện mục tiêu lợi nhuận 435 tỷ, khi thị trường bất động sản 2016 dự báo nhiều thách thức và các dự án mới cũng chưa được mở bán.
Với giá thị trường ngày 31/12/2015, PE forward 2015 của NLG đạt 17,8 lần là chưa thật sự hấp dẫn. Ngoài ra, công ty cũng có khả năng tăng vốn khi mà áp lực triển khai dự án tương đối cao. Do đó, các nhà đầu tư quan tâm Nam Long nên chờ kế hoạch kinh doanh và phương án tăng vốn 2016 được công bố. Dù còn vài điểm cần ước tính thận trọng hơn, nhưng khả năng NLG là cơ hội đầu tư an toàn cần xem xét trong năm 2016.
——————————-
VHG: Nghị quyết HĐQT CTCP Cao su Quảng Nam (VHG) vừa thông qua phương án đầu tư mua 99% cổ phần (tương đương 9,9 triệu cổ phiếu) của CTCP Thủy sản Viễn Đông.
——————————–
DIG: Nghị quyết HĐQT Tổng công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Xây Dựng (DIG-HOSE) vừa thông qua phương án hoán đổi cổ phần thuộc sở hữu của DIG và CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Khoáng sản Miền Trung.
Sau khi thực hiện hoán đổi, tỷ lệ sở hữu của DIG tại DIC Sport giảm từ 27,4% giảm xuống còn 25,42%/vốn điều lệ, nâng tỷ lệ sở hữu của DIG tại DIC Vật liệu từ 94,77% lên 96,36% và tại DIC Micen từ 64,72% lên 68,96%.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Hé lộ cơ chế điều hành tỷ giá mới
Tỷ giá có thể lên xuống theo ngày. Theo thông tin của Báo Đầu tư, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa có cuộc gặp gỡ với một số ngân hàng thương mại lớn để bàn về cơ chế điều hành tỷ giá mới. Nguồn tin trên cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã gặp gỡ với các chuyên gia đầu ngành để bàn về nội dung tương tự. Xem ra, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương hoàn thiện cơ chế điều hành tỷ giá mới và khả năng cơ chế này sẽ được áp dụng vào đầu năm 2016. Theo hé lộ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cơ chế tỷ giá mới sẽ linh hoạt hàng ngày, tỷ giá có thể thay đổi hàng ngày thay vì cố định trong thời gian khá dài như hiện nay với sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
——————————-
Việt Nam vào top “mới nổi” tăng trưởng mạnh nhất 2015.
Nền kinh tế thế giới vẫn ì ạch bất chấp các ngân hàng trung ương duy trì bơm thanh khoản, giá dầu sụt giảm mạnh, và lạm phát ở mức thấp. Trong bức tranh kém tươi sáng của kinh tế toàn cầu nói chung, vẫn xuất hiện những điểm sáng đáng chú ý. Theo số liệu mà Bloomberg đưa ra, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6.27% trong năm nay, cao thứ 6 trong số các nền kinh tế mới nổi trên thế giới, bên cạnh Ấn Độ (7.3%), Tanzania (7.2%), Trung Quốc (6.95%), Uganda (6.85%), và Dominica (6.35%).
——————————-
Giá dầu phiên 30/12 giảm mạnh sau khi số liệu cho thấy lượng dầu lưu kho của Mỹ bất ngờ tăng và Arab Saudi cho biết tiếp tục tăng sản lượng.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 2/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,27 USD, tương đương 3,5%, xuống 36,60 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,33 USD, tương ứng 3,5%, xuống 36,46 USD/thùng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến không mấy tích cực trong phiên ngày hôm nay. Tuy nhiên, cơ hội vẫn xuất hiện ở các mã có hoạt động sản xuất kinh doanh ít chịu biến động bởi giá dầu thế giới và đang biến động ở vùng giá thấp tương đối.
——————————-
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu sẽ “gây thất vọng” trong năm tới
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định trong một bài báo viết cho tờ Handelsblatt của Đức số ra ngày 30/12. Triển vọng lãi suất tăng cao hơn ở Mỹ và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ làm gia tăng mức độ bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và rủi ro lớn hơn về suy giảm tăng trưởng khắp thế giới. Ngoài ra, thương mại toàn cầu đã giảm tốc đáng kể và sự sụt giá của nguyên vật liệu thô đang gây thách thức cho những nền kinh tế có độ phụ thuộc cao vào những lĩnh vực này. Trong khi đó, lĩnh vực tài chính ở nhiều quốc ra đang lộ ra nhiều điểm yếu và rủi ro tài chính gia tăng ở các thị trường mới nổi
——————————-
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Nguyễn Văn Nguyên – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo /
Email: nguyen.nguyenvan@hsc.com.vn
Website: dautucophieu.net