Trong BCCL đầu năm, chúng tôi đã đề cập việc Trung Quốc đang chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất ngành dệt may từ khâu hạ nguồn (gia công may mặc) sang đầu tư vào khâu thượng nguồn (sản xuất nguyên liệu sợi, dệt). Điều này thể hiện Trung Quốc đang ứng phó với cuộc chiến thương mại bằng cách củng cố năng lực nội tại, gia tăng lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm thay vì chỉ tập trung hướng đến giảm giá thành sản xuất như trước đây. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đem đến một số góc nhìn cụ thể hơn về những ảnh hưởng từ sự leo thang của cuộc chiến này đến ngành dệt may của Mỹ và Trung Quốc.
Gói thuế 200 tỷ chưa đánh lên hàng may mặc, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc…
Ngày 10/05/2019, Mỹ đã chính thức tăng thuế suất từ 10% lên 25% đối với danh sách 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong danh sách này, Mỹ tập trung đánh thuế vào các mặt hàng có mã HS từ 50 – 60, vốn là các loại nguyên phụ liệu, sợi vải chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Trung Quốc (~10,7%, tương đương 4,5 tỷ USD hàng dệt may trong năm 2018). Do đó, chúng tôi cho rằng Việt Nam chưa thực sự hưởng lợi trực tiếp từ cuộc chiến này khi nước ta cũng đang xuất khẩu chủ yếu sản phẩm may mặc sang Mỹ (mã HS 61, 62 và 63) và phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu sợi vải từ Trung Quốc (~55% tổng giá trị NK).
… nhưng đây là chất xúc tác rõ rệt cho sự dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước lân cận để tránh thuế
Dưới những lo ngại về căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, các doanh nghiệp thời trang tại Mỹ đã có những động thái nhằm đa dạng hóa thị trường cung ứng, dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận để né thuế. Trong năm 2018, sự chuyển dịch đơn hàng sang các thị trường lân cận ngày càng rõ nét hơn (Hình 2), và Việt Nam được đánh giá là công xưởng thay thế phù hợp cho các doanh nghiệp thời trang tại đây.
Bên cạnh đó, khi tiếp cận theo phương pháp thống kê SKUs (stock keeping unit: mã lưu kho riêng biệt của từng loại sản phẩm), trong giai đoạn leo thang của cuộc chiến thương mại, các nhà bán lẻ thời trang tại Mỹ cũng đã tiến hành cắt giảm mạnh lượng hàng hóa sản xuất mới tại Trung Quốc (Hình 3). Đến Q1/2019, số lượng mã hàng SKUs mới sản xuất tại Trung Quốc giảm chỉ còn 8.352 đơn vị so với 26.758 đơn vị trong Q1/2018. Kéo theo đó là sự gia tăng số lượng đơn vị SKUs tại các thị trường may mặc khác như Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh…
Giá bán lẻ trung bình hàng may mặc xuất xứ Trung Quốc tại thị trường Mỹ đang có xu hướng tăng dần…
Giá bán lẻ trung bình các mặt hàng may mặc xuất xứ Trung Quốc tại thị trường Mỹ đang có xu hướng tăng dần. Trong Q2/2019, giá bán lẻ hàng may mặc Trung Quốc cao gấp đôi so với Việt Nam và gần gấp ba lần hàng hóa xuất xứ tại Bangladesh (Hình 4).
… thể hiện Trung Quốc đang cải thiện tay nghề công nhân, sản xuất các mặt hàng chất lượng cao với đơn giá bán tốt hơn
Thay vì cho rằng Trung Quốc đang mất dần lợi thế kinh tế theo quy mô, lợi thế nhân công giá rẻ khiến đơn giá sản phẩm tăng cao, chúng tôi cho rằng Trung Quốc đang dịch chuyển chuỗi giá trị sản xuất ngành dệt may từ khâu hạ nguồn (gia công may mặc) sang đầu tư vào khâu thượng nguồn (sản xuất nguyên liệu sợi, dệt) với đơn giá bán tốt hơn (Hình 5). Xuất khẩu nguyên phụ liệu Trung Quốc sang thị trường Mỹ từ Q1/2017 đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn so với hàng may mặc, trong giai đoạn leo thang của cuộc chiến thương mại (Q2/2018) thì tốc độ tăng trưởng nguyên phụ liệu ngày càng rõ nét hơn.
Mặt khác, vì các sản phẩm may mặc Trung Quốc chưa chịu tác động về thuế quan như phân tích kể trên nên thuế quan không phải là nguyên nhân khiến đơn giá sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc cao hơn các thị trường khác. Đồng thời, các doanh nghiệp thời trang Mỹ cũng đang không ngừng đa dạng hóa nguồn cung để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc nên những đơn hàng may mặc gia công đơn giản sẽ là ưu tiên dịch chuyển hàng đầu sang các quốc gia lân cận. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn là công xưởng gia công lớn nhất trên toàn thế giới nên họ vẫn có lợi thế kinh tế theo quy mô giúp tiết giảm chi phí sản xuất, sự cách biệt rõ rệt trong đơn giá sản phẩm so với các quốc gia khác thể hiện Trung Quốc đang không ngừng củng cố năng lực nội tại, gia tăng lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm để ứng phó với sự leo thang của cuộc chiến thương mại (Hình 6).
Nhìn chung, không thể phủ nhận việc leo thang của chiến tranh thương mại đã khiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Trung Quốc sang thị trường Mỹ sụt giảm. Dưới những lo ngại về khả năng áp thuế bổ sung lên các sản phẩm may mặc từ Trung Quốc trong tương lai (gói thuế 300 tỷ đang đệ trình), các doanh nghiệp thời trang tại Mỹ vẫn đang dịch chuyển đơn hàng gia công sang các thị trường lân cận để phòng tránh rủi ro. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Trung Quốc không hề giậm chân trong cuộc chiến này, họ đang ngày càng nâng cao tay nghề công nhân, tập trung vào sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, phát triển khâu thượng nguồn dệt may với quy mô lớn để giảm thiểu rủi ro cạnh tranh về giá ở những sản phẩm tầm trung từ các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.
Nguồn: VDSC