VSC công bố KQKD 6 tháng đầu năm kém khả quan. Triển vọng tăng trưởng khiêm tốn. Tiếp tục đánh giá Khả quan – Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (VSC – Khả quan) đã công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2017 chưa kiểm toán với doanh thu thuần tăng 21% so với cùng kỳ và LNST giảm 8% so với cùng kỳ.
Đồ thị cổ phiếu VSC cập nhật ngày 31/07/2017. Nguồn: AmiBroker
Kết luận nhnah – Tiếp tục đánh giá Khả quan. Chúng tôi điều chỉnh giảm nhẹ ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu còn 65.000đ, tương đương P/E là 12,3 lần. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo LNST cả năm 2017 và hiện dự báo mức tăng trưởng 9%. KQKD 6 tháng kém khả quan chủ yếu do giá bán bình quân giảm 5% khi công suất cảng tại khu vực Hải Phòng mở rộng nhanh hơn nhu cầu. Dù vậy, nhu cầu thực tế vẫn tăng và mở rộng công suất sân bãi sẽ giúp gia tăng lượng hàng hóa qua cảng và cho phép công ty duy trì tăng trưởng trong một vài năm tới. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cảng khác cũng có những động thái tương tự và do đó gây áp lực giảm phí dịch vụ trong năm tới. Cổ phiếu khá rẻ, tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng là khiêm tốn ở thời điểm hiện tại.
Doanh thu 6 tháng tăng nhưng lợi nhuận giảm – CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (VSC – Khả quan) đã công bố KQKD 6 tháng chưa kiểm toán với doanh thu thuần đạt 503 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ), LNTT là 135 tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ) và LNST là 129 tỷ đồng (giảm 8% so với cùng kỳ). Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 50% kế hoạch LNTT. Chúng tôi cũng nhắc lại rằng, cho năm 2017, VSC đặt kế hoạch doanh thu thuần là 1.145 tỷ đồng (tăng trưởng 6%) và LNTT là 270 tỷ đồng (giảm 13%).
Doanh thu tăng nhờ sản lượng hàng hóa qua cảng tăng 27% nhưng giá bán bình quân giảm 5% – Trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng hàng hóa qua các cảng của VSC là khoảng 380.000 TEU, tăng 27% so với cùng kỳ. Trong đó, chúng tôi ước tính:
• Cảng Green xử lý khoảng 150.000 TEU (không đổi so với cùng kỳ).
• Cảng Vip Green Port xử lý khoảng 230.000 TEU (tăng 53%). Hiện tại, cảng Vip Green Port tiếp nhận khoảng 8 tàu mỗi tuần, tăng 60% so với cùng kỳ nhờ tiếp nhận thêm một tàu từ Evergreen và 2 tàu từ Maersk Line.
• Giá bán bình quân giảm 5% so với cùng kỳ do phí dịch vụ giảm trong điều kiện cạnh tranh gay gắt ở khu vực cảng biển Hải Phòng khi có công suất mới bổ sung. Các doanh nghiệp điều hành cảng biển thông thường cung cấp cho các tàu hàng hóa gói dịch vụ gồm xử lý hàng hóa từ cảng lên tàu và ngược lại, dịch vụ kho và sân bãi. Và mức phí bình quân của gói dịch vụ này hiện đã giảm xuống.
Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm do giá bán bình quân giảm – VSC công bố đạt lợi nhuận gộp là 190 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) trong khi đó tỷ suất lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 35,7% còn 31,2% do giá bán bình quân giảm. Hơn nữa, chi phí khấu hao cũng tăng 9% so với cùng kỳ lên 94 tỷ đồng do chi phí khấu hao của cảng Vip Green Port – Giai đoạn 2 không còn được vốn hóa sau khi đi vào hoạt động từ tháng 11/2016.
Lỗ tài chính thuần tăng – VSC ghi nhận lỗ tài chính thuần 21 tỷ đồng (tăng 171% so với cùng kỳ) trong 6 tháng đầu năm 2017. Một số yếu tố tác động ở đây gồm:
• Chi phí lãi vay tăng 33% lên 25 tỷ đồng do chi phí lãi vay cho cảng Vip Green Port – giai đoạn 2 không còn được vốn hóa từ tháng 11/2016.
• Thu nhập lãi tiền gửi giảm 52% so với cùng kỳ còn 3,7 tỷ đồng do dư tiền mặt giảm.
• Cổ tức được nhận cũng giảm 80% còn 0,75 tỷ đồng do không còn khoản lợi nhuận thoái vốn 3 tỷ đồng từ thoái vốn khỏi MSC Vietnam Limited Company, giảm tỷ lệ sở hữu từ 10% còn 5% trong năm 2016.
Chi phí bán hàng và quản lý tăng 19% so với cùng kỳ đạt 36 tỷ đồng – Dù vậy, tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu thuần giảm nhẹ từ 6.0% xuống 5,9%.
Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận và hiện dự báo LNST năm 2017 tăng trưởng 9% mặc dù sản lượng hàng hóa xử lý dự báo tăng – Chúng tôi điều chỉnh giảm 6% dự báo LNST do giá bán bình quân giảm nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo doanh thu nhờ sản lượng hàng hóa qua cảng tăng sẽ giúp bù đắp giá bán bình quân giảm và theo đó duy trì tăng trưởng tăng. Chúng tôi hiện dự báo doanh thu thuần 2017 là 1.170 tỷ đồng (tăng trưởng 8%) và LNST là 285 tỷ đồng (tăng trưởng 9%) giảm so với dự báo ban đầu là 305 tỷ đồng (tăng trưởng 17%). Các giả định chính của chúng tôi bao gồm:
• Lượng hàng tiếp nhận xử lý tăng 58% lên 790.000 teu gồm 30.000 teu tại cảng Green Port (không đổi so với năm 2016) và 490.000 teu tại cảng Vip Green Port (tăng 58%).
• Giá bán bình quân dự báo giảm 5% do công suất cảng tại khu vực Hải Phòng gia tăng.
• Lợi nhuận gộp tăng 5% lên 417 tỷ đồng. Trong khi đó tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 36,6% còn 35,7%.
• Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu không đổi, là 6,0%
• Lỗ tài chính thuần tăng lên 31,6 tỷ đồng (tăng 20%) do chi phí lãi vay tăng sau khi cầu cảng thứ hai của cảng Vip Green Port đi vào hoạt động vào tháng 11/2016. Chi phí liên quan đến cầu cảng này đã không còn được vốn hóa sau đó. Chúng tôi dự báo chi phí lãi vay sẽ tăng lên 47 tỷ đồng (tăng 10%).
• Chúng tôi cũng giả định lợi nhuận từ công ty liên kết sẽ tăng lên 6 tỷ đồng (tăng trưởng 8%) nhờ cả hai công ty liên kết quan trọng của công ty đều cho KQKD tốt trong năm nay.
Theo đó, chúng tôi dự báo EPS là 5.264đ/cp (giảm so với mức 5.701đ trước đó), tương đương P/E dự phóng là 10,7 lần.
Mở rộng công suất cảng 21% nhờ mở rộng hoạt động bãi – Vào này 24/1/2017, VSC đã đầu tư 67 tỷ đồng mua 66,33% cổ phần của công ty mới thành lập, là Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Dịch Vụ Và Phát Triển Xanh (GIC) chuyên cung cấp các dịch vụ logistic.
Trong năm 2017, VSC có kế hoạch chi 219 tỷ đồng, tương đương 77% tổng kế hoạch vốn đầu tư cho năm 2017 vào GIC. Trong đó,
• Công ty đã chi 136 tỷ đồng để mua quyền sử dụng lô đất 10ha tại KCN Đình Vũ, cách cảng Vip Green Port 2km.
• Trong Giai đoạn 1, công ty sẽ sử dụng 5ha để xây dựng một một bãi để container (CFS).
• Trong Giai đoạn 2, công ty sẽ sử dụng tiếp 3ha để xây dựng một bãi hàng hóa.
• Chi phí xây dựng và mua trang thiết bị là 82 tỷ đồng.
• Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào ngày 1/7/2017.
Đây sẽ trở thành bãi sau của cảng Vip Green. Nhờ có bãi sau này, tốc độ luân chuyển container tại cảng Vip Green sẽ được đẩy nhanh, theo đó nâng công suất xử lý hàng hóa của cảng Vip Green thêm 33% lên 800.000 TEU. Hiện công suất hoạt động tối đa của cảng Vip Green là 600.000 TEU; bằng 120% công suất thiết kế. Theo đó, tổng công suất hoạt động tối đa của các cảng của VSC có thể tăng thêm 21% lên 1,15 triệu TEU.
Cạnh tranh giữa các cảng tại Hải Phòng đang ngày càng gay gắt – Công suất tăng nhẹ đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt với phí dịch vụ cảng giảm. Cụ thể là:
• Tại thời điểm cuối năm 2016, tổng cống suất các cảng tại Hải Phòng tăng hêm 12% lên 4.561.000 TEU/năm sau khi cảng Vip Green công suất 500.000 TEU/năm đi vào hoạt động.
• Đồng thời tổng lượng hàng hóa qua các cảng tại Hải Phòng tăng 10% lên khoảng 4.200.000 TEU trong năm 2016
• Do vậy tổng công suất hoạt động của các cảng tại Hải Phòng giảm từ 96% công suất thiết kế xuống còn 93% vào cuối năm 2016.
• Theo đó, các cảng đã giảm phí dịch vụ.
Chúng tôi thấy đây là một vấn đề sẽ tồn tại trong trung hạn vì trước mắt công suất cảng trong khu vực sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn mức tăng của nhu cầu.
• Ngoài ra, cảng Nam Đình Vũ của GMD sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12/2017 với công suất 600.000 TEU, theo đó nâng tổng cống suất cảng tại Hải Phòng lên thêm 13,2%.
• Chúng tôi ước tính công suất hoạt động thực tế tăng dần với tốc độ khoảng 10%/năm.
• Theo đó, chúng tôi cho rằng tỷ lệ công suất hoạt động/công suất thiết kế sẽ giảm tiếp xuống còn 91% vào cuối năm 2017.
• Do vậy, chúng tôi cho rằng phí dịch vụ cảng có thể tiếp tục giảm trong năm 2018 do các cảng cạnh tranh với nhau.
Tuy nhiên cảng của VSC có vị trí thuận lợi – Do ảnh hưởng của cầu Bạch Đằng và trọng tải tàu ngày càng tăng, nên tàu có xu hướng chuyển từ các cảng thượng nguồn xuống cảng hạ nguồn tại khu vực Hải Phòng. Hiện cảng Vip Green nằm xa nhất về hạ nguồn và có thể đón tàu trọng tải lên đến 30.000 DWT; do vậy có vị trí thuận lợi để giành thị phần từ các cảng khác tại Hải Phòng. Mặc dù cảng Nam Đình Vũ của GMD còn nằm sâu về hạ nguồn so với cảng Vip Green nhưng do cảng này nằm ở luồng tàu khác trên sông Cấm nên chi phí nạo vét cao hơn. Do vậy, VSC có lẽ sẽ không phải giảm nhiều phí dịch vụ cảng như các cảng khác.
VSC vẫn là lựa chọn tốt để NĐT tham gia vào xu hướng gia tăng thương mại hàng hóa phi CNTT từ các doanh nghiệp FDI –Trong 3 năm qua, kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI lần lượt tăng với tốc độ gộp bình quân năm là 10,2% và 14,8%. Các cảng của VSC chủ yếu xử lý hàng hóa tư liệu sản xuất và nguyên vật liệu nhâp khẩu cho các doanh nghiệp phi CNTT có vốn FDI như máy móc, sợ, vải và nhựa. Đồng thời chủ yếu xử lý hàng hóa xuất khẩu như hàng may mặc, giày dép và sản phẩm gỗ. Và sự thất bại của TPP sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến VSC so với các doanh nghiệp KCN như KBC vì doanh nghiệp KCN thiên hơn về sản phẩm công nghệ cao. Cho dù vậy, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng vốn FDI cũng như ngành may mặc & giày dép vì:
• Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh trong các lĩnh vực này.
• Hiệp định FTA với EU sẽ có hiệu lực từ năm 2018.
• Việt Nam sẽ ký kết hiệp định FTA với Mỹ trong 24 tháng tới.
• Các hiệp định khu vực như RCEP đang trong quá trình đàm phán với nhiều tiến triển và sẽ hoàn tất.
Chúng tôi dự báo LNST năm sau tăng trưởng 14% – Cho năm 2018, Chúng tôi dự báo doanh thu thuần tăng trưởng 8% và đạt 1.261 tỷ đồng còn LNST đạt 326 tỷ đồng, tăng trưởng 14%.
• Lượng hàng tiếp nhận xử lý tăng 14% lên 900.000 teu gồm 300.000 teu tại cảng Green Port (giữ nguyên) và 600.000 teu tại cảng Vip Green (tăng 22%). Chúng tôi kỳ vọng cảng Vip Green sẽ giành thêm thị phần từ các cảng hạ nguồn.
• Phí dịch vụ cảng bình quân giảm tiếp 3% do công suất cảng trong khu vực Hải Phòng vẫn tăng mạnh hơn mức tăng của nhu cầu.
• Lợi nhuận gộp tăng 9,5% lên 457 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 35,7% lên 36,2% nhờ công suất hoạt động của cảng Vip Green tăng từ 98% lên 120%.
• Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu giữ nguyên ở 6,2%.
• Lỗ tài chính thuần là 27 tỷ đồng (giảm 15%).
Theo đó chúng tôi dự báo EPS đạt 5.864đ; P/E dự phóng đạt 9,7 lần.
Quan điểm đầu tư – Tiếp tục đánh giá Khả quan. Chúng tôi giảm ước tính giá trị hợp lý của VSC xuống 65.000đ, tương đương P/E là 12,3 lần. Định giá cổ phiếu có vẻ khá rẻ dựa trên dự báo tăng trưởng khá của Chúng tôi. Công suất sân bãi tăng giúp nâng cao lượng hàng hóa xử lý và giảm chi phí cố định trên giá vốn. Mặc dù công suất cảng ở Hải Phòng tiếp tục gia tăng thì về dài hạn chúng tôi dự báo nhu cầu đối với các dịch vụ cảng biển sẽ gia tăng với tốc độ nhanh hơn nhờ hàng hóa được vận chuyển sang các nền kinh tế quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản từ Việt Nam tăng nhờ FDI tăng. Và đây là xu thế tất yếu không bị ảnh hưởng của TPP hay chính sách thương mại của Mỹ.
Nguồn: HSC