Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (Cổ phiếu SBT) gần đây đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi theo hình thức phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Cụ thể, công ty có kế hoạch phát hành 44.466.667 cổ phiếu, tương đương 8,0% tổng số cổ phiếu đang lưu hành sau phát hành và dự kiến thu về 60 triệu USD. Giá chào bán sẽ dao động từ 30.000đ-45.000đ/cp. Thời gian ưu đãi cổ tức là 6,5 năm, với mức cổ tức cố định là 5,5% trong 1,5 năm đầu tiên và cổ tức cho các năm tiếp theo sẽ điều chỉnh theo thỏa thuận.
Đồ thị cổ phiếu SBT phiên giao dịch ngày 19/12/2018. Nguồn: AmiBroker
Kết luận nhanh. Tiếp tục đánh giá Nắm giữ. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 21.724 đồng, tương đương P/E dự phóng cho niên độ 2018-2019 là 22,8 lần. Cho niên độ 2018-2019, HSC dự báo LNTT đạt 676 tỷ đồng (giảm 0,9%). Doanh thu tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ mở rộng thị phần. Chi phí sản xuất được kiểm soát tốt nhờ lợi thế về quy mô. Tuy nhiên, với triển vọng tăng trưởng khiêm tốn của thị trường đường trong niên độ 2018-2019 cùng với gánh nặng chi phí tài chính, lợi nhuận của công ty sẽ bị ảnh hưởng. Và với dự báo tăng trưởng khiêm tốn và dự kiến thị trường mở cửa trong năm 2020, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu hiện đã phản ánh hết giá trị. Lợi thế dẫn đầu thị trường là yếu tố tích cực, tuy nhiên mức độ tăng trưởng trong tương lai vẫn chưa rõ ràng.
Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyền, tuy nhiên có thể được chuyển đổi sang cổ phiếu thường vào bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành theo yêu cầu của NĐT với giá chuyển đổi không vượt quá 38.000đ/cp. Đồng thời, cổ phần ưu đãi cũng bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.
Tổng tiền dự kiến thu về từ đợt phát hành riêng lẻ này là 60 triệu USD và sẽ được sử dụng để tài trợ khoản vay liên quan đến việc mua vùng nguyên liệu 7,400 ha và nhà máy đường Attapeu, đồng thời sử dụng cho đầu tư cơ giới hóa và mở rộng sản xuất đường organic ở Attapeu.
Từ niên độ 2015-2016 đến niên độ 2017-2018, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của SBT đã tăng mạnh lần lượt từ 143,6%, lên 142,1% và 168,7% sau khi mua lại SEC, Attapeu Sugar và BHS.
Công ty không công bố danh sách đối tác chiến lược mới do vẫn đang trong quá trình đăng ký với UBCK, tuy nhiên theo tin đồn trên thị trường thì đối tác chiến lược là các quỹ đầu tư Châu Âu.
Cho niên độ 2018-2019, HSC dự báo LNTT đạt 676 tỷ đồng (giảm 0,9%) – Cho năm 2019, HSC dự báo doanh thu thuần đạt 10.607 tỷ đồng (tăng trưởng 3,1%) và LNTT đạt 676 tỷ đồng (giảm 0,9%). Các giả định của chúng tôi gồm:
- Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 750.000 tấn (tăng 31%). Trong khi đó kế hoạch của Công ty là 846.733 tấn. Dự báo của chúng tôi thấp hơn kế hoạch của công ty do chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng của thị trường đường thấp hơn so với giả định của Công ty.
- Giá bán bình quân duy trì ở 12.600đ/kg (giảm 20,3%) do triển vọng ngành đường trong năm tài chính 2018-2019 khiêm tốn.
- Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm nhẹ xuống còn 12,4% từ 12,9% trong niên độ trước đó. Trong đó tỷ suất lợi nhuận gộp mảng đường giảm còn 13,0% từ 13,8% trong niên độ trước đó do giá bán bình quân giảm.
- Lỗ tài chính thuần giảm 19,7% xuống còn 75,8 tỷ đồng.
- Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng lên 7,7% từ 7,3% trong niên độ 2017-2018 do công ty tăng khuyến mãi để giành thị phần.
Chúng tôi dự báo LNTT đạt 676 tỷ đồng (giảm 0,9%), EPS đạt 955đ. Theo đó P/E dự phóng là 22,6 lần.
Cho niên độ 2019-2020, HSC dự báo LNTT đạt 741,2 tỷ đồng (tăng trưởng 9,6%) – Cho năm 2020, HSC dự báo doanh thu thuần đạt 11.647 tỷ đồng (tăng trưởng 9,8%) và LNTT đạt 705,5 tỷ đồng (tăng trưởng 9,6%). Giả định chính của chúng tôi là như sau:
- Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 820.000 tấn (tăng 9,3%) với giá bán bình quân là 12.900đ/kg (tăng 2,4%) do thị trường đường trong nước sẽ mở cửa vào đầu năm 2020 nên cạnh tranh từ đường Thái Lan sẽ không có lợi cho giá đường.
- Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên 12,6% từ 12,4% trong niên độ trước đó. Trong đó tỷ suất lợi nhuận gộp mảng đường tăng lên 13,5% từ 13,0% trong niên độ đó do giá đầu vào giảm.
- Lỗ tài chính thuần tăng 23,2% lên 93,3 tỷ đồng.
- Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu giữ nguyên ở 7,7%
Chúng tôi dự báo LNTT đạt 741,2 tỷ đồng (tăng 9,6%), EPS đạt 1.177đ. Theo đó P/E dự phóng là 18,4 lần.
HSC giữ nguyên quan điểm là thị trường đường trong nước tăng trưởng khiêm tốn 4-5% – Trong khi SBT tự tin là thị trường đường trong nước tiếp tục tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm ở mức cao là 15-17% trong giai đoạn 2018-2020 khi kế hoạch kinh doanh đề ra cho niên độ 2018-2019, thì chúng tôi cho rằng tốc độ này sẽ chỉ là 4-5% vì những lý do dưới đây:
- Mức tiêu thụ đường bình quân đầu người của Việt Nam hiện đã đạt 17 kg/năm (Thái Lan là 42,3 kg/năm còn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 18,4 kg/năm). Mức tiêu thụ đường bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến tăng lên 26,0 kg/năm vào năm 2026 (tương đương tốc độ tăng trưởng gộp bình quân là 4,1%).
- Ngành bánh kẹo của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 5-6%.
- Ngành nước giải khát tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 7%.
- Ngành sữa đang đối mặt với sự suy giảm tạm thời.
Lợi thế kinh tế theo quy mô có thể giúp giảm giá thành – Công ty có 9 nhà máy với công suất hiện nay là 37.500 TCD, tương đương mức cung xấp xỉ 620.000 tấn/năm. Trong đó có 4 nhà máy lớn có thể sử dụng đường thô và mía làm đầu vào, từ đó có thể giúp kiểm soát giá thành.
- Nhà máy chế biến Biên Hòa – Đồng Nai (công suất 114.000 tấn/năm) hoạt động nguyên năm trong khi nhà máy Biên Hòa Ninh Hòa và TTC Tây Ninh (tổng công suất 500.000 tấn/năm) hoạt động 9 tháng/năm trong khi bình quân ngành hoạt động 5-6 tháng/năm. Như vậy Công ty có thể tiết kiệm được chi phí cố định.
- Cho niên độ 2018-2019, SBT đặt kế hoạch giảm tỷ trọng đầu vào là mía xuống còn 46% từ 58% trong năm tài chính 2017-2018. Tại mặt bằng giá đường thế giới hiện nay, giá thành đường RE làm từ mía đường cao hơn khoảng 25% so với từ đường thô. Theo đó, tỷ trọng đầu vào là mía đường giảm sẽ giúp giảm giá thành sản xuất.
Quan điểm đầu tư – Tiếp tục duy trì đánh giá Nắm giữ đối với Cổ phiếu SBT với giá trị hợp lý là 21.724đ; tương đương P/E dự phóng 22,8 lần.Mặc dù triển vọng niên độ 2018-2019 khiêm tốn, triển vọng của SBT trong dài hạn là tích cực vì: 1) SBT là doanh nghiệp lớn nhất ngành đường trong nước với 40% thị phần. Công ty đang ở vị thế thuận lợi để giành thêm thị phần ở hầu hết các phân khúc ngành đường nhờ chiến lược giá thấp. 2) Lợi thế kinh tế theo quy mô giúp giảm giá thành xuống mức cạnh tranh hơn. 3) Danh mục sản phẩm đa dạng và sự linh hoạt trên thị trường nội địa đáp ứng được yêu cầu khác nhau cho tất cả đối tượng khách hàng từ quán café, quán ăn, DNNVV đến các tập đoàn đa quốc gia. Và 4) giá điện sinh khối đang được vận động hành lang để nâng từ 5,8 cent/kWh lên 7,5 cent/kWh.
Nguồn: HSC