Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) trong khi giảm giá mục tiêu thêm khoảng 6%. Trong khi chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận năm 2020, chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận thêm khoảng 11% trong năm 2021 và trung bình 4,5% trong giai đoạn 2022-2024 khi chúng tôi nhận thấy dịch COVID-19 có khả năng ảnh hưởng tiến độ đấu thầu hợp đồng mới trong năm 2021.
Đồ thị cổ phiếu PVS phiên giao dịch ngày 19/08/2020. Nguồn: AmiBroker
- Chúng tôi kỳ vọng EPS cốt lõi năm 2020/2021 giảm 29,8%/4,4% YoY do lợi nhuận từ mảng Cơ khí Dầu khí (M&C) giảm và giá thuê ngày của FPSO Ruby thấp hơn.
- Chúng tôi kỳ vọng triển vọng phục hồi với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 14,2% trong giai đoạn 2020-2024, đến từ lượng backlog mảng M&C đạt 3,1 tỷ USD tính đến cuối năm 2020 và lợi nhuận từ mảng FSO ổn định.
- Dù thách thức trong ngắn hạn, chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của PVS trong trung hạn khi công ty hưởng lợi đầu tiên từ sự phục hồi trong ngành cũng như cơ hội việc làm gia tăng từ các dự án LNG.
- PVS có 8,6 nghìn tỷ đồng tiền mặt tại quỹ tính đến cuối quý 2/2020, dễ dàng hỗ trợ mở rộng công suất và lợi suất cổ tức gia tăng dự phóng từ 6% trong năm 2020 lên 8% trong năm 2021.
- Cổ phiếu PVS hiện được giao dịch tại EV/EBITDA dự phóng năm 2020 là -1,3 lần (tương ứng tiền mặt ròng cao hơn vốn hóa thị trường), tỏ ra hấp dẫn so với trung vị các công ty cùng ngành là 9,7 lần trong khi PVS có tỷ lệ ROE và đòn bẩy ròng cao hơn so với các công ty cùng ngành.
- Yếu tố hỗ trợ: cơ hội việc làm từ mở rộng công suất tại trạm LNG Thị Vải.
- Rủi ro: giá dầu thấp kéo dài có thể dẫn đến thanh lý hợp đồng của FPSO Lam Sơn; rủi ro địa chính trị tại biển Đông.
Nguồn: VCSC
Từ khóa: PVS