Chúng tôi đã tham dự buổi gặp gỡ nhà đầu tư do Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Cổ phiếu PVS) tổ chức ngày 21/06/2019. Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận 2020-2023 thêm khoảng 4% nhờ có thêm một số dự án cơ khí dầu khí mới và FSO Biển Đông không còn mang nợ. Vì vậy, dù điều chỉnh tăng lãi suất phi rủi ro thêm 30 điểm cơ bản, chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 5,3%. Chúng tôi nâng khuyến nghị dành cho PVS từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG lên KHẢ QUAN.
Đồ thị cổ phiếu PVS phiên giao dịch ngày 24/06/2019. Nguồn: AmiBroker
Chúng tôi giữ nguyên dự báo dành cho năm 2019 với EPS cốt lõi đạt tăng trưởng 4,5% nhờ mảng Khảo sát Địa chấn giảm lỗ sau khi giải thể vào năm 2018 và lợi nhuận từ FPSO Ruby II tăng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tăng trưởng EPS báo cáo sẽ đi ngang trong năm 2019 do năm 2018 có lợi nhuận bất thường.
Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo backlog từ 2 tỷ USD lên 3,5 tỷ USD vì công ty đang đấu thầu cho dự án đường ống dẫn khí Nam Cơn Sơn Giai đoạn 2 (vốn đầu tư XDCB 800 triệu USD) và ban lãnh đạo tin tưởng sẽ ký được hợp đồng cho dự án lớn Cá Voi Xanh (vốn đầu tư XDCB 10 tỷ USD).
PVS hiện đang giao dịch tại mức EV/EBITDA là 4,5 lần, tỏ ra hấp dẫn với trung vị P/E là 9,3 lần vì diễn biến khả quan hơn so với các cổ phiếu dầu khí khác về ROE và tỷ lệ đòn bẩy. PVS có tiềm lực tài chính mạnh khi nắm giữ 7,2 nghìn tỷ đồng tiền mặt vào cuối quý 1/2019, nên có thể dễ dàng mở rộng công suất và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà không có rủi ro pha loãng.
Khả năng điều chỉnh tăng dự báo: Biên lợi nhuận mảng Cơ khí Dầu khí cao hơn so với dự báo; dự án Cá Rồng Đỏ tái khởi động.
Rủi ro: Dự án Lô B bị trì hoãn lâu làm giảm giá trị backlog ~1 tỷ USD.
Nguồn: VCSC