Chúng tôi điều chỉnh giảm 1,2% giá mục tiêu dành cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Cổ phiếu PVS) do định giá theo phương pháp P/E giảm vì dự báo lợi nhuận báo cáo 2019 giảm và trung vị P/E các công ty cùng ngành giảm. Tuy nhiên, chúng tôi nâng khuyến nghị lên MUA vì giá cổ phiếu đã giảm ~7% trong 2 tháng qua.
Đồ thị cổ phiếu PVS phiên giao dịch ngày 21/08/2019. Nguồn: AmiBroker
Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận cốt lõi 2019 thêm 9,8% và lợi nhuận 2020-2023 trung bình thêm 2,6% nhờ lợi nhuận từ kho nổi FPSO Ruby II cao hơn so với dự kiến.
Chúng tôi dự báo EPS cốt lõi 2019 sẽ tăng 14,7% nhờ mảng Khảo sát Địa chấn giảm lỗ, lợi nhuận từ FPSO Ruby II cao và nhiều dự án cơ khí dầu khí hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tăng trưởng EPS báo cáo sẽ giảm 5,9% trong năm 2019 do dự phòng cho nợ xấu của nhà máy điện Long Phú năm 2019 và kết quả năm 2018 cao nhờ lợi nhuận bất thường.
Chúng tôi dự báo EPS cốt lõi 2019-2023 sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 8,5% nhờ giá trị backlog mảng cơ khí dầu khí đạt 3,5 tỷ USD (tính đến cuối tháng 6/2019) và mảng FSO ổn định.
PVS hiện đang giao dịch tại EV/EBITDA 2019 là 4,6 lần, hấp dẫn so với trung vị P/E 8,7 lần khi có ROE và tỷ lệ đòn bẩy diễn biến khả quan hơn so với các công ty khác trong ngành. PVS có tiềm lực tài chính mạnh với 10,5 nghìn tỷ đồng tiền mặt nắm giữ vào cuối tháng 6, dễ dàng hỗ trợ việc mở rộng công suất và cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà không hề có rủi ro pha loãng.
Khả năng điều chỉnh tăng dự báo: Biên lợi nhuận mảng Cơ khí Dầu khí cao hơn so với dự báo; dự án Cá Rồng Đỏ tái khởi động.
Rủi ro: Rủi ro chính trị, dự án Lô B bị trì hoãn lâu làm giảm giá trị backlog khoảng 1 tỷ USD.
Nguồn: VCSC