LTG sẽ niêm yết trên UPCoM với giá 55.000đ/cp vào ngày 24/7. Chúng tôi đánh giá ban đầu đối với cổ phiếu là Khả quan. Công ty thuốc bảo vệ thực vật hàng đầu, CTCP Tập đoàn Lộc Trời sẽ niêm yết 67,16 triệu cổ phiếu trên Upcom với mã chứng khoán là LTG vào ngày 24/7 ngày với giá tham chiếu là 55.000đ/cp.
Các sản phẩm kinh doanh của Lộc Trời
Định giá cổ phiếu có vẻ hấp dẫn ở mức giá tham chiếu – Sử dụng phương pháp định giá so sánh P/E giữa các doanh nghiệp cùng ngành, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu LTG là 67.611đ/cp, theo đó P/E là 12,1 lần. Chúng tôi sử dụng PE dự phóng tổng hợp của 8 công ty cùng ngành trong khu vực và 3 công ty trong nước. Trong đó, có 7 công ty hoạt động trong mảng thuốc bảo vệ thực vật & giống cây trồng và 4 công ty trong mảng gạo và lương thực.
– Trong mảng thuốc bảo vệ thực vật & giống cây trồng, có Sumitomo Chemical, Kumiai Chemical từ Nhật Bản, Huapont Nutrichem & Nanjing Redsun từ Trung Quốc; và VFG, NSC, DPM từ Việt Nam.
– Trong mảng gạo và lương thực, có LT Foods, KRBL Foods & Chaman Lal Setia Export Ltd của Ấn Độ, và President Rice PLC của Thái Lan.
Theo đó, tổng hợp từ nhóm các công ty trên P/E dự phóng bình quân ngành là 12,1 lần. Chúng tôi sử dụng mức P/E bình quân ngành này là P/E giá trị hợp lý cho LTG, theo đó giá trị hợp lý của cổ phiếu là 67.611đ/cp. Mặc dù LTG có triển vọng tăng trưởng LNST năm 2017 tốt hơn so với mức trung vị ngành, vẫn có những rủi ro do kết quả lợi nhuận kém khả quan trong những năm trước. Do đó, chúng tôi cho rằng không cần phải áp dụng mức tăng hay giảm lên định giá của LTG so với mức trung vị ngành.
Kết luận nhanh – Đánh giá ban đầu với cổ phiếu là Khả quan. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu LTG là 67.671đ, theo đó P/E dự phóng là 12,1 lần. Chúng tôi ước tính LNST của cổ đông công ty mẹ 2017 sẽ tăng trưởng 27,6% và 13,6% trong năm 2018. Tập đoàn Lộc Trời sẽ niêm yết cổ phiếu trên Upcom với mã chứng khoán LTG vào ngày 24/7 tới với giá tham chiếu là 55.000đ/cp. Tập đoàn là nhà cung cấp thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất ở Việt nam đồng thời mở rộng đầu tư phát triển chuỗi giá trị gạo. Trong khi mảng thuốc bảo vệ thực vật chủ chốt cho thấy tiềm năng tăng trưởng tương đối, nếu thành công với chuỗi gạo và trái cây, mảng kinh doanh mới này cho thấy cơ hội tăng trưởng rất lớn trong tương lai mặc dù đây cũng là một thử thách lớn với công ty. Việt Nam đang xây dựng ngành kinh doanh nông nghiệp tư nhân, phù hợp với thực tế là các cửa hàng thương mại hiện đại ngày càng mở rộng thị phần trên thị trường bán lẻ. Và Lộc Trời được xem là một trong những danh nghiệp nổi bật dẫn dắt xu hướng này.
CTCP Tập đoàn Lộc Trời – trước đó là CTCP Thuốc bảo vệ thực vật An Giang được thành lập năm 1993 và là doanh nghiệp đầu ngành thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam. Năm 2015, công ty đổi tên thành Lộc Trời. Mô hình kinh doanh cũng có sự thay đổi và công ty đã xây dựng chuỗi giá trị sản xuất gạo theo chiều dọc. Gần đây hơn, công ty cũng mở rộng tương tự sang mảng trái cây và cà phê. LTG đã trải qua một vài năm khó khăn trong quá trình tái cơ cấu các kênh bán hàng, hơn nữa mảng gạo vẫn chưa đóng góp lợi nhuận. Tuy nhiên, trong dài hạn, công ty vẫn tỏ ra rất tham vọng trong kế hoạch kinh doanh và chúng tôi sẽ phân tích chi tiết trong phần sau.
Với tổng số cổ phiếu đang lưu hành hiện là 67.161.150 cổ phiếu và mức giá tham chiếu cho ngày niêm yết, vốn hóa thị trường của LTG sẽ là 3.693 tỷ đồng (164 triệu USD). Nhà nước hiện nắm 24,15% cổ phần. Sở hữu nước ngoài là 44,04%, trong đó Standard Chartered Private Equity (SCPE) nắm 33,4%. Các cổ đông nước ngoài khác bao gồm Mekong Capital, sở hữu 6,07%. Người lao động công ty sở hữu 15,31% cổ phần và cổ đông trong nước khác nắm 16,5%.
Lộc Trời là nhà cung cấp thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh chủ chốt hiện tại của tập đoàn bao gồm phân phối và sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, phân hữu cơ và sinh học, giống cây trồng, chế biến và bán gạo. LTG cũng phát triển mảng bao bì. Cụ thể đóng góp doanh thu của mảng kinh doanh chính trên vào cuối năm ngoái như sau;
• Mảng thuốc bảo vệ thực vật đóng góp 60,9% doanh thu.
• Mảng gạo đóng góp 28,8%.
• Giống cây trồng đóng góp 7,3%.
• Các mảng khác gồm bao bì & xây dựng đóng góp 3,2%.
Trong đó, mảng thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng cho tỷ suất lợi nhuận cao nhất, lần lượt là khoảng 30% và 30-35%. Mảng gạo là mảng kinh doanh khá mới và do đó tỷ suất lợi nhuận vẫn còn khá thấp.
Lộc Trời là doanh nghiệp đầu ngành, chuyên phân phối các sản phẩm Syngenta – Công ty nắm khoảng 20% thị phần thuốc bảo vệ thực vật và chủ yếu phân phối các sản phẩm Syngenta. Hiện tại, các sản phẩm Syngenta chiếm khoảng 70% doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật. Gần đây, Lộc Trời cũng đã bắt đầu phân phối các sản phẩm của Dow Chemicals. Lộc Trời giữ vị thế đầu ngành với hệ thống phân phố gồm 5.000 đại lý bán lẻ từ Bắc vào Nam và có danh tiếng tốt thị trường. Công ty sở hữu 2 nhà máy thuốc bảo vệ thực vật: 1 nhà máy tại KCN Lê Minh Xuân – TPHCM và 1 nhà máy tại Châu Thành – An Giang với tổng công suất hàng năm là 50.000 tấn. Tỷ lệ tận dụng công suất là 55%, tương đương 27.500 tấn sản phẩm mỗi năm. Cơ cấu doanh thu vẫn khá chênh lệnh với 70% là từ các sản phẩm thương mại và 30% còn lại là từ các sản phẩm tự sản xuất, là những sản phẩm thường cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn, là 35% so với mức 25% của các sản phẩm thương mai. Sản phẩm của công ty gồm thuốc xử lý hạt giống, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu,… Là mảng kinh doanh chính của Lộc Trời, mảng thuốc bảo vẹ thực vật đóng góp phần lớn doanh thu, là khoảng 50-60% doanh thu. Hiện tại, công ty có 26 chi nhánh và 5.008 đại lý bán lẻ.
Mảng thuốc bảo vệ thực vật gặp khó khăn trong năm 2015 do công ty tiến hành tái cơ cấu hệ thống bán hàng. Tuy nhiên, mảng này đã phục hồi tăng trưởng khá trong năm 2016 và dường như quá trình tái cơ cấu cho thấy hiệu quả tốt – Lộc Trời bắt đầu tái cơ cấu mảng thuốc bảo vệ thực vật từ tháng 9/2015. Trước đó, các kênh bán hàng gồm 500 đại lý bán buôn cấp 1 và hàng nghìn đơn vị bán lẻ. Tiến hành tái cơ cấu, đại lý bán buôn cấp 1 bị xóa bỏ và Lộc Trời trực tiếp bán sản phẩm cho các đơn vị bán lẻ. Điều này có nghĩa là lượng hàng tồn kho ở các đại lý bán buôn trước đó phải thanh lý, do đó giảm nhu cầu từ người sử dụng cuối cùng trong một thời gian. Lộc Trời cung cấp tín dụng cho các đơn vị bán lẻ và các đại lý thường có lượng hàng tồn kho thấp. Điều này đã tác động giảm doanh thu từ thuốc bảo vệ thực vật trong Q4/2015 và do đó doanh thu của mảng này giảm 22% trong năm 2015. Đến năm 2016, doanh thu thuần từ thuốc bảo vệ thực vật đã tăng 15% đạt 4.728 tỷ đồng, chiếm 60,8% doanh thu thuần của tập đoàn. Lợi nhuận gộp tăng chậm hơn là 11,7% đạt 1.415 tỷ đồng, đóng góp 87,7% lợi nhuận gộp của tập đoàn, theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp là 19,9% so với mức 31% trong năm 2015. Nhiều khả năng quá trình tái cơ cấu (bắt đầu từ tháng 9/2015) đang cho thấy kết quả tốt.
Thị trường thuốc bảo vệ thực vật vẫn khá phân mảnh và chịu chi phối của sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc mặc dù mức độ đã giảm bớt so với trước đó – Thị trường thuốc bảo vệ thực vật vẫn rất phân mảnh với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc áp đảo mặc dù đang dần có sự thay đổi. Một số điểm lưu ý chính về thị trường này như sau;
• Nhu cầu đối với thuốc bảo vệ thực vật đã tăng từ 6.500 tấn trong những năm 1980 lên khoảng 125.000 tấn trong năm 2015, cho thấy mức tăng bình quân là 12%/năm.
• Thị trường thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam được định giá là 1.100 triệu USD trong năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 1.300 triệu USD đến năm 2020, tức là tốc độ tăng trưởng trung bình là 2.59%/năm.
• Theo từng sản phẩm, thuốc diệt cỏ chiếm 45-47%, thuốc diệt nấm chiếm 22-23%, thuốc trừ sâu chiếm 20-22% và còn lại là một số loại thuốc khác.
• Khoảng 80% sản phẩm tiêu thụ là thuốc nhập khẩu và giá trị nhập khẩu đã tăng lên từ 549,3 triệu USD trong năm 2010 lên 725,1 triệu USD trong năm 2016 (giảm 1,1%).
• Thuốc diệt nấm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị nhập khẩu với 34%, tiếp đó là thuốc trừ sâu, chiếm 26% và thuốc diệt cỏ chiếm 21%. Theo từng loại thực vật, thuốc cho gạo và ngô chiếm 64,9% nhu cầu nhập khẩu, tiếp đó là hạt tiêu, hạt điều, cà phê & chè, chiếm 16,6%. Các loại rau củ chiếm 11,7%.
Kể từ năm 2010, tập đoàn đã mở rộng sang mảng gạo và xây dựng mô hình chuỗi giá trị khép kín theo chiều dọc. Lộc Trời đã xây dựng chuỗi “giá trị lúa gạo” từ nghiên cứu đến sản xuất.
• Gạo do tập đoàn sản xuất đến từ chuỗi giá trị khép kín toàn diện từ cung cấp hạt giống đến canh tác, thu hoạch, chế biến và phân phối.
• Trước mùa vụ, người nông dân ký hợp đồng bao tiêu gạo với tập đoàn sau khi thu hoạch.
• Người nông dân được lựa chọn bán gạo cho Lộc Trời hoặc lái buôn bất kỳ nếu họ muốn. Nếu họ quyết định bán cho Lộc Trời, công ty cam kết sẽ mua gạo của người dân. Đổi lại, người nông dân phải tuân thủ tất cả các quy trình canh tác mà công ty đặt ra.
• Người nông dân được cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật từ nguồn vốn cho vay không lãi suất và kỳ hạn 3-4 tháng. Người nông dân còn được hỗ trợ trong thu hoạch, chuyên chở miễn phí đến nhà máy gạo của tập đoàn, cung cấp các cơ sở sấy khô và lưu trữ miến phí.
Sản phẩm gạo của Lộc Trời được tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu – Lộc Trời có 5 nhà máy chế biến gạo hiện tại tại An Giang (2 nhà máy), Đồng Tháp (1 nhà máy), Long An (1 nhà máy), Bạc Liêu (1 nhà máy) với tổng công suất là 700.000 tấn gạo cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Sản phẩm gạo của công ty phong phú về chủng loại và bao bì.
– Gạo không có thương hiệu thông thường cho xuất khẩu và bán cho các công ty thương mại.
– Cho tiêu thụ trong nước, công ty có sản phẩm gạo trắng với thương hiệu Hạt ngọc trời đóng gói theo nhiều kích thước 5kg, 10kg, 25kg. Gạo mầm có 4 hương vị: vị thường, vị nghệ, vị tỏi đen và vị gấc. Các sản phẩm này được phân phối vào các siêu thị và thông qua các đại lý bán lẻ. Trong năm 2016, LTG đã bán được 3.000 – 4.000 tấn loại gạo có thương hiệu đóng gói này.
Chiến dịch “Cùng người nông dân ra đồng” và lực lượng kỹ sư nông nghiệp “3 cùng” giúp công ty thực hiện – Hơn 1.300 kỹ sư “3 cùng” cùng làm việc với người nông dân hàng này để trao đổi và chuyển giao nhiều kiến thức về quá trình canh tác. Điều này giúp đảm bảo chất lượng và năng suất cây trồng. Lộc Trời là công ty đầu tiên tại Việt Nam tham gia “Nền tảng lúa gạo bền vững” tổ chức vào tháng 10/2015 cho thấy quyết tâm cùng với người nông dân đi tiên phong trong sản xuất lúa gạo bền vững và đẩy mạnh chất lượng gạo của Việt Nam. Tiếp đó, trong năm 2015, gạo Thiên Long hay AGPPS 103 nằm trong top 3 trong cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” do Tổ chức nghiên cứu lúa gạo thế giới tổ chức. Trong năm 2016, công ty nằm trong top 13 nhà xuất khẩu gạo lớn nhất.
Mặc dù được đầu tư vốn lớn, mảng gạo hiện vẫn lỗ và gặp nhiều khó khăn trong năm 2016 – Doanh thu thuần của mảng gạo năm 2016 giảm 22,9% còn 2.241 tỷ đồng, đống góp 28,8% doanh thu thuần của tập đoàn. Trong khi đó lợi nhuận gộp giảm mạnh hơn 66% còn 75,8 tỷ đồng, chỉ đóng góp 4,7% tổng lợi nhuận gộp. Trong năm 2015, mảng gạo đóng góp 36,9% doanh thu thuần và 13% lợi nhuận gộp toàn tập đoàn. Như vậy tỷ suất lợi nhuận đã giảm một nửa từ 7,8% xuống 3,4%. Trong khi đó sản lượng tiêu thụ cũng giảm 13,5% xuống 192.000 tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu là 79.000 tấn (giảm 40%), tương đương 1,64% sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016, và sản lượng tiêu thụ trong nước là 113.000 tấn (tăng trưởng 43%).
Mở rộng sang mảng gạo, công ty ước tính mức lỗ tối đa có thể chấp nhận được là 120 tỷ đồng/năm, tuy nhiên trong năm 2016 mức lỗ đã vượt quá con số đó lên 220 tỷ đồng. Nguyên nhân là;
– Khó khăn chung đối với ngành gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu – trong năm 2016 một số gạo Việt Nam không được chấp nhận cho xuất khẩu sang thị trường Mỹ do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016 có 500 container gạo bị trả lại từ Mỹ. Và Lộc Trời có 2.000 – 3.000 tấn gạo bị trả lại. Sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 26,8% còn 4,8 triệu tấn mặc dù vậy giá xuất khẩu bình quân lại tăng 5,46% lên 449USD/tấn. Theo đó, giá trị xuất khẩu giảm 22,8% là 2,16 triệu USD.
– Điều kiện thời tiết không thuận lợi – Hơn nữa, do điều kiện thời tiết trong năm 2016 không thuận lợi, diện tích trồng lúa đã giảm 44.000 ha còn 7,79 triệu ha (giảm 0,6%) và năng suất lúa giảm 0,17 tấn/ha còn 5,6 tấn/ha. Do đó, tổng sản lượng lúa thu hoạch giảm 1,5 triệu tấn còn 43,6 triệu tấn (giảm 3,6%).
– Gạo tồn kho cũ bán với giá rất thấp – Trong năm 2016, Lộc Trời đã phải thanh lý hàng tồn kho cũ với giá rất thấp và chúng tôi hiểu rằng đây là nguyên chính dẫn đến mức lỗ lớn của mảng này. Mặc dù chúng tôi không có thông tin chính xác về giá bán. Một vấn đề trước đó mà LTG phải đối mặt là sản lượng sản xuất cao hơn nhiều so với sản lượng tiêu thụ, dẫn đến lượng tồn kho lớn. Gạo có thể giữ tối đa trong 6 tháng và giảm chất lượng sau 3 tháng.
Chúng tôi cho rằng 2 trong 3 nguyên nhân trên đây chỉ là mang tính chất tạm thời trong khi đó nguyên nhân thứ ba, là vấn đề về chất lượng gạo trên thị trường xuất khẩu sẽ khó khắc phục hơn. Dù vậy chúng tôi dự báo mảng gạo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2017.
LTG đã giảm diện tích canh tác lúa để giảm tình trạng sản xuất quá nhiều – LTG đã giảm 26% diện tích canh tác lúa xuống còn 70.000 ha cho 3 vụ lúa trong năm 2016. Và trong năm 2017, diện tích canh tác sẽ giảm tiếp xuống chỉ còn khoảng 30.000 ha.
Sản phẩm chính của Lộc Trời là hạt giống lúa, ngô và rau. Hạt giống ngô và rau chủ yếu nhập khẩu từ Syngenta và LTG tự sản xuất một phần nhỏ.
– Hạt giống lúa của công ty sẽ từ 2 nguồn chính: mua từ các trung tâm/viện nghiên cứu và tự sản xuất dựa trên quy trình nghiên cứu của chính công ty.
– Lộc Trời có 3 trung tâm nghiên cứu giống cây trồng, 6 nhà máy sản xuất giống lúa với công suất 57.000 tấn/năm, 2 nhà máy sản xuất giống ngô với công suất 4.000 tấn/năm và 0,2 tấn hạt giống rau/năm.
– Công ty có 3 cánh đồng canh tác giống cây trồng với tổng diện tích 800ha. LTG có 1.300 đại lý bán lẻ hạt giống.
– Lộc Trời tự sản xuất 10% hạt giống và giao khoán 90% còn lại.
LTG đứng thứ 2 về sản xuất giống cây trồng tại Việt Nam – Công ty giữ thị phần giống hàng hóa là 9,5%; đứng sau NSC với thị phần 11,3%. Tại khu vực ĐBSCL, thị phần lúa giống của công ty là 20% (tính theo giá trị). Công ty chủ yếu phân phối hạt giống thuần. Lúa giống sử dụng tại ĐBSCL 100% là giống thuần, trong khi ở miền Bắc có 20% là giống lai.
Mảng hạt giống cây trồng đạt kết quả không khả quan trong năm 2016 do bị ảnh hưởng mạnh của thời tiết không thuận lợi và giá nông sản giảm – Mảng hạt giống cây trồng cũng đã có một năm khó khăn với doanh thu thuần giảm 17,1% xuống còn 568 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm tiếp 60% xuống còn 78,7 tỷ đồng. Theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống còn 13,9% từ mức 28,7% trong năm 2015. Đây là năm thứ 2 doanh thu và lợi nhuận mảng giống cây trồng giảm. Trong năm 2016, công ty tiêu thụ được 30.400 tấn hạt giống lúa (giảm 29,8%) và 1.200 tấn hạt giống ngô (giảm 62,5%); do:
– Đối với hạt giống ngô lai: giá ngô nhập khẩu liên tục giảm. Từ năm 2014 đế năm 2016, lượng ngô nhập khẩu tăng 77% từ 4,7 triệu tấn lên 8,4 triệu tấn. Tuy nhiên tổng giá trị nhập khẩu chỉ tăng 37,5% từ 1,2 triệu USD lên 1,67 triệu USD; nghĩa là giá nhập khẩu bình quân giảm từ 255,35USD/tấn xuống chỉ còn 198USD/tấn. Do vậy, người nông dân đã chuyển từ trồng ngô sang trồng các loại cây khác.
– Về hạt giống lúa: (1) thời tiết không thuận lợi xảy ra tại khu vực ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm 2016 và (2) trong các năm 2014-2015; LTG tập trung vào cung cấp hạt giống lúa cho phần diện tích canh tác của chính công ty. Do vậy trong năm 2016 thị phần của LTG giảm do nông dân chuyển sang các nhà cung cấp khác.
Mảng bao bì tăng trưởng nhanh – Mảng này được thành lập nhằm hỗ trợ các mảng kinh doanh khác. Hiện nhà máy bao bì có tổng diện tích 34.000m2; sản xuất bao bì carton và bao bì vải nhựa PP. Doanh thu tăng với tốc độ gộp bình quân năm là 34,5% trong giai đoạn 2011-2016.
Áp dụng chuỗi giá trị ngành dọc vào các sản phẩm khác – Chẳng hạn như chuỗi giá trị cho cà phê và trái cây;
• Chuỗi giá trị cho cà phê – Công ty đang xây dựng một chuỗi tại chuỗi như vậy tại chuỗi cửa hàng Highlands và đã cho ra một sản phẩm mang tên Hương Vị Trời.
• Chuỗi giá trị trái cây – Vào tháng 11/2015, Lộc Trời chính thức bắt đầu dự án xây dựng chuỗi giá trị cho trái cây hợp tác với Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI). Trong giai đoạn đầu, đến cuối năm 2016, dự án tập trung trồng bưởi da xanh tại Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long trên quy mô nhỏ 100-120ha. Trong giai đoạn 2 từ 2017-2020, dự án sẽ mở rộng sang trồng các loại trái cây khác như xoài, thanh long, nhãn; đồng thời mở rộng sang các khu vực khác tại ĐBSCL.
Kế hoạch xuất khẩu gạo và các nông sản khác sang Trung Quốc – Vào ngày 12/5, LTG đã ký thỏa thuận với Công ty Viên Thị Hồ Nam, một công ty của Trung Quốc. Thành lập năm 2007, Công ty Viên Thị Hồ Nam chuyên về giống lúa lai tại Trung Quốc. Chuyên gia tư vấn kỹ thuật cấp cao của công ty này là Viên Long Bình được coi là cha đẻ của giống lúa lai, đã phát triển các giống lúa lai đầu tiên trong những năm 1970. Hai công ty sẽ thành lập 2 liên doanh: 1 liên doanh về giống cây trồng và 1 liên doanh về nông sản.
– Công ty giống cây trồng có vốn điều lệ 3 triệu USD và được thành lập tại Việt Nam – mục đích là phát triển công nghệ sản xuất lúa lại tại Việt Nam với giá hợp lý. Công ty kỳ vọng sẽ giành được thị phần trên thị trường giống lúa lai hiện đang do các đối thủ của công ty chiếm ưu thế.
– Công ty nông sản có vốn điều lệ là 7 triệu USD, được thành lập tại Trung Quốc – mục đích là cung cấp gạo chất lượng cao và các loại nông sản khác như cà phê & hồ tiêu với giá hợp túi tiền cho người tiêu dùng Trung Quốc; từ đó giúp công ty tăng được doanh thu tại thị trường lớn nhất thế giới này.
Liên doanh với Thaco trong dự sản xuất gạo với vốn đầu tư ước tính 7.800 tỷ đồng – để sản xuất gạo tại Thái Bình áp dụng cơ giới hóa. Trong dự án này, Thaco sẽ chịu trách nhiệm bỏ vốn đầu tư và máy móc còn LTG chịu trách nhiệm về vùng trồng, quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Cung cấp thuốc bảo vệ thực vật và giải pháp kỹ thuật cho Vineco và HNG – Trong lĩnh vực canh tác rau và trái cây, LTG tự tin có 20 năm kinh nghiệm cung cấp thuốc bảo vệ thực vật và đội ngũ kỹ sư của công ty có thể tạo ra giá trị và cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp khác chẳng hạn như Vineco và HNG.
Các đối tác mới khác bao gồm – Công ty cũng có sự hợp tác với các công ty khác trong những lĩnh vực như:
• Lion Agrevo (Ấn độ) để phân phối sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật phân khúc trung cao cấp.
• Công ty TNHH MTV Bioseed Việt Nam để phân phối hạt giống lúa, ngô và rau.
• CTCP Phân bón Việt Hàn để phân phối phân NPK sản xuất theo công nghệ Hàn Quốc.
• CTCP Vinacam trong lĩnh vực phân bón, hạt giống lúa và thực phẩm; DSM (công ty trong lĩnh vực sức khỏe và dinh dưỡng của Thụy Sĩ) để ứng dụng vitamin & dĩnh dưỡng trong gạo.
• Hagihara Farm (Nhật Bản) – hợp tác về hạt giống dưa lưới và dưa hấu.
Mục tiêu đề ra đến năm 2021 có vẻ khá tham vọng – Công ty đặt mục tiêu đạt mức vốn hóa thị trường 1 tỷ đô vào năm 2021; tương đương gấp 6 lần hiện tại. Với LNST đạt 65 triệu USD (tăng gấp 3,2 lần so với hiện tại). Công ty cũng dự kiến chuyển sàn sang HSX vào năm 2021. Cho mỗi mảng, công ty đặt ra mục tiêu như sau:
Doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân là 11%/năm và đạt tổng doanh thu 8.700 tỷ vào năm 2021. Thị phần sẽ tăng lên 30% từ 20% hiện nay. Giải pháp đề ra là: (1) tập trung vào các sản phẩm dinh dưỡng hữu cơ (2) đa dạng hóa sang cả các loại cây trồng khác (3) mở rộng sang các khu vực khác (4) đa dạng hóa các bộ sản phẩm phân khúc thấp hơn.
Doanh thu mảng giống cây trồng tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân là 33%/năm và đạt tổng doanh thu 3.000 tỷ vào năm 2021. Sản lượng tiêu thụ hạt giống lúa đạt 120.000 tấn vào năm 2021 với 15% thị phần cả nước. Công ty sẽ tập trung (1) khai thác thị trường tiềm năng ở phân khúc giống cây trồng do nông dân để lại (vì hiện nay 54% nhu cầu hạt giống là do nông dân để lại từ vụ trước) (2) đẩy mạnh phân phối giống rau & trái cây.
Kế hoạch kinh doanh năm 2017 cho thấy kỳ vọng hồi phục sau năm 2016 nhiều khó khăn – Tại ĐHCĐTN diến ra vào tháng 4 năm nay, Lộc Trời đã đề ra kế hoạch kinh doanh ở mức hợp lý cho năm 2017 như sau:
– Doanh thu thuần tăng trưởng 6,5% và đạt 8.287 tỷ đồng.
– LNTT tăng trưởng 28,7% và đạt 597 tỷ đồng.
– LNST tăng trưởng 31,8% và đạt 460 tỷ đồng.
– EPS tăng 33,9% lên 5.822đ.
Kết quả 6 tháng đầu năm không đều – LTG ước doanh thu thuần 6 tháng tăng trưởng 14,42% lên 4.052 tỷ đồng (hoàn thành 48,9% kế hoạch cả năm) và LNST tăng trưởng 3,81% lên 173 tỷ đồng.
Cho năm 2017, chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 8.073 tỷ đồng (tăng trưởng 3,7%) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 442 tỷ đồng (tăng trưởng 27,6%). Giả định của chúng tôi là:
1. Doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật tăng trưởng 10% và đạt 5.201 tỷ đồng. Chúng tôi kỳ vọng việc tái cơ cấu sẽ giúp đẩy mạnh tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật lên mức ngang với giai đoạn 2012-2014; tương đương 5.100-5.200 tỷ đồng.
2. Doanh thu từ gạo giảm 13% xuống còn 1.950 tỷ đồng do công ty thu hẹp diện tích canh tác. Tuy nhiên công tác quản trị hàng tồn kho tốt hơn sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
3. Doanh thu mảng giống cây trồng tăng 10% lên 624,8 tỷ đồng còn doanh thu mảng bao bì tăng 20% lên 196,5 tỷ đồng.
4. Các mảng khác tăng trưởng 5-10%.
5. Theo đó tổng doanh thu thuần đạt 8.073 tỷ đồng (tăng trưởng 3,7%).
6. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 22,6%; lợi nhuận gộp đạt 1.822 tỷ đồng (tăng trưởng 12,8%).
7. Giả định tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu giữ nguyên ở 13,6%.
Theo đó chúng tôi dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 442 tỷ đồng (tăng trưởng 27,6%) và tỷ suất LNST là 5,5%. Theo đó EPS đạt 5.597đ.
Cho năm 2018, chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 8.930 tỷ đồng (tăng trưởng 10,6%) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 500,2 tỷ đồng (tăng trưởng 13,1%). Giả định của chúng tôi là:
1. Doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật tăng trưởng 10% và đạt 5.721 tỷ đồng.
2. Doanh thu từ gạo tăng 10% lên 2.145 tỷ đồng.
3. Doanh thu mảng giống cây trồng tăng 15% lên 718,5 tỷ đồng còn doanh thu mảng bao bì tăng 15% lên 235 tỷ đồng.
4. Các mảng khác tăng trưởng 5-10%.
5. Theo đó tổng doanh thu thuần đạt 8.930 tỷ đồng (tăng trưởng 3,7%).
6. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 22,8%; lợi nhuận gộp đạt 2.037 tỷ đồng (tăng trưởng 12,3%).
7. Giả định tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu giữ nguyên ở 13.6%
Theo đó chúng tôi dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 500,2 tỷ đồng (tăng trưởng 13,1%) và tỷ suất LNST là 5,6%. Theo đó EPS đạt 6.330đ.
Quan điểm đầu tư – Chúng tôi đưa ra đánh giá lần đầu đối với cổ phiếu LTG là Khả quan. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu LTG là 67.671đ; tương đương P/E dự phóng là 12,1 lần. Cao hơn 23% so với mức giá tham chiếu vào ngày chào sàn là 55.000 LTG có lợi thế lớn nhờ lịch sử lâu đời trong ngành thuốc bảo vệ thực vật và mối quan hệ gần gũi với một mạng lưới canh tác rộng lớn. Công ty đã trải qua thời kỳ đầy thách thức, là thời kỳ tái cơ cấu mảng thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng. Trong khi đó ở mảng kinh doanh gạo, mặc dù đã tạo ra được chuỗi giá trị ngành dọc khép kín nhưng công ty vẫn chưa có được lợi nhuận từ đây. Do vậy trong khi câu chuyện có vẻ khá hấp dẫn với các chuỗi giá trị ngành dọc trong lĩnh vực thực phẩm trong đó kênh phân phối hiện đại đang phát triển tạo ra (1) nhu cầu về chất lượng sản phẩm do lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm (2) sự ổn định về nguồn nguyên liệu (3) khả năng mổ rộng quy mô (4) giá cả cạnh tranh do hàng rào thương mại giảm bớt; thì LTG là một ví dụ điển hình cho thấy khó có thể có ngay lợi nhuận từ các chuỗi giá trị này trong ngắn hạn. Mô hình kinh doanh kém hiệu quả trong đó nhiều nhà sản xuất gạo quy mô nhỏ cung cấp sản phẩm không có thương hiệu và giá trị gia tăng thấp sẽ bị loại bỏ, nhưng công ty sẽ cần thêm thời gian.
Nguồn: HSC