DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Cập nhật cổ phiếu LTG – Khuyến nghị tăng tỷ trọng với giá mục tiêu 27.500 đồng/cp

Lượt xem: 1,585 - Ngày:
Chia sẻ

Kết quả tích cực đầu tiên từ quá trình tái cấu trúc đang diễn ra

Lợi nhuận thuần Q3/2020 tăng 123,3% so với cùng kỳ nhờ cơ cấu sản phẩm tốt hơn, chi phí tài chính giảm, và bảng CĐKT cải thiện. LTG đã thanh toán xong 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp còn lại; trong khi đó, vòng quay các khoản phải thu cải thiện theo quý nhờ chính sách thanh toán mới.

Do đó, chúng tôi điều chỉnh tăng 3,6% dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 lên 298 tỷ đồng (giảm 10%) và tăng 2,6% dự báo lợi nhuận thuần năm 2021 lên 364 tỷ đồng (tăng trưởng 22,2%). Các động lực chính gồm chi phí lãi vay giảm và tỷ trọng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật tăng, giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận.

Chúng tôi đưa ra dự báo lần đầu năm 2022 với lợi nhuận thuần là 393 tỷ đồng (tăng trưởng 7,8%) và doanh thu thuần là 6.492 tỷ đồng (tăng trưởng 4,1%).

Chúng tôi thay đổi giai đoạn cơ sở định giá sang 2021-2025, chúng tôi điều chỉnh tăng 13,6% giá mục tiêu lên 27.500đ, tiềm năng tăng giá 16,8% so với thị giá hiện tại. Duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng. Cổ phiếu LTG

Đồ thị cổ phiếu LTG phiên giao dịch ngày 16/11/2020. Nguồn: AmiBroker

Lợi nhuận thuần Q3/2020 khả quan và sát với dự báo

Trong Q3/2020, lợi nhuận thuần tăng 123,2% so với cùng kỳ lên 91 tỷ đồng do tỷ trọng doanh thu sản phẩm hóa chất bảo vệ thực vật tăng và chi phí lãi vay giảm do Công ty đã trả xong khoản vay trái phiếu lãi suất cao. Trong khi đó, doanh thu thuần giảm 8,6% so với cùng kỳ xuống 1.772 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu bán gạo giảm 44% so với cùng kỳ trong khi doanh thu sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật tăng 26,3% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận thuần giảm 29,1% so với cùng kỳ xuống 204 tỷ đồng, doanh thu thuần cũng giảm 37,1% so với cùng kỳ xuống 3.972 tỷ đồng.

Tỷ trọng doanh thu thuốc bảo vệ thực vật đang tăng, hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận

Do chính sách bán hàng mới ở mảng thuốc bảo vệ thực vật và chủ ý cắt giảm doanh thu gạo không thương hiệu, chúng tôi dự báo tỷ trọng doanh thu thuốc bảo vệ thực vật/doanh thu thuần của Cổ phiếu LTG sẽ tăng từ 56% trong năm 2019 lên 60,5% năm 2020, 62,1% trong năm 2021 và 61% trong năm 2022. Do sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn, nên tỷ suất lợi nhuận gộp chung của LTG sẽ cải thiện, từ 20,5% trong năm 2019 lên 23,1% năm 2020, 24% năm 2021 và 24% năm 2022.

Giá gạo tăng và thời tiết ủng hộ hỗ trợ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

Giá gạo toàn cầu đã tăng và sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2021

Giá gạo toàn cầu đã tăng 15,4% so với đầu năm, chủ yếu là do nhu cầu về lương thực cơ bản tăng trong thời kỳ đại dịch. Ngoài ra, những cơn bão lớn gần đây đổ bộ vào Philippines và Việt Nam đã dấy lên lo ngại về nguồn cung giảm trong tương lai gần, khiến giá gạo tiếp tục tăng.

Do dịch COVID-19 chưa được kiểm soát trên toàn cầu, nên những lo ngại về an ninh lương thực vẫn còn tại một số nước đang phát triển. Do đó, chúng tôi kỳ vọng giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021. Trong bối cảnh giá thành phẩm cao, nhiều khả năng nông dân sẽ chi nhiều hơn cho thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo năng suất cao hơn cho cây trồng.

Biểu đồ 1: Sự biến động của giá gạo Việt Nam và Thái Lan Cổ phiếu LTG

Dự báo điều kiện thời tiết ủng hộ trong năm 2021

Chúng ta sẽ bước giai đoạn La Nina trong khoảng thời gian từ tháng 11/2020- 1/2021 và sau đó có thể là giai đoạn trung tính từ tháng 2/2021-tháng 4/2021 (theo Tổ chức Khí tượng Thế giới). Trong giai đoạn La Nina, thời tiết thường ẩm ướt hơn, theo đó, nguy cơ xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm. Do đó, chúng tôi dự báo diện tích canh tác tại Việt Nam sẽ nhiều hơn trong 6 tháng đầu năm 2021 so với 6 tháng đầu năm 2020. Do đó, chúng tôi dự báo doanh thu thuốc bảo vệ thực vật trong 6 tháng đầu năm 2021 sẽ tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2020.

Trong nửa đầu năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực trồng lúa chính của Việt Nam, phải đối mặt với xâm nhập mặn nghiêm trọng do hậu quả của giai đoạn El Nino. Gần 300.000ha canh tác bị ảnh hưởng. Do diện tích canh tác giảm, nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật suy yếu góp phần khiến doanh thu thuốc bảo vệ thực vật của LTG giảm 48,9% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020 (Q1/2020: giảm 62,5% so với cùng kỳ; Q2/2020: giảm 48% so với cùng kỳ).

Chi phí lãi suất sẽ giảm đáng kể

Chúng tôi dự báo chi phí lãi vay trong Q4/2020, năm 2021 và năm 2022 sẽ tiếp tục giảm lần lượt là 34,8%, 16,1% và 17,5% so với cùng kỳ do các khoản vay với lãi suất cao đã được thanh toán xong.

Điều chỉnh dự báo lợi nhuận

Chúng tôi điều chỉnh giảm 28,7% dự báo doanh thu năm 2020, theo KQKD 9 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh tăng 3,6% dự báo lợi nhuận thuần năm 2020, do đóng góp của sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật tăng, và dự báo doanh thu gạo không thương hiệu với tỷ suất lợi nhuận thấp giảm và chi phí tài chính giảm.

Theo đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 11,7% dự báo doanh thu thuần năm 2021. Chúng tôi dự báo doanh thu thuốc bảo vệ thực vật sẽ tăng trở lại 8% so với cùng kỳ trong khi doanh thu bán gạo sẽ tiếp tục giảm 12,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh tăng 2,6% dự báo lợi nhuận thuần chủ yếu do điều chỉnh giảm dự báo chi phí tài chính.

Chúng tôi đưa ra dự báo lần đầu năm 2022 với lợi nhuận thuần là 392 tỷ đồng (tăng trưởng 7,8%) và doanh thu thuần là 6.492 tỷ đồng (tăng trưởng 4,1%).

Bảng CĐKT cải thiện và cổ tức tăng

LTG đã thanh toán 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (lãi suất cao xấp xỉ 8,5%/năm) tại thời điểm cuối Q3/2020. LTG hiện không còn nợ dài hạn.

Do doanh thu giảm, khoản nợ chịu lãi suất cao đã được thanh toán và vòng quay các khoản phải thu cải thiện. Chúng tôi dự báo nợ ngắn hạn vào cuối năm 2020 sẽ giảm xuống 1.601 tỷ đồng (giảm 18,7%) từ 1.970 tỷ đồng vào cuối năm 2019, và 1.248 tỷ đồng (giảm 22,1%) vào cuối năm 2021. Theo đó, tỷ lệ nợ thuần/vốn CSH sẽ giảm xuống 0,46 lần vào cuối năm 2020 và 0,29 lần vào cuối năm 2021.

Trong 3 năm tới, nhờ lợi nhuận thuần tăng, dư nợ giảm và vốn đầu tư cơ bản thấp, chúng tôi dự báo LTG sẽ tăng chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Hiện chúng tôi dự báo cổ tức bằng tiền mặt sẽ đạt 1.000đ/cp trong năm 2020 và 1.500đ/cp trong năm 2021- 2022, tương đương với tỷ suất cổ tức là 4,2-6,3% tại thị giá hiện tại (tỷ lệ chi trả là 27 % năm 2020 và 21% cho năm 2021-2022).

Điều chỉnh tăng 13,6% giá mục tiêu lên 27.500đ

Chúng tôi điều chỉnh tăng 13,6% giá mục tiêu theo phương pháp DCF lên 27.500đ do chúng tôi chuyển năm cơ sở định giá sang 2021. Tiềm năng tăng giá 16,8% so với thị giá hiện tại.

Tại thị giá, LTG đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2020 là 7,5 lần và P/E dự phóng năm 2021 là 6,1 lần, thấp hơn rất nhiều so với bình quân 3 năm P/E dự phóng 12 tháng là 7,9 lần.

Biểu đồ 2: P/E dự phóng lịch sử 1 năm, LTG Cổ phiếu LTG

Q3/2020: Lợi nhuận khả quan; bảng CĐKT cải thiện

Lợi nhuận thuần Q3/2020 tăng 123,3% so với cùng kỳ lên 91 tỷ đồng do cơ cấu sản phẩm tốt hơn nhờ đóng góp của sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật cao hơn và chi phí tài chính giảm. Doanh thu giảm 8,6% so với cùng kỳ do doanh thu bán gạo giảm.

Nhờ cơ cấu sản phẩm tốt hơn, tỷ suất lợi nhuận gộp đã tăng 300 điểm phần trăm. Do LTG đã thanh toán 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao nên chi phí lãi vay cũng giảm 47,5% trong quý. Vòng quay các khoản phải thu cải thiện nhờ chính sách thanh toán mới.

KQKD Q3/2020 của LTG có lợi nhuận thuần tăng 123,2% so với cùng kỳ lên 91 tỷ đồng, do đóng góp của sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trong doanh thu thuần tăng. Trong khi đó, doanh thu thuần giảm 8,6% so với cùng kỳ xuống 1.772 tỷ đồng do doanh thu bán gạo giảm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận thuần giảm 29,1% so với cùng kỳ xuống 204 tỷ đồng, sát với dự báo của chúng tôi là 201 tỷ đồng trong khi đó doanh thu thuần cũng giảm 37,1% so với cùng kỳ xuống 3.972 tỷ đồng.

Doanh thu thuốc bảo vệ thực vật tăng 26,3% so với cùng kỳ, đóng góp 59,2% vào doanh thu thuần

Trong Q3/2020, doanh thu thuốc bảo vệ thực vật đã tăng mạnh 26,3% so với cùng kỳ lên 1.070 tỷ đồng từ mức nền thấp trong Q3/2019, chiếm 60,4% tổng doanh thu. Do KQKD 6 tháng đầu năm 2020 kém, doanh thu thuốc bảo vệ thực vật trong 9 tháng đầu năm 2020 giảm 30% so với cùng kỳ xuống 2.352 tỷ đồng, chiếm 59,2% tổng doanh thu.

So với quý trước, doanh thu thuốc bảo vệ thực vật tăng 12% so với cùng kỳ trong Q3/2020. Chúng tôi hiểu rằng, BLĐ LTG đã thực hiện một số điều chỉnh đáng kể trong chính sách bán hàng trong quý trước để duy trì doanh thu thuần; chúng tôi chưa có thông tin chi tiết về những thay đổi đó.

Trở lại Q1/2020, Công ty đã thực hiện chính sách bán hàng mới khi phân loại lại các đại lý bán hàng thành 2 cấp dựa trên hồ sơ thanh toán và hiệu quả bán hàng. Các chiết khấu bán hàng khác nhau sau đó được áp dụng cho 2 cấp. Các đại lý đã phản ứng tiêu cực với những thay đổi mới, theo đó, doanh thu thuốc bảo vệ thực vật CPC có 2 quý giảm (Q1/2020: giảm 62,5% so với cùng kỳ; Q2/2020: giảm 48% so với cùng kỳ).

Với những thay đổi về chính sách bán hàng trong Q3/2020, chúng tôi dự báo doanh thu thuốc bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục cải thiện trong Q4/2020.

KQKD các mảng khác diễn biến trái chiều

Doanh thu bán gạo giảm 44% so với cùng kỳ xuống còn 478 tỷ đồng, chủ yếu do chiến lược cắt giảm sản xuất gạo không thương hiệu của Công ty. Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu bán gạo giảm 52,5% so với cùng kỳ xuống còn 914 tỷ đồng, chiếm 23% tổng doanh thu.

Doanh thu giống cây trồng giảm nhẹ 6,5% so với cùng kỳ xuống 177 tỷ đồng, chiếm 10% doanh thu Q3/2020. Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu giống cây trồng là 498 tỷ đồng, giảm 12,3% so với cùng kỳ. Doanh thu giống cây trồng chiếm 12,5% tổng doanh thu.

Doanh thu mảng bao bì và khác tăng 6,1% so với cùng kỳ lên 68 tỷ đồng, chiếm 3,8% doanh thu. Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu bao bì và khác giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ xuống 209 tỷ đồng (chiếm 5,3% doanh thu 9 tháng đầu năm 2020).

Bảng 3: KQKD Q3/2020, LTG Cổ phiếu LTG

Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng 300 điểm phần trăm nhờ cơ cấu sản phẩm cải thiện

Tỷ suất lợi nhuận gộp Q3/2020 tăng lên 21% so với 18% trong Q3/2019, chủ yếu nhờ đóng góp của thuốc bảo vệ thực vật vào tổng doanh thu tăng. Trong Q3/2020, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 60,4% doanh thu thuần so với 43,7% trong Q3/2019.

Lũy kế, trong 9 tháng đầu năm 2020, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên 23,9% so với 20,9% trong 9 tháng đầu năm 2019. Một lần nữa, điều này là do thuốc bảo vệ thực vật đóng góp cao hơn trong doanh thu thuần (ở mức 59,2% so với 53,2% trong 9 tháng đầu năm 2019).

Bảng 4: Tỷ suất lợi nhuận gộp Q3/2020, LTG Cổ phiếu LTG

Chi phí tài chính giảm đáng kể; các khoản nợ có lãi suất cao đã được thanh toán

Chi phí tài chính thuần trong Q3/2020 là 41 tỷ đồng, giảm 27,1% so với cùng kỳ do chi phí lãi vay giảm, giảm 47,5% xuống 20 tỷ đồng (từ 39 tỷ đồng trong Q3/2019).

Trong quý này, Cổ phiếu LTG đã thanh toán 70 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp còn lại với lãi suất khoảng 8,5%. Dư nợ 2.208 tỷ đồng còn lại vào cuối tháng 9 hoàn toàn là vay ngắn hạn, có lãi suất thấp hơn nhiều, ở mức 4-5%.

Do đó, tổng dư nợ giảm 5,3% so với cùng kỳ (125 tỷ đồng) xuống 2.208 tỷ đồng vào cuối Q3/2020 (từ 2.332 tỷ đồng vào cuối Q3/2019). Tỷ lệ nợ thuần/vốn CSH đã giảm xuống 0,68 lần vào cuối Q3/2020 (từ 0,84 lần vào cuối Q3/2019).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lỗ thuần từ HĐ tài chính là 128 tỷ đồng (giảm 27,2% so với cùng kỳ), do chi phí lãi vay giảm 50% so với cùng kỳ xuống 68 tỷ đồng.

Số ngày phải thu giảm nhờ chính sách thanh toán trực tiếp

Trong Q3/2020, vòng quay các khoản phải thu tăng đáng kể lên 2,4 lần từ 0,8 lần trong Q3/2019, theo đó, số ngày phải thu được rút ngắn xuống chỉ còn 47 ngày từ 110 ngày trong Q3/2019.

Bên cạnh chính sách bán hàng mới, LTG cũng chuyển sang chính sách thanh toán trực tiếp khi yêu cầu đại lý thanh toán ngay khi mua hàng thay vì cho phép thanh toán theo hình thức tín dụng từ 75-90 ngày như trước đây. Do đó, vòng quay các khoản phải thu đã cải thiện đáng kể trong 2 quý vừa qua kể từ khi chính sách có hiệu lực.

Việc vòng quay các khoản phải thu cải thiện sẽ giúp cải thiện dòng tiền của LTG. Chúng tôi dự báo vòng quay các khoản phải thu sẽ tăng lên 4,1 lần trong năm 2021 (so với 3,6 lần trong năm 2020 và 2019) do tác động lên cả năm.

Biểu đồ 5: Quản lý khoản phải thu Q3/2020, LTG

Cổ phiếu LTG

Điều chỉnh dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 và 2021

Chúng tôi giảm 18,3% dự báo doanh thu thuần năm 2020 xuống 5.928 tỷ đồng (giảm 28,7%), theo KQKD thực tế của 9 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, chúng tôi đã điều chỉnh tăng 3,6% dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 lên 298 tỷ đồng (giảm 10%), chủ yếu do thuốc bảo vệ thực vật đóng góp cao hơn và giảm lỗ thuần từ HĐ tài chính.

Chúng tôi cũng giảm 11,7% dự báo doanh thu năm 2021 xuống 6.238 tỷ đồng (tăng trưởng 5,2%), phản ánh mức nền thấp trong năm 2020. Chúng tôi tăng 2,6% dự báo lợi nhuận thuần năm 2021 lên 364 tỷ đồng (tăng trưởng 22,2%) phản ánh việc điều chỉnh giảm chi phí tài chính của chúng tôi.

Do đó, chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần năm 2022 sẽ tăng trưởng 7,8% lên 393 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần tăng 4,1% lên 6.492 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2022 dự báo sẽ không thay đổi ở mức 24%.

Điều chỉnh tăng 3,6% dự báo lợi nhuận thuần năm 2020

Chúng tôi điều chỉnh giảm 18,3% doanh thu thuần năm 2020 xuống 5.928 tỷ đồng (giảm 28,7%) do điều chỉnh giảm đáng kể lần lượt là 31,6% và 16,2% dự báo doanh thu thuốc bảo vệ thực vật và doanh thu bán gạo. Trong khi đó, dự báo lợi nhuận thuần của chúng tôi được điều chỉnh tăng 3,6% lên 298 tỷ đồng (giảm 10%), là kết quả của việc 1) tỷ trọng đóng góp từ thuốc bảo vệ thực vật tăng, 2)giảm dự báo doanh thu bán gạo không thương hiệu với tỷ suất lợi nhuận thấp và 3) chi phí tài chính giảm.

Bảng 6: Thay đổi dự báo KQKD năm 2020, LTG Cổ phiếu LTG

Bảng 7: Thay đổi các giả định trong dự báo năm 2020 Cổ phiếu LTG

Các giả định chính của chúng tôi như sau:

  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 16,3% dự báo doanh thu bán hóa chất bảo vệ thực vật xuống 3.589 tỷ đồng (giảm 23%).
  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 31,6% dự báo doanh thu bán hàng lương thực/gạo xuống 1.166 tỷ đồng (giảm 54,8%), theo kết quả 9 tháng đầu năm 2020. Công ty đã mạnh tay cắt giảm doanh thu bán gạo không thương hiệu trong năm 2020 và thực hiện theo chiến lược tăng cường tập trung vào thị trường gạo nội địa cao cấp.
  • Doanh thu giống cây trồng sẽ đạt 831 tỷ đồng (tăng trưởng 8%), không thay đổi so với dự báo gần nhất của chúng tôi.
  • Doanh thu thuần từ dịch vụ nông nghiệp hiện được dự báo là 35 tỷ đồng, giảm 86,4% so với dự báo gần nhất của chúng tôi. Kết quả này thấp hơn so với kế hoạch của Công ty là 258 tỷ đồng. Do dịch vụ nông nghiệp là một ngành kinh doanh mới, chúng tôi tin rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn để tăng cường sự hiện diện trên thị trường.
  • Doanh thu các dịch vụ khác (bao gồm cả bao bì và xây dựng, v.v.) hiện được dự báo là 307 tỷ đồng (tăng trưởng 3%), tăng 3% so với dự báo gần nhất của chúng tôi.
  • Lợi nhuận gộp dự báo giảm 19,3% xuống 1.372 tỷ đồng (giảm 13,5% so với dự báo gần nhất của chúng tôi), với tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên 23,1% từ 20,5% năm 2019 chủ yếu do cơ cấu sản phẩm tốt hơn, với đóng góp cao hơn từ doanh thu thuốc bảo vệ thực vật và đóng góp từ doanh thu bán gạo giảm. Trong năm 2020, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 60% doanh thu thuần so với 56% trong năm 2019, trong khi doanh thu bán gạo chiếm 21% doanh thu thuần so với 31% trong năm 2019.
  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 25% dự báo chi phí bán hàng & quản lý xuống 818 tỷ đồng (giảm 22,8%), theo đó, tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu là 13,8%, cao hơn mức 12,7% trong năm 2019 chủ yếu do doanh thu nói chung giảm mạnh và tăng chi tiêu cho hoạt động kinh doanh dịch vụ nông nghiệp mới.
  • Lỗ thuần từ HĐ tài chính dự báo là 169 tỷ đồng (giảm 24%), giảm 9,6% so với dự báo trước của chúng tôi phản ánh việc điều chỉnh giảm dự báo chi phí lãi vay, giảm 31% xuống 86 tỷ đồng (giảm 47,4%) do LTG đã thanh toán xong trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao.

Tóm lại, chúng tôi hiện dự báo lợi nhuận thuần là 298 tỷ đồng (giảm 10%) cho năm 2020, tăng 3,6% so với dự báo trước. EPS dự phóng năm 2020 là 3.138đ, P/E dự phóng là 7,5 lần. P/B dự phóng năm 2020 và EV/EBITDA sẽ lần lượt là 0,7 lần và 2,7 lần.

Điều chỉnh tăng 2,6% dự báo lợi nhuận thuần năm 2021

Năm 2021, chúng tôi dự báo doanh thu thuần sẽ tăng lên 6.228 tỷ đồng (tăng trưởng 5,2%), giảm 11,7% so với dự báo trước của chúng tôi. Trong đó, chúng tôi dự báo doanh thu thuốc bảo vệ thực vật sẽ tăng trưởng trở lại 8% trong khi doanh thu bán gạo tiếp tục giảm 12,1%. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần được điều chỉnh tăng 2,3% lên 364 tỷ đồng (tăng trưởng 22,2%); do chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo chi phí tài chính.

Bảng 8: Thay đổi dự báo KQKD năm 2021, LTG Cổ phiếu LTG

Bảng 9: Thay đổi các giả định trong dự báo năm 2021 Cổ phiếu LTG

Các giả định chính như sau:

  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 7,3% dự báo doanh thu thuốc bảo vệ thực vật xuống 3.876 tỷ đồng (tăng trưởng 8%), do chúng tôi dự báo Công ty sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách bán hàng để thúc đẩy doanh thu thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, chúng tôi dự báo tình hình thời tiết sẽ thuận lợi hơn cho việc bán thuốc bảo vệ thực vật nhờ hiệu ứng La Nina. Do đó, đóng góp của thuốc bảo vệ thực vật vào tổng doanh thu được nâng lên 62,1% từ 59,2% trước đó.
  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 24,7% dự báo doanh thu bán hàng lương thực/gạo xuống 1.024 tỷ đồng (giảm 12,1%) do LTG tiếp tục cắt giảm doanh thu bán gạo không thương hiệu.
  • Doanh thu giống cây trồng sẽ đạt 898 tỷ đồng (tăng trưởng 8%), chỉ giảm 1,8% so với dự báo gần nhất của chúng tôi.
  • Doanh thu thuần của mảng dịch vụ nông nghiệp hiện được dự báo là 123 tỷ đồng (tăng trưởng 250%), giảm 58,7% so với dự báo trước của chúng tôi. Dịch vụ nông nghiệp là một mảng kinh doanh mới, do đó sẽ mất một thời gian để tạo dựng được vị thế trên thị trường.
  • Doanh thu của các dịch vụ khác (bao gồm bao bì và xây dựng, v.v.) hiện được dự báo là 317 tỷ đồng (tăng trưởng 3%), tăng 1% so với dự báo trước của chúng tôi.
  • Lợi nhuận gộp dự báo tăng trưởng 9,1% lên 1.497 tỷ đồng (giảm 11,8% so với dự báo trước của chúng tôi), với tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên 24% từ 23,1% trong năm 2020, không đổi so với dự báo trước đó của chúng tôi.
  • Lỗ thuần từ HĐ tài chính hiện được dự báo là 163 tỷ đồng (giảm 3,6%), giảm 12,4% so với dự báo trước của chúng tôi, do chúng tôi dự báo chi phí lãi vay sẽ giảm 37,2% xuống 71 tỷ đồng (giảm 45,2%).

Nhìn chung, chúng tôi hiện dự báo lợi nhuận thuần là 364 tỷ đồng (tăng trưởng 22,2%) cho năm 2021, tăng 2,6% so với dự báo trước đó của chúng tôi. EPS dự phóng năm 2021 sẽ đạt 3.835đ, P/E dự phóng là 6,1 lần. P/B dự phóng và EV/EBITDA sẽ lần lượt là 0,6 lần và 1,5 lần.

Đưa ra dự báo lần đầu năm 2022: Lợi nhuận thuần tăng trưởng 7,8%

Chúng tôi đưa ra dự báo lần đầu năm 2022 với lợi nhuận thuần là 393 tỷ đồng, tăng trưởng 7,8% và doanh thu thuần là 6.492 tỷ đồng, tăng trưởng 4,1%.

Chúng tôi dự báo doanh thu thuốc bảo vệ thực vật sẽ tăng trưởng 2% lên 3.953 tỷ đồng, trong khi doanh thu bán gạo tăng trưởng 6% lên 1.082 tỷ đồng. Doanh thu giống cây trồng sẽ tăng trưởng 8% lên 943 tỷ đồng. Chúng tôi dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ không thay đổi ở mức 24%.

Định giá và khuyến nghị

Giá mục tiêu theo phương pháp DCF của chúng tôi cho LTG hiện là 27.500đ, tăng 13,6% so với giá mục tiêu trước đó là 24.200đ do chúng tôi chuyển năm cơ sở định giá sang 2021.

Tiềm năng tăng giá 16,8% so với thị giá hiện tại. LTG tương đối rẻ tại thị giá với P/E dự phóng năm 2021 là 6,1 lần, thấp hơn mức P/E dự phóng bình quân một năm trong lịch sử là 7,9 lần.

Chúng tôi điều chỉnh tăng 13,6% giá mục tiêu theo phương pháp DCF lên 27.500đ do chúng tôi chuyển năm cơ sở định giá sang 2021. Tại giá mục tiêu mới, tiềm năng tăng giá 16,8% so với thị giá hiện tại.

Chúng tôi sử dụng giả định lãi suất phi rủi ro là 4,5% và phần bù rủi ro vốn CSH là 7,0%. Do đó, chi phí vốn bình quân là 9,2%. Giả định tỷ lệ tăng trưởng dài hạn của chúng tôi là 0% do chúng tôi thận trọng về triển vọng dài hạn của thị trường vật tư nông nghiệp.

Tại thị giá, P/E năm 2021 là 6,1 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình 3 năm của P/E dự phóng 12 tháng là 7,9 lần.

Bảng 10: Dòng tiền tự do của doanh nghiệp Cổ phiếu LTG

Bảng 11: Tính toán WACC Cổ phiếu LTG

Bảng 12: Định giá DCF Cổ phiếu LTG

Phân tích độ nhạy

Do những bất ổn trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi đã thực hiện phân tích độ nhạy dựa trên 2 biến chính. 2 biến này là những yếu tố chính có ảnh hưởng lớn nhất đến những thay đổi lợi nhuận; dự báo doanh thu vật tư nông nghiệp và dự báo doanh thu bán thực phẩm.

Kịch bản tiêu cực của chúng tôi giả định doanh thu thuốc bảo vệ thực vật và thực phẩm đều thấp hơn 10% so với kịch bản cơ sở. Trong kịch bản này, lợi nhuận thuần sẽ giảm 29% xuống 259 tỷ đồng (giảm 13,3%), và EPS dự phóng là 2.524đ, tương ứng với P/E dự phóng năm 2021 là 9,3 lần.

Kịch bản tích cực của chúng tôi giả định doanh thu vật tư nông nghiệp và thực phẩm sẽ cao hơn 10% so với kịch bản cơ sở. Theo đó, lợi nhuận thuần đạt 470 tỷ đồng (tăng trưởng 57,7%), tăng 29% so với kịch bản cơ sở của chúng tôi. EPS dự phóng là 5.145đ, tương ứng với P/E dự phóng năm 2021 là 4,6 lần.

Bảng 13: Phân tích độ nhạy của lợi nhuận thuần, LTG Cổ phiếu LTG

Nguồn: HSC

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý