Giới thiệu tổng quan
Lộc Trời với tiền thân là Công ty CP Bảo Vệ Thực Vật An Giang, được thành lập năm 1993 và được cổ phần hóa vào tháng 9 năm 2004 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Từ một đơn vị kinh doanh nhỏ chỉ với 23 người, đến nay, Lộc trời đã trở thành một nhà phân phối dẫn đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với đội ngũ nhân viên trên 1.300 người và mức vốn điều lệ gần 672 tỷ đồng. Vào ngày 24/07/2017, công ty sẽ tiến hành niêm yết trên sàn UPCOM với mã giao dịch LTG. Mức giá chào sàn của LTG là 55.000 đồng/cp
Các ngành kinh doanh hiện tại của Lộc Trời hiện tại như sau:
Cơ cấu cổ đông của LTG khá cô đặc khi có khoảng 13,4% cổ phiếu trôi nổi trước ngày niêm yết. Phần còn lại do UBND tỉnh An Giang (24,2%), nội bộ (17,3%) và các cổ đông lớn khác như Marina Viet Pte. Ltd, SCPE, Mekong Cap… Được biết hiện tại SCPE và Mekong Cap đang có ý định thoái vốn khỏi LTG.
Ghi nhận chính về hoạt động kinh doanh
- Ngành thuốc bảo vệ thực vật
Dù đã đổi tên thành Lộc Trời cùng với định hướng chuỗi giá trị nông nghiệp mở rộng sang mảng lương thực nhưng doanh nghiệp vẫn là nhà cung cấp thuốc trừ sâu lớn nhất trên thị trường Việt Nam với thị phần nội địa hơn 20%. Hiện tại doanh nghiệp đang sở hữu 2 nhà máy sản xuất với công suất 20.000 tấn/năm cùng với hơn 5.000 điểm bán lẻ từ Bắc vào Nam.
Mức tăng trưởng doanh thu thuần bình quân của mảng này là 7,5% từ năm 2011 đến năm 2014 và chững lại khi tăng trưởng âm 22,6% trong năm 2015 do doanh nghiệp tiến hành tái cơ cấu hoạt động phân phối sản phẩm kể từ Q3/2015 với việc giảm dần và hướng đến ngừng bán hàng qua các kênh bán buôn mà thay vào đó sẽ trực tiếp phân phối cho các đơn vị bán lẻ, dẫn đến việc hàng tồn kho ở các đơn vị bán buôn phải được thanh lý nhanh chóng. Khi đó, mảng thuốc bảo vệ thực vật giảm đóng góp vào cơ cấu doanh thu nên đã gián tiếp làm do doanh thu thuần năm đó chỉ ghi nhận 7.856 tỷ đồng, giảm 11,2% so với năm 2014, chỉ đạt 89% kế hoạch. Trong năm 2016 vừa qua, sau giai đoạn tái cơ cấu, doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật đã tăng trưởng trở lại 16% và chiếm tỷ trọng 60,8% trong cơ cấu doanh thu của Lộc Trời.
Mặc dù doanh thu có sự biến động mạnh nhưng biên lợi nhuận gộp của mảng thuốc bảo vệ thực vật lại gần như không có biến động đáng kể khi liên tục duy trì mức 31% – 33% từ 2011 đến 2016. Có thể khẳng định biên gộp này là rất tốt nếu so sánh với mức trung bình trong ngành là 24,6%. Trao đổi với doanh nghiệp, chúng tôi được biết sở dĩ biên lợi nhuận gộp cao như vậy chủ yếu nhờ vào các sản phẩm do công ty tự sản xuất khi doanh thu từ các sản phẩm này chiếm khoảng 30% – 35% tổng doanh thu mảng thuốc. Giả định phần còn lại (65% – 70%) là từ trading và có biên lợi nhuận gộp cao bằng trung bình ngày 24,6% thì có thể tạm ước tính biên lợi nhuận gộp của thuốc tự sản xuất dao động từ 47% đến 51%.
Dù đang theo đuổi mục tiêu trở thành doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu Việt Nam với chuỗi quy trình cây trồng khép kín, trong đó chủ đạo là cây lúa nhưng có thể thấy khả năng trong tương lai gần, mảng thuốc bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục là điểm tựa cho doanh nghiệp.
- Ngành kinh doanh gạo
Kể từ năm 2010 doanh nghiệp bắt đầu hướng đến chuỗi giá trị gạo khi kinh doanh khép kín từ khâu nghiên cứu giống đến phân phối thành phẩm. Công ty hiện tại đang có 75.000 -80.000 ha gieo trồng và 5 nhà máy chế biến tại Vĩnh Bình, Thoại Sơn (An Giang), Vĩnh Hưng (Long An), Tân Hồng (Đồng Tháp), Hồng Dân (Bạc Liêu). Nắm được người nông dân là mấu chốt của chuỗi giá trị gạo theo chiều dọc này, công ty bắt tay xây dựng lực lượng Ba Cùng và triển khai chương trình “Cùng nông dân ra đồng” để một mặt hỗ trợ nông dân các kỹ thuật canh tác, một mặt cũng là để đảm bao chất lượng sản phẩm đầu ra bởi người nông dân được ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp mà tại đó họ phải tuân thủ toàn bộ quy trình canh tác mà doanh nghiệp đã đặt ra.
Bước đầu mảng gạo cũng đã có những kết quả nhất định. Doanh thu mảng gạo tăng liên tục từ 90,5 tỷ đồng (2011) đến 2.915 tỷ đồng (2015), tương đương mức tăng trưởng bình quân là 1,38 lần trong 5 năm. Biên lợi nhuận gộp từ mức âm trong 2 năm đầu thực hiện đã ghi nhận mức dương trong 3 năm liên tục 2013 – 2015.
Tuy nhiên, tình hình ngành lúa gạo nói chung lại gặp khó khăn vào năm 2016. Sản lượng lúa cả năm 2016 đạt 43,6 triệu tấn (giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2015) do (1) diện tích gieo cấy giảm 40 nghìn ha và (2) năng suất giảm 1,6 tạ/ha. Đầu ra của hạt gạo cũng là một vấn đề kém khả quan trong năm 2016 khi xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt gần 4,9 triệu tấn với giá trị xuất khẩu hơn 2.128 tỷ USD, tức giảm 25,5% về sản lượng và 20,5% về giá trị so với năm 2015. Doanh thu từ gạo của Lộc Trời theo xu hướng chung cũng giảm 22% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh còn 1% so với mức 6% trước đó.
- Ngành giống cây trồng
Ngành giống cây trồng tăng trưởng tốt trong thời gian 2011 – 2013 nhưng có sự biến động từ 2014 – 2016 khi doanh thu giảm liên tục từ 850 tỷ đồng (2014) còn 630 tỷ đồng (2015). Mặc dù tỷ trọng doanh thu chỉ đứng thứ 3 sau 2 mảng thuốc trừ sâu và gạo nhưng biên lợi nhuận gộp mảng lại khá tốt khi duy trì trên 30% trong giai đoạn 2011 – 2015. Lộc Trời hiện tại phân phối giống lúa và ngô cho người dân. Đối với lúa giống, trước đây doanh nghiệp đóng vai trò trung gian giữa các viện nghiên cứu và nông dân. Kể từ khi thành lập trung tâm giống tại An Giang, công ty còn phân phối cả những sản phẩm tự nghiên cứu, phát triển, qua đó hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo mà công ty đặt ra từ năm 2010. Đối với giống ngô, hiện tại công ty đang cạnh tranh trực tiếp với Tổng công ty Ngô Việt Nam. Lộc Trời nhập khẩu ngô từ Syngenta để phân phối cho nông dân, trong đó có nhiều giống thuộc loại biến đổi gen.
Kế hoạch kinh doanh năm 2017
Kế hoạch kinh doanh cho năm 2017 vẫn hơi tham vọng. Lộc Trời đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 6,5% để đạt mức 8.287 tỷ đồng, trong đó động lực tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào mảng thuốc và giống cây trồng. Doanh nghiệp mạnh dạn đặt kế hoạch tăng trưởng âm đối với mảng kinh doanh gạo. Theo đó, mức lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 597 tỷ đồng (+28,7% YoY) và 460 tỷ đồng (+31,8% YoY). EPS theo kế hoạch này sẽ vào mức 5.822 đồng. (tăng trưởng 32%).
Trong năm 2017, công ty đặt ra khá nhiều triển vọng cho hoạt động kinh doanh, trong đó 3 kế hoạch nổi bật:
(1) Ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo với Trung Quốc. Theo đó công ty sẽ thành lập liên doanh với một doanh nghiệp gạo lớn tại Trung Quốc để xuất khẩu gạo theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Việc ký kết này một mặt chúng tôi đánh giá là bước đi để hoàn thiện chuỗi giá trị (đầu ra) cho các sản phẩm gạo của Lộc Trời. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc là một thị trường “khó đoán” và rủi ro mất cân đối giữa “số lượng” và “giá trị” hoàn toàn hiện hữu. Bên cạnh đó, những biện pháp phòng hộ về giá cũng chưa rõ ràng sẽ càng làm rủi ro vừa nêu tăng lên khi tập đoàn ngày một phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
(2) Kế hoạch xây dựng chuỗi giá trị trái cây. Trong năm 2015, Lộc Trời chính thức khởi động dự án chuỗi trái cây hợp tác với Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI). Trước mắt, doanh nghiệp sẽ triển khai dự án ở các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long. Bên cạnh đó, trong năm 2016 vừa qua, doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai trong việc phát triển trái cây ở vùng cao nguyên, trong đó Lộc Trời sẽ hỗ trợ về mặt thuốc bảo vệ thực vật.
(3) Chuỗi giá trị cà phê được nêu ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2016. ĐHĐCĐ đã thông qua phương án cho Lộc Trời đăng ký thêm ngành kinh doanh cà phê. Theo thông tin chúng tôi trao đổi, dự án này Lộc Trời sẽ cùng thực hiện với THACO với THACO sẽ cung cấp những giải pháp về cơ khí và góp vốn để thu mua đất trồng còn Lộc Trời sẽ giải quyết các vấn đề về giống, kỹ thuật. Lộc Trời không giấu giếm tham vọng sẽ triển khai chương trình “Cùng nông dân ra vườn”. Nếu lấy mảng gạo làm tương quan so sánh thì chúng tôi đánh giá dự án này sẽ còn mất nhiều thời gian hoặc thậm chí mất nhiều thời gian hơn mảng gạo để có những thành công bước đầu.
Nguồn: Rongviet Research