Chúng tôi công bố báo cáo lần đầu dành cho Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Cổ phiếu GEX) với khuyến nghị KHẢ QUAN và tổng mức sinh lời dự phóng 16,6% (không có lợi suất cổ tức). Chúng tôi tin rằng tăng trưởng lượng điện tiêu thụ 10%/năm của Việt Nam sẽ giúp làm tăng gấp 3 lần công suất điện/hệ thống phân phối trong giai đoại 2015-2030, qua đó dẫn dắt nhu cầu cho thiết bị điện. Tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu cao cũng như lượng vốn FDI dồi dào sẽ dẫn dắt nhu cầu cho cơ sở hạ tầng.
Đồ thị cổ phiếu GEX phiên giao dịch ngày 09/09/2019. Nguồn: AmiBroker
Chúng tôi dự phóng EPS 2020 sẽ tăng 33,1% tính từ đầu năm (YoY) trong bối cảnh nhà máy ở miền Bắc của CTCP Dây cáp Điện Việt Nam – CAV (công ty con sản xuất dây cáp điện) vào cuối năm nay và đóng góp lợi nhuận từ dự án điện mặt trời Ninh Thuận.
Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) LNST sau lợi ích CĐTS dự phóng giai đoạn 2018-2023 đạt 9,9%, có thể sẽ cao hơn nếu tính chung các thương vụ M&A (tiếp tục thâu tóm VGC, khoảng 100 triệu USD) và các dự án mới (khách sạn 5 sao, 180 triệu USD; điện gió Hướng Phùng, 100 triệu USD) mà chúng tôi chưa có thông tin chi tiết.
Dòng tiền hoạt động của GEX đang gia tăng từ các mảng kinh doanh ổn định, mảng thiết bị điện và các mảng kinh doanh hạ tầng mới. Chúng tôi ước tính dòng tiền hoạt động khoảng 65 triệu USD và cổ tức khoảng 30 triệu USD/năm từ các công ty con, công ty liên kết hiện hữu và các dự án giai đoạn 2019-2023. Chúng tôi dự báo tỷ lệ đòn bẩy ròng sẽ giảm đáng kể còn 0,1 lần trong năm 2023 khi chúng tôi giả định vốn XDCB là khá hạn chế trong kỳ dự báo, cho thấy khả năng có thể thanh toán cổ tức nếu GEX không thực hiện các dự án đầu tư mới.
GEX hiện đang giao dịch với P/E 2020 đạt 8,9 lần dựa theo EPS dự báo của chúng tôi, thấp hơn khoảng 28% so với các công ty cùng ngành.
Yếu tố hỗ trợ: hoàn thành thâu tóm VGC khi thâu tóm thêm 38% cổ phần.
Rủi ro: 1) gia tăng tỷ lệ đòn bẩy với các khoản đầu tư mới; 2) hiệu suất hoạt động thấp cho các dự án mới của CAV.
Nguồn: VCSC