KQKD của EIB vượt xa kỳ vọng ở mức thấp. Triển vọng cải thiện rõ ràng. Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan. Eximbank (EIB Khả quan) công bố LNTT năm 2017 đạt 1.017 tỷ đồng (tăng trưởng 160,5%); cao hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu đề ra cho cả năm là 600 tỷ đồng (hoàn thành 169,5%) cũng như dự báo của HSC là 546 tỷ đồng (hoàn thành 186,2%).
Đồ thị cổ phiếu EIB cập nhật ngày 05/02/2018. Nguồn: AmiBroker
Điều này chủ yếu là nhờ các khoản lợi nhuận không thường xuyên gồm thu hồi nợ xấu và thoái vốn. Theo đó EIB đã xóa được lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2017.
Kết luận nhanh. Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý cổ phiếu EIB là 18.800đ; tương đương P/B dự phóng năm 2018 là 1,5 lần. HSC dự báo LNTT năm nay tăng trưởng 47,28% và đạt 1.498 tỷ đồng nhờ tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 18,24% và tăng trưởng huy động khách hàng là 17%. Ngân hàng đang cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của đà hồi phục với cho vay khách hàng tăng trưởng khá kể từ lần đầu tiên trong 4 năm qua. Lợi nhuận tăng nhờ Ngân hàng trích lập dự phòng không thực sự mạnh tay và hoạt động thu hồi nợ xấu cũng được cải thiện. Trong khi đó việc thoái vốn khỏi STB cũng đem lại lợi nhuận bất thường. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc trong năm nay và tỷ lệ NIM cũng sẽ hồi phục. Và Ngân hàng còn có khả năng hạch toán phần lợi nhuận còn lại từ thoái vốn khỏi STB. Tuy nhiên dư nợ trái phiếu VAMC vẫn ở mức cao hơn so với các ngân hàng khác và sẽ mất vài năm để xử lý. Việc xóa lỗ lũy kế sẽ giúp cổ phiếu được phép cho vay margin trở lại trong vài tháng tới.
EIB công bố LNTT năm 2017 đạt 1.017 tỷ đồng (tăng trưởng 160,5%), cao hơn cả kế hoạch của ngân hàng và dự báo của HSC. LNTT đạt cao hơn kỳ vọng là nhờ các khoản thu nhập không thường xuyên từ thoái vốn và thu hồi nợ xấu. Cụ thể:
• EIB đã bán cổ phiếu STB trong tháng 12/2017 và hạch toán một phần lãi vào năm 2017, ước tính tổng cộng là 126 tỷ đồng.
• Nợ xấu được thu hồi trong Q4 đem về khoảng 400 tỷ đồng lợi nhuận.
Theo đó, với khoảng 500 tỷ thu nhập không thường xuyên hạch toán trong tháng 12/2017, EIB đã dễ dàng vượt kế hoạch kinh doanh đề ra.
Cho vay khách hàng tăng ở mức vừa phải, tăng 16,61% đạt 101,32 nghìn tỷ đồng sau 3 năm tăng trưởng kém – Tăng trưởng cho vay khách hàng chủ yếu rơi vào nửa cuối năm 2017. Từ đầu năm đến cuối tháng 6 tín dụng tăng 3,3% trong khi tín dụng tăng 13,32% từ cuối tháng 6 đến cuối năm.
• Tăng trưởng chủ yếu rơi vào kỳ hạn ngắn với cho vay kỳ hạn ngắn tăng 37,32% đạt 46,67 nghìn tỷ đồng
• Cho vay trung dài hạn gần như giữ nguyên, chỉ tăng 3,35% đạt 54,64 nghìn tỷ đồng
EIB có tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn khá cao. Theo đó Ngân hàng đã tập trung hơn vào đẩy mạnh cho vay kỳ hạn ngắn; nghĩa là tăng cường cho các doanh nghiệp vay vốn làm vốn lưu động. Và đây cũng là xu hướng chung của ngành trong năm ngoái.
Về loại tiền cho vay:
• Cho vay tiền đồng tăng 17,3% đạt 90,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 89,42% tổng dư nợ cho vay)
• Trong khi đó cho vay USD tăng 11,09% đạt 10,71 nghìn tỷ đồng (chiếm 10,57% tổng dư nợ cho vay).
Vốn huy động khách hàng tăng 14,84% lên 117,53 nghìn tỷ đồng. Cụ thể:
• Vốn huy động có kỳ hạn tăng 15,6% lên 110,43 nghìn tỷ đồng (chiếm 85,45% tổng vốn huy động)
• Vốn huy động không kỳ hạn tăng 10,56% lên 16,18 nghìn tỷ đồng (chiếm 14,55% tổng vốn huy động).
Theo loại tiền:
• Vốn huy động tiền đồng tăng 16,9% lên 109,27 nghìn tỷ đồng
• Trong khi đó vốn huy động bằng USD giảm 6,73% xuống 8,32 nghìn tỷ đồng.
Theo đó hệ số LDR thuần tăng lên 86,2% (tại thời điểm cuối năm 2016 là 84,9%).
Tỷ lệ NIM giảm mạnh 0,66% từ 2,76% trong năm 2016 xuống chỉ còn 2,1% trong năm 2017 – do:
• Lợi suất gộp bình quân giảm 0,25% từ 7,42% xuống chỉ còn 7,17%.
• Chi phí huy động bình quân tăng 0,4% từ 4,8% lên 5,2%.
Cụ thể:
• Lợi suất gộp cho vay khách hàng giảm 0,1% xuống còn 8,32%;
• Trong khi đó chi phí huy động khách hàng tăng 0,47% lên 5,05%.
Như đã đề cập, EIB có tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn cao. Và để giảm tỷ lệ này, EIB đã đẩy mạnh cho vay kỳ hạn ngắn và huy động kỳ hạn trung và dài. Từ đó khiến tỷ lệ NIM năm 2017 giảm.
Theo đó, thu nhập lãi thuần giảm 13,44% so với năm 2016 xuống 2.667 tỷ đồng – dù tổng thu nhập sinh lãi tăng trưởng 17,81% đạt 137,67 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên phần lớn tài sản gia tăng trong 6 tháng cuối năm nên hạn chế mức đóng góp vào tăng trưởng thu nhập lãi thuần cả năm. Và thu nhập lãi thuần thực tế cũng thấp hơn nhiều so với dự báo của HSC, là 3.349 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh 77,75% đạt 1.160 tỷ đồng – chủ yếu nhờ đóng góp từ thu nhập không thường xuyên, cụ thể như sau;
• Thu nhập khác tăng gấp 5 lần, từ 67,87 tỷ đồng trong năm 2016 lên 431,11 tỷ đồng trong năm 2017. Trong đó, 441 tỷ đồng là từ thu hồi nợ xấu.
• 107 tỷ đồng thu nhập góp vốn cổ phần (trong năm 2016 chỉ là 0,54 tỷ đồng). Trong đó, khoảng 100 tỷ đồng là lợi nhuận thoái vốn tại STB. EIB có vẻ đã bán cổ phần tại STB trong khoảng thời gian từ tháng 12/2017 đến tháng 1/2018 và thu về khoản lợi nhuận gần 500 tỷ đồng. Chúng tôi giả định Ngân hàng đã ghi nhận khoảng 100 tỷ đồng từ thương vụ này trong năm 2017.
• Lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng trưởng nhẹ 10,45% đạt 299 tỷ đồng;
• Lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 12,32% so với năm 2016 còn 227 tỷ đồng.
• Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh/chứng khoán đầu tư tăng trưởng 153,28% đạt 62,62 tỷ đồng.
Tổng thu nhập ngoài lãi thực tế cao hơn nhiều so với dự báo của HSC (là 704 tỷ đồng) chủ yếu là khoản thu nhập không thường xuyên gần 500 tỷ đồng như đề cập trên đây.
Do đó, tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng nhẹ 2,50% đạt 3.828 tỷ đồng – vẫn thấp hơn so với dự báo của HSC, là 4.054 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động giảm nhẹ còn 2.206 tỷ đồng (giảm 2,18% so với năm 2016) – và cũng thấp hơn dự báo của HSC, là 2.367 tỷ đồng. EIB duy trì chính sách kiểm soát chi phí nghiêm ngặt. Số lượng nhân viên giảm 3,03% xuống 6.021 người và Ngân hàng không mở thêm bất kỳ chi nhánh/phòng giao dịch nào trong cả năm 2017.
Do đó, hệ số CIR được cải thiện và giảm còn 57,63% từ 60,38% trong năm 2016 mặc dù vẫn cao hơn so với các ngân hàng khác.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng giảm đáng kể xuống 604 tỷ đồng (giảm tới 44,49% so với năm 2016) – so với dự báo của HSC là 1.139 tỷ đồng. Trong đó;
• Chúng tôi ước tính 578 tỷ đồng là chi phí dự phòng chung và dự phòng cụ thể (giảm 14,85% so với năm 2016).
• Và chỉ 26 tỷ đồng là chi phí dự phòng trái phiếu VAMC.
Mệnh giá trái phiếu VAMC mà EIB sở hữu tại thời điểm cuối năm 2016 là 7.029 tỷ đồng và giảm còn 5.991 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2017. Do đó, dù với quy định về thời gian trích lập dự phòng trái phiếu VAMC dài hơn (là 10 năm), Ngân hàng đáng ra đã phải trích lập khoảng 600-700 tỷ đồng trái phiếu VAMC trong năm ngoái. Tuy nhiên, từ BCTC chưa kiếm toán, chúng tôi thấy rằng mức chi phí trích lập dự phòng trái phiếu VAMC trong năm 2017 là không đáng kể. Khả năng lớn nhất có thể là EIB đã thu hồi tài sản đảm bảo liên quan đến nợ xấu được hoán đổi với trái phiếu VAMC, nhờ vậy Ngân hàng có thể trả lại số trái phiếu đã hoán đổi và giảm giá trị trái phiếu đang sở hữu. Và điều này cũng giúp Ngân hàng chỉ trích lập mức chi phí dự phòng nhỏ đối với số trái phiếu này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chờ đợi thêm thông tin chi tiết từ BCTC kiểm toán.
Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý giảm xuống 2,27% từ 2,95% trong năm 2016. Số dư nợ xấu cũng giảm 261 tỷ đồng xuống còn 2.298 tỷ đồng.
Theo dó, LNTT đạt 1.017 tỷ đồng (tăng trưởng 160,50%).
Cho năm 2018, HSC dự báo LNTT tăng trưởng 47,28% đạt 1.498 tỷ đồng LNTT. Dự báo của chúng tôi căn cứ vào các giả định sau đây:
(1) HSC dự báo cho vay khách hàng tăng trưởng 18,24% và đạt 119,81 nghìn tỷ đồng và huy động khách hàng tăng trưởng 17%, đạt 137,52 nghìn tỷ đồng.
(2) Theo đó hệ số LDR là khoảng 87%.
(3) Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM tăng lên 2,28% (năm 2017 là 2,10%). Nhờ cơ cấu cho vay tốt hơn và tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn.
(4) Thu nhập lãi thuần dự báo tăng trưởng 27,14% đạt 3.391 tỷ đồng.
(5) Chúng tôi giả định rằng tổng thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 35,37% đạt 1.575 tỷ đồng với tỷ trọng đóng góp lớn từ thu nhập từ thoái vốn tại STB và thu hồi nợ xấu.
(6) HSC dự báo chi phí hoạt động sẽ tăng 10% lên 2.426 tỷ đồng.
(7) Chúng tôi cũng dự báo tổng chi phí dự phòng sẽ tăng 77,72% lên 1.074 tỷ đồng gồm 475 tỷ đồng là dự phòng nợ xấu thông thường (giảm 17,81%) và 599 tỷ đồng là dự phòng trái phiếu VAMC (với mệnh giá 5.991 tỷ đồng). Chúng tôi không bao gồm khả năng thu hồi nợ liên quan đến trái phiếu VAMC ở đây do đây là yếu tố khó để dự báo.
(8) Do đó, LNTT dự báo đạt 1.498 tỷ đồng (tăng trưởng 47,28%).
Từ những giả định trên, BPVS 2018 là 12.585đ, EPS là 922đ. Tại thị giá hiện tại, cổ phiếu có P/B dự phóng là 1,24 lần và P/E là 16,9 lần.
Quan điểm đầu tư – Tiếp tục đánh giá Khả quan. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 18.800đ, tương đương P/B dự phóng 2018 là 1,5 lần. Hoạt động kinh doanh của Ngân hàng sẽ cần thêm thời gian để phục hồi do những vấn đề về tài sản tồn đọng và sau đó sẽ xuất hiện thêm các động lực hỗ trợ giá cổ phiếu trung và dài hạn. Tuy nhiên, có vẻ như Ngân hàng đã có những bước tiến chắc chắn sau một vài năm trì trệ. Và khả năng thoái vốn thành công tại STB sẽ giúp Ngân hàng xóa lỗ lũy thế, cải thiện hệ số CAR và tăng vốn đẩy mạnh cho vay trong năm 2018.
Nguồn: HSC