Gần đây DPM đã công bố hợp đồng mua khí áp dụng cho năm 2020 với PVGas. Theo đó, sản lượng khí đầu vào dự kiến cho năm 2020 khoảng 592 triệu m3 ~ 22 triệu MMBTU. Theo hợp đồng khí mới, nguồn khí chính của DPM dự kiến sẽ đến từ mỏ Bạch Hổ – Rồng Đồi Mồi (thuộc bể Cửu Long). Trong trường hợp thiếu khí, phần khí cấp bù sẽ đến từ các mỏ khác ở bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn với tỷ trọng 60:40 trong khi tỷ trọng áp dụng cho năm 2019 là 50:50. Theo đó chi phí vận chuyển khí sẽ được áp dụng như sau:
+ Mỏ Bạch Hổ – Rồng Đồi Mồi: 1,02 USD/MMBTU
+ Nguồn khác ở bể Cửu Long: 3,22 USD/MMBTU
+ Nguồn khác ở bể Nam Côn Sơn: 1,432 USD/MMBTU
Đồ thị cổ phiếu DPM phiên giao dịch ngày 24/04/2020. Nguồn: AmiBroker
Trong năm 2020, dự kiến nhà máy DPM sẽ tiêu thụ khoảng 22 triệu MMBTU sản lượng khí. Với giả định 55% sản lượng được cung cấp từ Bạch Hổ – Rồng Đồi Mồi và 45% sản lượng còn lại đến từ các nguồn khác ở bể Cửu Long và Nam Côn Sơn, chúng tôi ước tính giá cước vận chuyển khí năm 2020 vào khoảng 1,69 USD/MMBTU, tăng 18% so với năm 2019 và cao hơn so với mức DPM sử dụng để đặt kế hoạch cho năm 2020.
Chúng tôi cho rằng việc giá cước vận chuyển khí chính thức cho năm 2020 tăng đáng kể so với kế hoạch sẽ bù trừ phần nào những thuận lợi của việc giá FO giảm mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên về mặt tổng thể chi phí giá khí năm 2020 dự kiến vẫn sẽ thấp hơn mức 6,18 USD/MMBTU (bao gồm VAT) của năm 2019.
Trước mắt, Cổ phiếu DPM đã công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt so với cùng kỳ với doanh thu thuần đạt 1.697 tỷ đồng, tăng 7,8%. Biên lợi nhuận gộp đạt 20%, cao hơn mức 17,1% cùng kỳ, giúp lợi nhuận gộp tăng 26,1% lên 339 tỷ đồng. Tỷ trọng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu tăng nhẹ từ 12% trong Q1/2019 lên 12,5% trong Q1/2020. LNST cổ đông công ty mẹ đạt tăng gấp đôi lên 105 tỷ đồng.
+ Doanh thu thuần tăng trưởng nhờ doanh thu sản phẩm trong nước tăng. Và nguyên nhân đến từ việc nhà máy Ure hoạt động liên tục, không bị gián đoạn như cùng kỳ năm ngoái. Hệ quả là sản lượng sản xuất tăng 81%, sản lượng tiêu thụ tăng 39% đạt 186 nghìn tấn. Tuy nhiên, giá bán Ure cũng ghi nhận giảm 14%. Dù sản lượng tiêu thụ tăng mạnh nhưng nhìn chung vẫn thấp so với Q1 những năm trước về số tuyệt đối. Điều này cũng cho thấy nhu cầu phân bón yếu trong Q1/2020 do những điều kiện bất lợi về thời tiết cũng như dịch bệnh.
+ Biên lợi nhuận gộp tăng từ 17,1% lên 20% chủ yếu nhờ giá khí trung bình giảm 22% so với cùng kỳ. Trong đó cước phí vận chuyển trong Q1/2020 vào khoảng 1,53USD/MMBTU, ứng với 65% nguồn khí đầu vào đến từ mỏ Bạch Hổ – Rồng Đồi Mồi theo ước tính của chúng tôi.
Cho cả năm 2020, chúng tôi điều chỉnh một số giả định cho mảng Ure so với báo cáo cập nhật gần nhất
+ Giá bán Ure trung bình cả năm đạt 6.569 đồng/kg, giảm thêm 3% so với dự phóng trước đây.
+ Giá FO giảm 20% so với giả định ban đầu là giảm 8%.
+ Cước phí vận chuyển tăng từ 1,43 USD/MMBTU lên 1,69 USD/MMBTU. Tổng cộng giá khí bao gồm VAT trong năm 2020 ước đạt 5,57 USD/MMBTU, giảm 9,7%.
Đối với mảng NPK, chúng tôi hạ sản lượng tiêu thụ từ 135 nghìn tấn xuống 110 nghìn tấn. Giá bán trung bình ở mức 8.600 đồng/kg. Doanh thu dự phóng mảng NPK đạt 974 tỷ đồng. Biên lợi nhuận mỏng không thể giúp DPM ghi nhận mức lợi nhuận dương cho mảng NPK trong năm nay.
Với các giả định trên, doanh thu ước tính 2020 đạt 8.276 tỷ đồng (tăng 7,5%), LNST công ty mẹ đạt 592 tỷ đồng (tăng 56%). Tương ứng với EPS vào khoảng 1.287 đồng. Chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu sẽ không còn nhiều đột biến trong thời gian tới do những thông tin tích cực về việc giá FO giảm mạnh đã phản ánh phần nào. Nhân tố còn lại có thể kỳ vọng đó chính là việc ghi nhận khoản bồi thường bảo hiểm. Về dài hạn, với khả năng duy trì trả cổ tức 500 đồng – 1.000 đồng, tỷ suất cổ tức ở mức giá hiện tại là 3,3% – 6,6%. Giá mục tiêu của chúng tôi vẫn duy trì ở mức 13.600 đồng/cp.
Nguồn: VDSC