Lộ trình thoái vốn được DCM chia sẻ một cách khá sơ lược. Theo đó, PVN dự kiến sẽ giảm tỷ lệ sở hữu còn 51% hoặc thấp hơn trong năm 2018. Những thông tin cụ thể hơn về đối tác chiến lược sẽ được công bố vào tháng 02 năm sau.
Đồ thị cổ phiếu DCM cập nhật ngày 7/12/2017. Nguồn: AmiBroker
Trong buổi gặp mặt hôm qua (05/12), DCM đã chia sẻ về một số vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm như chính sách giá khí, dự án phân bón NPK và những thông tin liên quan đến lộ trình thoái vốn của PVN.
Như vậy, LNST Q4 của DCM sẽ đạt khoảng 60-80 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với cùng kỳ. Điều này đang chứng minh rằng cơ chế điều tiết giá khí (cơ chế đảm bảo ROE của DCM sẽ đạt 12%) là một con dao hai lưỡi vì trên thực tế, sản lượng tiêu thụ quý 4 của DCM ước đạt vẫn ở mức tốt (230 ngàn tấn – tương đương so với cùng kỳ).
Liên quan đến kế hoạch hoạt động trong những năm tiếp theo, dự án nhà máy sản xuất phân NPK đang gây chú ý nhiều nhất. Theo thông tin từ doanh nghiệp, DCM dự kiến từ đầu năm 2019 sẽ vận hành nhà máy sản xuất NPK công suất 300.000 tấn/năm. Với công nghệ urê nóng chảy được sử dụng, phân khúc mà DCM nhắm đến là NPK chất lượng cao. Về tính hiệu quả của dự án, chúng tôi có một số lo ngại về mặt thị trường vì nguồn cung phân NPK nhìn chung vẫn đang vượt cầu. Phân khúc chất lượng cao cũng đang gặp cạnh tranh khá lớn bởi BFC, Baconco, phân bón nhập khẩu, và sắp tới sẽ là 170,000 tấn NPK hóa học từ nhà máy mới của DPM.
Điều mà thị trường hiện đang lo ngại là liệu chính sách giá khí sẽ thay đổi như thế nào khi lợi ích của PVN tại DCM không còn như trước. Hiện tại, tuy RongViet Research chưa có đủ thông tin để nhận định về điều này, chúng tôi không loại trừ khả năng chính sách giá khí giữa DCM và PVN từ năm 2019 sẽ được soạn thảo theo hướng hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược.
Nguồn: Rongviet Research