DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0989 490 980
Vay Margin tại HSC tỉ lệ 1:4

Việt Nam có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc

Lượt xem: 3,647 - Ngày:

HSC đã xem xét lại lần nữa khả năng ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện chúng tôi đã xem xét sâu hơn rất nhiều và thấy có những tác động tích cực cũng như tiêu cực đối với cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Nói chung hiện chúng tôi chuyển từ quan điểm là điều chỉnh giảm 0,3% so với dự báo trước đó cho tăng trưởng GDP năm 2019 dưới sự ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại này. Sang giữ nguyên dự báo trong trường hợp cơ sở là tăng trưởng 6,7%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung QuốcThị trường chứng khoán Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

Trong kịch bản khả dĩ nhất của mình, hiện chúng tôi tin tưởng rằng các tác động tích cực và tiêu cực sẽ cân bằng hoàn toàn với nhau. Và nhìn xa ra nhiều năm, thì ảnh hưởng của một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài sẽ tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Giúp đẩy mạnh vốn FDI vào Việt Nam cũng như tạo ra thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội hiện tại.

Kết luận nhạnh – HSC cho rằng cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tạo ra cả rủi ro và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Cũng như cho thị trường chứng khoán. Quan điểm của chúng tôi đã có sự thay đổi trong những tuần gần đây và hiện chúng tôi lạc quan hơn trước tác động của một cuộc chiến tranh thương mại như trên. Chẳng hạn, hiện chúng tôi dự báo năm 2019 tăng trưởng GDP sẽ bằng với năm 2018. Điều này một phần là nhờ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt. Một phần dựa trên những gì chúng tôi thu thập được. Theo đó giờ đây chúng tôi tin tưởng rằng môi trường vĩ mô sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ tranh chấp thương mại kéo dài. Đồng thời chúng tôi tin rằng một số ngành và cổ phiếu có thể còn hưởng lợi trong trung dài hạn. Chủ yếu do các nhà sản xuất Bắc Á buộc phải xem xét lại chiến lược tại Trung Quốc và có lẽ phải chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Trong khi đó những doanh nghiệp hiện hữu sẽ có thêm cơ hội kinh doanh, đặc biệt là từ Mỹ.

Hiện HSC thấy rằng Việt Nam có những cơ hội từ một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài – Vài tháng trước, nhiều NĐT cho rằng một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động xấu tới Việt Nam và tác động này phải được phản ánh vào tỷ giá và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên những NĐT này hiện đã thay đổi quan điểm và có một cái nhìn sâu sắc hơn đối với vấn đề này. Đã có một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng một số nhà sản xuất Bắc Á đang tích cực xem xét việc chuyển một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Trong khi đó các nhà sản xuất đang ở Việt Nam (cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội) trong những lĩnh vực như dệt may, nội thất, sản xuất đèn chiếu sáng và công nghệ đang cho thấy doanh thu từ các thị trường chủ chốt tăng lên trong bối cảnh có thông tin là doanh nghiệp mua hàng từ Mỹ tại các thị trường này đang giảm bớt một phần đơn đặt hàng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Xu hướng này đã xuất hiện trong những tháng gần đây nhưng chỉ gần đây truyền thông mới bắt đầu đưa tin bài.

Môi trường vĩ mô có vẻ vẫn tích cực với tỷ giá ổn định và lạm phát dịu xuống trong tháng trước – Không chỉ môi trường vi mô (các doanh nghiệp) có vẻ vẫn khá tích cực mặc dù chiến tranh thương mại leo thang mà cả môi trường vĩ mô cũng vậy. Chúng tôi thấy rằng mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm sau được đề ra tương đương năm nay. Do cơ quan điều hành nhìn thấy những cơ hội và rủi ro từ môi trường bên ngoài hiện gần như cân bằng lẫn nhau. Số liệu kim ngạch thương mại vẫn tốt trong khi cán cân thanh toán rất tích cực.

Chúng tôi rút ra những kết luận sau về môi trường vĩ mô:

  • Cho đến khi chỉ số đô la (tính dựa trên giỏ các đồng tiền tính theo tỷ trọng thương mại) còn dưới 97 và tỷ giá USD/CNY còn dưới 7 thì tỷ giá USD/VND tiếp tục nằm trong biên độ chính thức. Hiện chúng tôi cho rằng khả năng xảy ra điều này đã cao hơn nhiều sau xu hướng ổn định thời gian gần đây.
  • Cán cân thanh toán vẫn tích cực nhờ có thặng dư cán cân thương mại và tài khoản vãng lai.
  • Chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP năm 2019 vẫn đạt khoảng 6,7%; tương đương dự báo của chúng tôi (sau khi đã điều chỉnh) cho năm nay. Sau khi cân bằng giữa tác động tích cực và tiêu cực từ tranh chấp thương mại, chúng tôi không thấy có sự nghiêng mạnh về hướng tích cực hay tiêu cực ở đây.
  • Lạm phát năm nay sẽ khoảng 4% và năm sau tăng nhẹ lên 4,5%. Việc nâng thuế nhập khẩu tại các thị trường nước ngoài như Trung Quốc hay Mỹ sẽ không làm lạm phát tại Việt Nam tăng lên nhiều.

Hiện chúng tôi cũng rút ra một số kết luận ở tầm vi mô như sau:

  • Cuộc chiến tranh thương mại có thể kéo dài hơn dự kiến do cả hai bên có vẻ đang muốn kéo dài chiến tranh thương mại.
  • Mục đích của chính phủ Mỹ có vẻ còn lớn hơn là đơn thuần chỉ giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc nên một giải pháp khó có thể nhanh chóng đạt được.
  • Nhận thức rằng cuộc chiến tranh thương mại sẽ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quyết định chiến lược của toàn bộ các nhà sản xuất Bắc Á và nhà sản xuất khác trên thế giới đang đặt đáng kể hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.
  • Nhiều khả năng xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất của những doanh nghiệp trên sang các nước khác trong khu vực sẽ ngày càng gia tăng.
  • Việt Nam nổi lên là một lựa chọn cho bất kỳ nhà sản xuất nào đang đặt phần lớn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc nhờ vị trí địa lý, sự ổn định chính trị, lợi thế chi phí và chính sách thu hút vốn FDI
  • Những doanh nghiệp nội và FDI hiện hữu tại Việt Nam có thể sẽ có thêm nhiều cơ hội kinh doanh hơn từ những doanh nghiệp Mỹ muốn giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ảnh hưởng của một cuộc chiến tranh thương mại đối với Việt Nam hiện là trung tính và thậm chí còn tích cực một chút – Do vậy, chúng tôi cho rằng vĩ mô của Việt Nam có thể còn hưởng lợi một chút từ một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài. Tuy nhiên sẽ mất vài quý để điều này thể hiện ra con số. Một mặt, chúng tôi thừa nhận rằng xuất khẩu hàng hóa cơ bản và các sản phẩm khác từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ kém đi. Nhưng mặt khác chúng tôi thấy rằng sản phẩm trung gian của (1) doanh nghiệp đã có cơ sở tại Việt Nam và Trung Quốc và (2) doanh nghiệp mới muốn giảm rủi ro từ Trung Quốc sẽ từ Trung Quốc sẽ ngày càng chuyển nhiều sang Việt Nam để sản xuất thành phẩm

Vẫn có rủi ro kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái vào cuối năm 2019 hoặc năm 2020 – Đây là vấn đề phức tạp và quan điểm tích cực hiện nay có thể tan biến sau này nếu nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Nhiều nhà quan sát dự báo điều này sẽ xảy ra vào cuối năm 2019 hoặc năm 2020. Nếu thương mại toàn cầu kém đi trong năm sau thì lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút được thêm vốn FDI và kim ngạch thương mại sẽ không đủ để vượt qua ảnh hưởng vĩ mô từ sự suy thoái chung của thế giới. Cho dù vậy trước mắt chúng tôi cho rằng pha suy giảm chu kỳ tiếp theo sẽ còn 12-18 nữa mới tới. Từ đó chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực về ảnh hưởng của tranh chấp thương mại trong thời gian 6-9 tháng tới.

Những ngành và cổ phiếu chúng tôi ưa thích trên chủ đề này – Chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội hơn so với rủi ro trong 6-12 tháng từ nay đến mùa hè năm sau. Dưới đây là những ngành và cổ phiếu nhiều khả năng được hưởng lợi từ tranh chấp thương mại Trung – Mỹ hiện tại.

Các doanh nghiệp vận hành cảng biển sẽ hưởng lợi từ dòng chảy thương mại gia tăng (Khuyến nghị – VSC, GMD) – Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giúp đẩy mạnh dòng vốn FDI vào Việt Nam do các nhà sản xuất ở Bắc Á cũng như ở các khu vực khác sẽ tìm cách giảm lượng hàng hóa sang Trung Quốc. Do đó, khối lượng hàng hóa vào cảng biển Việt Nam có thể sẽ tăng lên. VSC và GMD là hai công ty khai thác cảng biển tư nhân lớn nhất ở Việt Nam với công suất sẵn có để đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng lên. Chúng tôi ưa thích VSC hơn trong ngành do rất khó để tiếp cận cổ phiếu GMD.

  • Cổ phiếu VSC – VSC là doanh nghiệp khai thác cảng tư nhân cho lợi nhuận tốt nhất tại khu vực Hải Phòng với thị phần cả nước là khoảng 7%. VSC vận hành 2 cảng container tại khu vực Hải Phòng với tổng công suất là 850.000 TEU/năm (cảng VIP Green với công suất 500.000 TEU và cảng Green với công suất 350.000 TEU). Trong năm 2017, VSC tiếp nhận 802.000 TEU (tăng 31%), với tốc độ tăng trưởng trung bình của dòng hàng hóa là 18%/năm trong giai đoạn 2012-2017. Các cảng của VSC chủ yếu tiếp nhận hàng nhập khẩu tư liệu sản xuất & nguyên vật liệu thô cho các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực IT trong khu vực FDI như máy móc, dệt may, giày dép và nhựa.

HSC dự báo trong năm 2018, VSC sẽ tăng trưởng doanh thu thuần 27% và LNST 25%, tiếp đó tăng trưởng 9% doanh thu thuần và LNST 11% trong năm sau. HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 45.000đ, tương đương PE là 8,8 lần.

  • Cổ phiếu GMD – GMD là doanh nghiệp khai thác cảng biển tư nhân lớn nhất ở Việt Nam với thị phần cả nước là 10%. GMD vận hành 4 cảng container, 1 ICD và 1 cảng hàng rời tại tất cả các khu vực kinh tế quan trọng dọc ba miền Bắc, Trung và Nam. Với tổng công suất là 2,1 triệu TEU/năm và 2,5 triệu tấn/năm. Trong năm 2017, GMD đã tiếp nhận 1,46 triệu TEU (tăng 11%) và tốc độ tăng trưởng trung bình là 20%/năm trong giai đoạn 2012-2017. Cảng container của GMD chủ yếu tiếp nhận hàng nhập khẩu tư liệu sản xuất và nguyên vật liệu thô cho các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực IT trong khu vực FDI. Bên cạnh đó, GMD là công ty duy nhất cung cấp toàn bộ các dịch vụ logistic. GMD cũng sở hữu 32,56% tại Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS – Upcom).

Cho năm 2018, HSC dự báo doanh thu thuần của GMD sẽ giảm 32% so với năm 2017 và LNST tăng trưởng 194% chủ yếu nhờ các khoản thoái vốn không thường xuyên. Tuy nhiên, trong năm sau, chúng tôi dự báo doanh thu thuần sẽ tăng trưởng 12% và LNST giảm 67% do không còn các khoản lợi nhuận không thường xuyên và lợi nhuận trở về mức thông thường. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 34.000đ, tương đương EV/EBITDA dự phóng 2018 là 10,5 lần.

Các công ty dịch vụ hàng hóa hàng không cũng được hưởng lợi nhờ dòng chảy thương mại gia tăng (Khuyến nghị – SCS) – Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung chủ yếu vào các sản phẩm công nghệ với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nước này. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam để gia tăng sản xuất và lắp ráp cuối cùng các sản phẩm công nghệ. Và với thực tế là các thành phần cho sản xuất và lắp ráp công nghệ chủ yếu được vận chuyển bằng hàng không, đây sẽ cơ hội tốt cho các công ty dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không. Trong ngành này, chúng tôi ưa thích SCS hơn NCT chủ yếu dựa trên yếu tố thanh khoản.

  • Cổ phiếu SCS – SCS là công ty dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không cho lợi nhuận tốt nhất tại Việt Nam. Công ty vận hành một ga hàng hóa hàng không với diện tích 14 ha tại sân bay Tân Sơn Nhất với công suất 200.000 tấn/năm. Trong năm 2017, công ty tiếp nhận 186.140 tấn hàng hóa (tăng 15%) và chiếm14% thị phần.

Cho năm 2018, chúng tôi dự báo doanh thu tăng trưởng 24% và LNST tăng trưởng 26%. Cho năm sau, chúng tôi dự báo doanh thu thuần sẽ tăng trưởng 15% và LNST tăng trưởng 17%. HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 160.000đ/cp, tương đương P/E dự phóng 2018 là 20 lần.

Các KCN sẽ được lợi trong trung đến dài hạn khi ngày càng nhiều các công ty di dời đến Việt Nam (Khuyến nghị – KBC & VGC) – Các khu công nghiệp tại Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi trước hết từ sự gia tăng của dòng vốn FDI. Tổng vốn FDI từ đầu năm đến ngày 20/8 đã tăng 9,2% so với cùng kỳ đạt 11,25 tỷ USD. Các doanh nghiệp phát triển và kinh doanh hạ tầng KCN như KBC (dẫn đầu khu vực phía Bắc) và VGC.

  • Cổ phiếu KBC – Phần lớn các KCN ở phía Bắc của KBC gần như đã được lấp đầy toàn bộ với người thuê chủ yếu là các công ty công nghệ cao như LG, Samwang Co ltd và Rinnai. Kinh nghiệm lâu năm trong phát triển KCN cho các nhà sản xuất công nghệ cao rõ ràng là lợi thế của KBC. Công ty cũng đang xin phê duyệt cho KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 với diện tích 687 ha (tại Hải Phòng) và đây sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu trong trung hạn. Hải Phòng là trọng điểm giao thông ở khu vực phía Bắc với lợi thế là có cảng nước sâu, cảng Đình Vũ và một số ưu đãi thuế đặc biệt từ Chính phủ.

Cho năm 2018, HSC dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ của KBC đạt 702 tỷ đồng (tăng trưởng 20%). Theo đó EPS dự phóng 2018 là 1.494đ/cp (tăng 20%) và PE dự phóng hiện là 8,3 lần. Trong khi đó cho năm 2019, chúng tôi dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 776 tỷ đồng (tăng trưởng 10,5%), tương đương EPS là 1.651đ/cp (tăng 10,5%) và PE là 7,5 lần.

  • Cổ phiếu VGC – Tập đoàn chuyên về vât liệu xây dựng và cũng là doanh nghiệp lớn về phát triển KCN. Samsung hiện là một trong những khách hàng lớn của VGC. Mảng kinh doanh này của VGC cũng sẽ được lợi do các nhà sản xuất, đặc biệt là các công ty vệ tinh của Samsung đang dần di dời các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Mảng sản xuất vật liệu xây dựng, là mảng kinh doanh chủ chốt VGC đang tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, chúng tôi giữ sự quan tâm đến mảng phát triển KCN trong trường hợp Tập đoàn có thể tách mảng này và niêm yết độc lập trong tương lai.

Cho năm 2018, chúng tôi dự báo VGC sẽ đạt LNST của cổ đông công ty mẹ là 624 tỷ đồng (tăng trưởng 4%), tương đương EPS là 1.393đ/cp (tăng 4%) và PE là 13,6 lần. Trong khi đó cho năm 2019, chúng tôi dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 689 tỷ đồng (tăng trưởng 10,4%), tương đương EPS là 1.538đ/cp (tăng 10,5%) và PE là 12,3 lần.

Ngành may mặc sẽ giành thêm các đơn hàng nước ngoài khi bất lợi về thuế sẽ làm suy giảm tính cạnh tranh của Trung Quốc (Khuyến nghị – STK)– Do hàng may mặc Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ chịu với mức thuế bình quân là khoảng 10%, ngành may mặc của Việt Nam có thể hưởng lợi và gia tăng thêm thị phần trên thị trường Mỹ, hiện là thị trường lớn nhất. Trong số các doanh nghiệp may mặc đã niêm yết tại Việt Nam, chúng tôi ưa thích STK hơn TCM với triển vọng tăng trưởng tốt hơn của mảng may mặc (mảng kinh doanh chính). Trong khi đó TCM vẫn tham gia vào mảng BĐS và thường ghi nhận một số lợi nhuận không thường xuyên từ bán đất.

  • Cổ phiếu STK– STK là công ty sản xuất sợi polyester filament lớn thứ hai tại Việt Nam với 28% thị phần, sau Formosa với 41% thị phần. Hiện tại, STK có 5 nhà máy sợi với tổng công suất là 60.000 tấn/năm.

Trong 3 năm tới (2018-2020), chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh thu là 13%/năm và của LNST là 27%/năm. HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 19.000đ/cp, tương đương PE dự phóng là 8,5 lần.

Các công ty trong ngành thủy sản có thể được hưởng lợi khi các công ty Trung Quốc bị loại khỏi thị trường Mỹ (Khuyến nghị – VHC) – Có vẻ như cũng có những cơ hội mở ra cho xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào thị trường Mỹ do ngành thủy sản Trung Quốc phải đối mặt với áp lực thuế quan. VHC dẫn đầu ngành và đóng góp phần lớn vào xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. VHC cũng không bị đánh thuế khi xuất khẩu sang Mỹ sau khi đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của nước này.

  • Cổ phiếu VHC– VHC là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ lớn nhất của Việt Nam. Công ty đóng góp khoảng 35% tổng khối lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ và chiếm 40% về giá trị xuất khẩu. Các nhà máy của VHC (không bao gồm Vạn Đức Tiền Giang) hiện có công suất tối đa là 616 tấn cá nguyên liệu/ngày. Công ty đã không phải chịu thuế đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ trong nhiều năm sau khi đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh nghiêm ngặt của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Trong 3 năm tới (2018-2020), HSC dự báo VHC sẽ tăng trưởng doanh thu với tốc độ trung bình năm là 7,1% và LNST của cổ đông công ty mẹ là 7%. Cho năm 2019, chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 9.642 tỷ đồng (tăng trưởng 6,7%) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 854 tỷ đồng (tăng trưởng 6,5%), tương đương EPS là 9.028đ. HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 90.280đ, tương đương PE dự phóng 2019 là 10 lần.

Nguồn: HSC

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý