Từ một vài sản phẩm đơn giản ban đầu khi mới xuất hiện trong thế giới tài chính, chứng khoán phái sinh đến nay đã có nhiều loại khác nhau, được phân nhóm một cách tương đối theo những tiêu thức nhất định. Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, đặc biệt là với trào lưu cách tân, sáng tạo diễn ra không ngừng nghỉ trên thị trường này, chứng khoán phái sinh ngày càng trở nên đa dạng, đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của các đối tượng tham gia thị trường. Chúng ta có thể phân loại chứng khoán phái sinh theo ba phương pháp vẫn được áp dụng khá phổ biến: theo phương thức giao dịch của sản phẩm, theo tính chất của hợp đồng và theo loại tài sản cơ sở.
Phân loại Thị trường Chứng khoán Phái sinh.
1. Theo phương thức giao dịch:
Cũng như một số chứng khoán truyền thống khác, chứng khoán phái sinh có thể được giao dịch trên thị trường tập trung, thông qua các sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), hoặc trên thị trường phi tập trung (thị trường OTC). Theo đó chúng ta có chứng khoán phái sinh niêm yết (trên SGDCK) và chứng khoán phái sinh OTC.
Chứng khoán phái sinh niêm yết:
Khi được niêm yết và giao dịch trên SGDCK (có thể là một sở giao dịch chuyên biệt dành riêng cho chứng khoán phái sinh hoặc trên cùng một sở giao dịch với các tài sản cơ sở), chứng khoán phái sinh là công cụ được chuẩn hóa (standardized). Nói cách khác, các điều khoản, nội dung cụ thể của hợp đồng chứng khoán phái sinh được tổ chức có thẩm quyền, thường là SGDCK, quy định thống nhất một cách chi tiết. Mọi đối tượng quan tâm và muốn sử dụng công cụ này đều có thể biết và tiếp cận thông tin về các đặc tính cơ bản của sản phẩm trên thị trường và lựa chọn sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, họ phải chấp nhận và không thể tự thay đổi các điều khoản sẵn có của hợp đồng.
Chứng khoán phái sinh niêm yết có thể được sở giao dịch thiết kế mới và được đưa ra thị trường. Trong một số trường hợp nó là kết quả của sự chuẩn hóa một chứng khoán phái sinh đã được giao dịch trên thị trường phi tập trung trước đó. Hợp đồng tương lai và một số loại quyền chọn.
Chứng khoán phái sinh OTC:
Trái với chứng khoán phái sinh niêm yết, chứng khoán phái sinh OTC không được giao dịch trên một sở giao dịch. Về bản chất chứng khoán phái sinh OTC là những hợp đồng mang tính chất các nhân giữa các bên tham gia. Điều khoản của hợp đồng hoặc được các bên trực tiếp thỏa thuận và đưa ra, hoặc được thống nhất thông qua một tổ chức trung gian. Nhìn chung chứng khoán phái sinh OTC là một sản phẩm với những đặc tính linh hoạt, có khả năng đáp ứng những yêu cầu cụ thể, thậm chí là cá biệt. Mặc dù vậy, bên cạnh những công cụ được tạo ra dựa trên nhu cầu đó, vẫn có chứng khoán phái sinh OTC mang tính chất chuẩn hóa khá cao, tương tự chứng khoán phái sinh niêm yết. Hợp đồng hoán đổi, hợp đồng kỳ hạn là những ví dụ minh họa tiêu biểu cho chứng khoán phái sinh OTC.
2. Theo sản phẩm:
Khi phân loại chứng khoán phái sinh theo sản phẩm được tạo ra và giao dịch trên thị trường chúng ta có thể nói đến bốn loại hợp đồng chính sau đây: hợp đồng kỳ hạn (forward), hợp đồng tương lai (future), hợp đồng quyền chọn (option), hợp đồng hoán đổi (swap).
Hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai:
Đều là một thỏa thuận về việc mua-bán một lượng tài sản cụ thể với mức giá xác định vào một thời điểm nhất định trong tương lai. Điểm khác biệt quan trọng giữa hai sản phẩm này nằm ở cách thức chúng tạo ra và giao dịch trên thị trường.
Thứ nhất, hợp đồng tương lai là một chứng khoán phái sinh niêm yết trên sở giao dịch với các điều khoản được chuẩn hóa; trong khi hợp đồng kỳ hạn là một công cụ OTC và được thiết kế phù hợp với nhu cầu riêng.
Thứ hai, hợp đồng kỳ hạn thường được thanh toán song phương giữa các bên tham gia (bên mua và bên bán); điều này không giống với phương thức thanh toán đa phương thông qua trung tâm thanh toán bù trừ áp dụng cho hợp đồng tương lai.
Cuối cùng, là một công cụ được niêm yết trên thị trường tập trung, các giao dịch hợp đồng tương lai đều chịu sự điều tiết, quản lý chặt chẽ hơn bởi các tổ chức có thẩm quyền nếu so sánh với hợp đồng kỳ hạn.
Hợp đồng quyền chọn:
Quyền chọn có thể là công cụ được chuẩn hóa và niêm yết hoặc là công cụ OTC thiết kế riêng theo yêu cầu. Trên thị trường, quyền chọn có hai loại: Quyền chọn mua (call option) hoặc quyền chọn bán (put option). Sản phẩm này cho phép người sở hữu có quyển được mua (nếu là quyền chọn mua) hoặc quyền được bán (nếu là quyền chọn bán) một khối lượng nhất định một tài sản cơ sở theo giá xác định tại hoặc trước một thời điểm tương lai cụ thể. Điểm cơ bản của hợp đồng quyền chọn là bên mua quyền chọn có quyền, chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc, đối với việc thực hiện giao dịch tương lai liên quan đến tài sản cơ sở. Đây là điểm khác với hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai, vì ở hai loại chứng khoán phái sinh này, cả hai bên – bao gồm cả bên mua lẫn bên bán – đều có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện giao dịch mua/bán tài sản cở sở khi đáo hạn hợp đồng.
Trong giao dịch quyền chọn, bên mua trả cho bên bán một khoản tiền để đổi lấy quyền được mua hoặc được bán một tài sản cơ sở trong tương lai. Đây có thể coi là chi phí bên mua quyền bỏ ra để được quyền thay vì bị ràng buộc bởi một nghĩa vụ mua hoặc bán một tài sở cơ sở trong mọi trường hợp. Với nhiều đối tượng có nhu cầu sử dụng chứng khoán phái sinh, đặc điểm này có thể được xem là ưu điểm và tạo nên nét khác biệt cho sản phẩm.
Hợp đồng hoán đổi:
Hợp đồng hoán đổi là thỏa thuận giữa hai bên về việc trao đổi các luồng tiền tương lai vào những thời điểm đã được xác định trước trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi hợp đồng đáo hạn. Có những loại hợp đồng hoán đổi khác nhau, với tính chất và nội dung từ đơn giản đến phức tạp, như: hoán đổi lãi suất, hoán đổi tiền tệ, hoán đổi cổ phiếu, hoán đổi hàng hóa, hoán đổi tín dụng; trong đó phổ biến nhất là hoán đổi lãi suất và hoán đổi tiền tệ.
Hợp đồng hoán đổi là sản phẩm được thiết kế riêng nhằm phù hợp với nhu cầu cụ thể của các bên tham gia. Theo đó, đây là một chứng khoán phái sinh OTC. Các tổ chức tài chính trung gian trong vai trò nhà môi giới đảm nhận việc yết giá cho các sản phẩm hoán đổi khác nhau. Thêm vào đó, họ cũng cung cấp thanh khoản cho thị trường bằng cách kết nối giữa các nhà đầu tư muốn nắm giữ những vị thế đối lập nhau với cùng một loại hợp đồng hoán đổi.
Hợp đồng hoán đổi là công cụ có tính linh hoạt rất cao. Nhiều chi tiết trong nội dung hợp đồng có thể được điều chỉnh, sửa đổi bất kỳ khi nào trong thời gian hiệu lực của nó miễn là có sự nhất trí của các bên. Mặc dù vậy, đây vẫn là loại chứng khoán phái sinh có tính thanh khoản cao và có thể được định giá dễ dàng. Với ưu điểm này, cùng với sự đa dạng của các sản phẩm hoán đổi như đã đề cập ở trên khiến cho nó trở thành một trong những phương thức hiệu quả nhất để phòng ngừa các loại rủi ro tài chính phổ biến và cá biệt, không khó hiểu vì sao hợp đồng hoán đổi là trong những loại chứng khoán phái sinh có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thị trường.
Hợp đồng hoán đổi chỉ là một trong số các loại hợp đồng kết hợp các yếu tố của hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn. Ví dụ, một công ty vay tiền với lãi suất thả nổi sẽ chịu ảnh hưởng khi lãi suất tăng. Tuy nhiên, công ty này có thể giảm thiểu rủi ro đó bằng cách mua một quyền chọn lãi suất trần (cap), về cơ bản đây chính là một quyền chọn giúp bù đắp phần lỗ khi lãi suất tăng trên ngưỡng đã xác định. Một công ty khác có thể chọn mua một quyền chọn thực hiện dựa trên không chỉ biến động của một loại tài sản mà có thể là của hai tài sản thậm chí nhiều hơn, gọi là quyền chọn thay thế (alternative option).
3. Theo loại tài sản cơ sở:
Chứng khoán phái sinh cũng có thể được phân loại theo tài sản cơ sở, tức là yếu tố gốc để dựa vào đó mà chứng khoán phái sinh được tạo ra. Theo đó, chứng khoán phái sinh bao gồm:
Chứng khoán phái sinh dựa trên các công cụ thị trường vốn: là sản phẩm có tài sản cơ sở là một cổ phiếu đơn lẻ, một nhóm hoặc rổ cổ phiếu được lựa chọn theo những tiêu chí nhất định (trường hợp chứng khoán phái sinh chỉ số cổ phiếu), hay trái phiếu. Theo đó, giá trị của loại chứng khoán phái sinh này phụ thuộc vào giá tài sản cơ sở trên thị trường giao ngay.
Chứng khoán phái sinh dựa trên các công cụ thị trường tiền tệ: trong trường hợp này, tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là lãi suất ngắn hạn, công cụ nợ ngắn hạn (điển hình là các tín phiếu kho bạc) hay đồng tiền của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Vì vậy, sự biến động của lãi suất ngắn hạn hoặc của tỷ giá hoái đoái giữa các đồng tiền liên quan là những yếu tố then chốt quyết định giá trị của chứng khoán phái sinh thuộc nhóm này.
– Chứng khoán phái sinh dựa trên chứng khoán phái sinh: với bản thân tài sản cơ sở cũng là một chứng khoán phái sinh, đây là công cụ tài chính có tính chất phức tạp hơn các loại chứng khoán phái sinh thông thường. Quyền chọn hợp đồng tương lai (futures options) hay quyền chọn hợp đồng hoán đổi (swaptions) là những ví dụ cụ thể. Trong trường hợp này, giá trị của chứng khoán phái sinh không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá của một tài sản hữu hình mà còn phụ thuộc vào biến động giá của chứng khoán phái sinh cơ sở.
Chứng khoán phái sinh hàng hóa: chứng khoán phái sinh có tài sản cơ sở là một loại hàng hóa cơ bản (như một số loại nông sản, kim loại quý, kim loại công nghiệp, năng lượng…)
Chứng khoán phái sinh khác: bên cạnh những tài sản cơ sở truyền thống nói trên, ngày nay, chứng khoán phái sinh cũng có thể được tạo ra dựa vào những yếu tố khác có thể liên quan hoặc không liên quan đến một tài sản hữu hình. Có thể kể ra ở đây chứng khoán phái sinh đối với bất động sản, quỹ hoán đổi danh mục (ETFS), độ biến động giá của một công cụ tài chính, sự kiện tín dụng, lạm phát, thời tiết…
—————————
Nguồn: TS. Đào Lê Minh; CME Group Education; A Trader’s Guide to Futures
Nguyễn Văn Nguyên – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Facebook /
Email: nguyen.nguyenvan@hsc.com.vn