Sự kiện: Công bố KQKD Q1/2020 trong thời gian gần đây
VJC (Không xếp hạng) gần đây đã công bố BTCT đầy đủ Q1/2020 với doanh thu thuần đạt 7.230 tỷ đồng (giảm 47% so với cùng kỳ) và lỗ thuần 989 tỷ đồng (Q1/2019 lợi nhuận thuần là 1.463 tỷ đồng). KQKD của VJC khả quan hơn các đối thủ các như Vietnam Airlines (HVN – Tăng tỷ trọng) và Bamboo Airways (OTC – Không xếp hạng) nhờ khoản doanh thu tài chính trong kỳ.
Đồ thị cổ phiếu VJC phiên giao dịch ngày 01/06/2020. Nguồn: AmiBroker
Lượng hành khách chuyên chở giảm khiến doanh thu giảm
Theo Công ty, trong Q1/2020, VJC chuyên chở 4,5 triệu lượt hành khách (giảm 22,4% so với cùng kỳ) trên 29.401 chuyến bay (giảm 12,6% so với cùng kỳ); do các chuyến bay quốc tế tạm dừng từ đầu tháng 2 và các chuyến bay trong nước được kiểm soát chặt từ đầu tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, các chặng nội địa đã được mở lại từ tháng 5.
Để tối đa hóa công suất hoạt động của tàu bay, VJC đã chuyển từ vận chuyển hành khách sang vận chuyển hàng hóa. Những nỗ lực này đã giúp giảm bớt đà giảm của doanh thu. Trong Q1/2020, VJC đã hạch toán 262 tỷ đồng (tăng 48,1% so với cùng kỳ) từ các hoạt động khác, chủ yếu từ các giao dịch thuê ướt tàu bay.
Tỷ suất lợi nhuận gộp âm
Cổ phiếu VJC công bố lợi nhuận gộp âm 841 tỷ đồng (giảm 137,4% so với cùng kỳ); tỷ suất lợi nhuận gộp âm 11,6% so với mức dương 16,5% trong Q1/2019. Mức giảm mạnh trong tỷ lệ lấp đầy và không còn hạch toán giao dịch chuyển giao quyền sở hữu và thương mại tàu bay (RFR) đã ảnh hưởng mạnh đến tỷ suất lợi nhuận gộp.
(1) Tỷ lệ ghế lấp đầy: giảm mạnh trong kỳ do nhu cầu thấp và yêu cầu giãn cách xã hội trên các chuyến bay.
Bảng 1: KQKD Q1/2020
Chi phí hoạt động ngành hàng không, gồm phí thuê tàu bay, chi phí vận hành chuyến bay và phí bảo dưỡng rất cao. Do vậy nếu doanh thu và tỷ lệ ghế lấp đầy giảm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tỷ suất lợi nhuận. Mức giảm trong giá nhiên liệu bay đã không đủ để bù đắp cho gánh nặng chi phí hoạt động.
(2) Công ty không hạch toán lợi nhuận từ chuyển giao sở hữu quyền sở hữu và thương mại tàu bay trong Q1/2020 – Trong Q1/2019, VJC hạch toán 923,7 tỷ đồng lợi nhuận gộp từ các giao dịch RFR. Những giao dịch này đã không được thực hiện trong Q1/2020.
(3) Công ty không hạch toán lợi nhuận từ giao dịch bán và thuê lại tàu bay (SLB) trong Q1/2020 – Trong bối cảnh phần lớn tàu bay không hoạt động, VJC đã hoãn được các đợt giao tàu bay mới. Theo đó, Công ty không ghi nhận lợi nhuận từ các giao dịch SLB trong Q1/2020. VJC có thể sẽ nhận 7 tàu bay mới trong nửa cuối năm 2020 nên có thể Công ty sẽ hạch toán lợi nhuận từ SLB trong thời gian này.
Chi phí bán hàng & quản lý ở mức cao
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty đã tập trung giảm tối đa chi phí hoạt động gồm chi phí bán hàng & quản lý. Tuy nhiên chi phí bán hàng & quản lý vẫn ở mức cao là 339 tỷ đồng (giảm 1,7% so với cùng kỳ) và bằng 4,7% doanh thu thuần (Q1/2019 là 2,5%).
Doanh thu HĐ tài chính giúp giảm lỗ
VJC công bố lợi nhuận tài chính đạt 235 tỷ đồng trong Q1/2020 thay vì lỗ tài chính là 244 tỷ đồng như trong Q1/2019. Điều này chủ yếu nhờ:
(1) Doanh thu HĐ tài chính tăng mạnh lên 548 tỷ đồng (tăng 386,9% so với cùng kỳ) nhờ 240 tỷ đồng lãi tỷ giá và 292 tỷ đồng doanh thu tài chính khác (chủ yếu từ cổ tức được chia cho năm 2019 từ các khoản đầu tư). Trong Q1/2019, doanh thu tài chính từ những hoạt động này bằng không.
(2) Trái lại, chi phí tài chính giảm nhẹ 11,9% so với cùng kỳ còn 313,9 tỷ đồng; chủ yếu nhờ không có chi phí dự phòng trích lập trong khi trong Q1/2019 chi phí này là 154 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí lãi vay tăng mạnh lên 121,7 tỷ đồng (tăng 108,5% so với cùng kỳ) xuất phát từ một số khoản vay dài hạn mới vào cuối năm 2019.
Lưu chuyển tiền thuần âm 2.875 tỷ đồng
Tiền mặt tại thời điểm cuối Q1/2020 giảm mạnh xuống còn 2.459 tỷ đồng (giảm 54,1% so với đầu năm) do những khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Tập trung cắt giảm chi phí
Trước tình hình dịch bệnh, VJC đã rất nỗ lực giảm chi phí hoạt động gồm:
1) Đưa ra sản phẩm mới, chẳng hạn như chương trình power pass nhằm thúc đẩy doanh thu.
2) Đồng loạt giảm lương nhân viên.
3) Tận dụng tối đa giá nhiên liệu giảm.
4) Tái cơ cấu các khoản vay và trả lãi.
5) Trả lại tàu bay thuê ướt trong Q1/2020 giúp giảm số lượng tàu bay.
6) Hoãn lịch giao tàu bay.
7) Chuyển tàu bay từ chở khách sang chở hàng.
Nhờ những nỗ lực này, VJC đã quản lý chi phí tốt hơn các đối thủ; và hy vọng chính phủ sẽ có sự hỗ trợ về chính sách.
Khó khăn vẫn còn phía trước vì cho đến nay gần như 100% các chuyến bay quốc tế vẫn chưa được phép hoạt động, tuy nhiên lượng hành khách nội địa đã bắt đầu hồi phục tốt từ tháng 5. Mặc dù vậy, triển vọng hoạt động kinh doanh toàn ngành hàng không vẫn tiếp tục khó khăn trong những quý tới.
Nguồn: HSC