DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0989 490 980
Vay Margin tại HSC tỉ lệ 1:4

Cập nhật cổ phiếu VJC – Đánh giá Khả quan

Lượt xem: 2,062 - Ngày:

Vietjet (Cổ phiếu VJC) đã tổ chức ĐHCĐTN hôm nay. Cổ đông đã tham dự đông đủ và thông qua toàn bộ các tờ trình. Dưới đây là những ghi nhận chính của chúng tôi tại Đại hội.

Đồ thị cổ phiếu VJC phiên giao dịch ngày 19/04/2019. Nguồn: AmiBrokerĐồ thị cổ phiếu VJC phiên giao dịch ngày 19/04/2019. Nguồn: AmiBroker

Công ty đã công bố KQKD kiểm toán năm 2018 với doanh thu thuần đạt 53.577 tỷ đồng (tăng trưởng 26,7%) và LNST đạt 5.335 tỷ đồng (tăng trưởng 5,2%) – Số liệu kiểm toán cao hơn số liệu trước kiểm toán là 2,24% đối với doanh thu và 2,26% đối với LNST. Chủ yếu do số lượng máy bay bán & thuê lại tăng từ 14 máy bay trước đây lên 16 máy bay.

–     Doanh thu thuần năm 2018 tăng trưởng nhờ lượng hành khách chuyên chở tăng 34,8% – Doanh thu thuần đạt 53,6 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 26,7%). Cơ cấu doanh thu của VJC gồm 3 nguồn (1) doanh thu từ chuyên chở hành khách; (2) doanh thu dịch vụ phụ trợ và (3) doanh thu từ bán và cho thuê lại máy bay. Hai nguồn đầu là hai mảng kinh doanh chủ chốt của VJC. Cụ thể:

Doanh thu từ chuyên chở hành khách tăng 46,4% đạt 24,7 nghìn tỷ đồng nhờ:

  • Trong năm 2018, lượng hành khách chuyên chở của VJC đạt 23,1 triệu lượt (tăng 34,8%). Trong đó, HSC ước tính hành khách nội địa tăng khoảng 20,4% đạt gần 16 triệu lượt và hành khách quốc tế tăng 84,2% đạt 7,1 triệu lượt. Doanh thu từ hành khách quốc tế và nội địa cũng như doanh thu cho thuê chuyến bay lần lượt đạt 12,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 19%), 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng 104%) và 6,9 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 89,5%).
  • Giá vé bình quân tăng 8,6% nhờ tỷ trọng đóng góp lớn hơn của bộ phận hành khách quốc tế với giá vé cao hơn.
  • Đến cuối năm 2018, VJC đã mở tổng cộng 105 chặng bay gồm 39 chặng bay nội địa và 66 chặng bay quốc tế trong khi vào cuối năm 2017, VJC hoạt động trên 38 chặng nội địa và 40 chặng bay quốc tế. Bắc Á là thị trường quốc tế chính của VJC hiện tại sau khi mở rộng sang thị trường mới như Nhật Bản.
  • Vào cuối năm 2018, chúng tôi được biết số lượng máy bay của VJC là 64 chiếc (tăng 23,1%). VJC có đội máy bay trẻ và hiện đại với số tuổi bình quân chỉ là 2,82 năm; tại tời điểm tháng 12/2018 Công ty có 23 máy bay Airbus A320, 34 máy bay Airbus A321 và 7 máy bay Airbus A321NEO.
  • Tỷ lệ ghế lấp đầy vẫn ở mức cao là 88,06% trong năm 2018.

Doanh thu phụ trợ tăng 53,5% đạt 8,4 nghìn tỷ đồng nhờ lượng hành khách chuyên chở tăng 34,8% và mức doanh thu phụ trợ trên mỗi hành khách cũng tăng 14,5%. Chúng tôi lưu ý rằng mức doanh thu phụ trợ trên mỗi hành khách quốc tế thường cao hơn hành khách nội địa do thời gian bay dài hơn.

Doanh thu bán máy bay giữ nguyên ở 19,8 nghìn tỷ đồng; cao hơn con số 18,5 nghìn tỷ đồng trên BCTC chưa kiểm toán. Trong năm 2018, VJC đã bán và thuê lại 16 máy bay trong khi trên BCTC chưa kiểm toán là 14 máy bay (năm ngoái là 17 máy bay).

Trong năm 2018, doanh thu trên ASK (RASK) tăng 5,5% lên 4,62 cent. Trong khi đó, chi phí trên ASK (CASK) cũng tăng lên 4,19 cent (tăng 6%) do giá nhiên liệu máy bay tăng mạnh. Giá nhiên liệu máy bay jet A1 bình quân trong năm 2018 là 88 USD/thùng (tăng 25,9%). CASK không bao gồm chi phí nhiên liệu năm 2018 là 2,38 cent, gần như không đổi so với năm 2017. Do đó, chênh lệch RASK – CASK giảm từ 0,51 cent xuống 0,43 cent. Đây vẫn là mức rất cao so với các hãng hàng không khác trong ngành.

–     Sự sụt giảm trong tỷ suất lợi nhuận gộp mảng bán & thuê lại máy bay giảm là một trong những nguyên nhân làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp chung – Lợi nhuận gộp đạt 7,5 nghìn tỷ đồng (tăng 14,4%) với tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 15,5% năm 2017 xuống còn 14,4%.

  • Lợi nhuận gộp từ các mảng kinh doanh chủ chốt (không bao gồm bán và thuê lại máy bay) tăng 27% đạt 2.153 tỷ đồng trong khi đó tỷ suất lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh chủ chốt cũng giảm từ 15,5% xuống 14%. Nguyên nhân chính là do chi phí nhiên liệu bình quân tăng 25,9%. Chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 45,4% chi phí hoạt động của VJC trong năm 2018 (năm 2017 là 41,5%).
  • Lợi nhuận gộp từ bán và thuê lại máy bay giảm 13,3% còn 2,95 nghìn tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng này giảm từ 17,2% năm 2017 xuống chỉ còn 14,9%. Tỷ suất lợi nhuận giảm một phần là do VJC và bên cho thuê, một phần là do nhu cầu đối với một loại máy bay cụ thể. Thời hạn thuê thường khoảng 7-13 năm và bên cho thuê sẵn sàng trả giá cao hơn đối với những loại máy bay có nhu cầu cao hơn.

–     Lỗ tài chính thuần tăng do giá trị thời gian của dòng tiền được chiết khấu của khoản dự phòng chi phí bảo dưỡng máy bay tăng 56,6% và dự phòng giảm giá cổ phiếu PVOil – VJC ghi nhận 586,5 tỷ đồng lỗ tài chính thuần (năm 2017 là 402,1 tỷ đồng) do những nhân tố dưới đây tác động.

  • Doanh thu HĐ tài chính là 311 tỷ đồng (tăng 179,4%) nhờ lãi tiền tiền gửi và cho vay tăng gấp 3 lên 221,4 tỷ đồng do lượng tiền gửi bình quân tăng 47%. Ngoài ra, lãi chênh lệch tỷ giá là 85,9 tỷ đồng (tăng 94,3%).
  • Cho cả năm 2018, VJC trích lập tổng cộng 174,5 tỷ đồng dự phòng giảm giá cổ phiếu PVOil (mã OIL, Upcom). VJC đã mua 50 triệu cổ phiếu OIL, tương đương 4,59% cổ phần với giá 19.800đ tại phiên IPO. Tại thời điểm cuối năm 2018, giá cổ phiếu OIL đã giảm xuống còn 16.310đ.
  • Giá trị thời gian của dòng tiền được chiết khấu của khoản dự phòng chi phí bảo dưỡng máy bay tăng 56,6% lên 434,7 tỷ đồng do số chuyến bay tăng 20,4%. Khi thuê máy bay, VJC phải hạch toán chi phí bảo dưỡng máy bay trong thời gian thuê (7-13 năm). Những chi phí này là những khoản thanh toán trong tương lai và VJC chiết khấu những khoản này về giá trị hiện tại. VJC cũng hạch toán phần chênh lệch giữa giá trị tương lai và giá trị hiện tại của những khoản chi phí này hàng năm trong thời hạn thuê.

EBITDA và EBITDAR lần lượt đạt 6,6 nghìn tỷ đồng (tăng 13,5%) và 14,6 nghìn tỷ đồng (tăng 32%). Chi phí thuê tăng mạnh lên gần 8 nghìn tỷ đồng (tăng 52,6%) do số lượng máy bay tăng 23,1% và phí thuê máy bay A321neo cao hơn phí thuê máy bay A320.

Theo đó, LNTT và LNST lần lượt đạt 5.816 tỷ đồng (tăng trưởng 9,7%) và 5.335 tỷ đồng (tăng trưởng 5,2%). EPS năm 2018 là 9.358đ; P/E năm 2018 là 12,8 lần.

Cho năm 2019, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 58.393 tỷ đồng (tăng trưởng 9%) và LNTT 6.219 tỷ đồng (tăng trưởng 6,9%) với những giả định chính như sau.

–     Số lượng máy bay đến cuối năm tăng lên 76 chiếc (tăng 18,8%) từ 64 chiếc vào cuối năm 2018.

–     VJC đặt mục tiêu khai thác 145.870 chuyến bay (tăng 22,7%) và chuyên chở được 27,7 triệu lượt hành khách (tăng 20,1%).

–     Tỷ lệ ghế lấp đầy duy trì bằng với năm 2018 là 88,06%.

–     Doanh thu và LNTT từ hàng không lần lượt là 42.250 tỷ đồng (tăng 25,1%) và 3.800 tỷ đồng (tăng 24,8%).

Tại ĐHCĐTN, Công ty đã chỉ ra một số chiến lược chủ chốt cho năm nay để có thể đạt được kế hoạch kinh doanh đề ra như sau.

  1. Thị trường quốc tế sẽ là động lực tăng trưởng chính cho VJC trong năm nay –

Trong năm 2019, Công ty dự kiến mở thêm 20 chặng bay và tập trung chủ yếu vào các chặng quốc tế đi Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hong Kong và thậm chí cả Úc. Điều này có nghĩa là số chặng bay sẽ tăng 19,1% lên 125 chặng. Từ đầu năm, Công ty đã mở thành công 8 chặng bay mới đưa tổng số chặng bay lên 113 chặng (tăng 7,6% so với đầu năm) từ 105 chặng tại thời điểm cuối năm 2018.

Hợp tác với các hãng hàng không truyền thống để khai thác các chặng bay dài – VJC đã ký thỏa thuận hợp tác với một số hãng hàng không truyền thống gồm Japan Airlines và Qatar Airways để mở rộng mạng lưới ra khỏi Đông Á sang Châu Âu và Mỹ. Các hãng hàng không sẽ thực hiện các chuyến bay liên danh. Nghĩa là hành khách có thể đặt các chuyến bay của những hãng hàng không truyền thống này thông qua hệ thống đặt vé của VJC và ngược lại. Các chặng bay dài (trên 6 tiếng) không phù hợp cho mô hình hàng không giá rẻ vì đòi hỏi máy bay thân rộng trong khi tỷ lệ ghế lấp đầy thường thấp ở những chặng bay dài. Do đó việc hợp tác giữa các hãng hàng không truyền thống có vẻ là cách tốt nhất để VJC tiếp cận các khách hàng bay chặng dài.

Về thị trường nội địa, Công ty sẽ duy trì vị thế đứng đầu – VJC gần đây công bố sẽ mở 5 chặng bay nội địa mới để kết nối Sân bay Cần Thơ với các điểm du lịch khác như Đà Nẵng và Nha Trang. Những chặng bay này sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng.

  1. Số lượng máy bay tiếp tục tăng với tốc độ hai con số và tập trung vào máy bay lớn có thân hẹp –

–     Số lượng máy bay sẽ tăng lên 78 chiếc vào năm 2019 từ 64 chiếc vào cuối năm 2018. Trong đó, Công ty dự kiến sẽ nhận 4 máy bay Boeing 737 Max 200 trong Q4, bắt đầu từ tháng 10. Tuy nhiên do những vụ tai nạn gần đây của máy bay Boeing 737 max, chúng tôi tin rằng thời gian giao máy bay sẽ chậm lại vì Công ty vẫn đang chờ kết luận điều tra cuối cùng từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ cũng như sự chỉ đạo mới từ Cục Hàng không Việt Nam. Sau khi trao đổi với Công ty, chúng tôi được biết Công ty nhiều khả năng sẽ gia hạn hợp đồng thuê 4 máy bay Airbus A320 dự kiến sẽ hết thời hạn thuê trong năm nay. Công ty vẫn giữ nguyên mục tiêu ban đầu là cho số lượng máy bay năm 2019 là 78 chiếc.

–     Từ đầu năm, Công ty đã nhận 6 máy bay mới, nâng số lượng máy bay lên 70 chiếc (tăng 9,4% so với đầu năm). Toàn bộ máy bay mới nhận từ đầu năm là máy bay Airbus A321neo, là máy bay lớn có thân hẹp, có tới 230-240 ghế. Những chiếc Airbus A321neo sẽ thay thế những chiếc Airbus A320 chỉ có 180 ghế.

  1. Tiết kiệm chi phí hiện là ưu tiên hàng đầu đối với VJC nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh đối với các hãng hàng không khác –

–     Áp dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp thân thiện với môi trường trong hoạt động hằng ngày là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vietjet hiện nay. Bằng việc phân tích các mặt hoạt động và bảo dưỡng, dịch vụ SFCO2® của Safran đã xây dựng các thủ tục và khuyến nghị nhằm giải quyết nhu cầu của VJC trong việc sử dụng hiệu quả hơn nhiên liệu, giúp giảm tới 5% mức tiêu thụ nhiên liệu.

–     Bên cạnh đó VJC sẽ đổi mới máy bay, chẳng hạn như đổi sang máy bay A321neo giúp tiết kiệm 16% chi phí nhiên liệu từ các mẫu máy bay cũ, giúp giảm cơ cấu chi phí hoạt động.

–     Trên thực tế, Công ty đặt mục tiêu năm 2019 tiết kiệm 5,5% chi phí hoạt động theo giờ.

–     Chúng tôi còn được biết VJC đang làm việc chặt chẽ với Airbus để hoàn thiện mẫu thiết kế máy bay phù hợp nhất với yêu cầu của VJC. Trong tương lai, Công ty sẽ đưa vào sử dụng một số máy bay thân hẹp bay chặng dài phù hợp cho các chuyến bay dài (6-8 tiếng trở lên). Hiện tại, đã có 3 máy bay có 2 bình chứa nhiên liệu, chỉ dùng cho các chặng bay sang Nhật Bản. Trong tương lai, Công ty sẽ nâng số lượng máy bay thân hẹp, bay chặng dài để mở các chuyến bay mới trực tiếp kết nối các địa điểm như Úc (trên 8 giờ bay) và Ấn Độ.

Chính sách cổ tức năm 2018 – Cho năm 2018, cổ đông đã thông qua phương án trả cổ tức tiền mặt là 3.000đ/cp và cổ tức bằng cổ phiếu là 25% mệnh giá. Cụ thể như sau.

–     Công ty đã tạm ứng 2.000đ/cp cổ tức trong tháng 9 năm ngoái, và phần cổ tức tiền mặt còn lại là 1.000đ/cp sẽ được trả vào ngày 10/5/2019, với ngày đăng ký cuối cùng là ngày 24/4/2019.

–     Cổ tức bằng cổ phiếu 25% mệnh giá sẽ được chi trả sau Đại hội, cụ thể công ty sẽ phát hành 135.420.833 cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 6.770 tỷ đồng (tăng  25,0%), tương đương tổng số cổ phiếu đang lưu hành mới là 677.014.167 cổ phiếu (tăng 25,0%).

Chính sách cổ tức năm 2019 – Tại ĐHCĐTN, VJC đã được cổ đông thông qua phương án trả cổ tức 50% mệnh giá. Tuy nhiên, Công ty vẫn chưa quyết định hình thức chi trả. Đại hội đã ủy quyền HĐQT quyết định về hình thức, thời gian và các vấn đề liên quan khác đến chi trả cổ tức.

Cho giai đoạn 2019-2021, Công ty cũng đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu thuần tăng trưởng tốc độ kép trung bình hàng năm là 39,4% và LNTT là 33,5% – Cụ thể, đến năm 2021, Công ty đặt mục tiêu chuyên chở 36 triệu hành khách, đạt doanh thu thuần 113.461 tỷ đồng và 11.089 tỷ đồng LNTT.

Đại hội cũng thông qua việc ủy quyền cho HĐQT – (1) đưa ra quyết định liên quan đến các thương vụ có giá trị tương đương hoặc lớn hơn 50% tổng tài sản theo hạch toán trên BCTC mới nhất, (2) đưa ra quyết định liên quan đến việc đầu tư mua hoặc thanh lý các tài sản có giá trị tương đương hoặc lớn hơn 50% tổng tài sản theo hạch toán trên BCTC mới nhất, và (3) tham gia vào các thương vụ với các bên liên quan mà giá trị giao dịch tương đương hoặc lớn hơn 30% tổng tài sản theo hạch toán trên BCTC mới nhất.

Cho năm 2019, HSC dự báo doanh thu thuần tăng trưởng 10,6% và LNST tăng trưởng 16,8% – HSC dự báo doanh thu thuần đạt 59.261 tỷ đồng (tăng trưởng 10,6%) và LNTT là 6.793 tỷ đồng (tăng trưởng 16,8%). Giả định chính của chúng tôi là:

Giả định doanh thu từ vận tải hành khách tăng trưởng 21,6% đạt 30,0 nghìn tỷ đồng nhờ:

–     ASK tăng 24,1% lên 39.445 triệu ghế.km do số lượng chuyến bay tăng 20,5% lên 143.256 chuyến.

–     Lượng hành khách tăng 20,9% đạt 27,8 triệu hành khách bao gồm 17,2 triệu lượt khách nội địa (tăng 8,0%) và 10,6 triệu lượt khách quốc tế (tăng 50,0%);

–     Giá vé bình quân không đổi, là 1,1 triệu đồng nhờ cơ cấu hành khách tốt hơn, với tỷ trọng đóng góp lớn hơn từ hành khách quốc tế thường có giá vé cao hơn, bù đắp cho giá vé trên mỗi ghế trên mỗi chặng bay giảm do chi phí nhiên liệu giảm.

Doanh thu phụ trợ đạt 11,6 nghìn tỷ đồng (tăng 37,8%) nhờ lượng hành khách tăng 20,9% và doanh thu phụ trợ bình quân mỗi hành khách tăng 15%.

Doanh thu khác giảm xuống 17,7 nghìn tỷ đồng với:

–     Số lượng máy bay bán và cho thuê lại giảm nhẹ từ 16 chiếc của năm 2018 xuống còn 13 chiếc trong năm 2019.

–     Giá bán máy bay bình quân tăng nhẹ 5%.

Ước tính lợi nhuận gộp đạt 8,4 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 12,1%) trong khi đó tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 14,0% năm ngoái lên 14,2% nhờ giá dầu giảm và công tác quản lý chi phí tốt hơn.

–     Đến cuối năm 2019 chúng tôi dự báo đội máy bay của VJC sẽ tăng lên 76 máy bay (tăng 18,8%) gồm 75 máy bay thuê hoạt động và 1 máy bay sở hữu.

–     HSC dự báo chi phí nhiên liệu giảm do giá dầu Brent bình quân sẽ giảm 11% xuống 65 USD/thùng.

–     Tỷ suất gộp từ bán và cho thuê lại máy bay giảm nhẹ từ 14,9% trong năm ngoái xuống 14,5%.

Chi phí bán hàng và quản lý tăng 13,5% lên 1,14 nghìn tỷ đồng; dù tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu (không tính doanh thu bán máy bay) giảm xuống 2,7% từ 3,0% trong năm ngoái. Lỗ tài chính thuần giảm từ 586,5 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 376,2 tỷ đồng chủ yếu do lỗ tỷ giá giảm.

Nhìn chung, chúng tôi dự báo EBITDAR đạt 17,7 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 21,1%) và EBITDA là 7,6 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 13,9%). Ở mức hiện tại là 115.000đ, EV/EBITDAR là 3,4 lần và EV/EBITDA là 7,9 lần. Nếu không bao gồm các giao dịch của SLB, EBITDAR lõi ước tính là 15,3 nghìn tỷ đồng (tăng 30,7%) và EV/EBITDAR là 3,9 lần.

Theo đó, LNTT dự báo tăng trưởng 16,8% lên 6,8 nghìn tỷ đồng, nếu không bao gồm lợi nhuận từ bán và cho thuê lại máy bay, thì LNTT từ hoạt động kinh doanh chính là 4,5 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 48,8%).

Và do thuế suất hiện hành của hoạt động kinh doanh chính tăng từ 10% lên 20% trong năm 2019, chúng tôi dự báo LNST đạt 5,6 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 5,4%), EPS là 10.381đ. Ở mức giá hiện tại là 115.000đ, P/E dự phóng là 11, lần. Nếu không bao gồm lợi nhuận từ SLB, EPS lõi dự phóng năm 2019 là 5.859đ, P/E lõi là 19,6 lần.

Cạnh tranh trong nước gia tăng với sự gia nhập của Bamboo Airways và đây được xem là nguy cơ cạnh trạnh tiềm ẩn đối với VJC trong ngắn hạn – Bamboo Airways là hãng hàng không thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC, một tập đoàn chuyên về xây dựng tại Việt Nam. FLC Group cũng sở hữu nhiều khách sạn và các cơ sở hạ tầng du lịch khác và thực tế là đang mở đường bay đến các sản phẩm nghỉ dưỡng của chính tập đoàn này. Hãng hàng không mới này dự kiến sẽ cung cấp các chuyến bay trong nội địa Việt Nam trước khi mở rộng sang thị trường Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc và cạnh tranh thị phần với các hãng hàng không giá rẻ khác (Jetstar Pacific và VietJet Air) cũng như các hãng hàng không truyền thống (Vietnam Airlines). Cho cả năm 2019, Bamboo Airways dự kiến sẽ vận hành tổng cộng 37 chặng bay nội địa.

Đến hiện tại, Bamboo Airways đang vận hành 17 chặng bay nội địa và tập trung vào các địa điểm có resort của FLC như Bình Định, Thanh Hóa, Phú Quốc và Nha Trang. Hiện tại, đội bay của Bamboo gồm khoảng 6 máy bay với thân máy bay hẹp như Airbus A320, A321neo. Hầu hết máy bay hoạt động theo hợp đồng bao thuê bao trọn (thuê ướt). Công ty hướng đến mở rộng đội bay lên 24 máy bay 24 Airbus A321neo và 20 máy bay Boeing 787 Dreamliner. Bamboo Airways đã hoàn thành đặt cọc vào giữa tháng 6/2018 cho đặt mua 20 máy bay và dự kiến bàn giao máy bay từ tháng 4/2020 đến năm 2021. Đây là kế hoạch đầy tham vọng đối với một hãng hàng không mới và để xem liệu hãng này có hoàn thành mục tiêu mở rộng sang các thị trường mới. Chiến lược hiện tại của Bamboo là áp dụng giá rẻ cho tất cả các chặng bay để thu hút hành khách. Do đó, chúng tôi nhìn nhận Bamboo Airways là đối thủ mới của VJC.

Công ty gần đây đã ký Biên bản ghi nhớ với Sân bay quốc tế Prague tại Cộng hòa Czech để mới chuyến bay thẳng từ Hà Nội đến Praha trong thời sắp tới, sử dụng máy báy Boeing 787 Dreamliner. Bamboo sẽ tổ chức các chuyến bay thuê nguyên chuyến sử dụng máy bay Airbus A321 Neo từ ngày 28/4 từ Việt Nam đến Sân bay Ibaraki, Nhật Bản.

AirAsia hủy bỏ liên doanh Việt Nam vào ngày 17/4/2019 – Air Aisa, cùng với Công ty TNHH Gumin và Công ty Hàng không Hải Âu (Thiên Minh Group) hôm qua đã đồng thuận chấm dứt thỏa thuận hợp tác thành lập liên doanh tại Việt Nam. Ban đầu, vào tháng 11/2018, Thiên Minh Group và Air Asia đã ký MOU về thành lập một hãng hàng không mới với vốn đầu tư một nghìn tỷ đồng. Theo thỏa thuận này, Air Asia sẽ nắm 30% cổ phần và Thiên Minh Group nắm 70% cổ phần còn lại tại liên doanh này. Và theo như lịch trình dự kiến, liên doanh của Air Asia sẽ có thể có chuyến bay đầu tiên tại thị trường nội địa Việt Nam vào tháng 8 năm nay.

–     Tuy nhiên, bất chấp những diễn biến mới này, chúng tôi thấy rằng Việt Nam vẫn là đất nước có rất nhiều cơ hội trong ngành hàng không mà Air Asia muốn xây dựng một hãng bay giá rẻ nhờ vào các yếu tố như sau: (1) vị trí địa lý thuận lợi, (2) thị trường hàng không liên tục mở rộng và (3) tiềm năng tăng trưởng chung. Hiện tại, Air Asia vẫn đang tìm kiếm đối tác trong nước mới để thành lập liên doanh tại Việt Nam.

–     Trước sự việc này, thời gian để Air Asia có chuyến bay nội địa đầu tiên tại Việt Nam sẽ tiếp tục kéo dài. Thông thường sau khi nộp hồ sơ xin cấp phép hoạt động, các hãng hàng không sẽ phải đợi khoảng 6 tháng để được nhận phê duyệt cuối cùng. Do đó, chúng tôi cho rằng liên doanh của Air Asia sẽ bắt đầu có chuyến bay đầu tiên trong năm 2020 là sớm nhất.

–     Thông tin này được xem là yếu tố tích cực ngắn hạn đối với VJC và Jetstar Pacific (công ty con của HVN) khi lo ngại về việc gia tăng tính cạnh tranh trong phân khúc hàng không giá rẻ sẽ tạm thời giảm nhiệt. Mặt khác, chúng tôi cũng được biết Vietravel – một đại lý du lịch lớn tại Việt Nam cũng mong muốn thành lập hãng hàng không riêng với tên gọi Vietravel Airlines.

Vấn đề liên quan đến máy bay Boeing 737 Max – Chúng tôi nhắc lại rằng Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) đã quyết định tạm ngừng hoạt động của máy bay Boeing 737 Max 8/9 bay trong vùng trời Việt Nam. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ 10h sáng ngày 13/3/2019. Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam chưa khai thác dòng máy bay Boeing 737 Max mặc dù Vietjet đã ký hợp đồng đặt mua 200 chiếc máy bay B737 Max (8/10), với thời gian giao máy bay là 2019-2025. Chiếc máy bay đầu tiên dự kiến sẽ về trong tháng 10 năm nay. Ở thời điểm này, VJC sẽ theo dõi sát sao thông tin từ Cục Hàng không cũng như diễn biến quốc tế. Chúng tôi tin rằng VJC sẽ xem xét vấn đề này một cách thận trọng, tìm kiếm giải pháp khác để thay thế nếu cần thiết để hoàn thành kế hoạch mở rộng đội bay trong hai năm tới.

Quan điểm đầu tư – Tiếp tục đánh giá Khả quan. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 129.765đ, tương đương P/E dự phóng là 12,5 lần, là P/E bình quân khu vực, điều chỉnh giảm so với ước tính trước đó, là 148.217đ do P/E bình quân khu vực cũng giảm so với trước đó, là 13 lần. Trong tương lai, động lực tăng trưởng chính trong trung hạn là tiềm năng tăng trưởng của ngành hàng không nói chung và đặc biệt là thị trường hàng không giá rẻ mà VJC dẫn đầu tại Việt Nam, với triển vọng mở thêm các chặng bay quốc tế mới đến Bắc Á. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chúng tôi giữ quan điểm thận trọng khi cân nhắc áp lực cạnh tranh của thị trường hàng không trong nước cũng như rủi ro có sự trì hoãn trong bàn giao máy bay Boeing 737 Max, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng đội bay của VJC.

Nguồn: HSC

 

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý