
Doanh thu thuần giảm 2,7% so với cùng kỳ – xuống còn 1.125,7 tỷ đông. Cụ thể:Doanh thu thuốc bảo vệ thực vật & giống cây trồng giảm 3,7% so với cùng kỳ xuống còn 974,3 tỷ đồng; đóng góp 86,6% tổng doanh thu.
Doanh thu khử trùng & dịch vụ PCO tăng 4,4% so với cùng kỳ lên 146,1 tỷ đồng; đóng góp 13% tổng doanh thu.
Doanh thu cho thuê văn phòng đóng góp 0,5% còn lại, đạt 5,3 tỷ đồng (tăng 3,1% so với cùng kỳ).
Lợi nhuận gộp và cả tỷ suất lợi nhuận gộp giảm – Lợi nhuận gộp giảm 15,8% so với cùng kỳ xuống còn 257,9 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 24,5%; thấp hơn nhiều mức 27,8% trong 6 tháng đầu năm 2016. Điều này một phần là do khoản giảm giá vốn hàng bán trong đó chiết khấu thanh toán nhà cung cấp dành cho VFG giảm từ 21 tỷ đồng xuống còn 12,3 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp thuốc bảo vệ thực vật & giống cây trồng giảm 7,3% so với cùng kỳ xuống còn 260,6 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 22,3% xuống còn 19,1%. Trái lại doanh thu khử trùng & dịch vụ PCO tăng 4,4% so với cùng kỳ lên 146 tỷ đồng còn lợi nhuận gộp tăng 5,2% lên 57,3 tỷ đồng. Doanh thu thuốc bảo vệ thực vật giảm có vẻ là do:
Cạnh tranh mạnh mẽ từ đối thủ cạnh tranh chính khiến công ty phải tăng chiết khấu cho đại lý – Tập đoàn Lộc Trời (LTG) hiện là doanh nghiệp đầu ngành với 20% thị phần trong khi thị phần của VFG là 7-8%. Sau khi tái cơ cấu kênh phân phối, LTG hiện đang đẩy mạnh hoạt động bán hàng. Công ty này đang làm việc trực tiếp với các đại lý bán lẻ trong khi VFG vẫn giữ kênh phân phối 2 cấp (VFG bán hàng trực tiếp cho đại lý bán buôn để đại lý bán buôn bán lại cho các đại lý bán lẻ). Như vậy các đại lý bán lẻ sẽ nhận được chiết khấu cao hơn khi bán sản phẩm của LTG do không thông qua các đại lý bán buôn. Do vậy để giữ thị phần, VFG buộc phải tăng chiết khấu bán hàng cho đại lý bán buôn (và đại lý bán buôn sẽ tăng chiết khấu đại lý bán lẻ). Do vậy khoản giảm trừ doanh thu tăng 35% lên 74,9 tỷ đồng.
Nhu cầu bị ảnh hưởng do mưa lớn và tập trung, thiệt hại do sâu bệnh và các dịch bệnh khác cao hơn bình thường – Theo đó sản xuất giảm do một số hộ nông dân đã quyết định bỏ không sử dụng thuốc để cứu mùa màng.
Chúng tôi cho rằng lý do đầu tiên là nguyên nhân chính đằng sau việc tỷ suất lợi nhuận giảm. Theo đó VFG đã bị đặt vào tình thế bất lợi trừ khi công ty cũng làm theo LTG là bán hàng trực tiếp đến đại lý bán lẻ.
Lợi nhuận tài chính thuần dương trở lại sau khi âm trong năm ngoái – Doanh thu HĐ tài chính tăng 59% so với cùng kỳ lên 8,6 tỷ đồng do tiền gửi ngân hàng tăng. Tại thời điểm cuối tháng 6, tiền gửi kỳ hạn ngắn là 200 tỷ đồng (tại thời điểm cuối tháng 6/2016 là 40 tỷ đồng). Trong khi đó chi phí tài chính giảm 15,3% so với cùng kỳ xuống còn 5,3 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận tài chính thuần đạt 3,4 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái công ty ghi nhận lỗ tài chính thuần là 0,8 tỷ đồng).
Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu giảm nhẹ – Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu giảm nhẹ từ 18,9% cùng kỳ xuống còn 18,5%. Điều này chủ yếu là do phí dịch vụ thuê ngoài giảm mạnh từ 36,1 tỷ đồng xuống còn 7,8 tỷ đồng. Trong năm 2016 VFG đã tăng cường hoạt động marketing để đẩy mạnh bán hàng nên công ty đã chi nhiều cho dịch vụ thuê ngoài liên quan đến hoạt động này. Trong năm nay do hoạt động đẩy mạnh bán hàng không còn là mục tiêu chính nên công ty sẽ giảm bớt chi cho hoạt động này.
Lợi nhuận khác là 11,8 tỷ đồng – Trong Q1 năm ngoái, VFG ghi nhận lợi nhuận khác là âm 2,8 tỷ đồng. Công ty đã ghi nhận 9,7 tỷ đồng doanh thu khác từ thanh lý một số tài sản cố định.
Theo đó LNST đạt 61,7 tỷ đồng (giảm 17,7% so với cùng kỳ) với tỷ suất LNST là 5,9% (năm ngoái là 6,8%).
Vay nợ tăng – Tổng nợ tăng gần gấp đôi từ 127 tỷ đồng vào đầu năm lên 234,4 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 6. Công ty đã vay với lãi suất thấp và đem gửi ngân hàng với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch. Tiền gửi kỳ hạn ngắn là 200 tỷ đồng (vào đầu năm không có tiền gửi kỳ hạn ngắn).
Nhà máy mới đã đi vào hoạt động từ tháng 6/2017 với công suất hoạt động là 42% – Nhà máy mới tại Long An đã đi vào hoạt động vào tháng 6 và VFG đã chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất sang nhà máy mới này. Trên tổng diện tích là 3,3 ha, VFG sử dụng 2,1 ha để xây nhà máy mới với công suất tối đa là 9.500 tấn/năm (nhà máy cũ có công suất 3.500 tấn/năm). Tuy nhiên hiện công suất hoạt động của nhà máy mới mới chỉ đạt 4.000 tấn/năm; tương đương 42% công suất thiết kế. Công ty dự kiến sẽ ổn định hoạt động của nhà máy mới trong năm nay.
Phát hành cổ phiếu thưởng – Vào tháng 7/2017, VFG đã phát hành 5.485.030 cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển. Theo đó vốn điều lệ của công ty tăng thêm 54,85 tỷ đồng từ 182,8 tỷ đồng lên 237,7 tỷ đồng (tăng 30%).
Sẽ trả cổ tức đợt 1 năm 2017 vào tháng 8 – VFG công bố nghị quyết HĐQT vào ngày 17/7 thông qua quyết định chi trả cổ tức 1.000đ/cp từ nguồn lợi nhuận 6 tháng đầu năm. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 4/8.
Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo với LNST chỉ tăng trưởng 0,5% – Hiện chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 2.282 tỷ đồng; giảm 0,4% và thấp hơn 5% so với dự báo trước đây là 2.406 tỷ đồng. LNST đạt 147,1 tỷ đồng, tăng trưởng 0,5% và thấp hơn 6% dự báo trước đây là 156,6 tỷ đồng. Giả định của chúng tôi bao gồm:
1. Doanh thu thuần giảm 0,4% và đạt 2.282 tỷ đồng với giả định doanh thu thuốc bảo vệ thực vật & giống cây trồng giảm 0,6% và đạt 2.089 tỷ đồng;
2. Giả định doanh thu khử trùng & dịch vụ PCO tăng trưởng 4% và đạt 326,6 tỷ đồng;
3. Doanh thu mảng BĐS tăng nhẹ 1% lên 10,5 tỷ đồng;
4. Tổng chi phí đầu tư cho nhà máy mới là 150 tỷ đồng; trong đó 110 tỷ đồng đầu tư xây nhà máy và 40 tỷ đồng để mua máy móc thiết bị. Thời gian khấu hao là 20-25 năm cho nhà xưởng và 6-7 năm cho máy móc thiết bị; theo đó chúng tôi dự báo chi phí khấu hao sẽ tăng 43% trong năm nay lên 18,8 tỷ đồng. Tuy nhiên điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá vốn hàng bán do chi phí khấu hao chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá vốn hàng bán.
5. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận gộp đạt 572 tỷ đồng (giảm 3,1%) và tỷ suất lợi nhuận gộp là 25%, thấp hơn so với mức 25,8% trong năm ngoái.
6. Chúng tôi giả định tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu thuần là 17,3%; giảm so với mức 17,42% trong năm ngoái.
Theo đó, chúng tôi dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ là 147,1 tỷ đồng (tăng trưởng 0,5%), EPS là 5.572đ.
Nhà máy mới có thể tăng công suất và đem lại thành quả từ năm 2018 – VFG cần 6 tháng nâng công suất nhà máy mới nên sẽ chưa thể giúp lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2017. Trong khi đó sự cạnh tranh từ Lộc Trời sau khi cắt kênh phân phối trung gian gây khó khăn nhiều hơn cho VFG. Nói chung năm 2016 là năm khó khăn cho ngành nông nghiệp nói chung trong đó thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến nhu cầu đối với thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng. Cho dù vậy, chiến lược của VFG là tăng tỷ suất lợi nhuận nhờ nâng tỷ trọng sản phẩm tự sản xuất tại nhà máy mới cuối cùng sẽ đem lại thành quả. Chúng tôi kỳ vọng từ năm sau công suất hoạt động của nhà máy mới sẽ tăng dần đến mức hòa vốn.
Quan điểm đầu tư – Tiếp tục đánh giá Khả quan. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 69.849đ, tương đương P/E dự phóng là 12,5 lần. Ở mức giá hiện tại, P/E của cổ phiếu VFG là 9,3 lần. Trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, thì Q4 rơi vào vụ đông xuân, là vụ quan trọng nhất quyết định tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, do cạnh tranh trong ngành gay gắt nên chúng tôi cho rằng VFG sẽ khó có thể hoàn thành kế hoạch đề ra năm nay (VFG đặt kế hoạch doanh thu thuần là 2.500 tỷ đồng và LNST là 150 tỷ đồng). Tuy nhiên triển vọng tăng trưởng dài hạn vẫn giữ nguyên và VFG đã đặt mục tiêu doanh thu khá tham vọng đến năm 2020 là 4.000 tỷ đồng.