Sự kiện: Công bố KQKD vào ngày 30/10/2024
TPB đã công bố KQKD Q3/2024 với LNTT đạt 1.731 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ nhưng giảm 9% so với quý trước) nhờ thu nhập lãi thuần tăng 7% so với cùng kỳ và chi phí dự phòng giảm 35% so với cùng kỳ. LNTT 9 tháng đầu năm 2024 của TPB đạt 5.464 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ), bằng 74% dự báo cả năm và sát với dự báo 9 tháng của chúng tôi.
Tín dụng tăng trưởng mạnh trong quý
Tín dụng Q3/2024 tăng trưởng 13,5% kể từ đầu năm (tăng 9,7% so với quý trước) đạt 247 nghìn tỷ đồng, nhờ tổng dư nợ cho vay tăng 14,4% kể từ đầu năm (tăng 10,4% so với quý trước) lên 235 nghìn tỷ đồng trong khi TPDN gần như đi ngang ở mức 12 nghìn tỷ đồng. Đối với cơ cấu cho vay theo khách hàng, tín dụng phân khúc khách hàng doanh nghiệp tăng 24% kể từ đầu năm đạt 119 nghìn tỷ đồng trong khi tín dụng phân khúc khách hàng cá nhân chỉ tăng 7% kể từ đầu năm đạt 115 nghìn tỷ đồng.
Đối với huy động, tiền gửi khach hàng tăng 8% kể từ đầu năm đạt 225 nghìn tỷ đồng trong khi cho vay LNH giảm 4% kể từ đầu năm xuống 81 nghìn tỷ đồng được bù đắp tăng trưởng mạnh của giấy tờ có giá (tăng 50% kể từ đầu năm đạt 36 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm xuống 19,3% từ 22,2% tại thời điểm cuối Q2/2024, vẫn là cơ sở vững chắc.
Bảng 1: KQKD Q3/2024, TPB
Tỷ lệ NIM giảm xuống do tín dụng tăng trưởng rất nhanh
Tỷ lệ NIM Q3/2024 giảm 16 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 24 điểm cơ bản so với cùng kỳ) xuống 3,95%, do lợi suất gộp giảm 20 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 149 điểm cơ bản so với cùng kỳ) xuống 7,67% nhưng chi phí huy động chỉ giảm 3% so với quý trước (giảm 168 điểm cơ bản so với cùng kỳ) xuống 3,81%.
Tỷ lệ NIM sụt giảm chủ yếu do dư nợ tín dụng Q3 tăng mạnh, tăng trưởng tín dụng bổ sung không đem lại nhiều thu nhập lãi. Trên thực tế, thu nhập lãi thuần Q3/2024 của TPB chỉ tăng 7% so với cùng kỳ (và giảm 2% so với quý trước) đạt 3.173 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần tăng 17% so với cùng kỳ đạt 9.837 tỷ đồng, bằng 69% dự báo cả năm và thấp hơn một chút so với dự báo 9 tháng của chúng tôi.
Thu nhập ngoài lãi sụt giảm do lỗ HĐ kinh doanh ngoại hối và mua bán trái phiếu trong khi lãi thuần HĐ dịch vụ vững chắc
Thu nhập ngoài lãi Q3/2024 giảm 34% so với cùng kỳ đạt 822 tỷ đồng do lỗ thuần HĐ kinh doanh ngoại hối 47 tỷ đồng và lỗ mua bán trái phiếu 61 tỷ đồng do lợi suất TPCP tăng lên trong 9 tháng đầu năm 2024 (lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm tăng lên khoảng 2,7-2,8% từ mức nền thấp 2,3% vào đầu năm nay).
Về mặt tích cực, lãi thuần HĐ dịch vụ hồi phục 19% so với cùng kỳ đạt 795 tỷ đồng nhờ phí dịch vụ thanh toán tăng mạnh 33% so với cùng kỳ trong khi hoa hồng bancassurance đi ngang so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động tăng nhẹ nhờ kiểm soát tốt chi phí tiền lương
Tổng chi phí hoạt động Q3/2024 tăng 6% so với cùng kỳ lên 1.425 tỷ đồng, chủ yếu do cả chi phí tiền lương và chi phí quản lý chỉ tăng nhẹ (tổng cộng 8%) lên lần lượt 764 tỷ đồng và 300 tỷ đồng. Số lượng nhân viên vẫn giữ nguyên là 7.448 nhân viên, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021.
Hệ số CIR hàng quý tăng lên 35,7% từ 32,6% trong Q2/2024.
Chất lượng tài sản cho thấy bức tranh trái chiều
Tỷ lệ nợ xấu của TPB tăng lên 2,29% từ 2,06% tại thời điểm cuối Q2/2024 nhưng vẫn thấp hơn mức 2,97% tại thời điểm cuối Q3/2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm xuống 2,22% từ 2,61% tại thời điểm cuối Q2/2024. Hệ số LLR giảm xuống 59% từ 66% trong Q2/2024.
Nợ xấu mới hình thành Q3/2024 là 1.551 tỷ đồng, bằng 0,66% tổng dư nợ cho vay, tăng từ 0,35% trong Q2/2024 nhưng thấp hơn đáng kể so với mức 1,44% trong Q3/2023.
Chi phí dự phòng giảm 35% so với cùng kỳ xuống 848 tỷ đồng trong Q3/2024, tương đương chi phí tín dụng là 1,62% (giảm từ 1,94% trong Q2/2024) – chúng tôi đánh giá đây vẫn là mức cơ sở vững chắc. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, chi phí dự phòng tăng 50% so với cùng kỳ lên 2.968 tỷ đồng, bằng 84% dự báo cả năm 2024 của chúng tôi. TPB đã chủ động trích lập dự phòng để hạn chế nợ xấu mới hình thành trong quý.
HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu
Sau khi giá cổ phiếu tăng 15% trong 3 tháng qua, Cổ phiếu TPB đang giao dịch với P/B trượt dự phóng 1 năm là 1,21 lần, sát bình quân nhóm NHTM tư nhân ở mức 1,24 lần. HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu.
Nhìn chung, tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2024 và chất lượng tài sản cảu TPB là tương đối tích cực, từ đó củng cố niềm tin Ngân hàng sẽ hoàn thành dự báo cả năm của chúng tôi (7.380 tỷ đồng, tăng trưởng 32%).
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.