Sự kiện: Công bố KQKD sơ bộ tháng 12/2021
KQKD tháng 12/2021 của TCM đã hồi phục so với tháng trước do hàng tồn kho giá cao từ cuối Q3/2021 chủ yếu được bán ra trong tháng 10 và tháng 11/2021. Do đó, lợi nhuận thuần tháng 12/2021 tăng mạnh lên 15 tỷ đồng so với lần lượt 3 tỷ đồng và 1,9 tỷ đồng trong tháng 11 và tháng 10/2021.
Đồ thị cổ phiếu TCM phiên giao dịch ngày 24/01/2022. Nguồn: AmiBroker
Lợi nhuận thuần sơ bộ cả năm 2021 giảm 50% xuống 138 tỷ đồng (5,75 triệu USD), vượt 8,7% dự báo của chúng tôi. Ngoài ra, doanh thu thuần sơ bộ cả năm 2021 tăng trưởng 2% đạt 3.523 tỷ đồng, sát với dự báo của HSC.
So với kế hoạch của Công ty, TCM chỉ hoàn thành lần lượt 47% và 83% kế hoạch lợi nhuận thuần và doanh thu thuần năm 2021.
Mặc dù giảm so với cùng kỳ, lợi nhuận thuần tháng 12/2021 đã hồi phục so với tháng trước
Hàng tồn kho giá cao tích lũy trong Q3/2021 do thực hiện các biện pháp phong tỏa hầu hết đã được bán trong KQKD tháng 10 và tháng 11/2021. Nhờ đó, tỷ suất lợi nhuận thuần của TCM đã cải thiện lên 6,2% trong tháng 12/2021 so với 1,1% trong tháng 11/2021. Lợi nhuận thuần tháng 12/2021 đạt 15 tỷ đồng (0,6 triệu USD), tăng 5 lần so với tháng trước.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ, lợi nhuận vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Lợi nhuận thuần tháng 12/2021 giảm 38% so với cùng kỳ mặc dù doanh thu thuần tăng 14% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận thuần trong tháng 12/2021 là 6,2% vẫn thấp hơn mức 11,4% trong tháng 12/2020. Tỷ suất lợi nhuận giảm là do giá bông tăng và chi phí vận tải tăng do cước container tăng.
Theo đó, lợi nhuận thuần sơ bộ Q4/2021 của TCM đạt 20,8 tỷ đồng (giảm 73,0% so với cùng kỳ), so với mức lỗ 2,9 tỷ đồng trong Q3/2021. Doanh thu thuần sơ bộ Q4/2021 đạt 817 tỷ đồng (34,7 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ).
Bảng 1: KQKD sơ bộ tháng 12/2021 của TCM
Lợi nhuận thuần cả năm 2021 giảm 50% với doanh thu thuần đi ngang
Lợi nhuận thuần sơ bộ cả năm 2021 giảm 50% xuống 138,5 tỷ đồng (5,75 triệu USD) trong khi doanh thu thuần gần như đi ngang ở mức 3.523 tỷ đồng (148,8 triệu USD, tăng trưởng 2,0%). Lợi nhuận kém do (1) chi phí hoạt động tăng do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa, (2) giá bông và phí vận chuyển tăng và (3) cơ cấu sản phẩm kém hiệu quả do không còn các đơn hàng vải kháng khuẩn, khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế.
Mảng may mặc, vải và sợi lần lượt đóng góp 76%, 13% và 10% doanh thu thuần cả năm 2021. Theo TCM, KQKD mảng sợi cải thiện trong năm 2021 nhờ giá bán tăng khi giá bông thế giới tăng.
Tuy nhiên, do mảng này chỉ đóng góp 10% doanh thu, kết quả tích cực này không đủ để bù đắp tác động tiêucực của giá bông tới mảng bộ phận may mặc. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận nói chung của TCM chịu ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2021.
HSC duy trì khuyến nghị, dự báo và giá mục tiêu
Lợi nhuận thuần năm 2021 của Cổ phiếu TCM vượt 8,7% dự báo của chúng tôi nhờ tỷ suất lợi nhuận vượt kỳ vọng trong tháng 12/2021. HSC đang chờ BCTC đầy đủ Q4/2021 để đánh giá cụ thể hơn. Trong khi đó, chúng tôi duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị Bán ra đối với TCM.
HSC hiện dự báo lợi nhuận thuần năm 2022 đạt 188 tỷ đồng (tăng trưởng 35,7%) từ mức nền thấp trong năm 2021, và doanh thu thuần đạt 4.298 tỷ đồng (tăng trưởng 22,0%). Trong năm 2023, HSC dự báo lợi nhuận thuần và doanh thu thuần lần lượt đạt 232 tỷ đồng (tăng trưởng 23,4%) và 4.892 tỷ đồng (tăng trưởng 13,8%).
Theo chúng tôi, cổ phiếu TCM hiện vẫn đang ở mức đắt với P/E trượt dự phóng 1 năm là 27,8 lần so với mức bình quân trong quá khứ là 16,5 lần.
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.