TCM (Cổ phiếu TCM) vừa công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2018 với doanh thu đạt 1.648 tỷ đồng (+7%), lợi nhuận gộp đạt 291 tỷ đồng (+15%), tuy nhiên LNST sụt giảm nhẹ 1% ở mức 117 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm, doanh thu và LNST lần lượt đạt 52% và 62% kế hoạch 2018 đề ra.
Đồ thị cổ phiếu TCM phiên giao dịch ngày 26/07/2018. Nguồn: AmiBroker
Cải thiện biên LNG thông qua chiến lược tái cấu trúc ngành sợi
TCM đã tiến hành giảm quy mô ngành sợi thông qua việc đóng cửa 2 nhà máy sợi hoạt động không hiệu quả trong giai đoạn 2014-2017. Dù chiến lược này khiến doanh thu mảng sợi nửa đầu 2018 sụt giảm 39% so với cùng kỳ, tuy nhiên biên LNG đã cải thiện tích cực từ -4% (2017) lên 7% (6T2018).
Đồng thời, công ty đã thực hiện việc tái cơ cấu sản phẩm, tăng tỷ trọng sử dụng sợi nội bộ, nghiên cứu phát triển các sản phẩm sợi chất lượng cao từ nhà máy sợi 4 để gia tăng năng suất, cải thiện biên LNG.
Ngoài ra trong năm 2018, công ty đã bước đầu thâm nhập được vào thị trường Brazil (chiếm 5.6% doanh thu mảng sợi) và đẩy mạnh xuất khẩu sợi tại thị trường Thái Lan (từ 4.3% trong cơ cấu doanh thu sợi năm 2017 lên đến 10.1% năm 2018), ban lãnh đạo TCM đánh giá đây sẽ là các thị trường tiềm năng thúc đẩy biên LNG mảng sợi trong thời gian tới.
Mảng vải dệt ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội
Đây là mảng hoạt động đem lại biên LNG cao nhất cho TCM trong các năm qua (~22% biên LNG). Sau khi đóng cửa nhà máy sợi 2 vào cuối 2017, công ty đã chuyển dịch cơ sở này thành nhà máy vải dệt, mua thêm máy móc thiết bị để gia tăng năng suất. Nửa đầu 2018, doanh thu mảng vải dệt tăng trưởng 58% so với cùng kỳ, với biên LNG tăng từ 22% (2017) lên đến 25% (6T2018).
Đối tác Eland tăng sản lượng đơn hàng áo, TCM dự kiến mua thêm nhà máy may tại Trảng Bàng để mở rộng quy mô
Hiện tại, đơn hàng từ đối tác Eland chiếm 40% trong tỷ trọng doanh thu mảng áo và đang có xu hướng tăng dần. Vì các đơn hàng từ phía Eland đều yêu cầu độ tinh xảo, phong phú trong kiểu dáng với chất lượng cao, nên các đơn hàng này giúp đem lại biên LNG cao nhất (~22%). Theo ban lãnh đạo TCM, công ty đang tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới với chất lượng cao để đáp ứng xu hướng chuyển dịch ngành dệt may, gia tăng năng lực cạnh tranh so với các đối thủ trong ngành.
Ngoài ra, công ty đang thực hiện các thủ tục pháp lý để tiến hành mua lại một nhà máy gia công may tại Trảng Bàng. Hiện TCM đã full năng lực sản xuất với nhu cầu gia công ngoài mỗi năm từ 2.5-3 triệu sản phẩm, việc mua lại đối tác này sẽ giúp công ty tiết kiệm chi phí gia công ngoài, tăng năng lực sản xuất.
Chi phí tài chính tăng 30% so với cùng kỳ
Trong Q2 2018, việc chuyển nhượng 8.9 triệu cổ phiếu công ty CP chứng khoán Thành Công tại mức giá thấp hơn giá trị sổ sách đã khiến TCM phải ghi nhận khoảng lỗ 7 tỷ đồng. Ngoài ra, tác động từ việc nâng lãi suất cho vay và tỷ giá USD/VND tăng mạnh đã khiến chi phí tài chính 6T2018 tăng cao, công ty đã trích lập khoản dự phòng chênh lệch tỷ giá cao gấp 3.5 lần so với cùng kỳ (từ 2.5 tỷ đồng 6T2017 lên đến 8.68 tỷ đồng nửa đầu năm 2018).
Nguồn: VDSC