Dựa trên kế hoạch 110 tỷ đồng LNST trong nửa cuối năm nay, lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của TCM có thể đạt 195 tỷ đồng, tương đương với EPS ~3.300 đồng (sau khi trừ đi quỹ khen thưởng phúc lợi)
Đồ thị cổ phiếu TCM cập nhật ngày 27/07/2017. Nguồn: AmiBroker
Mặc dù doanh thu chung không tăng trưởng, TCM vẫn cho thấy sự cải thiện vượt bậc về mặt lợi nhuận.
Mảng sợi: cắt lỗ từ các nhà máy hoạt động kém hiệu quả
Sản lượng sợi bán ra giảm sút là nguyên nhân chính khiến doanh thu của TCM không tăng trưởng. Tuy nhiên, do mảng sợi vẫn đang ghi nhận lỗ (dù đã giảm hơn 80% so với cùng kỳ) nên điều này đã hỗ trợ tích cực cho lợi nhuận chung của TCM.
Sau khi đóng cửa nhà máy sợi 1 ở quận 4, TCM dự kiến sẽ tiếp tục đóng cửa nhà máy sợi 3 ở Long an trong năm nay; đây đều là các nhà máy hoạt động kém hiệu quả và là nguyên nhân chính khiến mảng sợi của TCM chịu lỗ. Sản phẩm của nhà máy số 3 là sợi OE, đang phải bán lỗ với biên gộp âm (-5%), trong khi các loại sợi khác từ nhà máy sợi số 4 (nhà máy sản xuất chính) có thể mang lại biên gộp từ 7%-8%. Trong trường hợp đóng cửa nhà máy sợi 3, hoạt động của các bộ phận khác sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do sợi OE chủ yếu được dùng để xuất khẩu, còn sợi dùng nội bộ đa số do nhà máy sợi 4 cung cấp.
Mảng vải: triển vọng tăng trưởng còn nhiều
Được đẩy mạnh từ cuối năm 2016 với năng lực sản xuất tăng lên 10 triệu m vải/năm (từ 7 triệu m), vải dệt thoi tiếp tục cho thấy tiềm năng phát triển khi sản lượng bán ra trong nửa đầu năm 2017 đạt xấp xỉ 4 triệu m vải (+20% so với cùng kỳ), đóng góp 9% vào doanh thu TCM. Với biên gộp cao (16%-18%), cùng lực cầu ổn định từ các đối tác Nhật Bản, chúng tôi tiếp tục đánh giá lạc quan mảng sản phẩm này trong thời gian tới.
Về khả năng mở rộng hoạt động mảng vải, chúng tôi cho rằng đây sẽ chưa phải là câu chuyện trong năm nay. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là: TCM đang có kế hoạch sẽ tập trung các hoạt động tại KCN Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long, nơi cho phép các doanh nghiệp mở rộng hoạt động nhuộm và hoàn tất vải, điều bị hạn chế ở nhiều KCN khác. Do đó, chúng tôi cho rằng việc mở rộng năng lực mảng vải chỉ còn là vấn đề thời gian.
Mảng may: chịu ảnh hưởng trái chiều
May mặc tiếp tục là hoạt động kinh doanh cốt lõi của TCM với đóng góp doanh thu và lợi nhuận gộp lần lượt 66% và 80%. Sự cải thiện của lợi nhuận mảng may trong nửa đầu năm được đóng góp chủ yếu bởi nhà máy Vĩnh Long. Hiện hơn một nửa đơn hàng được nhà máy sản xuất với năng suất lao động bình quân xấp xỉ điểm hòa vốn, $30/công nhân/ngày. Các đơn hàng còn lại có độ phức tạp cao hơn nên năng suất lao động chỉ ở mức $27-28/công nhân/ngày. Nhìn chung, nhà máy Vĩnh Long nhiều khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ trong năm nay, nhưng mức độ sẽ thấp hơn nhiều so với 2016.
Điều chúng tôi lo ngại nhất chính là việc tỷ trọng đóng góp doanh thu từ Eland đã giảm đáng kể xuống còn 24%, từ 30% trong cùng kỳ. Đơn hàng từ Eland thường mang lại biên lãi gộp lên đến 22%-24%, cao hơn nhiều so với mức 16%-18% từ các khách hàng khác, nên điều này đã khiến biên gộp mảng may giảm từ 21-22% (6T 2016) xuống còn 19-20% (6T 2017). Về nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng, chúng tôi cho rằng việc Eland bán đi thương hiệu Teenie Weenie cho V-Grass Fashion, một công ty ở Trung Quốc là nguyên nhân chính. Nhiều khả năng công ty Trung Quốc này đã sử dụng mạng lưới gia công của họ để thay thế TCM.
Đánh giá chung
Dựa trên kế hoạch 110 tỷ đồng LNST trong nửa cuối năm nay, lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của TCM có thể đạt 195 tỷ đồng, tương đương với EPS ~3.300 đồng (sau khi trừ đi quỹ khen thưởng phúc lợi). Dựa trên mức giá đóng cửa ngày hôm nay, TCM đang được giao dịch với P/E forward ~8,6, không thật sự rẻ nếu so với mức trung bình P/E = 7 của ngành. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng TCM vẫn còn hấp dẫn khi nhìn vào lợi thế chuỗi sản xuất khép kín của Công ty, các khoản doanh thu đột biến từ chuyển nhượng đất, cùng khả năng nới room ngay trong tháng 8 này.
Nguồn: Rongviet Research