DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0989 490 980
Vay Margin tại HSC tỉ lệ 1:4

Cập nhật cổ phiếu TCB – KQKD Q3/2023 cho thấy dấu hiệu hồi phục

Lượt xem: 1,892 - Ngày:

Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2023  

TCB đã công bố KQKD Q3/2023 với LNTT đạt 5.842 tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ nhưng tăng 3,4% so với quý trước). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, LNTT đạt 17.115 tỷ đồng (giảm 17,8% so với cùng kỳ), bằng 70,6% dự báo của HSC cho cả năm 2023 và nói chung sát kỳ vọng.  

Đồ thị cổ phiếu TCB phiên giao dịch ngày 30/10/2023. Nguồn: AmiBroker 

Tín dụng tăng trưởng khá, tỷ lệ NIM cải thiện nhẹ, mảng bancassurance & TPDN hồi phục là những dấu hiệu tích cực. Trong khi đó chất lượng tài sản vẫn trong tầm kiểm soát mặc dù chịu sức ép giảm. 

Tín dụng tăng trưởng ổn định, tăng 4,1% so với quý trước và tăng 14,2% so với đầu năm  

Tín dụng Q3/2023 tăng 4,1% so với quý trước và tăng 14,2% so với đầu năm; trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 1,9% so với quý trước (tăng 13,1% so với đầu năm) và TPDN tăng 29,3% so với quý trước (tăng 25,4% so với đầu năm). Cơ cấu tổng tín dụng bao gồm 90,2% cho vay khách hàng và 9,8% TPDN.  

Khách hàng doanh nghiệp lớn là động lực tăng trưởng chính của cho vay (tăng 37% so với đầu năm) trong khi cho vay khách hàng cá nhân yếu (giảm 7,4% so với đầu năm). Tuy nhiên, HSC thấy rằng cho vay khách hàng cá nhân dù còn khiêm tốn đã bắt đầu tăng trở lại, tăng 1,1% so với quý trước trong Q3/2023. TCB đã dùng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng 14,1% được giao cho năm 2023, nên tăng trưởng tín dụng Q4/2023 nhiều khả năng sẽ không cao và có sự dịch chuyển qua lại giữa cho vay khách hàng & TPDN. 

Bảng 1: KQKD Q3/2023 và 9 tháng đầu năm 2023, TCB  

Vốn huy động tăng mạnh 7,8% so với quý trước và tăng 20% so với đầu năm nhưng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm  

Tổng vốn huy động tăng 7,8% so với quý trước (tăng 20% so với đầu năm) với tiền gửi khách hàng tăng 7,1% so với quý trước (tăng 14,1% so với đầu năm) và giấy tờ có giá tăng 12,5% so với quý trước (tăng 81,8% so với đầu năm). 

Ở tiền gửi khách hàng, tiền gửi không kỳ hạn (tăng 3,2% so với quý trước) tăng chậm hơn tiền gửi có kỳ hạn (tăng 7,1% so với quý trước). Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm xuống 33,6% (so với 34,9%/32% tại thời điểm cuối Q2/2023-Q1/2023). Trên cơ sở tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng, thanh khoản của TCB đã cải thiện với hệ số LDR thuần (cho vay khách hàng/vốn huy động) giảm còn 116,3% từ 122% tại thời điểm cuối Q2/2023 và từ mức đỉnh 128,8% tại thời điểm cuối Q3/2022. 

Tỷ lệ NIM cải thiện nhự như dự đoán  

Tỷ lệ NIM Q3/2023 tăng 47 điểm cơ bản so với quý trước lên 4,42% với chi phí huy động giảm 48 điểm cơ bản so với quý trước trong khi lợi suất gộp đi ngang. HSC đã dự đoán xu hướng này sẽ xảy ra từ Q2/2023. 

So với cùng kỳ, tỷ lệ NIM Q3/2023 vẫn giảm 85 điểm cơ bản với lợi suất gộp tăng 99 điểm cơ bản nhưng chỉ bằng một nửa mức tăng chi phí huy động (tăng 192 điểm cơ bản). Tỷ lệ NIM 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,19% (giảm 141 điểm cơ bản so với cùng kỳ), thấp hơn nhiều so với mức 5,6% trong 9 tháng đầu năm 2022.  

Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ NIM sẽ cải thiện trong Q4/2023 nhờ nguồn huy động lãi suất thấp sẽ thay thế nguồn huy động lãi suất cao trong Q4/2022, từ đó giúp giảm đáng kể chi phí huy động. 

Thu nhập ngoài lãi hồi phục nhờ mảng bancassurance và TPDN  

Tổng thu nhập ngoài lãi tăng 13,5% so với cùng kỳ nhờ: lãi thuần HĐ dịch vụ (tăng 6,2% so với cùng kỳ), lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối (tăng 3,5 lần so với cùng kỳ) và lãi mua bán trái phiếu (tăng 3 lần so với cùng kỳ). Trong khi đó, thu nhập khác (giảm 70,7% so với cùng kỳ) giảm mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập ngoài lãi. Về thu nhập HĐ dịch vụ, động lực tăng trưởng chính là dịch vụ ngân quỹ, thanh toán, L/C đạt 2.311 tỷ đồng (tăng 29,5% so với cùng kỳ). Trái lại, thu nhập bancassurance (giảm 67% so với cùng kỳ trong bối cảnh toàn ngành khó khăn) giảm mạnh và thu nhập hoạt động IB (giảm 1,6% so với cùng kỳ) đi ngang. Tuy nhiên, so với Q2/2023, thu nhập bancassurance (tăng 74%) và hoạt động IB (tăng 30%) đã hồi phục mạnh. 

Áp lực lên chất lượng tài sản vẫn trong tầm kiểm soát  

Nợ xấu tăng lên 6.467 tỷ đồng (tăng 29,3% so với quý trước và tăng 113% so với đầu năm), theo đó tỷ lệ nợ xấu là 1,36% (so với 1,07% trong Q2/2023 và 0,72% trong Q4/2022). Tín hiệu tích cực ở đây là nợ nhóm 2 đã giảm 34,7% so với quý trước xuống còn 5.976 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 1,26% so với 1,96% tại thời điểm cuối Q2/2023), theo dó tỷ lệ nợ xấu nhiều khả năng đã đạt đỉnh. Ngoài ra, hệ số LLR giảm còn 93,1% từ 116% trong Q2/2023 nhưng vẫn cao hơn bình quân ngành.  

Từ nền thấp, chi phí dự phòng tăng mạnh 55,1% so với cùng kỳ trong Q3/2023 và tăng 83,7% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023. Chi phí tín dụng (12 tháng) vẫn duy trì ở 0,66%; cao hơn một chút so với dự báo của HSC cho năm 2023 ở mức 0,62%. 

Duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu  

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu 40.000đ. Hiện Cổ phiếu TCB có P/B dự phóng năm 2023 là 0,83 lần; chiết khấu 19% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân ở mức 1,03 lần. 

Nguồn: HSC 

Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý
Top