Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2024
STB đã công bố LNTT Q4/2024 đạt 4.626 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ khoản hoàn nhập dự phòng trong quý (367 tỷ đồng, so với trích lập 544 tỷ đồng dự phòng trong Q4/2023 và dự báo của chúng tôi là trích lập 2.609 tỷ đồng dự phòng) và chi phí hoạt động giảm 8% so với cùng kỳ (xuống 3.151 tỷ đồng). Do đó, LNTT Q4 vượt 78% dự báo của chúng tôi trong khi lợi nhuận trước dự phòng thấp hơn 18% so với dự báo. Theo chúng tôi, lợi nhuận trong quý đã được điều chỉnh thông qua việc thực hiện hoàn nhập dự phòng trong quý, sau khi đã trích lập dự phòng cao bất thường trong Q3/2024.
Xét chung năm 2024, lợi nhuận trước dự phòng đạt 14,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 11% nhưng thấp hơn 6% so với dự báo của chúng tôi, trong khi LNTT đạt 12,7 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 33%), vượt 19% dự báo của chúng tôi.
Tín dụng tăng trưởng ổn định nhưng thấp hơn bình quân ngành
Trong Q4/2024, tín dụng của STB tăng trưởng ổn định, với tổng dư nợ cho vay tăng 2,9% so với quý trước và tăng 11,7% so với đầu năm đạt 539 nghìn tỷ đồng, nhờ tất cả các phân khúc. STB duy trì chiến lược đa dạng hóa, tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân và DNNVV đồng thời mở rộng phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn.
Bảng 1: Tóm tắt KQKD Q4/2024, STB
Đối với huy động, tăng trưởng tiền gửi đạt 11% so với đầu năm (đi ngang so với quý trước) đạt 567 nghìn tỷ đồng, với giấy tờ có giá tăng 26% so với đầu năm lên 37 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, vay liên ngân hàng tăng gần gấp đôi so với đầu năm lên 71 nghìn tỷ đồng. STB vẫn vay ròng trên thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức 18 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn duy trì ổn định ở mức 18,3%, tăng nhẹ từ 17,7% tại thời điểm cuối Q3/2024.
Tỷ lệ NIM giữ vững
Tỷ lệ NIM gần như đi ngang so với quý trước (giảm 14 điểm cơ bản so với cùng kỳ) ở mức 3,64% trong Q4/2024, do lãi suất cho vay và chi phí huy động giảm 13 điểm cơ bản so với quý trước, xuống lần lượt 7,42% và 4,11%. Tỷ lệ NIM được kỳ vọng sẽ phục hồi từ năm 2025 nhờ nhu cầu tín dụng khởi sắc và không còn chi phí liên quan tới tài sản tồn đọng. STB đặt kế hoạch tỷ lệ NIM dài hạn đạt 4-4,2%. Thu nhập lãi thuần cả năm 2024 tăng trưởng 11% đạt 24,5 nghìn tỷ đồng, sát với dự báo cả năm 2024 của chúng tôi.
Thu nhập ngoài lãi tăng nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ mạnh mẽ
Thu nhập ngoài lãi tăng 22% so với cùng kỳ trong Q4/2024 đạt 1.311 tỷ đồng, chủ yếu do lãi thuần HĐ dịch vụ tăng 64% so với cùng kỳ đạt 964 tỷ đồng trong khi lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối giảm nhẹ xuống 275 tỷ đồng (do đồng USD tăng giá ảnh hưởng tới HĐ kinh doanh ngoại hối của STB). Ngân hàng chưa cung cấp cơ cấu lãi thuần HĐ dịch vụ trong quý nhưng chúng tôi cho rằng phí bancassurance phục hồi và có thể đã ghi nhận phí bancassurance trả trước. Thu nhập khác (chủ yếu từ thu nhập từ thu hồi nợ xấu ngoại bảng) chỉ là 61 tỷ đồng trong Q4/2024 và không đáng kể cả trong năm 2024, so với dự báo của chúng tôi là 230 tỷ đồng trong cả năm.
Chi phí hoạt động giảm nhẹ
Tổng chi phí hoạt động giảm 8% so với cùng kỳ (giảm 4% so với quý trước) xuống 3.151 tỷ đồng trong Q4/2024. Trong đó, chi phí tiền lương giảm 8% so với cùng kỳ xuống 1.529 tỷ đồng trong khi chi phí liên quan đến tài sản tăng 9% so với cùng kỳ lên 738 tỷ đồng. Số lượng lao động giảm 2% so với cùng kỳ xuống 18.088 người. Hệ số CIR hàng quý đã cải thiện nhẹ lên 42,5% từ 45,4% trong Q3/2024. Hệ số CIR cả năm 2024 đạt 46,9%, sát với dự báo của chúng tôi.
Chất lượng tài sản duy trì ổn định nhưng ghi nhận hoàn nhập dự phòng
Tỷ lệ nợ xấu của STB giảm nhẹ xuống 2,4% trong Q4/2024 (từ 2,47% trong Q3/2024), trong khi tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng nhẹ lên 0,77% từ 0,72%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR giảm xuống 68% từ 75% tại thời điểm cuối Q3/2024.
Ngân hàng hoàn nhập 367 tỷ đồng trong Q4/2024, so với trích lập 544 tỷ đồng chi phí dự phòng trong Q4/2023. Cụ thể, STB đã hoàn nhập 682 tỷ đồng dự phòng chung trong khi trích lập 344 tỷ đồng dự phòng trong quý. Chúng tôi cho rằng Ngân hàng đã điều chỉnh dự phòng để duy trì lợi nhuận sau khi trích lập dự phòng chung cao bất thường (848 tỷ đồng) trong Q3/2024 và sau đó hoàn nhập phần lớn vào Q4/2024.
Chi phí dự phòng cả năm 2024 chỉ là 1,9 nghìn tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 40% dự báo cả năm 2024 của chúng tôi. Chi phí tín dụng thấp cho thấy gánh nặng nhỏ từ tài sản tồn đọng nhưng tỷ lệ nợ xấu của STB (2,4%) vẫn cao hơn bình quân ngành (1,75%).
Về hoạt động xử lý tài sản tồn đọng, hầu hết tài sản tổn đọng tại thời điểm cuối Q4/2024 đã được xử lý và chỉ còn lại trái phiếu VAMC (1.690 tỷ đồng, tương đương 0,23% tổng tài sản), từ đó cho thấy quá trình tái cấu trúc đã hoàn tất. Yếu tố quan trọng để xử lý xong trái phiếu VAMC sẽ là thương vụ đấu giá 32,5% cổ phần của ông Trầm Bê, dự kiến tiến hành vào cuối năm 2025.
HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo
Mặc dù lợi nhuận HĐKD cốt lõi (thu nhập lãi thuần và lãi thuần HĐ dịch vụ) sát với dự báo năm 2024 của chúng tôi, kết quả trái chiều ở các mảng ngoài cốt lõi làm lợi nhuận trước trích lập dự phòng thấp hơn 6% so với dự báo của chúng tôi. Ngoài ra, khoản hoàn nhập dự phòng của Ngân hàng chưa rõ ràng và chúng tôi chờ đợi BLĐ giải thích thêm hoặc có thêm thông tin từ BCTC kiểm toán.
Sau khi giá cổ phiếu tăng 8% kể từ thời điểm công bố KQKD sơ bộ cả năm 2024 vào ngày 21/12/2024 (tăng 1% trong 1 tháng qua và tăng 4% trong 3 tháng qua), Cổ phiếu STB đang giao dịch với P/B trượt dự phóng 1 năm là 1,06 lần, bằng bình quân từ năm 2019 và cũng bằng bình quân nhóm NHTM tư nhân. HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo.
Bảng 2: Thanh lý tài sản tồn đọng tính đến cuối Q4/2024, STB
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.