Chúng tôi điều chỉnh giảm 3,9% giá mục tiêu dành cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Cổ phiếu PLX) do giá mục tiêu tính theo phương pháp P/E giảm sau khi phần trích lập Quỹ Khen thưởng – Phúc lợi cao hơn so với dự kiến theo kết quả kiểm toán 2018. Chúng tôi hạ khuyến nghị cho PLX từ KHẢ QUAN xuống PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG do giá cổ phiếu trong 3 tháng qua đã tăng 13%.
Đồ thị cổ phiếu PLX phiên giao dịch ngày 30/05/2019. Nguồn: AmiBroker
Chúng tôi điều chỉnh tăng lợi nhuận 2019-2023 thêm khoảng 2,4% nhờ lợi nhuận từ mảng phân phối xăng năm 2018 (đã kiểm toán) và quý 1/2019 cao hơn so với dự báo. Lợi nhuận quý 1 khả quan (tăng 33,7%) cho thấy khả năng quản trị nguồn của PLX rất tốt trong bối cảnh điều kiện thị trường khó khăn khi Chính phủ đẩy mạnh sử dụng quỹ bình ổn nhằm giữ giá xăng, khiến quỹ bình ổn tại các nhà phân phối nhỏ bị âm.
Chúng tôi dự báo năm 2019, EPS sẽ tăng 13,7% nhờ sản lượng bán ra trong nước tăng 5,6% (các trạm COCO và DODO đạt tăng trưởng sản lượng 6% và 5%) và lỗ tỷ giá giảm nhờ nguồn xăng dầu từ nhà máy Nghi Sơn thay thế nhập khẩu.
Chúng tôi dự báo EPS 2018-2023 đạt tăng trưởng kép hàng năm 10,6% nhờ sản lượng bán ra trong nước tăng trưởng 5,6%, cao hơn một chút so với mức tăng trưởng toàn thế giới là 4,7% theo dự báo của BMI.
Chúng tôi điều chỉnh giảm 13,3% dự báo cổ tức bằng tiền mặt năm 2018 xuống 2.600VND/cổ phiếu trên cơ sở nghị quyết ĐHCĐ 2019. PLX tỏ ra đã được định giá phù hợp với EV/EBITDA là 10,5 lần so với trung vị các công ty khác trong ngành là 10,2 lần.
Khả năng điều chỉnh tăng dự báo: lợi nhuận bất thường từ thương vụ hợp nhất HDBank-PGBank (ước đạt 2 nghìn tỷ đồng theo giá hiện tại của HDB là 27,350VND/cổ phiếu, qua đó tăng LNST sau lợi ích CĐTS của PLX thêm 16%).
Rủi ro: giá dầu biến động mạnh khiến giá đầu vào biến động mạnh theo.
Nguồn: VCSC