Trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu của PGS đạt 4.639 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, 74,6% doanh thu từ bán khí gas (khí LPG), khoảng 19,5% doanh thu bán khí nén (khí CNG), 1,1% doanh thu từ bán xăng dầu và còn lại từ hoạt động khác. Biên lợi nhuận gộp của PGS tăng từ mức 21,4% trong 9 tháng đầu năm 2016 tăng lên mức 22,5% trong 9 tháng đầu năm 2017.
Đồ thị cổ phiếu PGS cập nhật ngày 23/10/2017. Nguồn: AmiBroker
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017, PGS đã đạt 98% kế hoạch doanh thu và 85% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Về dài hạn, PGS vẫn sẽ tập trung phát triển sản phẩm chính là khí LPG với thị trường ở các tỉnh thuộc khu vực phía Nam (từ Quảng Trị trở vào). Đối với mảng kinh doanh khí CNG, PGS tập trung khách hàng hiện hữu như khách hàng sản xuất thép (Tôn Nam Kim, Thép Vinaone), điện tử (Samsung CE) và phát triển khách hàng thuộc phân khúc công nghiệp nặng ở khu vực TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Về nguồn khí LPG, PGS vẫn sẽ tập trung hai nguồn chính: (1) trong nước từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất và GPP Dinh Cố; (2) nhập khẩu từ Singapore và Indonesia. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh LPG.
Dự báo giá LPG thế giới có thể tiếp tục tăng nhẹ trong các tháng cuối năm 2017, do các nước ở Châu Âu và Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị dự trữ LPG cho mùa đông và tình hình diễn biến của giá dầu trên thị trường thế giới trong thời gian gần đây. Nhưng với lợi thế về nguồn nguyên liệu khí LPG, việc giá LPG tăng nhẹ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh Quý 4/2017 của PGS.
Nguồn: FPTS