DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Cập nhật cổ phiếu MPC – KQKD Q3 2020 tăng trưởng ở mức một con số, sát với kỳ vọng

Lượt xem: 995 - Ngày:
Chia sẻ

Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2020

MPC đã công bố KQKD Q3/2020 với lợi nhuận thuần tăng 4,6% so với cùng kỳ đạt 241 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần giảm 15,6% so với cùng kỳ còn 4.402 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần tăng chủ yếu nhờ chi phí lãi vay giảm và lãi tiền gửi, cho vay tăng trong khi doanh thu giảm chủ yếu do Công ty bị điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ và do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cổ phiếu MPC

Đồ thị cổ phiếu MPC phiên giao dịch ngày 09/11/2020. Nguồn: AmiBroker

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận thuần tăng 23,3% so với cùng kỳ đạt 477 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần giảm 21,6% so với cùng kỳ còn 9.982 tỷ đồng. Theo đó, kết quả 9 tháng bằng 77,8% dự báo lợi nhuận thuần và 71,4% dự báo doanh thu thuần của chúng tôi cho cả năm. Kết quả thực hiện 9 tháng sát kỳ vọng của chúng tôi.

Doanh thu xuất khẩu giảm do điều tra chống bán giá giá và dịch Covid-19

Trong Q3/2020, doanh thu xuất khẩu của Cổ phiếu MPC ước đạt 187 triệu USD (giảm 6% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu xuất khẩu ước đạt 415 triệu USD (giảm 14,7% so với cùng kỳ).

Công ty chưa công bố cơ cấu doanh thu theo thị trường nhưng có khả năng doanh thu xuất khẩu giảm là do 1) doanh thu tại thị trường Mỹ giảm vì MPC bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời là 10,17% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10/2020 và 2) ảnh hưởng của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu của ngành dịch vụ lương thực (khách sạn – nhà hàng – quán ăn) tại các thị trường chủ chốt. Nói chung, 50% doanh thu xuất khẩu của MPC từ ngành dịch vụ lương thực.

Chúng tôi ước tính doanh thu tại Mỹ giảm xấp xỉ 30% xuống còn 130 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2020. Điều này là do MPC bị áp thuế tạm thời 10,17%; từ đó làm giảm sức cạnh tranh của MPC trên thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác của Việt Nam hưởng mức thuế 0%.

Bảng 1: KQKD Q3/2020, MPC Cổ phiếu MPC

Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ

Tỷ suất lợi nhuận gộp Q3/2020 tăng nhẹ lên 12,1% từ 11,6% trong Q3/2019. Tuy nhiên, Công ty không công bố thông tin chi tiết.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 11,1%; gần như giữ nguyên so với mức 11% trong 9 tháng đầu năm 2019. Theo Công ty, chi phí nguyên liệu đầu vào giảm 10-12% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2020 nhưng giá bán cũng giảm với tỷ lệ tương đương nên tỷ suất lợi nhuận gộp gần như giữ nguyên.

Lỗ tài chính giảm; tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng

Doanh thu HĐ tài chính tăng 24,9% so với cùng kỳ trong Q3/2020 lên 41 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi, cho vay tăng 27,8% so với cùng kỳ lên 29 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí tài chính giảm 58,9% so với cùng kỳ còn 30 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chi phí lãi vay giảm 18,8% so với cùng kỳ còn 28 tỷ đồng và lỗ tỷ giá giảm 97,5% so với cùng kỳ còn 0,9 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng giảm 12,6% so với cùng kỳ còn 215 tỷ đồng do doanh thu giảm trong khi chi phí quản lý tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ lên 55 tỷ đồng. Theo đó tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng lên 6,1% so với 5,7% trong Q3/2019.

Thuế chống bán phá giá năm 2020 là 3,57%; sẽ được rà soát hàng năm

Vào ngày 5/10/2020, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ đã thông báo quyết định cuối cùng cho biết MSeafood – công ty con của MPC đã lẩn tránh thuế chống bán phá giá bằng việc nhập khẩu tôm từ Ấn Độ và xuất sang Mỹ.

Theo đó, tôm nhập khẩu vào Mỹ của MSeafood hiện chịu thuế chống bán phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ với thuế suất là 3,57%.

Chúng tôi ước tính doanh thu xuất khẩu của MPC sang Mỹ là 130 triệu USD trong thời gian điều tra, bắt đầu vào tháng 1/2020. Do mức thuế chống bán phá giá cuối cùng được ấn định là 3,57%; thấp hơn mức thuế tạm nộp là 10,17%; nên MPC có thể được hoàn thuế 86 triệu USD.

Ngoài ra, do mức thuế suất hiện giảm về 3,57% nên có thể kỳ vọng MPC sẽ giành lại thị phần trong những tháng còn lại của năm 2020.

Tuy nhiên, mức thuế chống bán phá giá sẽ được rà soát hàng năm. Đây là rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu của MPC sang Mỹ vì mức thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ có thể biến động trong những năm tới. Mỹ là thị trường lớn nhất của MPC, chiếm 38,2% doanh thu xuất khẩu năm 2019 và khoảng 30% doanh thu xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2020.

Tuy nhiên, Công ty có nhiều kinh nghiệm trong các vụ kiện chống bán phá giá và điều này có thể giúp giảm bớt rủi ro nói trên – chúng tôi thấy MPC đã bị áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 đến 2016 nhưng doanh thu sang thị trường Mỹ vẫn tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 10,7% trong giai đoạn này.

MPC đã nộp đơn kiện quyết định áp thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ và đã thắng kiện vào năm 2016. Theo đó, MPC đã được loại ra khỏi danh sách rà soát hành chính (chống bán phá giá) hàng năm của Bộ Thương mại Mỹ trong giai đoạn 2017-2019.

Duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng

Chúng tôi duy trì dự báo cho năm 2020. Chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần đạt 614 tỷ đồng (tăng trưởng 39,2%) và doanh thu giảm 17,7% còn 13.983 tỷ đồng. Doanh thu giảm do doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 15% trước việc bị điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ và nhu cầu ngành dịch vụ lương thực giảm.

Cho năm 2021, chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 15.285 tỷ đồng, tăng trưởng 9,3% và lợi nhuận thuần đạt 715 tỷ đồng, tăng trưởng 16,6%. Trong dự báo, chúng tôi đã giả định MPC sẽ bị áp thuế chống bán phá giá và kỳ vọng doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng trưởng nhẹ 2% sau khi giảm 15% trong năm 2020.

Trong giai đoạn 2020-2022, chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần của MPC sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 14% trong khi giá trị xuất khẩu sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 6,8%. Chúng tôi kỳ vọng nguồn tôm nguyên liệu tự cung cấp sẽ giúp MPC giữ ổn định được giá đầu vào, nâng cao tỷ suất lợi nhuận cũng như lợi nhuận.

Nguồn: HSC

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý