Sự kiện: Công bố BCTC Q1/2024
MBB đã công bố BCTC Q1/2024 vào ngày 21/4/2024 với LNTT đạt 5.795 tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ), chỉ bằng 19,5% dự báo của chúng tôi. Nguyên nhân chính đến từ việc thu nhập lãi thuần giảm (do tỷ lệ NIM giảm mạnh so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng tăng mạnh.
Đồ thị cổ phiếu MBB phiên giao dịch ngày 24/04/2024. Nguồn: AmiBroker
Tín dụng tăng trưởng khiêm tốn trong Q1/2024
Tín dụng hợp nhất chỉ tăng trưởng 0,4% kể từ đầu năm (tăng 23,6% so với cùng kỳ) với Ngân hàng mẹ tăng trưởng 0,2% (tăng 23,7% so với cùng kỳ) và các công ty con tăng trưởng 2,9% (tăng 21% so với cùng kỳ). Trong đó, theo ước tính của chúng tôi, tín dụng của MBS tăng trưởng 5,3% và tín dụng của MCredit tăng trưởng 1,7%.
Tăng trưởng tín dụng khá cân bằng giữa các phân khúc với mảng KHCN tăng 0,3% trong khi phân khúc CIB & DNNVV tăng trưởng 0,9%. Theo ngành kinh doanh, khoản vay của ngành công nghiệp & ngành BĐS tăng trưởng mạnh nhất với hơn 2.000 tỷ đồng/ngành (đóng góp 0,6% vào tổng mức tăng trưởng kể từ đầu năm).
Bảng 1: Tóm tắt KQKD Q1/2024, MBB
Về mặt huy động, tổng vốn huy động giảm 4,7% kể từ đầu năm (tăng 18,6% so với cùng kỳ). Trong đó, tiền gửi khách hàng giảm 1,5% kể từ đầu năm (tăng 23,5% so với cùng kỳ) và giấy tờ có giá giảm 19% kể từ đầu năm (giảm 2,4% so với cùng kỳ). Tổng tiền gửi không kỳ hạn giảm 10,2% kể từ đầu năm do hiệu ứng mùa vụ (nhưng vẫn tăng 27,3% so với cùng kỳ) và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn vẫn ở mức 36,6% tiền gửi khách hàng (so với 40,2% tại thời điểm cuối năm 2023).
HSC kỳ vọng tín dụng sẽ tăng tốc kể từ Q2/2024 nhờ nền kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng và nhu cầu tín dụng tăng lên. Tổng vốn huy động sẽ tăng trưởng theo tăng trưởng tín dụng.
Chất lượng tài sản tiếp tục suy yếu
Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,6% tại thời điểm cuối năm 2023 lên 2,5% tại thời điểm cuối Q1/2024, một phần do khách hàng CIB bị hạ nhóm nợ tại các ngân hàng khác. Tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng trở lại lên 1,2% trong Q1/2024, sau 3 quý liên tiếp thấp hơn đáng kể mức 1%. Chi phí dự phòng tăng mạnh lên 2.707 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ) trong Q1/2024 nhưng hệ số LLR vẫn giảm xuống 80,3% từ 117,6% trong Q4/2023.
Tại ĐHCĐ tổ chức ngày 19/4/2024, BLĐ bày tỏ lo ngại về các khoản nợ quá hạn liên quan tới CIC, nằm ngoài dự kiến trong Q1/2024. Nợ quá hạn do liên đới CIC chiếm 10-15% tổng nợ quá hạn thanh toán và đang có xu hướng tăng lên. HSC kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát tốt hơn (không có thêm những khoản nằm ngoài dự kiến) và chi phí trích lập dự phòng sẽ tăng lên trong những quý sau của năm 2024 để xóa nợ xấu.
Tỷ lệ NIM tiếp tục giảm trong Q1/2024
Tỷ lệ NIM gây thất vọng khi tiếp tục giảm xuống mức 4% (giảm 30 điểm cơ bản so với quý trước và giảm 170 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Chi phí huy động có sự cải thiện (giảm 60 điểm cơ bản so với quý trước và giảm 90 điểm cơ bản so với cùng kỳ) nhờ mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm xuống. Tuy nhiên, do (1) tài sản xấu tăng lên, (2) cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng và các gói giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế và (3) việc hiện thực hóa lợi nhuận từ danh mục TPCP lợi suất cao (sau đó tái đầu tư ở lợi suất thấp hơn), đã làm lợi suất gộp giảm đáng kể (giảm 80 điểm cơ bản so với quý trước và giảm 250 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Thu nhập lãi thuần đạt 9.062 tỷ đồng (giảm 1,1% so với quý trước và giảm 11,4% so với cùng kỳ), chỉ bằng 18,3% dự báo của chúng tôi.
HSC kỳ vọng tỷ lệ NIM bắt đầu hồi phục từ Q2/2024 nhờ chi phí huy động tiếp tục giảm và lợi suất gộp ổn định. Nhu cầu tín dụng dự kiến tăng lên trong 6 tháng cuối năm 2024 có thể giúp MBB tăng nhẹ lãi suất cho vay.
Thu nhập ngoài lãi tăng mạnh
Thu nhập ngoài lãi đạt 2.954 tỷ đồng, tăng 73,5%, đạt 31,6% dự báo của HSC, nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ, lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối và lãi mua bán TPCP.
Lãi thuần HĐ dịch vụ tăng 42% so với cùng kỳ đạt 945 tỷ đồng, chủ yếu nhờ phí dịch vụ thanh toán & ngân quỹ (phí dịch vụ tăng 48% so với cùng kỳ) trong khi mảng bancassurance vẫn chưa phục hồi (giảm 8,9% so với cùng kỳ và giảm 15,1% so với quý trước). Lãi thuần HĐ dịch vụ có thể tăng trưởng chậm lại từ Q2/2024 do không còn hiệu ứng nền thấp của cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng cũng ghi nhận lãi mua bán TPCP 1.104 tỷ đồng (tăng 587% so với cùng kỳ) do lợi suất TPCP thấp và lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối 461 tỷ đồng (tăng 24,5% so với cùng kỳ) nhờ bán/mua ngoại tệ giao ngay với khách hàng. Lợi nhuận mua bán TPCP dự kiến sẽ tiếp tục được ghi nhận cho tới lợi suất tăng trở lại.
Chi phí hoạt động đi ngang
Cổ phiếu MBB duy trì chi phí hoạt động ổn định ở mức 3.514 tỷ đồng (giảm 1,5% so với cùng kỳ) mặc dù quy mô của Ngân hàng (tổng tài sản) đã tăng 18,4% so với Q1/2023. Tỷ lệ CIR chỉ ở mức 29,2%, thấp hơn so với bình quân Q1 của 4 năm qua ở mức 30,9%. HSC kỳ vọng MBB sẽ kiểm soát chặt chẽ ngân sách cho chi phí hoạt động trong năm nay.
HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo
MBB đang giao dịch với P/B dự phóng năm 2024 là 1,06 lần, tương đương bình quân nhóm NHTM tư nhân. Do KQKD Q1/2024 thấp hơn dự báo, HSC hiện đang xem xét lại dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị.
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.