Sự kiện: Công bố KQKD Q1/2020 vào ngày 20/4/2020
LPB đã công bố KQKD Q1/2020 với LNTT tăng tốt 604 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ), hoàn thành 36,6% dự báo cả năm điều chỉnh của chúng tôi (đã phản ánh tác động của dịch COVID-19). Tuy nhiên, điều này chủ yếu là nhờ khoản hoàn nhập dự phòng 37 tỷ đồng, mà chúng tôi cho là không bền vững, do ngân hàng có lượng lớn tài sản chưa xác định rõ ràng.
Đồ thị cổ phiếu LPB phiên giao dịch ngày 28/04/2020. Nguồn: AmiBroker
Thu nhập lãi thuần tăng nhẹ do tín dụng tăng trong khi tỷ lệ NIM giảm
Tổng tín dụng tăng 2,7% so với đầu năm đạt 144,6 nghìn tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 2,8% so với đầu năm lên 144,5 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tăng nhanh chóng 5,2% so với đầu năm đạt 144 nghìn tỷ đồng và huy động từ giấy tờ có giá gần như không đổi 28.147 tỷ đồng. Do đó, hệ số LDR thuần đạt 100,4% so với 102,7% tại thời điểm cuối năm 2019 và hệ số LDR điều chỉnh đạt 84% so với 85,4% tại thời điểm cuối năm 2019.
Tỷ lệ NIM giảm 0,37% so với quý trước xuống 3,05% do lợi suất gộp bình quân giảm 0,22% trong khi chi phí huy động bình quân tăng 0,22% lên 6,22%. Lợi suất gộp giảm do lợi suất từ cho vay và hoạt động đầu tư trái phiếu giảm.
Cụ thể, việc hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng gặp khó khăn và chuyển dịch cơ cấu kỳ hạn danh mục cho vay đã ảnh hưởng đến lợi suất cho vay của ngân hàng trong quý này. Trong khi đó, việc nâng tỷ trọng trái phiếu chính phủ trong tổng danh mục đầu tư trái phiếu đã dẫn đến lợi suất đầu giảm do lợi suất trái phiếu chính phủ ổn định nhưng có lợi suất thấp.
Mặt khác, chi phí huy động tiếp tục tăng do việc CASA giảm (giảm 17,7% so với đầu năm) đã buộc ngân hàng phải nhanh chóng huy động thêm tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất tiền gửi cao hơn.
Bảng 1: KQKD Q1/2020
Thu nhập ngoài lãi: KQKD Q1/2020 kém khả quan
Tổng thu nhập ngoài lãi giảm 35% so với cùng kỳ xuống 57 tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng thu nhập hoạt động so với 7% trong năm 2019. Trong đó, lãi thuần HĐ dịch vụ tăng 175% so với cùng kỳ đạt 97 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối giảm (giảm 71% so với cùng kỳ) và HĐ đầu tư chứng khoán lỗ 64 tỷ đồng đã khiến tổng thu nhập ngoài lãi giảm.
Cho cả năm 2020, bất chấp sự gián đoạn của nền kinh tế do tác động của dịch COVID-19, kéo theo nhu cầu của khách hàng giảm, chúng tôi vẫn dự báo tổng thu nhập ngoài lãi tăng 13,8%. Điều này chủ yếu là do lãi thuần HĐ dịch vụ (tăng 10% so với cùng kỳ) so với mức nền thấp trong năm 2019 và các hoạt động kinh doanh đến thu nhập ngoài lãi cải thiện trong các quý còn lại của năm.
Chi phí hoạt động tiếp tục tăng
Tổng chi phí hoạt động tiếp tục tăng mạnh 28,2% so với cùng kỳ lên 929 tỷ đồng. Trong đó, chi phí nhân viên tăng 15,4% lên 445 tỷ đồng do số lượng nhân viên tăng 14,7% so với cùng kỳ; mức lương bình quân/tháng duy trì gần như không đổi. Chi phí quản lý tăng gấp đôi lên 235 tỷ đồng.
Cho năm 2020, chúng tôi dự báo tổng chi phí hoạt động sẽ giảm 8,4%. Chúng tôi hy vong ngân hàng sẽ tập trong kiểm soát chặt chi phí, đặc biệt là ngân sách nhân sự. Chúng tôi dự báo chi phí hoạt động sẽ có xu hướng giảm trong các quý còn lại của năm.
Việc hoàn nhập dự phòng sẽ để lại hệ quả cho những quý sau
Tổng nợ xấu gần như không đổi ở mức 2.080 tỷ đồng tại thời điểm cuối Q1/2020, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cũng không đổi ở mức 1,44%. Lượng trái phiếu VAMC chưa trích lập dự phòng là 156 tỷ đồng, tương đương 0,11% tổng dư nợ; theo đó tỷ lệ nợ xấu gộp là 1,55%.
Đáng lưu ý, lãi dự thu tăng 16,2% so với đầu năm lên 4.980 tỷ đồng, tương đương 2,72% tổng tài sản sinh lãi. Con này đạt mức cao nhất trong ngành và làm dấy lên mối lo ngại – tỷ lệ lãi dự thu cao thường phản ánh rằng nợ xấu tiềm ẩn của ngân hàng vẫn được phân loại vào dư nợ nhóm 1.
LPB ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng 37 tỷ đồng, thay vì chi phí dự phòng trong Q1/2020 bất chấp lượng lớn nợ xấu tiềm ẩn hoặc chưa ghi nhận vẫn còn trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Hệ số LLR là 82,3% so với 84,7% tại thời điểm cuối năm 2019 trong khi đệm dự phòng cụ thể ở mức 40% so với 39% trong năm 2019.
Kịch bản cơ sở của chúng tôi giả định dịch COVID-19 sẽ được khống chế tại Việt Nam vào cuối Q2/2020. Theo đó, chúng tôi dự báo chi phí dự phòng cả năm sẽ tăng 118% lên 948 tỷ đồng. Chi phí tín dụng năm 2020 dự phóng đạt 0,65%.
Duy trì đánh giá Mua vào với giá mục tiêu không đổi 11.300đ
Chúng tôi duy trì đánh giá Mua vào Cổ phiếu LPB với giá mục tiêu không đổi 11.300đ, tiềm năng tăng giá là 67% từ thị giá.
Tuy nhiên, điều này chủ yếu là do mức định giá rẻ thay vì nền tảng căn bản tốt. Triển vọng sinh lời của ngân hàng dự đoán sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi 3 vấn đề lớn bao gồm: (1) Thiếu một đội ngũ lãnh đạo ổn định; (2) Hiệu quả hoạt động kém, thể hiện ở tỷ lệ chi phí trên thu nhập hoạt động cao; (3) Tỷ lệ lãi dự thu rất cao (tương đương 3,1% dư nợ cho vay cuối năm 2019) sẽ là gánh nặng lớn cho NIM và lợi nhuận của Ngân hàng.
Nguồn: HSC