Kết quả đấu thầu 2020 YTD và bức tranh tổng quát về các đối thủ trong nhóm thuốc 1 & 2
Đồ thị cổ phiếu IMP phiên giao dịch ngày 02/06/2020. Nguồn: AmiBroker
Đối với Cổ phiếu IMP, triển vọng kinh doanh chủ yếu tới từ kênh ETC (bệnh viện), trong bối cảnh kênh OTC (nhà thuốc) có mức độ cạnh tranh rất cao và quy mô không quá lớn (chỉ chiếm 25% tổng doanh thu thuốc tại Việt Nam). Mặt khác, kênh ETC có rất nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất thuốc tiêu chuẩn EU-GMP để thay thế thuốc nước ngoài trong nhóm thầu số 1 và 2. Về mặt chính sách, thông tư 15/2019 thực sự là một xúc tác lớn cho IMP (tham khảo báo cáo cập nhật IMP của chúng tôi vào tháng 10 năm 2019 để biết thêm chi tiết về Thông tư 15).
Cho đến ngày 17/04/2020, IMP là công ty trúng thầu nhiều nhất vào kênh ETC trong số các công ty dược niêm yết ở Việt Nam, với giá trị 512 tỷ đồng. Trong đó, IMP chủ yếu thắng thầu vào nhóm thuốc số 2 (474 tỷ đồng) do lợi thế đến từ hai nhà máy EU-GMP. Lưu ý rằng đây chỉ là kết quả tính tới 17/04. PME thường là công ty trúng thầu nhiều nhất trong những năm trước. Năm 2019, PME trúng thầu 1.240 tỷ đồng trong khi IMP trúng 573 tỷ đồng.
Để có cái nhìn tổng thể về cạnh tranh trong phân khúc thuốc tiêu chuẩn cao, dưới đây là một số công ty niêm yết đạt EU-GMP hoặc tương đương:
PME: Công ty dẫn đầu trong trong kênh ETC, có ba nhà máy EU-GMP (hai nhà máy thuốc kháng sinh và một nhà máy non-betalactam mới). PME, nhờ sự hỗ trợ của STADA, có lợi thế đấu thầu thuốc nhóm 1. Đây là đối thủ cạnh tranh chính của IMP trong phân khúc tiêu chuẩn cao. Cũng như IMP, danh mục EU-GMP của PME bao gồm hầu hết các loại thuốc kháng sinh: trong khi PME có thế mạnh về thuốc nhóm Cephalosporin, thì IMP là công ty dẫn đầu về nhóm Penicillin.
DBD cũng là một doanh nghiệp mạnh tại kênh ETC, có giá trị trúng thầu nhóm 3 cao áp đảo. Nhìn thấy trước những khó khăn trong phân khúc thuốc WHO-GMP, DBD đã đầu tư vào một nhà máy thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn EU-GMP (đang chờ xét duyệt). Đây sẽ là nhà máy EU-GMP đầu tiên của DBD, công ty cũng có kế hoạch đầu tư vào hai nhà máy EU-GMP khác trong tương lai. Do ban lãnh đạo lo lắng về đầu ra đối với sản phẩm của các nhà máy này, DBD sẽ tập trung trước tiên vào nhà máy thuốc ung thư, vốn là thế mạnh của công ty.
DHG nhờ vào dây chuyền sản xuất Japan-GMP (tương đương PICS-GMP) là công ty niêm yết thứ ba tại Việt Nam có thể đấu thầu vào nhóm 2 ngoài IMP và PME. Tuy nhiên, giá trị thắng thầu chỉ đạt 30 tỷ đồng (2020 ytd), từ các loại thuốc phổ thông. Kênh ETC cũng không phải là trọng tâm của DHG vì công ty chủ yếu bán qua kênh OTC, với danh mục thuốc theo định hướng OTC.
MKP cũng có khả năng đấu thầu vào cấp 2 nhờ vào nhà máy tiêu chuẩn PICS-GMP Nhật Bản, công ty cũng trúng thầu 95 tỷ đồng vào nhóm 2 trong năm 2019. Tuy nhiên, kênh ETC cũng không phải là trọng tâm của MKP, thay vào đó chiến lược của công ty này là sản xuất nhượng quyền cho Nipro – đối tác chiến lược đến từ Nhật Bản.
Tóm lại, PME và IMP là hai đại diện duy nhất của thuốc nội với giá trị trúng thầu cao vào nhóm thuốc 1 & 2. Hai doanh nghiệp này đang cạnh tranh tại mảng thuốc kháng sinh. Khi nhà máy non-betalactam mới của cả hai công ty đi vào sản xuất thương mại, cuộc đua cũng sẽ mở rộng sang phân khúc thuốc non-beta (tuy nhiên do thuốc non-beta có rất nhiều loại, danh mục của hai công ty trên sẽ trùng lắp bao nhiêu vẫn chưa rõ ràng). DBD là một ứng cử viên mới trong phân khúc thuốc tiêu chuẩn cao, tuy nhiên nhà máy mới sẽ sản xuất thuốc điều trị ung thư nên không ảnh hưởng đến IMP và PME. Đối với DHG và MKP, chiến lược của hai công ty này không phải tập trung vào đấu thầu ETC.
Nguồn: VDSC