Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2022
HVN công bố BCTC lỗ thuần 2.662 tỷ đồng trong Q4/2022 trong khi doanh thu thuần đạt 19.471 tỷ đồng (tăng 112% so với cùng kỳ). Nếu không bao gồm khoản mục không thường xuyên, lỗ cốt lõi trong Q4/2022 là 2.969 tỷ đồng so với lỗ 1.700 tỷ đồng trong Q4/2021 do giá dầu tăng.
Đồ thị cổ phiếu HVN phiên giao dịch ngày 03/02/2022. Nguồn: AmiBroker
Trong năm 2022, lỗ thuần giảm xuống 10.452 tỷ đồng so với 12.907 tỷ đồng trong năm 2021. Trong khi đó, lỗ cốt lõi cũng giảm xuống 8.959 tỷ đồng so với lỗ 14.011 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ doanh thu thuần tăng mạnh. Doanh thu thuần cả năm 2022 tăng trưởng 153% đạt 70.578 tỷ đồng nhờ số lượng hành khách phục hồi.
Doanh thu thuần Q4/2022 tăng gấp đôi nhờ số lượng hành khách hồi phục
Doanh thu thuần Q4/2022 đạt 19.471 tỷ đồng (tăng 112% so với cùng kỳ) nhờ số lượng hành khách tăng mạnh:
- Số lượng hành khách của Vietnam Airlines (VNA, công ty mẹ của HVN) đạt 4,5 triệu lượt trong Q4/2022 so với 0,7 triệu lượt trong Q4/2021. Lưu ý, số lượng hành khách trong Q4/2021 giảm mạnh do làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19.
- Theo đó, doanh thu vận tải hành khách trong Q4/2022 của VNA đạt 12.097 tỷ đồng so với chỉ 1.684 tỷ đồng trong Q4/2021.
- Đối với vận tải hàng hóa, VNA đã vận chuyển 49.600 tấn hàng hóa trong Q4/2022, giảm 32% so với cùng kỳ do mức nền cao trong Q4/2021. Lưu ý, nhờ các biện pháp phong tỏa đã được nới lỏng kể từ đầu tháng 10/2021, sản lượng hàng hóa trong Q4/2021 đã tăng mạnh khi nhiều doanh nghiệp phải vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không để kịp thời giao hàng đúng hạn.
- Do sản lượng hàng hóa giảm so với cùng kỳ, doanh thu vận tải hàng hóa trong Q4/2022 giảm 59% so với cùng kỳ xuống 1.540 tỷ đồng.
- Doanh thu vận tải hành khách tăng bù đắp hoàn toàn cho doanh thu vận tải hàng hóa. Doanh thu vận tải trong Q4/2022 của HVN đạt 14.359 tỷ đồng (tăng 133% so với cùng kỳ). Cùng với doanh thu khác, bao gồm kinh doanh nhiên liệu máy bay cùng với các hoạt động hỗ trợ hàng không khác, tổng doanh thu của HVN đạt 19.471 tỷ đồng (tăng 112% so với cùng kỳ) trong Q4/2022.
Bảng 1: KQKD Q4/2022 và năm 2022, HVN
Trong năm 2022, doanh thu thuần tăng trưởng 153% đạt 70.578 tỷ đồng, nhờ số lượng hành khách phục hồi:
- Số lượng hành khách của VNA tăng trưởng gần gấp 3 lần đạt 18 triệu lượt (tăng trưởng 195%). Trong đó, số lượng hành khách quốc tế đạt khoảng 2,5 triệu lượt so với 0,08 triệu lượt trong năm 2021. Số lượng hành khách cải thiện mạnh theo từng quý, từ 0,12 triệu lượt trong Q1/2022 lên 1,1 triệu lượt trong Q4/2022 (vẫn thấp hơn 50% so với Q4/2019). Trong cả năm 2022, số lượng hành khách quốc tế của VNA thấp hơn 89% so với trước đại dịch.
- Trong khi đó, số lượng hành khách nội địa của VNA vẫn tăng mạnh trong Q4/2022, vượt 9% so với Q4/2019 đạt 3,4 triệu lượt. Số lượng hành khách nội địa trong cả năm 2022 đạt 15,6 triệu lượt (tăng trưởng 160%), cao hơn 13% so với mức trước đại dịch.
Lỗ gộp Q4 tăng do giá dầu tăng
Mặc dù doanh thu cải thiện, lỗ gộp trong Q4/2022 đạt 827 tỷ đồng, so với lỗ 634 tỷ đồng trong Q4/2021, chủ yếu do chi phí nhiên liệu tăng. Chúng tôi ước tính giá nhiên liệu máy bay bình quân của HVN trong Q4/2022 là khoảng 135 USD/thùng, tăng 53% so với cùng kỳ.
Mặc dù vận tải hàng không phục hồi mạnh nhờ nhu cầu nội địa tăng cao, tổng số hành khách trong Q4/2022 vẫn thấp hơn 18% so với mức trước đại dịch do số lượng hành khách quốc tế phục hồi chậm. Do mức độ cạnh tranh trong ngành hàng không vẫn ở mức cao và HVN không thể chuyển toàn bộ chi phí nhiên liệu gia tăng sang khách hàng, từ đó khiến lỗ gộp của HVN gia tăng.
Trong năm 2022, lỗ gộp giảm xuống 2.626 tỷ đồng so với lỗ 10.018 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ doanh thu cải thiện (tăng trưởng 153%) đạt 70.578 tỷ đồng.
Lỗ cốt lõi tăng so với cùng kỳ trong Q4/2022
Trong Q4/2022, lãi tài chính thuần đạt 297 tỷ đồng so với 12 tỷ đồng trong Q4/2021 nhờ đồng VND tăng giá. Trong Q4/2021, HVN ghi nhận khoản lãi 647 tỷ đồng từ thương vụ thoái 35% cổ phần tại Cambodia Angkor Air (K6). Nếu không bao gồm tất cả các khoản mục không thường xuyên, lỗ cốt lõi của HVN trong Q4/2022 là 2.969 tỷ đồng, so với lỗ 1.700 tỷ đồng trong Q4/2021, do giá dầu tăng.
Trong năm 2022, lỗ cốt lõi của HVN giảm xuống 8.959 tỷ đồng so với lỗ 14.011 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ số lượng hành khách phục hồi mạnh.
Khả năng hủy niêm yết trong năm 2023
Do cổ phiếu HVN không thể thoái vốn khỏi các công ty con trong năm 2022 để bù đắp các khoản lỗ cốt lõi, Công ty tiếp tục phải ghi nhận lỗ thuần trong năm 2022. Theo quy định của Việt Nam, các doanh nghiệp thua lỗ trong 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán chính. Do đó, HVN nhiều khả năng sẽ bị hủy niêm yết và chuyển sang sàn UpCom vào Q2/2023 sau khi BCTC kiểm toán được công bố. Theo chúng tôi, điều này có thể sẽ tác động tiêu cực lên tâm lý NĐT đối với giá cổ phiếu.
HSC đang xem xét lại dự báo, khuyến nghị và giá mục tiêu
Số lượng hành khách quốc tế trong Q4/2022 vẫn thấp hơn 50% so với trước đại dịch do khách du lịch Trung Quốc chưa trở lại do quốc gia này áp dụng chính sách ‘Zero-COVID’. Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa biên giới trở lại từ ngày 8/1/2023 nhưng tần suất các chuyến bay đến Trung Quốc vẫn ở mức thấp và sẽ cần thêm thời gian để du lịch Trung Quốc phục hồi trở lại mức bình thường.
Tuy nhiên, do nhu cầu bị dồn nén đang chờ được giải tỏa từ Trung Quốc, HSC kỳ vọng số lượng hành khách quốc tế sẽ phục hồi mạnh từ nửa cuối năm 2023 cho đến năm 2024. Chúng tôi hiện đang xem xét lại dự báo, khuyến nghị và giá mục tiêu.
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.