HUT: Đầu tư hạ tầng giao thông: dịch chuyển từ BOT sang PPP, BT và BOO
Đồ thị cổ phiếu HUT phiên giao dịch ngày 26/09/2016. Nguồn: Amibroker
Với việc lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp trong khi Chính phủ đang ra sức thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào hạ tầng giao thông, ngành phát triển hạ tầng, cầu đường, vv được đánh giá là một trong những nhóm ngành đầu tiên được hưởng lợi. Vừa qua, chuyên viên ngành của RongViet Research đã có buổi trao đổi với đại diện CTCP Tasco (HNX – HUT). Là một trong những nhà phát triển hạ tầng giao thông đường bộ lớn nhất miền Bắc cũng như cả nước, hoạt động kinh doanh của HUT thời gian gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, việc thị trường nhà ở Hà Nội tiếp tục ấm lên cũng hỗ trợ đáng kể cho các dự án BĐS của Công ty.
HUT hiện có 7 dự án BOT, trong đó đã có 4 trạm thu phí đã đi vào hoạt động, bao gồm: 1/ trạm QL10 qua Thái Bình (hoàn thành 2009), 2/ trạm QL21 qua Nam Định (hoàn thành 2009), 3/ trạm QL1A qua Quảng Bình (đưa vào từ tháng 6/2015) và 4/ trạm QL39B qua Thái Bình (đưa vào từ tháng 3/2016). 4 trạm thu phí này đem về doanh thu 370-400 tỷ/năm cho HUT. Bên cạnh đó, Công ty còn 3 dự án BOT cũng đang trong giai đoạn xây dựng gồm: 1/BOT QL10 qua Hải Phòng (dự kiến hoàn thành Q4/2017), 2/ BOT QL32 qua Phú Thọ (HUT giữ 30%, dự kiến hoàn thành Q1/2017) và 3/ BOT Đông Hưng qua Thái Bình (dự kiến hoàn thành Q3/2017). Như vậy, bên cạnh việc tăng mức phí thu theo lô trình với các trạm hiện tại, việc đồng loạt đưa vào hoạt đông hàng loạt trạm thu phí mới dự kiến sẽ đem lại mức gia tăng đáng kể về doanh thu từ mảng hoạt động này trong năm 2017. Chúng tôi ước tính, doanh thu từ BOT năm 2017 của HUT có thể đạt 800-900 tỷ đồng, tức tăng gấp đôi so với 2016.
Nhìn chung, hiệu quả của các dự án BOT đến từ việc hầu hết các trạm đều có lưu lượng xe cao hơn phương án tài chính ban đầu. Tuy nhiên, sau BOT QL10 Hải Phòng, nhiều khả năng HUT không tiếp tục tham gia lĩnh vực đầu tư BOT vì danh sách dự án kêu gọi đầu tư của Bộ GTVT hiện ít dự án có đủ lưu lượng. Mặt khác, từ khi có Luật Đấu thầu mới, các thủ tục pháp lý và xây dựng phương án tài chính cho các dự án BOT cũng được quy định chặt chẽ hơn. Thay vào đó, tận dụng năng lực thi công sẵn có, HUT sẽ dần chuyển sang khai thác các dự án BOO (xây dựng-vận hành- sở hữu) và BT (xây dựng-chuyển giao) theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. HUT hiện có 3 dự án BT đang xây dựng với vốn đầu tư gần 4000 tỷ đồng sẽ được quyết toán dần từ nay đến cuối năm 2016. Trong khi đó, hình thức đầu tư BOO tuy mới được Công ty triển khai từ cuối 2015 nhưng lại được đánh giá là còn nhiều tiềm năng phát triển.
Cuối năm 2015, Bộ GTVT đã giao cho liên doanh Tasco-BIDV triển khai dự án trạm thu phí không dừng (ETC) dưới hình thức BOO trên QL1 và QL14. Từ đầu năm đến nay, HUT đã xây thí điểm 3 trạm ETC tích hợp trạm cân xe cơ giới. Các trạm này đang trong quá trình đánh giá để triển khai trên diện rộng. Nếu hiệu quả, HUT có thể đảm nhận thêm 28 trạm nữa trong năm nay và 40 trạm trong năm 2017. Tiến độ thi công của tram ETC phụ thuộc nhìn chung chỉ 2-3 tháng với vốn đầu tư khoảng 20 tỷ/trạm. Với lộ trình chuyển đổi bắt buộc từ thu phí thủ công sang thu phí tự động, dự án này được đánh giá là có nhiều tiềm năng khai thác. Khi tất cả các trạm đã đi vào hoạt động, chúng tôi ước tính doanh thu phí dịch vụ của HUT vào khoảng 500-600 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này sẽ đòi hỏi HUT phải đầu tư hệ thống trung tâm dữ liệu với 1.500 tỷ cho giai đoạn 1 (28 trạm) và 3.000 tỷ cho giai đoạn 2 (40 trạm).
Đáng chú ý, HUT cũng cho biết khả năng tham gia đầu tư vào các dự án bệnh viện trên địa bàn Hà Nội theo hình thức PPP. Bước đầu, HUT sẽ tham gia vào dự án xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Mắt tại Hà Nội với VĐT 200 tỷ đồng và dự kiến bắt đầu hoạt động tháng 2/2017. Trong các dự án này, HUT có thể nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, đồng thời quản lý vấn đề xây dựng và tài chính trong khi việc vận hành sẽ do bệnh viện cơ sở 1 thực hiện.
Cập nhật về dự án Khu nhà ở Xuân Phương (Foresa Villa Xuân Phương), Công ty cho biết dự án đã hoàn thành hạ tầng từ quý 2 và đang xây dựng nhà thô để bàn giao cho khách hàng trong quý 3 và quý 4. Dự án Xuân Phương có diện tích 10,5ha gồm hơn 800 căn biệt thự và vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng, doanh thu dự kiến hơn 2.300 tỷ đồng. Đến nay, dự án kinh doanh được hơn 96% số biệt thự với giá bán trung bình 47-60 triệu/m2 (đất và nhà thô, có VAT). HUT đã bàn giao và ghi nhận 976 tỷ đồng đoanh thu từ dự án này trong 6 tháng đầu năm và con số dự kiến sẽ ghi nhận trong 2 quý cuối năm có đạt trên dưới 1.000 tỷ đồng.
Với việc bàn giao các căn biệt thự đã bán tại dự án Xuân Phương, chúng tôi ước tính HUT có thể ghi nhận khoảng 2.400 tỷ đồng doanh thu và 470 tỷ đồng LNST năm 2016. Với mức giá đóng cửa ngày hôm nay, HUT đang giao dịch với P/E trailing 7,1x và P/E forward 2016 là 4,4x. HUT hiện vẫn còn hơn 390 tỷ đồng TPCĐ. Chúng tôi ước tính với mức giá chuyển đổi 10.000-10.600 đồng/cp ảnh hưởng của việc chuyển đổi lên thị giá của HUT, nếu có, cũng không đáng kể.
Nguồn: RongViet Research