Sự kiện: Công bố BCTC Q2/NĐTC 2023-2024
HSG vừa công bố KQKD Q2/NĐTC 2023-2024. Chúng tôi đánh giá kết quả này rất tích cực với lợi nhuận thuần đạt 319 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ và 209% so với quý trước, và doanh thu thuần tăng mạnh 33% so với cùng kỳ đạt 9.248 tỷ đồng. KQKD này cao hơn 6% so với ước tính sơ bộ của BLĐ ở mức 300 tỷ đồng được công bố tại ĐHCĐ được tổ chức gần đây.
Trong kỳ, HSG ghi nhận lãi tỷ giá 124 tỷ đồng và trích lập dự phòng hàng tồn kho 107 tỷ đồng. Loại trừ các khoản này, lợi nhuận HĐKD cốt lõi ước tính đạt 288 tỷ đồng, chuyển biến mạnh mẽ từ khoản lỗ HĐKD cốt lõi 233 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái (và tăng 3,7 lần so với quý trước). Kết quả HĐKD cốt lõi tích cực chủ yếu là nhờ (1) nhu cầu cải thiện từ các thị trường xuất khẩu và (2) tỷ suất lợi nhuận tăng mạnh do công tác quản lý chi phí hiệu quả hơn và công suất hoạt động tại các nhà máy cao hơn.
Với kết quả này, lợi nhuận thuần 6 tháng đầu NĐTC 2023-2024 đạt 422 tỷ đồng, chuyển biến mạnh mẽ từ mức lỗ thuần 424 tỷ đồng trong 6 tháng đầu NĐTC 2022-2023 và đạt 49% dự báo lợi nhuận thuần cho cả NĐTC 2023-2024 của HSC ở mức 862 tỷ đồng (tăng 28,7 lần so với cùng kỳ).
Bảng 1: Tóm tắt KQKD Q2/2024 (năm tài chính kết thúc vào tháng 9), HSG
Doanh thu vững chắc nhờ nhu cầu xuất khẩu phục hồi
Doanh thu thuần Q2/NĐTC 2023-2024 đạt 9.248 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ và 2% so với quý trước) nhờ sản lượng tăng 48,7% so với cùng kỳ đạt 449.952 tấn (giảm 1,5% so với quý trước do yếu tố mùa vụ) và giá bán bình quân ước tính giảm 10,9% so với cùng kỳ xuống 20,6 triệu đồng/tấn (tăng 3,4% so với quý trước).
Tính theo thị trường tiêu thụ cuối, HSC dự báo sản lượng xuất khẩu đạt 265.237 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ, tăng 30,3% so với quý trước và chiếm 61% tổng sản lượng thép tiêu thụ của HSG trong kỳ. Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm Mỹ, Trung Quốc. EU và các nước ASEAN. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường trong nước còn yếu trong giai đoạn này, với sản lượng tiêu thụ ước tính đạt 172.715 tấn, chỉ tăng 3% so với cùng kỳ và giảm 29,7% so với quý trước. Mặc dù sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ trong nước được giải thích bởi yếu tố mùa vụ, nhưng HSC cho rằng mức tăng trưởng 3% so với cùng kỳ là khiêm tốn (Bảng 2).
Với KQKD Q2 này, doanh thu thuần trong 6 tháng đầu NĐTC 2023-2024 đạt 18.321 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và đạt 47,5% dự báo doanh thu thuần trong cả NĐTC 2023-2024 của HSC ở mức 38.588 tỷ đồng (tăng 21,9% so với cùng kỳ).
Tỷ suất lợi nhuận HĐKD cốt lõi cải thiện nhờ quản lý chi phí hiệu quả hơn
Trong kỳ, HSG đã trích lập dự phòng hàng tồn kho 107 tỷ đồng, cao hơn so với khoản hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho 466 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái và không ghi nhận doanh thu trong quý vừa qua. Nếu loại trừ các khoản mục này, tỷ suất lợi nhuận gộp HĐKD cốt lõi tăng mạnh lên 13,2% trong Q2/NĐTC 2023-2024, cao hơn so với mức 6,7% trong Q2/NĐTC 2022-2023 và 10,5% trong Q1/NĐTC 2023-2024, chủ yếu nhờ (1) sản lượng tiêu thụ tăng, dẫn đến công suất hoạt động các nhà máy tăng và (2) công tác quản lý chi phí hiệu quả hơn.
Dưới mức lợi nhuận gộp, chi phí bán hàng & quản lý tăng đáng kể 41,8% so với cùng kỳ và 8,8% so với quý trước lên 913 tỷ đồng do hoạt động xuất khẩu tăng mạnh (dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn). Do đó, tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng lên 9,9%, cao hơn so với mức 9,2% của Q2/NĐTC 2022-2023 và Q1/NĐTC 2023-2024.
Nhìn chung, lợi nhuận tài chính tăng mạnh lên 96 tỷ đồng so với lỗ tài chính lần lượt là 2 tỷ đồng và 6 tỷ đồng trong Q2/NĐTC 2022-2023 và Q1/NĐTC 2023-2024. Kết quả này có được là do: (1) chi phí lãi vay giảm 49,6% so với cùng kỳ xuống 28,8 tỷ đồng nhờ lãi suất thấp và (2) ghi nhận lãi ngoại hối 124 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ và 543% so với quý trước. Với tỷ trọng xuất khẩu cao, HSG hưởng lợi lớn nhờ đồng USD mạnh.
Những lưu ý liên quan đến bảng CĐKT
Tính đến cuối tháng 3, giá trị hàng tồn kho tăng mạnh lên 12 nghìn tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ và 49% so với quý trước) do có lịch giao hàng sớm hơn dự kiến đối với thép cuộn cán nóng (HRC). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trích lập dự phòng trong kỳ.
Chi phí hàng tồn kho tăng khiến nợ ngắn hạn tăng mạnh. Theo đó, nợ thuần tăng lên 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ và 94% so với quý trước, trong khi tỷ lệ nợ thuần/vốn CSH tăng lên 0,52 lần, cao hơn mức 0,27 lần của quý trước đó.
Xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu
Sau khi giá cổ phiếu giảm 15% trong 1 tháng qua, Cổ phiếu HSG đang giao dịch với P/E dự phóng NĐTC 2023-2024 và NĐTC 2024-2025 lần lượt là 13,9 lần và 10,3 lần. HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu đối với HSG.
Đáng chú ý, mặc dù lợi nhuận trong nửa đầu năm phù hợp với dự báo của chúng tôi nhưng chúng tôi ngày càng lo ngại về lượng hàng tồn kho và nợ ngắn hạn ngày càng tăng. HSC sẽ theo dõi sát các diễn biến liên quan đến các vấn đề này.
Bảng 2: Cơ cấu sản lượng tiêu thụ thép, HSG
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.