ĐHCĐBT của HSG tổ chức gần đây đã thông qua chủ trương triển khai đầu tư Khu liên hợp luyện cán thép. Sẽ phải mất vài năm để HSG tham gia vào thị trường thép xây dựng. Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan.
Đồ thị cổ phiếu HSG phiên giao dịch ngày 08/09/2016. Nguồn: AmiBroker
ĐHCĐBT của HSG đã thông qua chủ trương triển khai đầu tư Khu liên hợp luyện cán thép. Không có nhiều thông tin mới được công bố. Điểm nhấn ở đây là kế hoạch xây khu liên hợp công suất 6 triệu tấn từ nay đến 2022. Phân kỳ 1.1 của giai đoạn 1 sẽ dùng khoảng 80% vốn vay; nghĩa là vốn vay sẽ rất lớn. Công ty có lẽ sẽ cần đa dạng nguồn vốn đầu tư các giai đoạn tiếp theo. HSG từ lâu đã có tham vọng tham gia vào thị trường thép xây dựng nhưng điều này sẽ khiến mức độ cạnh tranh trở nên gay gắt do những doanh nghiệp hiện tại trong ngành như HPG và có lẽ là cả Formosa sẽ “không để yên”.
Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan. Giá cổ phiếu đã tăng 124% so với đầu năm và định giá không quá rẻ đối với một công ty thép. Triển vọng năm sau sẽ không được như năm nay với KQKD năm nay đạt rất ấn tượng nhờ những yếu tố không thường xuyên, và những nhân tố này sẽ không lặp lại trong năm sau. Do vậy NĐT mua vào theo triển vọng KQKD ngắn hạn có thể xem xét chốt lời.
HSG (Khả quan) đã tổ chức ĐHCĐBT gần đây để xin ý kiến cổ đông thông qua phân kỳ 1 của Giai đoạn 1 của dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Dưới đây là ghi nhận chính của chúng tôi tại Đại hội;
Phân kỳ 1.1 sẽ được hoàn thành vào giữa năm 2018 và sẽ đưa ra thị trường 1,5 triệu tấn thép xây dựng mỗi năm – Cổ đông của HSG đã thông qua kế hoạch đầu tư phân kỳ 1, Giai đoạn 1 của dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với tổng công suất 1,5 triệu tấn/năm; được xây dựng từ 2017 và đi vào hoạt động từ tháng 7/2018. Theo đó HSG sẽ tham gia vào thị trường thép xây dựng với tư cách là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của HPG với chi phí đầu tư là 500 triệu USD (11.150 tỷ đồng) trên diện tích là 240ha. Công ty sẽ sử dụng 80% vốn vay và 20% vốn tự có để đầu tư dự án này. Ngoài ra, dự án sẽ cần thêm 2.700 tỷ đồng vốn lưu động và HSG dự kiến sẽ dùng 90% vốn vay. Hiện Vietinbank đã đồng ý cho vay dự án này với tổng hạn mức là 500 triệu USD. HSG dự kiến IRR của dự án là 30%/năm và thời gian hoàn vốn là 5-6 năm cho giai đoạn này.
Hiện tổng sản lượng thép xây dựng tại Việt Nam năm nay là khoảng 7,9 triệu tấn (tăng 18%). Trong khi đó nhu cầu dự kiến là 7,8 triệu tấn (tăng 20%). Giả sử trong 3 năm tới cầu đối với thép xây dựng tăng với tốc độ CAGR là 13%, chúng tôi ước tính cầu của thị trường sẽ đạt 11,3 triệu tấn vào 2019. Như vậy có thể nói HSG mong muốn giành được khoảng 13,3% thị phần khi Giai đoạn 1 đi vào hoạt động.
Tổng công suất cuối cùng của Khu liên hợp luyện cán thép sẽ đạt đến 16 triệu tấn/năm; theo đó HSG sẽ trở thành doanh nghiệp thép lớn trong khu vực – Sau khi phân kỳ 1, Giai đoạn 1 hoạt động hiệu quả, công ty sẽ xin ý kiến cổ đông khởi công phân kỳ 2, Giai đoạn 1 để bổ sung công suất sản xuất HRC. Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận có tổng công suất là 16 triệu tấn/năm và tổng vốn đầu tư là 10,6 tỷ USD. Dự án sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào khoảng 2030. Tuy nhiên chúng tôi được biết trong tổng công suất 16 triệu tấn bao gồm nhiều loại thép như HRC, thép xây dựng, thép hình, tôn mạ và tôn màu. Trước mắt, chúng tôi chưa có thêm thông tin thông tin chi tiết về công suất từng sản phẩm; bao gồm cả sản phẩm cuối cùng. Đây cũng là thông tin quan trọng.
Khu liên hợp sẽ có nhiều sản phẩm vì HSG muốn xây dựng một chuỗi giá trị liên hợp – Dự án nằm trên diện tích đất 1.500ha tại Thuận Nam, Ninh Thuận. Khu liên hợp sẽ sản xuất HRC và thép dài dùng trong xây dựng. HSG có tham vọng xây dựng một chuỗi giá trị liên hợp từ đầu vào (quặng sắt, than…) đến thành phẩm (thép xây dựng, thép hình….) và sản phẩm khác chẳng hạn như xi măng và điện. Thị trường thép Việt Nam hiện phụ thuộc đáng kể vào thép nhập khẩu với lượng thép nhập khẩu 7 tháng đầu năm là 11,9 triệu tấn (theo VSA); tuy nhiên hầu hết sản phẩm nhập khẩu là để phục vụ nhu cầu HRC và thép hợp kim mà Việt Nam không thể sản xuất. Theo đó, với danh mục sản phẩm đa dạng gồm HRC, thép xây dựng, thép hình…, HSG có thể sẽ bù đắp một phần nào đó sự thiếu hụt nguồn cung trong nước. Ngoài ra HSG có thể xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Á và các nước khác.
Đến cuối 2022 HSG sẽ xây nhà máy với công suất 6 triệu tấn/năm – Trước mắt HSG sẽ xây nhà máy với tổng công suất là 6 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2017-2022; được chia làm 2 giai đoạn và mỗi giai đoạn là 3 năm. Nhà máy này sẽ đáp ứng khoảng 20% tổng nhu cầu thép thành phẩm vào cuối 2022 (theo mô hình dự báo nhu cầu dài hạn của HSC). Chúng tôi coi đây là mục tiêu khả thi trong trung hạn vì hiện HSG đang bị hạn chế về nguồn vốn và thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực thép xây dựng. Trong khi đó có thể coi mục tiêu đạt công suất 16 triệu tấn thép là mục tiêu dài hạn.
HSG cũng có kế hoạch xây dựng một cảng quốc tế quy mô lớn với diện tích 470ha tiếp nhận các tàu lớn với trọng tải lên tới 200.000 – 300.000 DWT. Cảng này sẽ được dùng làm bến nhập than, xuất thép. Dự án này yêu cầu vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, tuy nhiên sẽ được triển khai thông qua hình thức PPP, trong đó HSG đầu tư khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng và phần còn lại là vốn nhà nước. Quy mô của cảng này vượt xa những cảng hiện đang hoạt động tại Việt Nam. Hiện tại, cảng lớn nhất của Việt Nam là cảng Thị Vải – Cái Mép ở Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích 27ha, có thể tiếp nhập tàu với trọng tải là 160.000 DWT. Một lần nữa, quy mô của dự án cảng quốc tế này sẽ khiến các NĐT ngỡ ngàng. Tuy nhiên, nếu không xét đến năng lực của HSG, việc công bố hàng loạt các dự án khổng lồ như vậy sẽ dẫn đến rủi ro là gây hoài nghi giữa các NĐT. Chưa đề cập đến những lo ngại về yêu cầu vốn đầu tư khổng lồ cho các dự án này.
Kế hoạch phát triển một số dự án BĐS có thể sẽ chưa được ưu tiên – Đối với việc đầu tư BĐS, mặc dù HSG đã thông báo trước đó về việc đầu tư phát triển một số dự án du lịch và khu nghỉ dưỡng lớn tại Bình Định và Yên Bái, chúng tôi cho rằng đầu tư BĐS là chiến lược dài hạn của công ty với kỳ vọng sẽ có thể tận dụng các nguyên liệu đầu vào chủ chốt mà công ty tự sản xuất như thép, nhựa, xi măng cho quá trình phát triển mảng BĐS. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, công ty sẽ ưu tiên phát triển dự án Liên hợp luyện cán thép tại Ninh Thuận.
Cho năm 2016, HSG ước tính doanh thu thuần đạt 17.573 tỷ đồng (tăng trưởng 0,7%) và LNST đạt 1.350 tỷ đồng (tăng trưởng 106,7%). Tăng trưởng doanh thu nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 18,7% đạt 1,21 triệu tấn trong khi đó chúng tôi ước tính giá bán bình quân đã giảm 15,3% so với năm 2015. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận lần lượt cao hơn 23% và 104,5% so với kế hoạch cả năm của công ty và cao hơn một chút so với dự báo của chúng tôi.
Trong mô hình của mình, chúng tôi dự báo doanh thu thuần năm 2016 của HSG là 16.983 tỷ đồng (giảm 2,7% so với năm 2015) và LNST đạt 1.309,6 tỷ đồng (tăng trưởng 125,5%) dựa trên những giả định sau:
- Giả định tổng sản lượng tiêu thụ đạt 1.175.005 tấn (tăng trưởng 15,1%) trong khi đó giá bán bình quân dự báo là 14,55 triệu đồng/tấn (giảm 15% so với năm 2015)
- Tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2016 là 21,5% so với mức 14,8% trong năm 2015 và theo đó lợi nhuận gộp đạt 3.658 tỷ đồng (tăng trưởng 41,9%)
- Chi phí quản lý và bán hàng dự báo là 1.715,3 tỷ đồng (tăng 24,7% so với năm 2015) và chi phí này tăng theo sự gia tăng của sản lượng tiêu thụ.
- Chúng tôi cũng dự báo lỗ tài chính thuần sẽ giảm còn 265,9 tỷ đồng từ mức lỗ 393 tỷ đồng năm ngoái nhờ lỗ tỷ giá giảm.
Kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty cho năm 2017 không tương ứng – Cho năm sau, công ty đặt kế hoạch doanh thu là 21.490 tỷ đồng (tăng trưởng 22,3%) và LNST là 1.400 tỷ đồng (tăng trưởng 3,7%). Kế hoạch của công ty dựa trên ước tính sản lượng tiêu thụ đạt 1,5 triệu tấn thành phẩm với một số dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động trong năm 2017 bao gồm dây chuyền mạ kẽm và mạ màu tại Bình Định, dây chuyền ống thép và ống nhựa tại Hà Nam, dây chuyền sản xuất CRC tại nhà máy Nghệ An.
Cho năm 2017, chúng tôi dự báo LNST tăng trưởng 5,2% – HSC dự báo cho năm 2017, doanh thu thuần của HSG đạt 20.227 tỷ đồng (tăng trưởng 19,1%) nhờ bổ sung công suất mới tại khu vực miền Trung và phía Bắc và giả định giá bán bình quân phục hồi. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm còn 19,9% từ mức 21,5% trong năm 2016 do không còn các khoản lãi liên quan đến tồn kho nguyên liệu chi phí thấp. Do đó, HSC dự báo LNST sẽ đạt 1.369 tỷ đồng (tăng trưởng 5,2%). Giả định không có thay đổi về tổng số cổ phiếu đang lưu hành, EPS 2016 sẽ là 6.479đ/cp và theo đó P/E dự phóng 2017 sẽ là 6,8 lần.
Quan điểm đầu tư – Giá cổ phiếu HSG đã tăng 124% so với đầu năm nhờ những yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu ngắn hạn như thuế chống bán phá giá, khả năng được thêm vào một hoặc hai chỉ số ETF và KQKD tốt. Định giá không đắt với P/E dự phóng 2016 là 7,1 lần, tuy nhiên cũng không quá rẻ đối với công ty thép. Và cũng nên lưu ý đến các yếu tố ngắn hạn giúp tỷ suất lợi nhuận gộp tăng mạnh với chi phí đầu vào thấp. Từ năm sau, dự báo tỷ suất lợi nhuận sẽ bắt đầu trở về mức thông thường do từ Q2 trở đi sẽ không còn những tác động ngắn hạn từ tồn kho chi phí thấp nữa. Đồng thời với những rủi ro liên quan đến dự án mở rộng tham vọng và triển vọng tăng trưởng khiêm tốn cho năm 2017, chúng tôi khuyến nghị NĐT nắm giữ cổ phiếu cân nhắc giảm mức sở hữu trong ngắn đến trung hạn. Tuy nhiên, đối với các NĐT dài hạn, chúng tôi vẫn tiếp tục đánh giá Khả quan đối với cổ phiếu này.
Nguồn: HSC