CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Cổ phiếu HSG) mới đây đã đưa ra thông báo về việc lấy ý kiến của cổ đông bằng văn bản trong tháng 4. Theo đó, HSG dự định phát hành cổ phiếu để thu về từ 500 – 1.000 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động. Trong khi thị giá cổ phiếu đang ở mức dưới 10.000 đồng và chuẩn bị chia thưởng 10% trong tháng 4, HSG sẽ cần đáp ứng nhiều điều kiện để phát hành cổ phiếu tại mệnh giá. RongViet Research cho rằng cơ hội ngắn-trung hạn cho các nhà đầu tư có thể xuất hiện trong tình huống nội tại doanh nghiệp đang có những xoay chuyển tương đối mạnh mẽ.
Đồ thị cổ phiếu HSG phiên giao dịch ngày 07/03/2019. Nguồn: AmiBroker
Thứ nhất, HSG cần cho thấy doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ Q2/NĐTC2017-2018 KQKD của HSG bắt đầu xuống dốc, lỗ sau thuế trong Q4/NĐTC2017-2018 và tiếp tục lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trong Q1/NĐTC2018-2019. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do giá thép giảm mạnh trong khi lượng hàng tồn kho ở mức cao. Mặc dù đã giảm tồn kho đáng kể, HSG vẫn sẽ cần giảm tích trữ nguyên vật liệu về mức thấp nhất để giảm chi phí tài chính do nợ vay và tránh biến động giá thép cán nóng ảnh hưởng lên biên lợi nhuận. Tại ĐHCĐ, lãnh đạo HSG cho biết 50% lợi nhuận đến từ đầu cơ nguyên liệu, tuy nhiên hoạt động này cần tiết chế lại để không bào mòn lợi nhuận đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh thuần.
Giá thép cán nóng tăng trở lại từ đầu năm 2019 là điều kiện thuận lợi để HSG cũng như các doanh nghiệp ngành tôn thép “lấy lại những gì đã mất”. HSG được kỳ vọng có thể xoá lỗ Q1 để tiến tới đạt mục tiêu LNST 500 tỷ trong niên độ tài chính này.
Để cải thiện kết quả kinh doanh, HSG có thể phải đẩy mạnh cắt giảm chi phí. Chúng tôi cho rằng điều này là cần thiết trong điều kiện cạnh tranh gay gắt tại thị trường tôn mạ nội địa. Khi HSG dừng việc mở rộng công suất, tăng trưởng doanh thu không còn là động lực chính để tăng trưởng lợi nhuận, sắp xếp lại hệ thống phân phối và tinh gọn bộ máy quản lý là hướng đi mà doanh nghiệp chọn để cải thiện biên lợi nhuận. Những kết quả ban đầu được thể hiện ở chỉ tiêu tổng chi phí quản lý bán hàng của HSG Q1/NĐTC2018-2019 giảm 13% so với cùng kỳ, trong đó chi phí quản lý giảm hơn một nửa (từ 210 tỷ còn 103 tỷ).
Quan trọng nhất, để phát hành thành công cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược- những người song hành với doanh nghiệp trong dài hạn, HSG cần tạo niềm tin vào quản trị doanh nghiệp (corporate governance). Cụ thể, khoản giao dịch với các bên liên quan lớn, như khoản Bán hàng hoá hơn 6.700 tỷ đồng và Mua hàng hoá hơn 2.100 tỷ đồng với Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen trong NĐTC 2018-2019 tiềm tàng rủi ro đối với lợi nhuận của HSG. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay và là một trong những điều cổ đông công ty mẹ Hoa Sen quan tâm nhất khi nắm giữ cổ phiếu, thậm chí có thể là mối quan tâm hàng đầu khi các cổ đông ra quyết định góp vốn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong dài hạn. Đối với vấn đề này, doanh nghiệp cho biết đang tiến hành nhận chuyển nhượng các chi nhánh bán lẻ được sở hữu bởi Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen. Theo đó, khi hoàn thành chuyển nhượng toàn bộ hơn 200 chi nhánh và dừng mua hàng hoá từ bên liên quan này, mô hình kinh doanhcủa HSG được kỳ vọng có cải thiện nhất định về sự minh bạch trên báo cáo tài chính.
Cổ phiếu HSG đang được giao dịch ở mức P/E forward 7,4x và mức P/B 0,7x.
Nguồn: VDSC